Vua 'biệt dược phòng the' thượng nguồn sông Mã

Bản Hạ Sơn (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) nằm dịu dàng bên con đường từ huyện lị Quan Hóa đi lên thị trấn Mường Lát. Hỏi nhà mế Tăng Thị Mụi không khó, bởi từ lâu ở đất này, người mế "chữa bệnh vô sinh" đã trở thành một cái tên quen thuộc của bà con dân bản…

Người phụ nữ đông con nhất bản

Năm nay đã bước vào tuổi 90 nhưng mế Tăng Thị Mụi vẫn giữ được một sức khỏe dẻo dai và tinh thần minh mẫn. Nhà mế trước ở tận bản Pù Quăn cao chót vót, cách đây mười năm, hưởng ứng cuộc vận động của huyện Mường Lát, cùng với nhiều hộ gia đình khác mế chuyển xuống nơi ở mới, sát con đường vào thị trấn và Hạ Sơn cũng chính là cái tên được đặt ra để nhớ tới cuộc vận động đó của địa phương.

"Xuống đây thì chữa được cho nhiều người, đường đi lối lại gần hơn nhưng phải leo núi mấy ngày trời mới tìm được nguyên liệu trên tít đỉnh núi cao kia".

Đã 90 tuổi nhưng mế vẫn nhẹ nhàng chiêu từng giọt rượu ra chiếc chén con và nâng ly chúc sức khỏe nhà báo. "Rượu nhà nấu, rễ cây chính tay má đi tìm và ngâm, uống cái này vào, gân cốt đỡ mỏi đỡ nhức, đặc biệt tốt cho đàn ông". Mế cười móm mém "quảng bá thương hiệu". Khi chúng tôi đang nâng ly cùng người con trai mế Mụi thì ba anh chiến sỹ Biên phòng Mường Lát bước vào cùng một người đàn ông. Hỏi ra mới biết, đó cũng là vị khách, ở tận mãi Lâm Đồng, nghe tài chữa bệnh vô sinh của mế Mụi nên nhờ bạn vốn là Bộ đội Biên phòng đóng quân tại Mường Lát dẫn lối tìm đến đây.

< Mế Mụi và con cháu.

Không giấu giếm câu chuyện của mình, anh kể với tôi, vợ chồng anh cưới nhau đã 7 năm nhưng chưa có con, thuốc chữa chạy cũng nhiều và thực ra hôm nay tìm đến đây, anh cũng như người mang tâm lý "còn nước còn tát và có bệnh thì vái tứ phương". "Tinh trùng của tớ chỉ được vài chục phần trăm, không đủ để đậu thai, đó là Tây y kết luận thế" - anh nói với tôi nhưng cũng là cách đưa thông tin cho mế. Cách thức chữa bệnh của mế Mụi cũng rất đơn giản, mế bảo, bất kỳ ai đến đây mế cũng chia thành ba nguyên nhân. Thứ nhất là do chồng, thứ hai là do vợ và thứ ba là do… cả hai.

< Mế Mụi bên những bị thuốc.

Mế Mụi bảo, mế không có ghi chép xem đã bao nhiêu người đến đây nhờ chữa bệnh nhưng số lượng người gọi điện đến cảm ơn thì nhiều, nhiều đến mức mà tuổi này, má phải sắm cả một "con" điện thoại di động cho đứa cháu để nó trả lời hộ.

Những ngày lễ tết, con cái đến thăm, chúc sức khỏe mế, bản Hạ Sơn vui như những ngày hội. 90 mươi tuổi nhưng thâm niên chữa bệnh vô sinh của mế chỉ có cách đây vài chục năm.

"Nhà mế có truyền thống chữa bệnh lâu đời rồi nhưng tập tục của người Dao chỉ truyền lại cho con dâu hoặc con gái chứ không phải con trai. Ban đầu là những bài thuốc chữa đau lưng, mỏi gối, chữa đau dạ dày thông thường còn chữa bệnh vô sinh thì khác". Uống cạn chén rượu nhỏ, mế thủ thỉ rằng, người Dao muốn chữa bệnh vô sinh thì "học trò" bao giờ cũng phải đến hết tuổi sinh nở mới lĩnh ngộ được. Hay đúng hơn là sự lĩnh ngộ mới có hiệu nghiệm. Cũng chính vì vậy, trên năm mươi tuổi, đã qua tuổi sinh con, mế mới được mẹ chồng truyền lại cho bài thuốc này.

Và những vị thuốc bí truyền

"Chát chát, ngọt ngọt và nhăng nhẳng đắng…". Tôi mạo muội xin được nhấp thử một thang thuốc chống "bất lực" ở nam giới trong hũ thuốc đãi khách màu đỏ sậm của mế. Mỗi thang thuốc thường có ba lăm loại thảo quả bao gồm rễ cây, thân cây và hoa được tìm về từ những dãy núi xa tắp kia. Vừa chỉ tay về hướng những dãy núi cao ngất nằm chờn vờn trong sương giáp với nước bạn Lào, mế Mụi bắt đầu câu chuyện.

< Hai phụ nữ người Dao và thuốc chữa bệnh vô sinh.

Ngày trước thì dễ tìm hơn nhưng bây giờ càng ngày càng phải đi xa hơn nữa. Trong thang thuốc của mế Mụi, có thể thay thế được ở vài ba vị nhưng dứt khoát không thể thiếu củ nâu sần (củ thuốc có thân dài hơn củ nâu, vỏ sần sùi, chi chít những sơ dài cứng), thân cây Pằn Pắn và hoa Du Dẻ. Mế Mụi bảo đó là ba vị thuốc chủ lực không thể thiếu để dung hòa và đóng vai trò kết nối với tác dụng của ba ba vị thuốc còn lại. Nếu chỉ thiếu một vị thì dứt khoát không thể thành công. Ba loại dược liệu đó cũng đặc trưng cho ba vị chủ đạo của thang thuốc mế Mụi. Nâu sần vị đắng, cây Pằn Pắn vị chát và hoa Du Dẻ thì mang vị ngọt.

Mế kể, có lần có mấy người khách từ Nghệ An tìm đến nhưng nhà đang thiếu củ nâu sần, mế nhất quyết không bốc thuốc bởi mế biết rằng, có bốc cho họ, hiệu quả cũng không được như mong muốn.

"Ngày trước mẹ chồng truyền cho, toàn truyền bằng miệng và đưa đến tận nơi để chỉ dẫn nên mế cũng gọi theo tên gọi mà bà vẫn gọi thôi. Chứ không biết tên chính thức của nó là gì". Mế nói vậy khi tôi mạo muội hỏi, trong Đông y những loại cây ấy có dễ tìm và dễ nhân giống không.

Tiếp câu chuyện của mình mế Mụi bảo, sau khi chẩn đoán bệnh thông qua những thông số mà bệnh nhân đưa ra hoặc đọc bệnh án mà bệnh viện đã chẩn đoán mế mới bắt đầu có "phương hướng xử lỳ". Mế Mụi quan niệm về căn nguyên gây nên hiếm muộn khá đơn giản: Một là do chồng, hai là vì vợ và ba là tại cả hai. Nên để trị đủ cả ba nguyên nhân đó, mế thường bốc thuốc cho cả hai người.

Với căn bệnh vô sinh, khi chồng hay vợ được xác định là "nguyên nhân chính" thì hướng tập trung sẽ dành cho người ấy. (Nhưng "đối tác" uống cùng cũng chẳng sao bởi theo mế, những loại thuốc này đều là thuốc nam, uống rất mát và có lợi). Trước khi uống thuốc, người bệnh phải tuyệt đối kiêng ăn các chất tanh như tôm, cá, hải sản, kiêng lạnh (là những đồ ăn có tính hàn, thậm chí cũng không được uống bia với đá lạnh). Hạn chế uống rượu và ăn thịt chó vì đó là những thức ăn nhiều đạm, dễ làm khí sinh hỏa, dễ hỏng việc.

Khi có kế hoạch cho việc sinh con, vợ chồng phải tránh gần gũi một tuần lễ vì theo mế, đó là giai đoạn chuẩn bị "lực lượng tinh nhuệ" cho trận đánh then chốt. Trung bình một lượt điều trị kéo dài hai tháng, nếu lâu thì bốn tháng là "chiến dịch" kết thúc. "Chữa vô sinh là khó nhất nên phải cầu kì như vậy, còn chữa bệnh "yếu", bệnh "bất lực", bệnh thiếu tiền đi chợ thì đơn giản hơn. Thậm chí khi những vị thuốc chủ lực không đủ vẫn có thể cho những loại rễ cây khác để thay thế mà hiệu quả vẫn đảm bảo."

Mế cười hóm hỉnh bảo với tôi. Chuyện gần chuyện xa, mế bảo mế cũng không hiểu tại sao mấy năm gần đây, việc vô sinh lại diễn ra ở nhiều cặp vợ chồng như vậy. "Không chỉ dưới xuôi đâu, trong huyện này cũng không thiếu cặp vợ chồng gặp phải vấn đề về sinh đẻ". Rồi mế kể, chẳng đâu xa, ngay tại bản Poọng (xã Quang Chiểu - Mường Lát) "cái Ẻ", "cái Le" đều từng nhiều năm không có con và may mắn, uống thuốc của mế đã hiệu nghiệm (Chị Thào Thị Ẻ, chị Sùng Thị Le đều lấy chồng lâu năm mà chưa có con, mấy năm trước uống thuốc mế Mụi thành công nay đều nhận mế là mẹ nuôi).

Đã đi nhiều nơi trong huyện Mường Lát nhưng mế Mụi bảo, các cây thuốc tập trung nhiều nhất là trên đỉnh Pù Quăn, đã chục năm trời mế đều lấy thuốc trên đó nhưng bây giờ, khi số lượng người đến nhờ mế chữa trị càng tăng thì đồng nghĩa với việc nguyên liệu sẽ ngày càng hiếm, đôi khi ở tuổi này, mế vẫn phải sang đất Lào để tìm thuốc và mỗi chuyến đi phải kéo dài mấy ngày trời. "Những lúc ấy mế phải nhờ con trai dìu đi và con dâu cũng phải đi cùng bởi mấy vị thuốc này phải chỉ tận tay, nhìn thật kỹ mới không nhầm lẫn được".

Có lần, để bớt công đi kiếm, mế mang giống về trồng ở núi sau nhà. Khi chuyển về Hạ Sơn, mế cũng mang giống cây xuống trồng nhưng không hợp đất, nên dù được chăm chút kỹ lưỡng nhưng cây thuốc vẫn không sống được. Vậy là vẫn phải cất công băng rừng lội suối đi hái thuốc.

Hơn bốn mươi năm nay, hình ảnh người phụ nữ Dao nhỏ nhắn, đôn hậu cặm cụi đi khắp rừng xanh núi đỏ vùng biên giới đã in đậm trong tâm trí của nhiều người. Cũng hơn bốn mươi năm hành nghề, chữa cho biết bao bệnh nhân từ đau dạ dày, đau lưng, mỏi gối nhưng mế Mụi, thực sự có duyên với việc chữa bệnh vô sinh và "bệnh khó nói" của đàn ông.

< Chị Thào Thị Ẻ là một trong những bệnh nhân mang ơn trời bể của mế Mụi.

Vậy nên mới có chuyện, trong những ngày lang thang tại Mường Lát chúng tôi cũng đã gặp không ít những gia đình hành nghề bốc thuốc Nam đã treo biển "thuốc gia truyền mế Mụi", đem những thắc mắc đến hỏi mế thì mế bảo không phải. Bản thân mế chưa nhận một học trò nào và theo tập tục, những bài thuốc này chỉ truyền lại cho con dâu, con gái trong nhà và dứt khoát phải trên năm mươi tuổi thì mới học cho đặng. Và cũng theo chân truyền, làm công việc này chữ Tâm, chữ Đức phải đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy mà với mế Mụi, đôi vợ chồng dù đôi khi chỉ đủ một chai rượu trắng hay một con gà gọi là có chút quà thôi mế cũng vui vẻ cứu giúp.

Mà đôi khi chẳng có gì cũng chả sao. Mế cũng đã gặp không ít những trường hợp như vậy nhưng thực tế, cũng có không ít đôi vợ chồng dưới xuôi có điều kiện, khi mế chữa thành công họ cũng biếu mế tiền, quà. "Bây giờ thì cái chân mế bắt đầu mỏi rồi" - Nụ cười đôn hậu mế bảo, việc lớn nhất mấy năm nay mế đang làm là lên rừng cùng cô con gái và con dâu, mế đã ở phía cuối của chặng đường dài và mế muốn truyền lại những bài thuốc này cho con cái trong nhà.

Tính mế cẩn thận, dù cái chân đã mỏi, cái tay không còn nhanh nhưng mế vẫn muốn được đưa các con đến tận những nơi hoang thẳm để chỉ mặt đặt tên, để nhận biết, phân loại các loại cây cho chính xác, không nhầm lẫn. Mế không được học hành nhiều nhưng mế biết, làm nghề này, đôi khi chỉ một sơ suất nhỏ của mình cũng có thể dập tắt niềm hi vọng của những người khác…

Ngồi nói chuyện với Phó Chủ tịch xã Pù Nhi Hơ Văn Ta, ông cũng bảo, Pù Quăn là một trong những mảnh đất có vô vàn những dược liệu quý và người Dao, cũng là một tộc người có nhiều bài thuốc chữa bệnh nhất trong địa phương ông. Thậm chí tới đây, huyện Mường Lát cũng đang xây dựng kế hoạch thành lập trung tâm bảo tồn cây thuốc Nam quý trên địa phương mình. Và khi đó, không chỉ ông mà còn rất nhiều người khác nữa cầu mong cho mế Mụi vẫn còn sức khỏe, còn dẻo dai để tiếp tục công việc bốc thuốc cứu người…

- Theo Cảnh sát Toàn cầu, Giadinh.net...