Về miền Tây ăn cá lóc chổng ngược
< Những con cá lóc tươi ngon vừa bắt dưới sông lên chỉ cần rửa sạch, không cần sơ chế, cắm xuyên que từ đầu đến đuôi để chuẩn bị nướng. Hình ảnh cá lóc chổng ngược trông rất lạ mắt và thú vị.
Chính vì vậy cái thú thả cần sông hay tát đìa bắt cá về chế biến món ăn đã trở thành một kiểu thưởng thức ẩm thực độc đáo ở miền Tây Nam Bộ. Trong đó, Đồng Tháp, An Giang, Cá Mau… là xứ mà cá lóc nhiều và ngon đặc biệt.
< Sau đó, cá được phủ rơm lên để chuẩn bị nướng.
Cá lóc (miền Bắc gọi là cá quả, cá chuối) nướng trui là một món ăn dân dã đặc trưng cho miền đồng nước miền Tây Nam Bộ Việt Nam, với hương vị độc đáo và cách chế biến rất đơn giản. Món ăn này gắn liền với quá trình khai hóa đất phương Nam của dân tộc Việt.
Mỗi lần tát đìa, đến lúc nước cạn là giai đoạn gay cấn nhất, đám trê, rô cố chúi sâu vào lớp bùn đáy để trốn, còn cá lóc thì cố vượt lên để lách qua bờ thoát thân, nhưng đìa đã cạn, cứ lên tới nửa thành đìa thì rớt xuống. Người dưới đìa cứ thấy con lóc nào phóng lên là lập tức chộp con đó.
< Muốn cá ngon thì phải chọn loại rơm thật vàng, thật sạch.
Tại bàn tiệc dã chiến, những tàu lá chuối xanh mượt đã được xếp dài ở giữa. Bên trên xấp lá chuối là những xấp bánh tráng dẻo trắng phau, đọt xoài, lá lụa, quế vị, húng lủi v.v. tươi roi rói, xen lẫn là những lát chuối chát, khế chua, đôi khi còn có thêm những trái điều chín vàng ươm v.v.. Cạnh đó là tô mắm me cay hoặc muối ớt để chuẩn bị cho một món ăn dân dã nhưng cực kỳ ngon và được người dân Nam Bộ rất mê, món Cá lóc nướng trui.
< Ngọn lửa rơm cháy đượm sẽ giúp cá chín đều...
Cá lóc rửa sạch, lựa con chừng 1 kg là vừa, thịt cá vừa ngọt, thơm, lại dễ nướng. Xiên một thanh trúc hoặc thanh tre tươi vót sẵn từ miệng cá cho đến đuôi. Nhiều khi nguời ta còn dùng dao chặt bỏ phần đuôi cá vì như vậy thì khi nướng chín phần bụng và xương cá sẽ không bị ứ máu, thịt cá sẽ không tanh khi để nguội. Sau đó cắm những thanh tre đã xiên cá xuống đất và phủ rơm khô lên, người nướng cá “có nghề” phải lượng sao cho rơm vừa đủ để khi rơm lửa tàn thì cá cũng vừa chín. Rơm dư thì cá khét hoặc chín quá, mất ngọt; rơm thiếu thì cá lại nhão, tanh.
< Lớp tro nóng làm thịt cá thêm thơm và ngọt.
Nhìn đụm rơm cháy đỏ, tiếng mỡ nổ lốp bốp, thật sướng tai, sướng mũi vì cá lóc nướng trui có mùi thơm rất đặc trưng, không giống với loại cá nào khác. Mùi thơm toả ra từ lớp vẩy, thớ thịt và có cả mùi hơi khét của da. Cá chín đặt nguyên con lên tàu lá chuối, cạo bớt lớp vảy cá bị cháy, xẻ lằn dài theo bụng cá để lộ ra thịt cá trắng và thơm, banh ra làm đôi là ăn được.
< Sau khi tàn rơm được khều ra, những con cá lóc nướng vàng ươm, vây cá bị cháy sạch, tỏa mùi thơm khó cưỡng.
Lấy miếng cá còn bốc khói cuốn với bánh tráng, rau sống, chấm vào nước mắm hoặc mắm nêm, bạn sẽ thấy thật sướng miệng khi mùi thơm, vị ngọt béo của cá hoà lẫn với các hương vị của khế chua, chuối chát, ăn hoài không ngấy. Hãy nhai thật chậm rãi để nghe bao nhiêu hương vị của rau cỏ, đồng ruộng như ngấm vào tận ruột gan, ăn một lần nhớ mãi.
< Đĩa cá lóc nướng trui trông thật hấp dẫn và ngon lành!
Đặc điểm của món cá lóc nướng trui dân dã là cá không cần sơ chế, nghĩa là không đánh vảy, không cạo nhớt, không mổ bụng, không tẩm ướp gia vị. Có khi cá nướng xong chỉ cần gỡ thịt chấm muối ớt, mà phải là loại muối hột cũng cảm nhận được hết mùi vị thơm ngon vùa cay vừa mặn vừa ngọt vừa thơm của món cá lóc nướng đặc sản của dân Nam Bộ.
- Tổng hợp từ Datviet, Dongthap
0 nhận xét: