Phần 3 - Aur sâu nặng nghĩa tình
Không chỉ no đủ, bản làng sạch sẽ, ANTT ổn định mà người Aur rất hiếu khách và có cái tình sâu nặng. Bây giờ, cái chữ có rồi, nguồn nước suối cũng được hỗ trợ đường ống dài gần 2km. Tương lai, chúng tôi cũng đang tính đến chuyện mở cho bản con đường rộng dựa trên đường mòn đã có là ổn. Khi có chiếc xe máy chạy lên, chạy về được, bà con Aur sẽ sung sướng bội phần.
Già làng Alăng Zèng kể cho tôi nghe: Nguyên thủy bản Aur trước đây là đất của một tộc người Cơ Tu thời xa xưa lắm. Trải qua hàng chục năm chiến tranh, bom đạn, không ít gia đình phải sơ tán từ trên đỉnh Trường Sơn về làng Thượng Long (H. Nam Đông – TT-Huế), chỉ còn ít gia đình quyết bám trụ đỉnh núi Aur.
Sau đó sinh con đẻ cái, tạo thành bản Aur bây giờ. Đến năm 1990, có một nhóm người đi săn mật ong rừng phát hiện bản Aur nên báo cáo với chính quyền xã Thượng Long, nhưng đường về nơi gần nhất của xã Thượng Long vẫn mất 3-4 ngày đêm cắt rừng, thế nên vẫn chưa thể đưa Aur vào “biên chế” xã.
< Trẻ em Aur trắng trẻo, sạch sẽ và thông minh đến không ngờ.
Đến năm 2003, khi phân định ranh giới, biết Aur thuộc H. Tây Giang, ông Bhriu Liếc - Chủ tịch UBND huyện đã nhận Aur về cho xã A Vương. Vào “biên chế” của xã rồi, nhưng chuyện băng rừng xuống xã quá khó khăn. Thương đồng bào, huyện đã huy động công sức thanh niên các xã dưới xuôi và Aur dành gần nửa tháng ăn ngủ với rừng mở con đường nhỏ độc đạo duy nhất đến Aur. Dù đường đi còn khó, phải mất cả 4-5 tiếng đồng hồ mỗi lần bò lên bản, nhưng dù sao cũng đỡ đi nhiều, nên lâu lâu người dân có cơ hội xuống núi cõng muối, thực phẩm và giáo dục đến bản. Bây giờ, Aur là một trong những bản trù phú nhất của các bản miền núi Tây Giang.
Hôm nay, tất cả các hộ dân ở Aur đều đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không chỉ bền vững bằng vách gỗ, lợp tôn vững chãi, nhiều nhà trong bản đã bỏ công sức gùi cõng gạch men, xi-măng lên bản lát nền bóng lộn, sạch sẽ như sàn nhà người Kinh ở thành thị. Già làng Alăng Zèng bảo, người bản Aur sống rất có nền nếp, đùm bọc nhau. Hàng chục năm qua, bản làng chưa xảy ra một chuyện gì xô xát, cãi vã nhau dù lớn hay nhỏ giữa các thành viên.
Càng được hơn là sau 7 năm thuộc diện “biên chế” của xã A Vương, ANTT yên ấm, bình yên hơn nhiều, người dân trong bản được mở mang đầu óc, từ chuyện học cái chữ đến tìm hiểu về các chính sách, đường lối pháp luật của Nhà nước. Từ khi được chính quyền, bà con trong bản giao trọng trách già làng, Alăng Zèng thường chịu khó băng rừng xuống xã tham gia các cuộc họp, lớp tập huấn về kiến thức pháp luật cũng như phong trào xây dựng thôn bản văn hóa, sinh đẻ có kế hoạch, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh..., để rồi trở về bản tuyên truyền cho bà con.
Đều đặn hằng tháng, việc làm ấy duy trì thường niên tại nhà Gươl, được đồng bào chú ý lắng nghe. Những đêm rảnh rỗi, già lại cùng với các thầy giáo đến từng nhà tuyên truyền, vận động. “Có các thầy giáo tham gia hỗ trợ cho cuộc vận động này, kết quả đạt được rất cao. Dù sao các thầy cũng am hiểu nhiều kiến thức, lại được bà con coi trọng, quý mến nên nghe theo răm rắp.
Cũng từ cuộc vận động, những năm qua, nhiều chương trình đã đạt kết quả tốt, như chương trình hỗ trợ nhau phát triển kinh tế đồi rừng, sinh đẻ có kế hoạch, gia đình văn hóa...” - già làng khoe.
.
< Với nơi ít người lạ đặt chân tới nên nguồn cá niêng suối ở Aur quá nhiều khiến trẻ em mỗi lần đi bắt được khá nhiều.
Chính nhờ bản Aur no đủ, sạch sẽ, yên bình, đã khiến nhiều người bản dưới xuôi mơ ước có được cuộc sống, gắn bó cùng bản.
Già làng kể cho tôi nghe một câu chuyện: Khi mới phân định xong ranh giới, hồi đó có một cô gái làng Zaréch tên Bhling Chiuhe liều mình lên thăm bản, thấy thích thú với cuộc sống của bản nên đã đem lòng yêu một chàng trai bản. Ngày “bắt” dâu, bản làng góp hết công của tổ chức cho đôi uyên ương tiệc cưới linh đình suốt 2 ngày liền.
Theo lệ bản, nhà trai đãi một con trâu mộng (theo già làng phải là con 4 chân, kể cả bò, dê đều được – P.V), còn nhà gái góp con vật 2 chân. Ngày làm lễ cưới, đại diện nhà gái sẽ trực tiếp giết con vật 4 chân, nếu đám cưới ăn không hết thì nhà gái có quyền mang về. Từ đó đến nay, đã có rất nhiều gái bản dưới gần trung tâm xã tìm đến làm dâu ở Aur. Sắp tới, nửa cuối tháng 3-2010, thêm một cô gái từ làng Zaréch sẽ trở thành thành viên chính thức của bản. Cũng như Bhlinh Chiuhe, cô gái Bhing Vet thích bản Aur mê mẩn, và Bhling Vet đã đem lòng thương yêu Alăng Hẹo. Già làng bảo rằng, sắp tới đám cưới thằng Hẹo, bản sẽ mời nhà gái 2 con bò và cất cho các cháu ngôi nhà mới.
Cũng vì đám cưới của Hẹo, những ngày qua, bà con trong bản đang cố gắng đi suối bắt thật nhiều cá niêng, ếch suối để đãi khách. Quan điểm của người dân Aur là không để một hộ nào phải chịu khổ, chịu đói, họ sẵn sàng tương trợ nhau trong cuộc sống. Thầy Đông và thầy Uyên kể với tôi: Ngoài trồng sắn, chuối, ớt rừng, người Aur chủ yếu làm bắp, lúa rẫy. Bình thường mỗi năm họ trồng 3.000 ang giống (mỗi ang 30 lon), đến cuối vụ thu hoạch chừng 50-60.000 ang.
Sau mỗi vụ thu hoạch, bà con lại đóng góp vui lễ mừng mùa. Năm ngoái, bão số 9 mang theo gió xoáy ập đến, 50% hộ gia đình bắp lúa bị cuốn phăng. Đói là cái chắc rồi, nhưng không, cái tình của người Aur không để cho các hộ dân bị đói, nên những hộ không mất mùa đã đóng góp mỗi nhà hàng trăm ang lúa, bắp trợ giúp các gia đình bị thiệt hại.
Cuộc sống ở Aur, cái tình của người Aur là thế đó: Trù phú, no đủ, sạch sẽ, cũng có khi gặp đói khổ, nhưng tình sâu nghĩa nặng, sống vì nhau, khiến ai đó một lần đặt chân đến cũng phải thán phục. Già làng Alăng Zèng tự hào, mới đây, Aur mới hình thành thêm một bản Aur mới nên hiện tại mỗi hộ dân có 2 nóc nhà, đó là bản Aur trên nhà Ruộng (nơi các hộ lên trồng màu ở lại mỗi khi đi rẫy). Nó cũng sạch đẹp, trù phú, khang trang, yên bình như bản Aur chính vậy.
Trước khi rời bản, tôi hỏi những người lớn tuổi của làng: Bây giờ bà con ước mơ gì nhất? Tất cả đều trả lời: Sướng nhất là tương lai con đường mòn độc đạo lên xuống được mở rộng thêm, có thể đi xe máy được và đi bộ gùi cõng thực phẩm lên xuống dễ dàng. Tôi hiểu, và đây cũng là mong mỏi của chính quyền các cấp ở Tây Giang đang tính đến...
Về thăm ngôi làng xa xôi nhất xứ Quảng (Tháng 2/2012)
Từ chân cầu A Vương, phải đi bộ vượt suối, vượt đồi ròng rã cả ngày mới đến được ngôi làng tên Aur, gần như biệt lập nhất xứ Quảng này. Làng nằm tận rừng sâu, núi thẳm nhưng hiếu khách vô cùng.
Từ Đà Nẵng, bạn sẽ đi ngược lên Tây Giang theo tỉnh lộ 604, đến chân cầu A Vương bắt đầu vượt hơn 20 km đường rừng, băng qua đồi, qua núi, qua những con suối mới đến được làng Aur mới.
Một cung đường vắt đến kiệt sức để cảm nhận được vẻ hùng vỹ của núi rừng Trường Sơn, cảm nhận sự mến khách vô cùng của những người dân của ngôi làng xa xôi nhất xứ Quảng. Đi về hình ảnh đọng lại trong chúng tôi là cứ đến những bữa cơm lại thấy bóng dáng những chị trên tay là một cái mâm trên đó bày một thau cơm và một tô canh nóng nổi tỏa ra từ khắp làng..
Chúng tôi quyết định tìm đến làng Aur cho những ngày nghỉ cuối năm sau khi đọc được bài báo viết về làng của nhà báo Thanh Hải.
Nhưng ngôi làng bài báo viết hiện đã bỏ hoang, dân làng chỉ đem dụng cụ sinh hoạt theo còn tất cả nhà cửa đều còn nguyên ở đó. Sau một đêm nghỉ ngơi ở làng Arec, sáng sớm chúng tôi khăn gói lên đường tiến vào làng Aur mới khi trời còn đẫm hơi sương.
Vượt qua bốn con suối lớn và những con dốc đất, đường đi nhỏ xíu rất khó đi, bên dưới là vực thẳm cheo leo đến trưa chúng tôi đến được ngã ba dẫn lên làng Aur cũ. Nghỉ ngơi và ăn uống bên một dòng suối trong vắt, hiền hòa, thi thoảng gặp những người dân làng gùi những gùi sâm ba kích nặng trĩu đem ra đường bán. Không như những dân tộc ở những vùng xa xôi, tận hang sâu núi thẳm người Cơtu ở làng Aur nói tiếng Kinh rất dễ nghe và đặc biệt vô cùng thân thiện.
Nửa phần đường còn lại chúng tôi phải đối mặt với vô vàn những con đường đất trơn nhão do đêm trước trong này mưa nên đường còn ướt, làm mất sức hơn rất nhiều.
Nhiều bạn bị vắt lá cắn máu chảy qua tới ngày hôm sau mới hết. Đoạn này chúng tôi vừa đi vừa mong cho sớm được tới làng khi mà đôi chân đã không còn chút sức lực nào để bước.
Gần như là đi theo quán tính, đến khi gặp lại những người dân làng sáng nay đã gặp trên đường đi thì mới biết đã gần tới làng. Bước chân bắt đầu bước nhanh hơn, qua được con suối cuối cùng chúng tôi đến được làng Aur mới yên bình nằm giữa hai dòng suối.
Bạn đến làng chơi sẽ được cả làng nhà nào cũng nấu cơm, canh đãi bạn. Một năm trước, làng Aur còn tọa lạc trên một ngọn đồi cao, mây trắng phủ quanh năm.
Hiện nay do đời sống du canh du cư và một vài lý do tín ngưỡng dân làng dời vô tận rừng sâu núi thẳm. Làng Aur được bao quanh bởi con suối mát trong, hiền hòa. Hiện làng có 20 mái nhà, sau bao đời du canh du cư thì vị thế làng mới được cho là lý tưởng nhất để sống và canh tác.
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3
- Theo CAND, Infonet, Phuot.com
0 nhận xét: