Sống với sóng

Lý Sơn tôi chợt nghiệm ra một điều. Thiên nhiên – trong đó có cả biển, bao giờ cũng hành xử công bằng. Có thể lấy đi tất cả, nhưng cũng lại hào phóng dâng tặng những hương vị nồng nàn vốn có, nếu như ta tâm huyết với nó!

Sau khoảng gần 1 giờ bồng bềnh trên những con sóng giữa làn nước bát ngát xanh, chuyến tầu cao tốc từ cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) đưa chúng tôi đến với huyện đảo Lý Sơn.

Tàu vừa kéo còi cập bến, mới chỉ nhìn nhọ mặt người đang vẫy tay trên đảo tất cả chúng tôi như biến thành những con người khác. Cơn mệt mỏi vì say sóng vụt tan biến. Ai cũng háo hức với những bước chân đầu tiên trên mảnh đất đầy sóng gió. Giữ đại dương mênh mông xanh biếc, Lý Sơn nổi lên với những vòm cây xanh của sự sống. Nhìn kỹ còn có cả cổng chào, băng khẩu hiệu, cờ bay phấp phới.

Ngồi trên thuyền, nhìn xuống đáy biển mà reo lên như trẻ nhỏ. Qua làn nước trong như pha lê, cả một thế giới thủy cung hiện ra rõ mồn một như một thước phim màu. Những chú cá to, nhỏ màu sắc khác nhau lao vun vút. Những chú tôm mực kềnh càng, rồi ốc cừ la liệt như nằm ngủ…

Tàu cập bến. Người dân huyện ùa ra đón đoàn. Dưới nắng trưa chói chang, những nụ cười lóa nắng nở trên những gương mặt nâu đen sạm đang dãn ra vì niềm vui. Họ nồng nhiệt giành mang giúp chúng tôi hành lý về nơi nghỉ đã chờ sẵn.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn có dáng người roi rói, tác phong điềm đạm nho nhã nhưng vẫn có phần quyết liệt. Chắc dáng vóc dáng này từ ngày xưa vẫn thế - chả hiểu sao tôi lại nghĩ thế. Anh không tâm sự nhiều về thế mạnh của đảo mà chỉ buồn về tình hình trật tự an toàn xã hội của đảo. Hóa ra từ đầu năm đến giờ trên đảo tăng những 6 vụ so với năm ngoái. Tôi hoảng. Rồi bật cười khi biết 6 tháng năm 2010 còn không xảy ra vụ nào. Chủ tịch huyện Lý Sơn thì vẫn dí dủm: “đấy, diện tích đảo chỉ có thế (vỏn vẹn 10km2), mời nhà báo cứ đi thực tế tìm hiểu”.

Những bước chân đầu tiên bao giờ cũng thế, luôn mang lại những cảm giác mới lạ. Đi về hướng nào cũng vậy, chỉ một lát lại thấy biển. Mỗi bước chân đặt trên đất ông bà đều cháy bỏng ý thức hy sinh vô bờ bến vì sự nghiệp giữ gìn biên cương và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ nước Đại Việt kể từ khi người Việt định cư ở phủ Tư Nghĩa, nay là tỉnh Quảng Ngãi. Dưới thời các chúa Nguyễn quần đảo Hoàng Sa trực thuộc quản lý hành chính của Thừa tuyên Quảng Nam - dưới danh nghĩa nhà Lê; về sau thuộc phủ Quảng Nghĩa.

Đầu thế kỷ XVII các bậc tiền hiền hai xã An Vĩnh và An Hải, ở phía bắc cửa Sa Kỳ, đưa dân di cư ra Cù Lao Ré khai canh hai phường An Vĩnh và An Hải. Có lẽ thế mà biên chế của đội Hoàng Sa chủ yếu được tuyển chọn ở đây, các chúa Nguyễn, vua Nguyễn chọn Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) làm điểm xuất phát của đội Hoàng Sa là hợp lý nhất.

Chưa thấy hòn đảo nào mà mật độ di tích lịch sử, văn hóa đậm đặc như ở Lý Sơn. Đó là Âm Linh Tự với bia “Chiến sĩ trận vong” là nơi thờ tự những người lính ngày trước đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa.

Là đình An Vĩnh là điểm xuất phát của Đội Hoàng Sa. Ngoài ra còn có đình An Vĩnh và An Hải, ngoài việc làm nơi thờ cúng của cư dân trên đảo, hai ngôi đền này, với kiểu kiến trúc độc đáo của nó, còn là nơi gặp gỡ của nhiều nền văn hóa qua cách chạm khắc vừa Chăm, vừa Việt. Rồi chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, miếu bà Chúa Ngọc... Ông cha ta quả dày công và rất mực khôn ngoan khi cắm trải đậm đặc những di tích cổ truyền ở rẻo đất này.

Trong gần ba thế kỷ, hòn đảo nhỏ giữa đại dương đã dâng hiến nhiều trai tráng của mình cho các suất đội Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Chiều. Cũng là lúc tình cờ mà tôi gặp Phạm Văn Thắm, một thanh niên gốc mấy đời ở Lý Sơn. Cuộc đời có nhiều điều thật ngộ.

Thắm biết tất cả mọi thứ về Lý Sơn nhưng lại không biết… bơi - cái điều mà dân biển đương nhiên phải biết. Hóa ra anh đã có thời gian dài về TP HCM học công nghệ thông tin rồi quay lại đảo để mạnh dạn mở một quán Internet. Nguồn điện phải chạy bằng máy phát điện. Anh tâm sự:
- Bươn chải mãi, giờ mới thấy chẳng đâu bằng quê nhà – no đói đều trông vào mẹ biển.

Tôi hiểu nỗi niềm anh. Bởi chả đâu xa, các cụ nhà anh cũng là những người tham gia vào đội dân binh Hoàng Sa ngày nào. Họ ra biển bảo vệ chủ quyền để lại trên bờ ngôi mộ gió và cả sự ngưỡng mộ vô cùng với đời sau. Thế mới có những câu ca bi tráng: Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về; Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây… Và chắc hẳn như thế rồi – đời nối đời – dân Lý Sơn kiên trung bám đất bám biển. Không chỉ vì miếng cơm manh áo đời mình mà còn vì cơ nghiệp tổ tông và chủ quyền đất nước.

Sau buổi nhậu đêm từ nhà Thắm về biết là muộn những tôi vẫn xin phép được đi bộ về nơi ngủ. Những bước chân vô định, lần theo con đường ngả nghiêng trong gió biển mặn mòi. Mùa này biển như sáng hơn và trời như cao hơn. Thi thoảng lại gặp một chú cua từ biển lên nghênh ngang bò. Thiên nhiên quả thực đã ưu ái cho Lý Sơn. Thế mới hiểu, tại sao cái đảo bé nhỏ Lý Sơn với diện tích chỉ non 10 km vuông mà vòng tay ôm trọn gần 21 ngàn người.

 ************

Mới sáng ra mà nắng đã chói chang. Cả khu vực cầu cảng mặn mòi mùi tôm cá và ngào ngạt hương vị biển trong cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền. Mọi người xúm lại gỡ lưới. Cá mắt đen nhánh. Tôm thuyền mắt như ngọc bích, hai hàng chân khua khua như mái chèo. Ghẹ vẫn dựng đứng hai mắt, cẳng khua lạo rao.

Vừa rảo tay gỡ lưới một ngư dân trẻ vừa tiếp chuyện tôi. Tôi không nghĩ dân biển hay chuyện đến thế. Mãi sau mới hiểu chả là đêm canh lưới giữa biển khơi chỉ mong người tiếp chuyện. Những đêm ở ngoài khơi không có sóng mà chỉ yên ả, lặng phắt. Cả đêm ngồi như thế. Có lấy một lần di động reo thì mừng quá – hóa ra lại là cuộc gọi lỡ. Sóng điện thoại ra tận đấy ư? Tôi hỏi mà không ngờ người tự hào lại chính là anh dân bản địa: “Chứ còn sao nữa!”.

Bên cạnh hành tỏi, nhờ biển mà những người con làng vạn chài Lý Sơn lớn lên những biển cũng rất nghiệt ngã và bạc bẽo… những người đàn ông làng chài, sống chết cũng chẳng biết đâu mà lường. Nhiều người đã bỏ mạng ngoài biển cả vì lốc xoáy. Ngay đầu năm nay thôi, tàu do ông Lê Minh Tân (thôn Đông – xã An Vĩnh) cùng 6 ngư dân đi khai thác rau chân vịt tại vùng biển Hoàng Sa đã mất tích do biển động. Giờ lại thêm nỗi lo “tàu lạ”.

Cho đến giờ, chiều chiều vẫn có những người đàn bà đứng ở đầu ghềnh nhìn ra biển. Có người mất con, mất chồng còn chạy như điên dại dưới bãi cát, trong tiếng sóng chồm, gió hú đến rợn người.

Là nói vậy thôi chứ từ chủ tịch đến dân ai ai cũng với giọng đặc sệt Quảng Ngãi, âm nọ tiếp âm kia, âm nào cũng như dao chém vào đá đều quyết tâm bám biển, bám giữ ngư trường để khẳng định chủ quyền lãnh hải. Và như một quy luật tự nhiên, tại nơi đây, hầu hết trai tráng trở thành ngư dân và đàn bà ở nhà trồng tỏi.

Thì cũng biết nguồn lợi rất lớn từ những chuyến biển xa, nhưng cũng phải có một tình yêu quê biển từ trong máu, người Lý Sơn mới chắc tay lưới trên vùng lãnh hải thiên liêng của tổ quốc đến thế.

Chuyến hành trình của chúng tôi bị rút ngắn lại, theo lệnh của trường đoàn: phải vào bờ ngay để tránh cơn bão đang sầm sập đổ. Bên cầu tầu, đoạn nhoai về đất liền, vẫn những con người quả cảm và hồn hậu ấy tiễn chúng tôi ra tận bến. Chia tay tôi, Thắm cứ nắm chặt như chẳng muốn rời. Bàn tay chàng trai thư sinh nhất Lý Sơn ấy cũng vẫn chắc như gọng kìm và đôi mắt quắc lên ngời ngợi…

Tôi im lặng bởi lát nữa thôi sẽ trở về đất liền. Trong đầu tôi toàn là những "câu hỏi lớn không lời đáp" (thơ Huy Cận). Và bỗng nhận ra vì sao mỗi lần tới một bờ biển nào đó, bước chân tôi lại rụt rè...

Gần cầu tàu, sau bao năm sóng gió, đến nay, người ta vẫn thấy rất nhiều cây bàng vuông. Lại gần thì thấy: Trên mình nó còn loang lổ hằng hà những phong ba bão táp. Nhưng chúng vẫn hiên ngang. Rồi sóng. Rồi gió. Rồi vẫn là sự trường tồn với thời gian.

- Theo Tuanvietnam, internet