H7 - Trắc trở trên QL28: vẫn mê đỉnh trời!

(Tiếp theo)
Rời thác Bobla của xã Liên Đầm trong ánh nắng ban mai giữa cai se se lành lạnh của vùng cao nguyên thật đẹp, bọn mình hướng về thị trấn Di Linh. 

QL20 đoạn này đường thoáng, không nhiều xe... và dĩ nhiên là có nhiều đoạn quanh co nhưng không nhiều dốc vì độ cao Di Linh nhỉnh hơn Bảo Lộc chừng vài trăm mét so với mực nước biển.

< QL20 hướng đi thị trấn Di Linh.

Theo thông tin mình nắm được thì Di Linh là một huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Di Linh, ở độ cao 1000 m so với mặt nước biển. Tên Di Linh bắt nguồn từ Djiring - theo nhiều người, đây là tên của vị chủ làng có công thành lập ra buôn thượng thời ấy. Có người lại nói tên Djiring có dụng ý ám chỉ sáp ong (Jrềng), vì vùng này ong rừng rất nhiều...

< UBND xã Liên Đầm. Phía trước có băng rôn "Tích cực hưởng ứng năm an toàn giao thông 2012"...

... Những dân phu Thượng bị bắt làm phu vận chuyển vật liệu xây cất cơ sở hành chánh đầu tiên ở đây, hoặc làm đường cho sở lục lộ, đã nán níu ở lại lập làng, lúc đầu họ sinh sống bằng nghề lấy mật ong rừng, nên người ta gọi họ là Jrềng, rồi viết sai là Djiring.

< Người ta ủ những đống gì đó ven đường...

Người khác lại cho rằng Djiring là tên một loại cây sồi mọc đầy trên vùng Dilinh, gọi là cây “Njrêng”. Đó là một loại cây dẽo dai dễ uốn, nên người Thượng dùng nó vào nhiều việc như làm răng nĩa để gom rơm rạ hoặc chẻ mỏng nhỏ ra để đan phần niền chân gùi (một thứ giỏ mây người Thượng đeo sau lưng) để cho cái gùi được đứng thẳng mỗi khi đặt nó xuống đất.
< Chẹp, nhìn lại nhớ "cái sự bị bắn" hồi ở Đồng Nai! Từ lúc đó đến giờ mình chỉ làn tàng 40 - 50km/h.

< Những hàng cây thẳng tắp trong Nghĩa Trang Liệt sĩ Di Linh.

Địa danh Djiring đến năm 1958 được chính quyền Ngô Đình Diệm cho đổi thành Dilinh cùng một trật với các địa danh Bảo Lộc, Đơn Dương, Liên Khương thay cho tên cũ Blao, Dran, Liên Khang.
< Chỉ còn 2km nữa sẽ đến trung tâm thị trấn Di Linh. Vậy nhưng ở đây cũng có... trụ nước cứu hỏa đấy nghen!

< Phố thị đây rồi. Bọn mình chạy ngang ngã 3 QL20 - QL28 nhưng không rẽ về Phan Thiết. Vội gì, chắc sẽ kiếm món chi đó bỏ bụng thay cho bữa trưa sớm.

< Nhánh rẽ lên công viên Di Linh, mình thích những nơi "cao và thấp" này.

Di Linh là vùng đất đỏ Bazan màu mỡ có tổng diện tích tự nhiên hơn 162.000 ha; trong đó, có 47.000 ha đất nông nghiệp. Di Linh có tiểu vùng thời tiết khí hậu nhiệt đới gió mùa biến thiên theo độ cao nên khí hậu rất thích hợp đối với các loại cây cây trồng vật nuôi có nguồn gốc á nhiệt nhiệt đới và nhiệt đới, đặc biệt là cây cà phê.
< Thị trấn Di Linh ngày nay khác rất nhiều so với những ảnh chụp hàng chục năm trước.

< Còn đây là chợ Di Linh, giờ này vẫn đông lắm - cảnh buôn bán tấp nập.

Huyện Di Linh bao gồm thị trấn Di Linh và 18 xã: Bảo Thuận, Đinh Lạc, Đinh Trang Hoà, Đinh Trang Thượng, Gia Bắc, Gia Hiệp, Gung Ré, Hoà Bắc, Hoà Nam, Hoà Ninh, Hoà Trung, Liên Đầm, Sơn Điền, Tam Bố, Tân Châu, Tân Nghĩa, Tân Thượng.
< Mình ghé vào quán này, quán cách chợ chỉ vài mươi mét. Ăn chay cho lành!

Trong giai đoạn năm trước năm 2000, dân số huyện Di Linh tăng khá nhanh. Nguyên nhân là do trong giai đoạn này giá cà phê tăng cao nên xuất hiện luồng di cư tự do từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Nam đến định cư và sản xuất cà phê. Giai đoạn 2001 – 2005, dân số dần đi vào ổn định, tỷ lệ tăng dân số khoảng 2,6% với dân tộc thiểu số chiếm 35,6% tổng số của toàn huyện.
< Bữa cơm trưa đây, bạn thấy hấp dẫn không? Dĩ nhiên toàn đồ chay, ngon miệng - Hai người no cành hông với tổng giá là 40k.
Xong bữa, sẳn dịp mình lấy bơm đạp đem theo làm vài mươi nhát cho bánh sau vì hơi non, lúc này vẫn chưa phát hiện ra điều bất thường gì (chả ai ngờ tai họa sắp đến).

< Lại ra QL20: mình chạy ngược lại hướng ngã 3 đi Phan Thiết... bổng nhìn thấy con đường này - nhánh rẽ đi Gia Nghĩa - Đăk Nông. Cung đường này trên bản đồ cũng là QL28, mấy năm trước nghe nói có đoạn phải qua đò vì cầu đang sửa, không biết xong chưa.
Lại thêm lộ trình mới bật ra trong đầu, dành cho sau này vậy.

< Ngã 3 QL20 - QL28 đây, bọn mình rẽ trái.

< ... vào QL28. Đúng là con đường nho nhỏ như anh quản lý thác Bobla nói.

< QL28 cũng vắng như mọi cung đường vắng mà bọn mình khoái đi, từng đi và sẽ đi mãi.

< Hai bên lưa thưa nhà và rẫy, vùng đất của người dân tộc vùng cao đây.

Về khí hậu thì nơi đây không nóng lắm và cũng không lạnh lắm, trung bình khoảng 20°C. Cũng như các nơi khác trong nước Việt Nam, ở đây có 2 mùa mưa nắng rõ rệt. Trong những tháng mưa thì mưa rất nhiều, đặt biệt là trong những tháng 7,8,9 là mưa nhiều nhất, có khi mưa cả tuần lễ liên tục.
< Trà xanh không độ cạnh tranh với trà Blao bản xứ à, bên nào thắng nhỉ?

< Biển báo đường quanh co nhưng không phải đèo đâu, còn lâu mới tới đèo Gia Bắc.

< Cổng thôn văn hóa. Có điều những bao rác đã "phản chủ"! Đây là cổng thôn Đăng Rách thuộc địa phận xã Gung Ré. Cái sai lầm chợt đến do khi bọn mình ở Di Linh, có mở netbook lên xem bản đồ và hướng dẫn nhưng không coi kỹ. Vậy nên cứ đinh ninh là thác Liliang nằm gần đèo, tức còn khá xa...

< ... Nhưng thực tế thì thác Liliang nằm ngay đâu đây thôi vì thác thuộc xã Gung Ré.

Về cảnh đẹp thì Di Linh có thác Bobla nằm trên địa phận xã Liên Đầm mà bọn mình đã ghé. Một thác khác là Liliang nằm cách trung tâm thị trấn Di Linh 13km, trên QL28 hướng về Phan Thiết. Liliang trong tiếng K’Ho nghĩa là thác nhiều đá.
< Những vạt ruộng ven đường: có thửa xanh tươi, lại có thửa đã gặt rồi.

Dilinh cũng có những cảnh đẹp hùng vĩ như đèo Da-Trum (cao 1235 thước) ở 15 cây số về hướng Nam và đèo Yan-Kar (cao 1017 thước) cách thị trấn Dilinh 19 cây số về hướng Đông Nam. Từ đèo Yan-Kar có thể nhìn về Phan Thiết và đôi khi thấy cả biển Đông.
< Các bé đi học về. Các em vô tư, "nửa kia" của mình cũng vô tư chụp - Về xem lại rồi buồn cười với tấm bảng "Thịt chó tươi sống" ven đường - Aì khoái món nai đồng quê thì nhào vô mua vài ký nhé.

< Vài thửa ruộng lúa sắp chín vàng.

< Đường đất à? Không phải đâu: mặt đường nhỏ nhưng tráng nhựa đàng hoàng, có điều đây là vùng đất bazan đỏ nên lấm lem là chuyện thường tình.

< Đồi cà phê hay trà nhỉ, nhưng tại Di Linh: cây công nghiệp người ta trồng nhiều nhất là cà phê.

< Mình lại gặp lần nữa: những cây cỏ lau bên trái, chúng phất phơ trong gió.

Huyện Di Linh còn có những dãy núi đẹp như Bra-Yang (cao 1874m), núi Yang Doan (cao 1812m), núi Pantar(1654m)... sẳn sàng thử thách các gót chân những bạn thích leo núi.
< Một chị phụ nữ người dân tộc đi bên đường.

Di Linh từng in dấu chân của nhà thám hiểm - bác sĩ Yersin (Alexandre John Emile Yersin) trong chuyến thám hiểm khám phá năm 1893, cũng là nơi cha Jean Cassaigne truyền đạo và lập trại điều trị bệnh phong Di Linh. Tiếc rằng trong chuyến này, bọn mình chỉ như "cỡi ngựa xem hoa" qua vùng đất tuyệt vời này thôi.
< Núi non chập chùng vây quanh, đẹp vô cùng nhưng nếu bạn thích sự sôi động của phồn hoa đô thị thì ở đây sẽ chết vì buồn, he he...

< QL28 lúc này bắt đầu vào một số cua ngoằn ngoèo, nhưng vẫn chưa đến đèo đâu...

< Những thông tin chi tiết về các địa danh trên cung đường QL này không nhiều nên cũng khó biết mình đã đến đâu. Mình cho là khúc này gần mỏ đá saphia Sơn Điền. Mỏ này đang được bộ Năng Lượng quản lý và khai thác. Đi chốn này cần nhìn kỹ phía trước mặt và ven đường: biết đâu nhặt được cục saphia đỏ vài... trăm gram thì sướng, về xỏ dây đeo cổ cho ngầu (hi hi).

< Vậy nhưng "phia" đâu hổng thấy, chỉ nhận ra hình như bánh sau xe mình có vấn đề! Dừng xe lại, mình xoay vòng và thấy có một chổ... hơi bị phù - thế quái nào đây nhỉ? "Bùm" một phát trên đèo thì chỉ có nước dở điên dở khùng.


Xẹp bánh vì đinh nhỏ thì mình không ngại vì thủ sẳn hai chai keo vá, cả ruột sơ cua và bơm đạp... nhưng cái sự "bùm" vỏ thì chịu thua.


< Vậy thì trở lại thị trấn Di Linh để thay vỏ hay đi tiếp?
Áng chừng đoạn đã đi này chỉ khoảng 1/4 đoạn đường từ Di Linh về Phan Thiết thôi, tức là đích đến còn xa lắm.
Mình lại săm soi bánh sau rồi quyết định: đi tiếp, chưa đến nỗi nào đâu.

Quyết định đúng sai thì hồi sau bạn sẽ rõ, chỉ biết rằng còn khối điều kinh khủng hơn rất nhiều đang chực chờ. Một chuyến đi như nhiều lần đã đi, vậy nhưng cái may và rủi dường như cứ bám sát ngay sau xe bọn mình trên từng cây số đường xa, rất xa và cũng thật hiu quạnh...

Còn tiếp
-

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12