Về thủ đô gió ngàn
Hai huyện liền kề, cách nhau bởi Đèo De dài 7,5km, Định Hoá là nơi tập trung các cơ quan của Đảng và Sơn Dương là nơi tập trung các cơ quan của Chính phủ kháng chiến. Con sông Phó Đáy hiền hòa uốn lượn giữa những dãy đồi thấp của huyện Sơn Dương, đây là nơi mà Bác Hồ từng "Giữa dòng bàn bạc việc quân/ khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền…".
Ở Sơn Dương có nhiều địa danh được đặt tên trong thời tiền khởi nghĩa như Tân Trào (có nghĩa là phong trào mới), mái đình Hồng Thái (mang tên nhà cách mạng Phạm Hồng Thái, người nổi tiếng với trái bom Sa Điện ám sát viên toàn quyền Pháp Méc Lanh ở Quảng Châu) v.v...
< Phong cảnh núi Đuổm.
Đình Hồng Thái là nơi đón tiếp những đại biểu đến dự Quốc dân đại hội lần thứ nhất, tổ chức vào tháng 8-1945. Còn ở Tân Trào có lán Nà Lừa lưu lại kỷ niệm khó quên:
Khi Bác bị căn bệnh sốt rét hành hạ, tưởng chừng không qua khỏi, lúc này Người đã cầm tay anh Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp) dặn dò: Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải tiến hành cách mạng... Chữa bệnh cho Bác là một ông lão người dân tộc thiểu số, cứ như một "ông tiên giáng thế" bởi sau đó Nhà nước ta đã tốn bao công sức nhưng vẫn không tìm ra tung tích.
An toàn khu thời kháng chiến trải rộng trên các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang); Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai (Thái Nguyên) Chợ Mới, Chợ Đồn (Bắc Kạn). Con đường ô tô từ Tân Trào đến căn cứ Định Hóa dài có 7,5km mới mở những năm gần đây, còn trước kia phải đi đường ô tô vòng xuống Núi Hồng, rồi ngược lên, dài đến… 100km. Trên đỉnh Đèo De là một quần thể di tích kháng chiến hoành tráng, với nhiều toà ngang, dãy dọc, lưu giữ lại những hình ảnh của "Thủ đô" trong những năm gian lao kháng chiến chống thực dân Pháp. Có khá nhiều tỉnh, thành trong toàn quốc đã đóng góp vật liệu, cây cảnh v.v... để tô điểm cho khu di tích quốc gia trên đỉnh Đèo De.
< Đình Hồng Thái.
Khác với Sơn Dương, ở Định Hóa, những tên địa danh rặt tiếng bản địa. Chúng rôi đến lán Tỉn Keo, đây là nơi Bác và Bộ Chính trị họp, quyết định mở chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đi qua dòng suối Khuôn Tát trong vắt chảy róc rách dưới những khối đá rộng bản, chúng tôi đến căn nhà của Bác ở. Rừng núi nơi đây như còn ghi lại lời dặn dò của Bác với đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi lên đường tới Điện Biên "Trận này rất quan trọng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh!".
< Cây đa Tân Trào.
Đó là kim chỉ nam để Đại tướng quyết định kéo pháo ra, thay cho ý định ban đầu của Ban chỉ huy mặt trận là "Đánh nhanh, thắng nhanh". Xã Bản Quặng ở Định Hóa có địa hình hơi giống trung tâm Mường Thanh, là nơi năm 1953 Đại đoàn Quân tiên phong và một số đơn vị khác đã xây dựng trận địa tập đánh cứ điểm Điện Biên. Theo con đường gồ ghề xuyên qua những vạt chè "xanh ngào ngạt", chúng tôi đến thôn Đồng Lá Ba, xã Điền Mặc thăm di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Mới chỉ sau hai năm quay lại mà di tích lịch sử này đã được xây dựng khang trang…
< Đền Thờ Hồ Chí Minh tại ATK.
An toàn khu Việt Bắc còn nổi tiếng với chiến thắng sông Lô - Chiến dịch Thu -Đông năm 1947. Ngày đó quân Pháp định nhảy dù đánh úp cơ quan đầu não của ta, song Bác Hồ đã di chuyển đến huyện Võ Nhai và lực lượng pháo binh non trẻ của cách mạng đã khai hoả vào đoàn tàu chiến của giặc ở huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) và tiêu diệt chúng trên dòng Lô, địa phận tỉnh Tuyên Quang. Chiến thắng sông Lô đã đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn phòng ngự, chuyển sang thời kỳ cầm cự và tiến tới tổng phản công…
Thăm An toàn khu "Thủ đô kháng chiến", nhớ lại những chiến công vang dội xưa, lòng thấy bồi hồi. "Đường cách mạng dài theo kháng chiến…", vùng đất này giờ đã khác xưa nhiều lắm, nhưng tiềm ẩn bên trong từng ngọn núi, dòng sông…là những câu chuyện về một thời hào hùng của dân tộc…
- Theo Báo Quảng Ninh, internet
0 nhận xét: