Phượt miền sông nước
Những ngày cuối tuần vừa qua, từng đoàn xe máy của các bạn trẻ nối đuôi nhau chạy về miền Tây. Nguyễn Anh Linh, nhân viên văn phòng một công ty mỹ phẩm ở TPHCM cho biết: “Các tỉnh thành miền Tây nằm san sát nhau, đi xe máy sẽ tiện dừng chân bất cứ nơi nào mình thích.
Vừa rồi nhóm bạn cũ đại học tụi mình làm chuyến phượt du xuân với tổng đường dài hơn 800km cả đi cả về trong 5 ngày. Tổng kinh phí ăn ở, xăng xe và các khoản dịch vụ trên đường hết hơn 1 triệu/người. Vừa vui vừa có thể đặt chân đến bất cứ đâu mình thích thay vì đi tour phải tuân theo lập trình”.
Theo Linh, nhóm đi càng đông người càng an toàn, giảm chi phí. “Dân phượt lâu năm, thông thuộc địa hình, tính cách con người miền Tây có thể xin tá túc lại trong nhà dân, trên ghe tàu hoặc các cù lao.
Buổi tối ngồi lai rai xị rượu với một vài anh Hai, anh Ba nơi mình ở nhờ giữa mênh mông sông nước, nghe họ chuyện trò cuộc sống, làm ăn thật là một trải nghiệm quý giá. Sự chân tình và hiếu khách là điểm vô cùng đáng yêu của con người nơi đây”, Hồ Hải Long, quê ở miền Bắc, sống tại TPHCM cho biết.
Bến Tre là địa điểm thu hút khá đông các bạn trẻ đổ về vì cách TPHCM 80km, có nhiều địa điểm, đặc sản để khám phá. “Về Bến Tre đã nhất là ghé thăm các cù lao giữa sông. Tàu tại đây đi đến từng cồn, cù lao với giá vé cố định 20.000 đồng/người. Trên cù lao, bạn có thể bắt cá, nướng ăn ngay tại chỗ, hái trái cây tùy thích trong vườn với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/người”, Nguyễn Thị Duyên, một dân phượt chia sẻ.
“Du xuân về miền Tây luôn tạo cho con người cảm giác phấn khởi, vui tươi. Sau tuần làm việc đầu năm, chúng tôi dành hai ngày cuối tuần lênh đênh sông nước”, Nguyễn Thị Tú Anh, sinh viên trường ĐH KHXH & NV TPHCM khoe. Nhóm 30 người của Tú Anh lên kế hoạch thuê đò đi dọc theo các con sông, qua những địa điểm du lịch.
“Một chiếc đò chở khách chạy phía trước, chiếc thứ hai chở thức ăn, nước uống, hành lý và người phục vụ chạy phía sau.
Khách có thể tự do ngắm cảnh, yêu cầu ghé vào các cù lao, vườn trái cây, các nhà bè nuôi cá lồng để thăm người dân sinh sống hai bên bờ sông. Đến giờ ăn, thuyền hậu cần sẽ cập đuôi thuyền khách, các món ăn đặc sản miền sông nước được chuyển lên.
Thú vị hơn, những anh Hai, chị Hai vừa là những người nấu món ăn bản địa đặc sắc, kiêm hướng dẫn viên du lịch tận tình, vừa là ca sĩ nghiệp dư sẵn sàng hò hoặc ca vọng cổ ngay khi khách yêu cầu”, Huỳnh Phước Anh, SV ĐH Giao thông vận tải hồ hởi kể.
- Theo Lê Quang Minh (Tienphong), internet
0 nhận xét: