Phần 2 - Anh hùng của làng
Năm nay tuổi đã gần 80 mùa rẫy, nhưng mẹ vẫn còn khỏe, giọng nói ấm, đôi mắt sáng và trí tuệ vẫn còn minh mẫn. Mẹ nhớ lại thời khắc hào hùng của cuộc trường chinh chống Mỹ ở thượng nguồn Hương Giang. “Khó mà quên con ạ, năm 1966, những viên đạn trong nòng súng của mẹ đã hạ gục chiếc máy bay giặc bên trong đầy lính tóc xanh, mũi lõ”.
Hồi đó, mẹ có một cái tên khác là Alăng Pró, sống ở bản Ktom, xã Hưng Nguyên, H. A Lưới, tỉnh TT-Huế. Lên 16 tuổi, Pró xung phong vào đội du kích xã.
Công việc được cán bộ cấp trên giao cho Pró là giao liên (mẹ Alăng Thảo giải thích việc của mình làm chính là sợi dây liên lạc giữa du kích xã với bộ đội chủ lực đóng bên ngoài - P.V). Ngày lại ngày, Alăng Pró cắt rừng lội suối vượt qua mưa bom, lửa đạn ác liệt trên chiến trường để kịp mang những tin tức từ xã vào căn cứ cách mạng.
< Mẹ Alăng Thảo và những đứa trẻ làng Aur.
Một buổi trưa cuối tháng 5-1966, lúc Pró đang đeo khẩu súng K44 (súng trường Mosin Nagant, loại súng của Nga) vào rừng hái rau cho bữa tối, bỗng nghe tiếng máy bay rền vang trên đầu. Pró chọn bụi cây rậm rạp nép mình để tránh bị phát hiện. Vài phút sau, Pró đã nghe tiếng trực thăng gầm rít trên đầu, phía sau còn 3 chiếc nữa cũng đang ù ù lao tới. Thế là bị lộ, Pró giơ súng lựa thế nhằm thẳng “con chim sắt” đen ngòm nổ liền 3 phát đạn. “Con chim sắt” bốc cháy, khói đen mù mịt rồi liệng rơi xuống khe suối.
Liền đó, từ phía xa, 3 chiếc còn lại lập tức tìm nơi hạ cánh, đưa lính xuống cứu trợ. Kể đến đây, mẹ tiến tới góc nhà lấy tấm ảnh Bác Hồ xuống, khoe: “Ngay khi hay tin mẹ bắn rớt máy bay Mỹ, huyện và tỉnh đội có trao giấy khen và tấm ảnh Bác Hồ cho mẹ. Đến nay, tấm ảnh Bác mẹ vẫn nâng niu, gìn giữ như một kỷ vật quý”. Nghe tôi hỏi chuyện công trạng, giọng mẹ Alăng Thảo lắng xuống: “Chuyện giờ là dĩ vãng rồi. Với lại mấy chục năm qua không ai hỏi đến việc này nữa, giấy tờ mẹ cũng mất hết”. Nói thì vậy, nhưng tôi thấy khóe mắt mẹ đỏ hoe.
< Mẹ Alăng Thảo đang nhớ lại cảnh bắn hạ máy bay Mỹ và giết cọp năm xưa.
Sợ mẹ khóc, cụ Alăng Avi (trước đây từng là già làng) cắt ngang câu chuyện bằng cách khơi gợi thêm một huyền thoại nữa về mẹ Alăng Thảo: “Cùng bản làng với mẹ, tôi nhớ chừng một năm sau khi bắn rơi máy bay, mẹ đã bắn hạ con thú dữ nhất thượng nguồn sông Hương để cứu dân và bộ đội”. Nghe vậy, mẹ Alăng Thảo lại sôi nổi hẳn lên: “Ôi, ngày ấy con cọp dữ luôn khiến cho người dân, bộ đội và cả quân thù nơi đây khiếp đảm. Nó đã ăn tươi nuốt sống biết bao trẻ em, người già, hại bộ đội bám căn cứ chống Mỹ.
Thú rừng cũng vì nó mà cạn kiệt dần”. Nhấp ngụm nước, mẹ Alăng Thảo kể tiếp: Hôm ấy là buổi tối giữa tháng 7-1967, sau khi đưa thông tin cho bộ đội, mẹ quay về bản, đến ngang dốc Suối thì trời tối mịt, mưa rừng ập xuống nên đành mắc võng, che bạt ngủ chờ sáng mai đi tiếp. Chợp mắt, mẹ mơ thấy mình bị một người đàn ông cầm dao đâm chí mạng vào người nên vùng dậy cướp dao đâm lại. Sau nhát đâm, người đàn ông máu me đầm đìa, gào lên trước khi bỏ chạy. Giấc mơ chính là điềm báo dữ, khi mẹ tỉnh dậy, cảm thấy có một mùi hôi hám nồng nặc đang lan tỏa xung quanh mình, gần lắm.
< Người Aur hôm nay vẫn luyện cung nỏ để bắn giỏi như mẹ Alăng Thảo từng giết cọp vậy.
Mẹ bước xuống suối rửa mặt thì nhìn thấy từ bên kia bờ suối cách mẹ chừng 10 thước con cọp vằn vện đang chiếu đôi mắt hung dữ nhìn sang phía mình. “Con cọp nó to như con trâu mộng, nên trước thế ngàn cân treo sợi tóc, mẹ phải hành động thôi con ạ, vì nếu bỏ chạy, cọp sẽ rượt theo ngay” - mẹ Alăng Thảo nói run run như chuyện mới xảy ra hôm qua. Ngay lập tức, mẹ đưa khẩu K44 lên đạn nhắm thẳng đôi mắt đỏ au của con cọp, bóp cò.
Mẹ bảo, bắn cọp thì chỉ 1 phát duy nhất thôi, nếu không thành công coi như rồi đời. “Có trúng đạn, nhưng con cọp không chết, nó lao qua suối, nhằm thẳng về phía mẹ. Thật là trời thương người hiền, lúc ngủ dậy đi xuống suối, mẹ có bật lưỡi lê từ nòng súng để lau chùi quên chưa gập xuống, sẵn đó mẹ giương lên nhắm thẳng cuống họng con ác thú đâm tới. Sức mạnh ngàn cân của cọp ập vào người mẹ, da xước, máu chảy đầm đìa và một cánh tay mẹ bị gãy. Song lưỡi lê sắc bén đâm vào chỗ quá hiểm, kèm theo dính phát đạn trước đó, con cọp giãy chết sau đó vài chục giây. Nhắc lại chuyện 43 năm trước, giờ đây mẹ vẫn còn nghe thoang thoảng mùi hôi kinh khủng từ lông cọp xông vào mũi mình.
Sau chuyện mẹ giết chết con cọp, người dân bản Ktom thời đó góp công góp của đốt lửa ăn mừng suốt 2 ngày liền. Họ mừng lắm vì mẹ Alăng Thảo đã xóa đi nỗi kinh hãi con cọp gây ra suốt một thời gian dài - niềm vui cứ như người dân bản xóa đi một đồn địch.
Ngồi bên, già làng Alăng Zèng nói với tôi: Những chiến công mẹ lập được trong những năm kháng chiến dù chưa được các cấp, ngành ghi nhận, nhưng với người Aur, hơn 40 năm qua, mẹ vẫn là anh hùng của bản, của đồng bào Cơ Tu giữa đại ngàn...
Gieo chữ ở làng treo
Cứ mỗi ngày ở lại Aur, tôi lại chứng kiến thêm những điều khó tin của bản được mệnh danh là làng treo, là Singapore giữa đại ngàn xứ Quảng. Ở cái vùng núi cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nhưng học sinh Aur ham học cái chữ, chịu khó vô cùng. Còn thầy giáo lúc nào cũng cống hiến không mệt mỏi cả trên bục giảng lẫn kèm bài cho trò tại nhà. Các thầy được người trong bản coi là những “già làng” thứ 2.
< Học sinh Aur tự giác học, làm bài ở lớp và ở nhà.
Như đã nhắc ở những kỳ trước, thầy giáo Lê Nam Uyên (quê H. Thăng Bình, Quảng Nam) là người tình nguyện cõng chữ lên Aur dạy cho trẻ bản từ năm 2007. Trước đó, năm 1998-2003, thầy từng dạy ở xã biên giới Ch’ơm (Tây Giang). Khi nghe tin bản Aur gặp khó khăn, thầy Uyên tình nguyện lên đây. “Bây giờ đỡ nhiều rồi vì có con đường mòn nho nhỏ, còn cách đây 3 năm, lên Aur phải cắt rừng lội suối từ xã A Vương lên, mỗi lần đi mất hơn ngày trời. Được cái sống ở đây thoáng đãng, sạch sẽ, thấy trẻ em ham học, sáng dạ nên cũng mừng”.
Thầy Uyên xòe tay, nhẩm tính: Lúc đầu tôi dạy 5 lớp từ lớp 1 đến lớp 5 trong một phòng, sau có thêm thầy Đông cùng lên giúp sức. Lớp 1 có 2 em, lớp 2 có 7 em, lớp 3 có 2 em, lớp 4 có 3 em và lớp 5 có 4 em. Cứ thế, các thầy chia nhau dạy từ sáng đến trưa, chiều và tối lại tranh thủ kèm cho các em tại nhà. Cả ngày thầy trò quây quần bên nhau dạy và học, nắng cũng như mưa không ngưng nghỉ. Thương thầy, cách đây 2 năm dân bản làm cho cái nhà ở, cơm dân bản nấu cho ăn. Các thầy gắn bó với Aur đến nỗi, giờ không muốn xa Aur xuống núi nữa.
< Có các thầy dạy cho cái chữ, trò chơi, học sinh Aur vui lắm mỗi khi được đốt lửa trại vui thế này.
Thầy Uyên tâm sự: “Thú thật, mỗi lần lên xuống cũng kinh hãi lắm, nhưng đã ăn cơm gạo Nhà nước thì phải cống hiến chứ. Thông thường chừng 2-3 tháng mình phải xuống A Vương một lần báo cáo tình hình học tập cho Ban Giám hiệu nhà trường và nhân tiện mua ít muối, đồ ăn”. Dạy học ở những nơi thâm sơn cùng cốc này, lương thầy giáo cao hơn rất nhiều so với giáo viên dưới xuôi, nhưng bù lại, nỗi nhớ nhà luôn day dứt khôn nguôi, vậy mà các thầy vẫn lạc quan, lấy những con chữ cõng lên và tiếng cười học sinh làm niềm vui cho mình.
Thầy Uyên còn đỡ, hoàn cảnh của thầy Dương Đông khó khăn hơn nhiều. Cũng từng chung thủy cùng núi rừng, cõng chữ đến những bản làng xa xôi A Tiên, A Nông và bây giờ là Aur, nhưng chưa bao giờ thầy ca thán nửa lời. Trò chuyện với thầy, nghe tâm sự của thầy tôi mới hiểu sự hy sinh ấy lớn lao vô cùng. Thầy Đông kể: Vợ thầy là người Thăng Bình, hiện cũng là giáo viên của Trường A Vương (A Vương cũng là trường của thầy - P.V), nhưng điểm dạy thì ở bản B’lê. 2 năm trước, vợ chồng thầy có ngỏ lời xin nhà trường cho vợ lên Aur dạy cùng để vợ chồng được gần nhau, thế nhưng ước nguyện không thành.
< Thầy Đông – người đi trước vui mừng vì được nghỉ lễ 8-3 trở về thăm vợ.
Con thầy thì chưa tròn 3 tuổi, ngày đêm đã biết gọi cha khi nhớ, vợ thầy thấy đó mà xót xa. “Xa vợ con, mình lo lắm. Mỗi lần nhận được tin con đau, mình phải đi mất gần một ngày đường mới đến điểm vợ dạy. Những lúc như thế, mọi công việc dạy dỗ học trò nhờ cả vào thầy Uyên, nếu không các em hổng kiến thức”. Nói đến đây, mắt thầy rớm lệ. Tôi hiểu mong muốn của thầy, nhưng chẳng giúp ngay được gì, chỉ biết vài câu an ủi trước mắt và hứa sẽ thông tin trên báo, hy vọng giúp thầy ít nhiều. Mong muốn của thầy cũng là niềm mong mỏi của thầy Uyên, người đang sát cánh gầy dựng cho trẻ Aur những bụng kiến thức no tròn: “Ở với thầy Đông lâu tôi biết. Phải xa vợ con, khổ lắm, tư tưởng chẳng mấy khi thông. Mong sao sắp tới nhà trường sẽ tạo điều kiện cho thầy”.
Ham học, cần cù là những gì tôi được chứng kiến ở các em học sinh Aur. Ngày tôi đến bản, em Bhlinh Biet (6 tuổi), mới vào lớp 1, vừa được thầy Uyên dạy cho học xong bảng chữ cái. Nhưng trong giờ tập đọc bài “Con cò bé bé”, Bhlinh Biet đọc không trôi chảy như các bạn cùng lớp. Thế là đêm đó, ăn cơm xong, em ngồi thu mình dưới bóng điện tua-bin tự chế sáng lờ mờ tập đọc đến 4 giờ sáng. Ngày hôm sau, Bhlinh Biet đứng trước bảng đọc vanh vách, khiến bạn bè thán phục. Kiểm tra bài cũ xong, thầy Uyên phê cho điểm 10 đỏ chót.
Trang tập viết của Bhlinh Biet, nét chữ tròn trịa, nắn nót, đẹp đến không ngờ. “Học sinh ở đây là thế đó, còn nhỏ nhưng các em đã biết thi đua nhau trong học tập. Nhất nhất, không một học sinh nào bỏ tiết hoặc đi học trễ, ngoại trừ ốm nặng, có bố mẹ tới lớp báo, xin phép thầy. Ngoài giờ ở lớp (buổi sáng), buổi chiều các em rủ nhau học nhóm, tự kiểm tra bài vở của nhau để ngày mai đạt bằng được điểm tốt. Sạch sẽ cũng là ưu điểm khá tuyệt mà trẻ Aur có được hằng ngày. Trước khi vào học, trong và ngoài lớp được các em quét dọn sạch sẽ, bàn ghế, phấn bảng ngăn nắp. Theo lời các thầy ở đây thì bản này học sinh mới được học cái chữ cách đây 7 năm, còn về trước hoàn toàn mù tịt, tuy nhiên các em tiếp thu bài rất tốt.
Không chỉ dạy học sinh cái chữ, ở bản Aur, các thầy giáo còn kiêm luôn nhiệm vụ quản các em, lo cơm nước, vì nhiều em bố mẹ đi rẫy cả tuần, nửa tháng mới về. Vì đó mà bây giờ thầy nói một tiếng bằng ba mẹ nói mười. Già làng Alăng Zèng khen các thầy: “Cả bản Aur bây giờ ai cũng xem thầy giáo như người “già làng” thứ 2. Nếu không có các thầy dạy dỗ, bảo ban, chắc rằng con trẻ không bao giờ có được tính tự lập, chịu thương, chịu khó như hôm nay”...
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3
- Theo CAND, Infonet
0 nhận xét: