Sơn Thủy - vùng danh thắng kỳ vĩ của Thanh Hóa
Trước đây, Sơn Thủy còn có tên gọi là Tổng Hữu Thủy bao gồm xã Xuyên Thủy và xã Sơn Trà; đến năm 1951 đổi tên thành xã Sơn Thủy bao gồm Sơn Thủy và Sơn Điện ngày nay; tháng 6 năm 1963 xã Sơn Thủy một lần nữa lại được chia tách thành hai xã Sơn Thủy và Sơn Điện. Với 658 hộ, 3.134 nhân khẩu được phân bố trong 12 bản, bao gồm bản Thủy Sơn, bản Chung Sơn, bản Xuân Thành, bản Thủy Thành, bản Thủy Chung, bản Khà, bản Mùa Xuân, bản Xía Nọi, bản Muống, bản Cóc, bản Hiết và bản Chanh, trong đó có hai bản người Mông là bản Xía Nọi và bản Mùa Xuân, còn lại các bản chủ yếu là người Thái.
Sơn Thủy có diện tích đất nông nghiệp 469,7 ha, trong đó diện tích lúa nước là 87,87 ha, diện tích đất rẫy 129,2 ha, diện tích đất trồng ngô 119,3 ha, sắn 107,9 ha và diện tích hoa màu khác là 25,5 ha. Năm 2008 bình quân lương thực đầu người của Sơn Thủy đạt 349 kg/người/năm. Bên cạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, Sơn Thủy còn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và khai thác lâm sản. Toàn xã có 427 con trâu, 419 con bò, 1.557 con lợn và 12.230 con gia cầm. Năm 2008, Sơn Thủy đã khai thác được 568 tấn nan thanh, 200.000 cây luồng và khai thác được 812,048 m3 gỗ tận thu, tận dụng. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con các dân tộc Sơn Thủy đã và đang từng bước được cải thiện, nâng cao, tăng cường khối đại đoàn kết thống nhất trong đảng bộ, chính quyền và quần chúng nhân dân.
Truyền thống văn hóa cũng được quan tâm nhằm khơi dậy vốn văn hóa truyền thống của quê hương, các bản đã thành lập các đội văn nghệ quần chúng, các đội cồng chiêng, khèn bè, khặp thái và các loại nhạc cụ dân gian khác cũng dần được khôi phục lại để tham gia giao lưu và phục vụ những ngày lễ, tết. Đặc biệt, thời gian gần đây, đã có nhiều người biết đến Sơn Thủy bởi cảnh đẹp tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất vùng biên giới này.
Điểm qua về phong cảnh, Sơn Thủy đã có hệ thống khe suối và con sông Luồng uốn lượn mềm mại dưới chân những núi đá vôi kỳ vĩ mà bên trong những núi đá vôi kia là hệ thống hang động còn nguyên vẻ đẹp kỳ lạ và hoang sơ như hang Bo Cúng, hang Co Láy, hang Poong, hang Luôn Lang, hang Khua... nhiều nơi chưa có dấu chân người đặt tới và những đỉnh núi với các tên Pha Hen, Pha Bo, Pha Dùa... gắn với truyền thuyết về những câu chuyện tình còn lưu truyền mãi trong nhân gian cho đến tận ngày nay.
Trong số gần 10 hang động của Sơn Thủy. Chỉ tính riêng bản Chanh đã có tới 4 hang động và mạch nước nóng đùn lên giữa dòng suối Xia. Và, trong số 4 hang động của bản Chanh, có hang Co Láy và hang Hữu Tình thuộc loại danh thắng đẹp nhất nhì xứ Thanh.
Hang Hữu Tình nằm ở lưng chừng núi Chanh, soi bóng xuống suối Xia - nơi có mạch nước ngầm nóng tới 40 độ đùn lên giữa dòng lại nằm kề bên đường vành đai biên giới đang trong giai đoạn thi công, đó là điều kiện tốt để các huyện vùng cao biên giới xích gần lại bên nhau - điểm dừng chân lý tưởng cho tua du lịch miền núi phía tây xứ Thanh. Cho dù có mệt mỏi suốt chặng đường dài, nhưng khi dừng chân tại cửa hang Hữu Tình, tận hưởng hơi mát phả ra từ trong hang như mở cửa tủ lạnh, chắc chắn sẽ xua tan những mệt mỏi sau những chặng đường dài, tạo cho du khách sự hào hứng muốn khám phá lòng hang bên trong.
Với chiều dài trên 1.000 m, lòng hang Hữu Tình rộng, bằng phẳng, hai bên vách hang là vô vàn những nhũ đá có hình dáng con người, chốn phòng the, những con vật, ruộng đồng cho tới từng quả na và những hạt ngô vàng óng dường như đang được phơi dang dở chưa khô... Bước vào cửa hang Hữu Tình, vật đầu tiên nhìn thấy là nhũ đá trắng tinh hình tiên ông với cây phất trần mầu vàng óng trên vai đang đứng bên vách hang lộng lẫy dường như đang canh chừng không cho các tiên nữ trốn ra ngoài du ngoạn cảnh trần gian.
Càng vào sâu, lòng hang càng bằng phẳng và rộng thênh thang với các cảnh đẹp của chốn thủy cung, của chốn bồng lai tiên cảnh, trên vòm hang là hình ảnh bầu trời và bà Nữ Oa đội đá vá trời, lòng hang còn có những thửa ruộng bậc thang của tiên giới, giây phút tôn nghiêm trong giờ tụng kinh của các nhà sư, nụ hôn của các con vật, nơi sản xuất gốm với các bình gốm dường như có người đang quay, đến cối xay ngô cũng đang xay dở dang bên cạnh sân phơi ngô vàng óng và những quả na nằm lăn lóc bên ngoài góc sân, tất cả đều sống động và dường như thấy có người phàm trần đến nên người của tiên giới đã chạy trốn đâu đây...
Ngoài con số gần mười hang động đẹp và mạch nước nóng của suối Xia, cách hang Hữu Tình chừng vài km, Sơn Thủy còn có một kỳ thắng mà thiên nhiên ban tặng vô cùng độc đáo, đó chính là núi đá trắng, ngọn núi đầy lá hoa. Chính vì cảnh đẹp như vậy nên không biết tự bao giờ, núi đá trắng kia mang tên là núi Lá Hoa. Cheo leo trên đỉnh núi Lá Hoa là đường về bản Mông Xía Nọi.
Lá Hoa là một ngọn núi có ba loại hoa phong lan sống bám vào đá, ngoài ra còn có rất nhiều loại cây khác sinh sống và điều kỳ lạ là tất cả những loại cây sống trên núi Lá Hoa có lá của cây cũng có mầu sắc như hoa. Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch, toàn bộ núi Lá Hoa bừng lên muôn sắc mầu, đi trên đỉnh núi ta như lạc vào một vườn hoa muôn hồng, ngàn tía, nhìn xa như một bó hoa khổng lồ nổi lên giữa mầu xanh điệp trùng núi đá, đẹp đến ngỡ ngàng. Núi Lá Hoa và mạch nước nóng của suối Xia đã bổ sung hoàn tất cho Sơn Thủy một địa danh sơn, thủy hữu tình.
Điều đặc biệt hơn, trong vốn văn hóa truyền thống của các tập đoàn Mường lớn khu vực miền núi xứ Thanh khi xưa, chắc chắn không Mường nào có riêng cho mình một “Hòn đá vía” chung cho cả Mường như “Hòn đá vía” trong lễ hội Mường Xia của Sơn Thủy. Tương truyền, mỗi khi tổ chức lễ hội Mường Xia, phải lựa chọn mười tám thanh niên, trong đó chín nam, chín nữ (nam thanh, nữ tú), những chàng trai, cô gái được chọn này dùng để rước “Hòn đá vía” của cả Mường từ nơi cất giấu năm trước, “Hòn đá vía” được đào lên, rửa sạch, bọc vải đỏ và cho lên Kiệu Long Đình trân trọng rước về đền làm lễ. Khi tổ chức lễ hội Mường Xia xong, “Hòn đá vía” lại được rước về chôn xuống nơi cất giấu cũ và trồng cây xương rồng xung quanh để đánh dấu chờ mùa lễ hội năm sau.
Gọi là “Hòn đá vía” của Mường vì đó chính là nơi gửi “vía” của toàn bộ cư dân Mường Xia. Mỗi năm mở lễ hội một lần và một lần lễ hội là một lần rước “vía” về để cầu cho “vía” yên, “vía” lành. “Vía” được yên lành tức mọi người dân trong Mường đều được mạnh khỏe, người đi xa thì chân cứng, đá mềm, người ở trận mạc thì tránh được mũi tên, hòn đạn. Người ở nhà thì ăn nên làm ra, vạn vật đều tốt tươi, sinh sôi nảy nở. Lễ hội Mường Xia xưa thường tổ chức tế lễ hai nơi, trong đền và ngoài cửa suối Xia. Trong đền lễ bằng trâu đen, ngoài cửa suối Xia lễ bằng trâu trắng...
Tương truyền rằng, tướng quân Hai Tào là người giữ nhiệm vụ bảo vệ biên cương. Do đó, đền thờ tướng quân rất linh thiêng. Mỗi khi trong Mường có con em đi lính, theo phong tục trong Mường - người dân lại đem đến đền thờ một cái áo của người sắp đi xa xin giữ cho vía khỏe, vía vui, vía an lành để người đi xa được bình an nơi trận mạc. Và cũng như một điềm lạ, tất cả những người được giữ vía đều bình yên trở về.
Hiện nay tại bản Thủy Sơn còn có dấu vết của đền thờ tướng quân Hai Tào (người giữ nhiệm vụ bảo vệ biên cương), nơi đây vẫn còn hiện hữu ao vua, cây đa, cây gạo và nơi cất “Hòn đá vía” của cả Mường Xia. Cũng tại nơi đây (bản Thủy Sơn của xã Sơn Thủy), tháng 11 năm 2008 đã phát hiện trống đồng loại II Hegơr.
Lễ hội Mường Xia đã bị mai một và thất truyền từ năm 1957. Sau năm 1957 gia tộc họ Cao (các anh ông Cao Ất Dậu hay còn gọi là Hà Văn Dậu) cúng tế trong gia tộc; cách đây hơn 10 năm, khi các ông anh mất, ông Dậu là người duy nhất chịu trách nhiệm cúng tế, nhưng cũng chỉ cúng trong nội tộc chứ không còn tổ chức long trọng như lễ hội Mường Xia xưa.
Nếu được phục dựng trở lại, cùng với sự hoàn tất đường vành đai biên giới một ngày không xa; cùng với suối nước nóng và hệ thống hang động đẹp như mơ, chắc chắn Sơn Thủy, vùng biên giới danh thắng kỳ vĩ sẽ trở thành điểm dừng chân lý tưởng để du khách tắm suối nước nóng, vãn cảnh đẹp bồng lai tiên cảnh hang động và núi Lá Hoa trong tuyến du lịch miền núi biên giới phía tây bắc xứ Thanh.
- Theo báo Thanh Hóa, internet
0 nhận xét: