Rượu và cái Tết của người Mông ở Mù Cang Chải

Tôi đến Mù Cang Chải vào một ngày đầu tháng Chạp, khi mùa xuân vẫn đang ngủ kín dưới những lớp ruộng bậc thang xám ngắt một màu đất cũ. 

< Giữa trưa, nhưng ở trên Trống Páo Sang trời vẫn mịt mù sương khói. Cái vẻ yên bình vùng cao khiến cho bất kỳ "người thành thị" nào lên đây cũng không còn muốn về xuôi.

Vượt qua "đèo mây" Khau Phạ, Mù Cang Chải hiện ra duyên dáng như cô gái Mông ngày hội, e ấp làm duyên trong màn sương dày đặc của núi rừng Tây Bắc. Không có những con sóng lúa vàng ươm như kéo từ trên trời xuống vào ngày mùa tháng chín, tháng mười, Mù Cang Chải mùa này lại rộn ràng đón Tết người Mông.

< Đặc sản của Mù Cang Chải là sương mù. Cứ mỗi chiều hoặc vào sáng sớm, sương mù chạy lên chạy xuống khắp bản. Người và sương, sương và người hòa quyện với nhau trong một khung cảnh hoang sơ chẳng khác nào xứ tiên. Mà thực ra ở trên núi cao như thế này, người ta không biết nên gọi cái "mờ mờ trắng trắng" này là sương mù hay mây núi cho chính xác. Chỉ biết chắc rằng, đó là thứ gia vị không thể thiếu cho nỗi nhớ của bất kỳ ai đã từng lên đây.

Ngồi trên chiếc xem khách cũ kỹ chạy từ thị trấn đến ngã ba Kim, những giỏ hàng lỉnh kỉnh chất đầy xe từ chợ huyện về, những khuôn mặt cười nói tíu tít thứ ngôn ngữ mà tôi chỉ có thể cảm nhận được bằng âm điệu, báo hiệu mùa xuân của người Mông đã đến.

< Con đường đất đi lên bản, chỉ có thể dùng các loại xe "chuyên dụng vùng cao" như chiếc Win TQ của đồng bào này.

Cái Tết của người Mông diễn ra khi mùa xuân của miền xuôi còn chưa tới. Theo tục lệ, người Mông ăn Tết từ ngày mùng một đến ngày 15 tháng Chạp (âm lịch). Đến Tết, người Mông rất ít khi đi ra khỏi bản, trừ khi có việc thật gấp. Vậy nên trong những ngày này ở phố núi Mù Cang Chải, nơi có 90% dân số là người Mông, đường xá trở nên vắng vẻ hơn rất nhiều.

Những người bán hàng ở chợ bảo, những ngày sắp đến Tết thì người Mông ra đây mua bán, trao đổi nhiều lắm, chật ních là người, có khi còn chật hơn cả đường phố dưới Hà Nội.

Nhưng những ngày sau thì lại chẳng có ai, họa hoằn lắm mới có đôi người mang gà, rau cỏ, chim rừng đi bán để lấy tiền tiêu tiếp cho...15 ngày Tết.

Tết trên đỉnh núi

Muốn biết Tết của người Mông như thế nào thì đương nhiên phải vào bản của người Mông.
Nghe theo lời khuyên của một anh Xá, người Mông chính cống, hiện đang làm công an tại Than Uyên (Lai Châu), tôi đặt quyết tâm là phải vào xã La Pán Tẩn ở Mù Cang Chải cho bằng được, nơi anh giới thiệu là "còn giữ được bản sắc của dân tộc mình lắm."

Xã La Pán Tẩn nằm cách thị trấn Mù Cang Chải tầm 26km, muốn đến phải đi xe dọc quốc lộ 32 nằm cheo leo ngang sườn núi đến ngã ba Kim, rồi từ đó lại ngoặt vào thêm tầm 7km đường núi nữa thì mới vào được trung tâm xã.

< Hai đứa bé Mông cười khúc khích khi thấy người lạ đi vào bản. Dù đời sống còn khó khăn, hiếm khi nào thấy những gương mặt hồn nhiên như thế này không có nụ cười trên môi.

Dẫu đường đã được trải bê tông, nhưng vừa hẹp lại vừa dốc, ô tô loại vừa vừa là chịu chết, còn xe máy thì chỉ có thể dùng các em "chuyên dụng vùng cao" như Win, Minsk thì mới kéo qua được mấy con dốc thẳng đứng ở đây.

Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy trung tâm xã có độc mỗi cái nhà ủy ban, còn xung quanh chỉ lèo tèo mấy cửa hàng bán đồ tạp hóa, chứ không tập trung dân cư đông đúc như ở các "trung tâm"khác.
"Chỗ này thấp quá, người Mông không thích ở đâu," Anh Nguyễn Thanh Bình, công an xã La Pán Tẩn, cười. "muốn thăm người Mông "xịn" thì phải trèo lên núi kia."

Cái "bản núi" mà anh Bình đưa tôi lên thăm có cái tên rất lạ-Trống Páo Sang. Nó chỉ cách ủy ban xã tầm 2km, nhưng để đi bộ thì cũng phải mất gần một tiếng đồng hồ mới đến nơi, bởi đường dốc quá. Đã dốc lại còn cheo leo: một bên là vách đá, một bên là vực, chỉ toàn những khúc cua gập khuỷu tay mà không có rào chắn bảo vệ.

Con đường này làm tôi sực nhớ ra chuyện vui của một đồng bào vùng cao đi thi lấy bằng lái xe máy.
Đến phần thực hành đi vòng số tám, bác này tắt máy rồi nhảy xuống dắt bộ. Giám sát viên ngạc nhiên quá chạy lại hỏi tại sao, bác mới trả lời là "ở trên nhà tao đoạn nào khó tao toàn làm thế!". Đến đây mới thấy chuyện nói để cho vui thôi nhưng mà rất thật.

Bê tông hóa đến chỗ này thì dừng, chỉ còn lại đường đẩ gồ gề toàn bụi là bụi, cứ mỗi khi gió thổi hoặc xe máy của đồng bào đi qua thì y như rằng quần áo, mặt mày, tóc tai của người đi đường ai nấy đều vàng ệch như bị đổ phấn vôi từ trên đỉnh đầu xuống.

Anh Bình bảo chính quyền cũng thuyết phục người dân xuống vùng thấp hơn để sống cho dễ dàng, nhưng họ không chịu. Có đợt nhà nước cho mỗi gia đình chịu di dời một con trâu để họ xuống núi, nhưng do không biết chăm sóc nên trâu chết, cả nhà mổ thịt đi bán rồi lại...trèo về núi.

Chuyện xưa-nay bên bếp lửa

Ngôi nhà đầu tiên mà tôi vào thăm là nhà của ông Lý Chồng Di, phó chủ tịch xã La Pán Tẩn.
Đến đúng vào giờ ăn trưa, ông Di mời luôn tôi vào dùng bữa cơm Tết thân mật của người Mông. Gọi là giữa trưa, nhưng bên ngoài sương vẫn phủ mờ tịt lên khắp bản làng. Trời miền núi rét căm căm, không có gì hay bằng ngồi bên bếp lửa nghe các cụ cao niên rầm rì kể chuyện.

Tay rót rượu mời khách, ông Di tâm sự rằng cái Tết năm nay của người Mông khấm khá hơn một chút so với năm ngoái. "Ở đây chủ yếu là trồng thóc, trồng lúa, năm nào không mất mùa thì ăn Tết sẽ vui,". Năm nay Trống Páo Sang không phải là được mùa, nhưng cũng không mất mùa. Nhà nào có trồng thêm cây thảo quả nữa thì tiền bạc có dư dả hơn để sắm Tết.

Ông Di bảo, dẫu bây giờ cuộc sống hiện đại hơn nhiều rồi, người Mông ở đây vẫn không quên cái Tết của dân tộc mình. Tết không chỉ là dịp để những người tha hương trở về quê cũ đoàn tụ với gia đình, mà còn là lúc người Mông đuổi tà ma, xui xẻo, muộn phiền năm cũ đi, và hi vọng vào một năm mới đời sống sung túc hơn.

Với trai gái tuổi cập kê, Tết cũng là dịp để yêu đương, và rồi kết nên duyên vợ chồng. Khác với người dưới xuôi thường làm đám cưới vào cuối năm, người Mông chỉ lấy vợ lấy chồng vào dịp Tết.

Với người Mông, phụ nữ có quyền lựa chọn người chồng tương lai của mình. Con trai sẽ kéo nhau đến sân nhà con gái để tìm hiểu, cô thích chàng nào thì sẽ ném pao cho chàng đó. Thế nên mới có câu

" Em ném pao, anh không bắt
Anh không yêu, quả pao rơi rồi
Anh chọn người nào, anh bắt pao nào..."

Sauk hi bắt pao, người con trai sẽ kéo cô gái về nhà mình, tục của người Mông gọi là "cướp vợ." Tuy "cướp", nhưng cả "thủ phạm" lẫn "nạn nhân" đều bằng mặt bằng lòng với nhau. Sau đó hai gia đình sẽ làm thủ tục để hợp thức hóa đời sống vợ chồng cho đôi lứa.

Đất trời nghiêng ngả hơi men...

< Những đứa trẻ Mông vừa ngại vừa thích gặp những người lạ từ miền xuôi lên. Hỏi các em thích nhất là được quà gì, các em nói chỉ ước có thật nhiều quần áo ấm để mặc.

Không biết có phải vì sống ở trên miền giá rét quá hay không, mà người Mông rất thích uống rượu.
Mùa xuân của người Mông đến trên đôi má thiếu nữ hây hây ửng hồng hơi rượu, và trên dáng đi ngật ngưỡng của những chàng trai trẻ chơi xuân choáng hơi men. Đất trời dày đặc sương mù nhấp nhô trên thửa ruộng bậc thang, là đà bám trên những mái nhà gỗ, những cành mận rừng chớm nở đỏ thắm, như cũng say thứ rượu thóc trứ danh của người Mông ở La Pán Tẩn.

Anh Hừa, một người ở bản Trống Páo Sang, khẳng định như đinh đóng cột rằng một gia đình người Mông phải uống ít nhất...20 lít rượu trong dịp Tết.

Tính sơ sơ cho người lớn, mỗi ngày hết tầm hai lít. Mà rượu thóc La Pán Tẩn có phải là nhẹ nhàng gì cho cam, ngậm trong miệng thấy nóng ran như ngậm dầu sôi, rượu trôi đến đâu thì ngấm đến đấy. Mỗi khi bếp lịm dần, hất một bát rượu vào thì lửa lại bừng bừng bốc lên như làm phép.

Rượu thì nhà ai cũng nhiều, nhưng khách phải quý lắm thì người Mông mới mời uống. Mà đã uống thì phải uống bằng bát, uống cho bằng hết rượu trong nhà thì thôi. Chủ nhà "chào cỗ" với khách bằng hai bát rượu, khách cũng pphải đáp lễ bằng hai bát. Uống xong mặt cười phơ lớ, rồi bắt tay nhau, rồi lại uống tiếp. Uống cho say đến độ không biết gì nữa, rồi cả chủ lẫn khách ôm nhau nằm ngủ dưới sàn đất trải rơm. Khách quý của người Mông thì phải như thế.

Được cái rượu người Mông uống say không bao giờ bị đau đầu như thứ rượu Vodka hay cuốc lủi pha thuốc sâu ở dưới xuôi. Đêm uống say sáng ra người tỉnh táo như vừa trải qua một giấc ngủ đã đời. Rượu thóc La Pán Tẩn ngon nổi tiếng đến nỗi hàng năm Tết đến, nhiều người ở dưới Hà Nội kì công phóng cả ô tô lên mua vài chục lít về vừa uống vừa đi tặng. Giá một lít chỉ vào khoảng 30 nghìn đồng, không nhiều, nhưng cũng là một nguồn tăng thu nhập cho người La Pán Tẩn.

Ở đây còn có chuyện thanh niên uống rượu say quá, không đi nổi về nhà, khiến cả bản nhốn nháo đốt đuốc đi tìm cả đêm. Tìm mãi không thấy, tưởng đã rơi xuống vực rồi, thì sáng hôm sau lại thấy anh này lồm cồm bò dậy từ một bụi cây ven đường.


< Dân bản Trống Páo Sang tập trung ở nhà văn hóa để giao lưu và nhận quà Tết từ miền xuôi lên.

"Ngày xưa thì nhiều chuyện thế này lắm, nhưng bây giờ thì bớt đi rồi," Ông Lý Chồng Di cười cho biết.

Thời đại bây giờ giao thông thuận tiện, đi xuôi về ngược dễ dàng hơn trước rất nhiều. "Hà Nội thì tao chưa xuống, nhưng Nghĩa Lộ (Yên Bái) với thị xã (Yên Bái) thì đến rồi, tao không thích, đông quá, ồn ào quá, không bằng cái bản của mình," Anh Hừa làm một ngụm rượu rồi nói.

< Những cô thiếu nữ Mông đang tập ném pao cho nhau để chuẩn bị kén chồng. Khi thấy phóng viên chụp ảnh, một cô ném luôn quả pao cho tôi. Đáng tiếc là do không luyện tập, quả pao rơi mất, không thì có lẽ tôi đã làm...rể người Mông ở Trống Páo Sang.

Ông Di bảo, người Mông lo cho cái bản sắc của mình lắm, nên mấy cái tục từ ngày xửa ngày xưa như cướp vợ, chơi ném pao, ném còn, chơi tù lu (con quay ở dưới xuôi), và mời thầy mo,thầy cúng vẫn được người Mông cố gắng lưu truyền.
"Mấy cái đó bỏ đi thì mình mất gốc, còn gì là người Mông nữa," Ông Di cười.

- Theo Tuanvietnam, internet