Công Quán: Những mảnh vườn dưới bóng bàng xưa
Cũng có thể coi là may mắn không bởi nhịp sống chậm rãi của Côn Đảo đã khiến hòn đảo này trở thành nơi yên tĩnh vào bậc nhất, là nơi giữ gìn khá tốt các khối kiến trúc vốn xưa kia đã được xây dựng bằng mồ hôi, máu và sinh mạng của hàng trăm, hàng nghìn tù nhân suốt từ thời Pháp tới thời Mỹ.
Đó là những căn nhà thấp trước kia đã từng được sử dụng làm văn phòng, tư gia, câu lạc bộ… của bộ máy cầm quyền, và nếu tước bỏ đi sự tàn khốc vẫn bao trùm lên mọi dấu vết cũ, thì cặp mắt của khách phương xa ắt phải sửng sốt bởi vẻ đẹp của các đường nét kiến trúc còn lại khá nhiều sau gần 30 năm hoặc lâu hơn nữa.
< Bình minh nhìn từ cầu tàu 914.
Công Quán hoang tàn dù nằm ở vị trí tuyệt đẹp, nhô hẳn ra khỏi dãy nhà nằm trên con đường ven biển đẹp nhất Côn Đảo, tổng thể chung của căn nhà mang vẻ kiêu kỳ bởi gần chục khuôn cửa sổ đón gió và mái ngói xuôi thấp bao bọc toàn hình khối. Để chống lại sức gió và sức nắng của biển khơi, tất cả các biệt thự cũ ven biển ở đây đều ưa chuộng loại ngói vẩy cá vốn xưa kia rất thịnh hành tại miền Tây Nam bộ.
< Di tích Công Quán.
Xung quanh Công Quán là hàng bàng cổ thụ, và không chỉ ở khu vực này – bàng được trồng dọc ven biển, chạy sâu vào thị trấn theo một trật tự đáng ngạc nhiên.
Trải qua hơn 100 năm, bàng Côn Đảo đa phần đều có vòng gốc gần bằng hai người ôm, vỏ xù xì nứt nẻ và xoè tán rộng với những cành gân guốc.
< Di tích Khu biệt lập Chuồng bò – Côn Đảo.
Vào mùa chướng, gió lộng trên khắp mặt biển, lùa vào mọi ngõ ngách trên đảo và hất tung mọi thứ không chắc chắn, khi đó bàng cũng như những mái ngói ven biển như phải hạ thấp hơn, gân guốc hơn để bám trụ lại mặt đất trước sức cuồng nộ của thiên nhiên.
Trong điều kiện khắc nghiệt giữa biển khơi, các kiến trúc sư Pháp xưa kia đã áp dụng một mẫu hình thống nhất cho công trình trên đảo. Nhà vườn mang dáng dấp Huế với cánh cổng mỏng manh không mang tính bảo vệ mà chỉ là sự che chắn và giới hạn, hàng tường thấp bao bọc quanh nhà, đều đặn nhô lên những cột trụ chóp nhọn như mái nhà miền Nam nước Pháp…
Trong khi đó, căn nhà bên trong đa phần đều được xây theo lối biệt thự Pháp cổ điển đã pha mầu sắc bản địa.
Vẫn là bậc tam cấp dẫn lên sảnh hoặc hành lang chạy vòng quanh nhà, và bên trong chia ra các căn phòng nhỏ, vẫn là khoảng không rợp bóng mát dưới hàng hiên, nơi đó kê bàn ghế rất thích hợp cho buổi chiều ngắm biển, song nét bản địa lại thể hiện rõ ở mái ngói. Lợp ngói vẩy cá, mái nhà luôn có chiều dốc thấp, toả rộng và gần sát mặt đất hệt mui rùa – hình mẫu nhà đặc trưng của những vùng gió lớn mưa nhiều. Hệ rui mè gỗ đơn giản song chắc chắn, hàng cột đỡ ngoài hành lang vững chãi đã tạo nên khoảng không gian rất mở của nhà, bởi ở đó vừa mang tính chất sinh hoạt riêng tư, vừa mở ra với khu vườn xanh um bên ngoài..
< Vườn quốc gia Côn Đảo.
Trong những khu vườn đó không biết trước đây được trồng loài cây gì là chủ đạo, song ngày nay những chủ nhân của khu vườn rất ưa chuộng các loài cây cảnh gợi nên hơi hướng nhà vườn Nam bộ – cau cảnh, thiên tuế, bông giấy… không hiện hữu cây ăn trái ở đây, có lẽ do ảnh hưởng của gió biển. Song cũng rất đáng ngạc nhiên khi tại Côn Đảo rất phổ biển cây bám đá – chúng bao bọc quanh những mảng tường, che phủ xanh rì hàng rào gạch, để từ ngoài nhìn vào, ta bắt gặp những căn nhà xanh từ ngoài vào trong, yên bình tới nao lòng.
< Bình minh nhìn từ mũi Tàu Bề.
Không có tiếng ồn ào đô thị, không có những dòng xe nối nhau, Côn Đảo là nơi được đánh giá là thị trấn yên tĩnh nhất Việt Nam trước đây cũng như hiện tại. Cũng khá tiếc bởi trong thị trấn, người dân đang dần phá bỏ nhà cũ để xây lên các căn nhà ống có mặt tiền bọc kính, có hàng hiên mái vẩy và đương nhiên cũng sơn phủ sặc sỡ. Nếu một ngày nào đó các dãy nhà ven đường xưa cũ này bị thay thế hoàn toàn bằng nhà mới, thật không tưởng tượng nổi những con đường có hàng bàng cổ thụ rợp bóng hai bên sẽ ra sao. Gốc xù xì nứt nẻ, cành xòa thấp… bàng biển vừa là nhân chứng lịch sử, vừa là nhân tố chính yếu tạo nên vẻ đẹp bình yên của hòn đảo đã hóa thân từ địa ngục quá khứ lên vị thế của thiên đường du lịch tương lai.
- Theo báo Du lịch, ảnh internet
0 nhận xét: