Khơi thông huyết mạch bản Dao

Đặt chân lên những cổng trời nơi xứ Mường Hòa Bình, chúng tôi không chỉ được nghe về những huyền thoại đẹp trong các kho sử thi nơi đây mà còn được tận mắt chứng kiến những kỳ tích như "phép màu" giữa thời đại mới.

Ký ức gian khổ

Trở lại với cổng trời Đằng Long lần này, chúng tôi không quá ngạc nhiên với con đường trải nhựa chạy trơn tru từ trung tâm xã Bắc Sơn (huyện Kim Bôi) vào đến hết bản người Dao. Nhớ lại lần đầu hạ quyết tâm chinh phục cổng trời xứ Mường này, chúng tôi đã mất ngót nghét 5 tiếng đồng hồ mới vượt qua được 6km đường toàn vực sâu và núi đá.
Gã thanh niên dẫn đường người bản địa nhiều khi còn muốn bỏ cuộc quay về chứ đừng nói đến mấy thằng con trai phố xá chỉ quen ngồi ô tô, xe máy. Tại một khe núi hẹp được tạo nên bởi hai vách đá lởm chởm cao thăm thẳm, chúng tôi gặp một cô bé người Dao đang luẩn quẩn đi ra đi vào với con trâu bụng căng tròn cỏ tươi.

Anh chàng dẫn đường người Mường cười: "Con trâu này lúc đi thì đói nên qua lọt khe núi, lúc về bụng tròn căng thế này thì không qua được đâu. Phải chờ cho nó đói lại thôi".
Nhắc lại những câu chuyện cũ để thấy rằng đường vào Đằng Long cách đây mấy năm thực sự là một thử thách với những ai khát khao được đặt chân tới những cổng trời huyền thoại của xứ Mường Hòa Bình. Chính vì khó khăn về đường sá nên những người Dao ở Đằng Long luôn chung thủy với những ngôi nhà gỗ rừng, mái lợp cỏ tranh.

Người dân Đằng Long hẳn sẽ chẳng thể nào quên được công trình nhà mái bằng đầu tiên được xây dựng ở bản mình với sự góp công của cả trăm lao động. Theo nhẩm tính của những người nhớ việc trong bản thì để có được ngôi nhà gạch đổ mái bằng đó, gia chủ đã phải chuẩn bị nguyên vật liệu mất vài năm.
Cứ tranh thủ những đận nông nhàn, chủ nhà lại nhờ gần trăm thanh niên khỏe mạnh trong bản vượt núi đi vận chuyển xi măng ở tận xã Cao Răm của huyện Lương Sơn. Mỗi lần như thế, chỉ riêng 2 bữa cơm cảm ơn mọi người đã linh đình như nhà có đám.

Không chỉ gian khổ đường ra trung tâm xã, người Dao Đằng Long còn phải đối diện với nghịch cảnh đất đai phì nhiêu mà vẫn nghèo xơ nghèo xác. Cả bản Đằng Long chỉ có mấy chục nóc nhà trong khi đất đai ở Thung Chừa thì đủ cho mỗi hộ canh tác cả hecta. Để đi lên Thung Chừa, người nông dân trong bản lại phải lần khe, vượt núi. Đến được nơi có nương thì đã mất nửa sức người. Đến khi thu hoạch mang được bao thóc về thì mỗi hạt thóc cũng cõng đến mấy hạt mồ hôi.

Con đường huyết mạch

Quá vất vả, năm 2009, ý tưởng mở một con đường xuyên núi đá để đi làm kinh tế được Trưởng bản Triệu Văn Tiến đưa ra. Nhìn ngọn núi đá cao vòi vọi đứng sừng sững chắn cả mặt trời, những tưởng chẳng ai ủng hộ anh trưởng bản trẻ tuổi, nào ngờ hầu hết người dân bản Đằng Long đều mạnh mẽ giơ tay đồng thuận. Nhận được sự tin tưởng của bà con, anh Tiến bắt đầu cuộc hành trình vạch cây, ngược dốc tìm đường mòn về phía cổng trời để đo, ngắm và vẽ tuyến đường tương lai. Khi kế hoạch hoàn thành, cả huyện và xã đều không tin con đường này sẽ thành hiện thực vì thi công khó như mở đường lên trời.

Thế rồi kế hoạch vẫn được tiến hành. Hàng trăm đôi tay người Dao đã đồng lòng vác cuốc, vác xẻng đi phá đá. Thế nhưng sức người có hạn, sức trời thì vô biên. Ngọn núi đá cắm sâu xuống lòng đất cả ngàn đời nay cứ đứng chắn hiên ngang như thách đố sự quyết tâm của cả bản làng. Trưởng bản Tiến lại vắt óc suy nghĩ và đưa ra phương án thuê máy về làm đường.

Đặt ra ý tưởng đó, bản thân anh Tiến cũng chẳng dám tin là mỗi hộ gia đình ở Đằng Long lại có thể sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng - số tiền phải dành dụm cả đời mới có của họ - để đóng góp cho công việc mở đường. Nhà nào người ít, nương ít, ở gần thì chỉ đóng vài triệu, nhà nào người nhiều, nương nhiều, ở xa thì đóng trên 20 triệu. Rất công bằng.

Với 400 triệu đồng tiền đóng góp, máy móc hiện đại đã hạ gục ngọn núi đá che lấp bao cuộc đời người Dao ở Đằng Long. Con đường 7km nhanh chóng hoàn thành mở ra một cuộc sống mới đầy ánh sáng cho người dân. Đường mở đến đâu, đất đai được canh tác đến đó, các loại cây kinh tế bắt đầu được đưa vào sản xuất.

Từ Thung Chừa đi xuyên sang chợ Cá (Miếu Môn, Xuân Mai, Hà Nội) chỉ mất gần 10km, gần hơn đường cũ cả chục lần. Nông sản được thông thương, thu nhập người dân Đằng Long tăng lên trông thấy. Đặc biệt, từ khi có đường, hàng chục hộ dân đã đầu tư phát triển kinh tế trang trại ở Thung Chừa, tạo được nguồn thu ổn định đến hàng trăm triệu đồng/năm giúp họ trở thành những tỷ phú nơi vùng cao Tây Bắc.

Giấc mơ có điện - Thắp đèn dầu… xem tivi

Nhiều nơi, sử dụng điện trong sinh hoạt hàng ngày hiển nhiên như ăn cơm, uống nước. Với những người Dao, người Mường trên các cổng trời Hòa Bình thì việc sử dụng điện lưới chỉ xuất hiện trong những giấc mơ.

Ngồi trong ngôi nhà 2 tầng khang trang mới xây, ông Dương Đức Bình - kế toán của dự án đường ra xã - hào hứng kể: "Từ ngày có con đường kinh tế lên Thung Chừa, gia đình tôi vào đó làm buông (lá buông, làm hàng thủ công mỹ nghệ) nên cũng có thu nhập đáng kể.

Dành dụm được ít tiền, tôi quyết định xây dựng căn nhà khang trang cho bằng anh em ngoài phố. Nhờ có con đường nhựa ra xã mà việc vận chuyển xi măng rất thuận lợi và nhanh chóng. Đá thì có sẵn trong núi nên chẳng tốn bao nhiêu là tôi đã có ngôi nhà 2 tầng rộng cả trăm mét vuông".

Ngôi nhà của ông Bình được xây kiên cố. Các đường dây điện trong nhà chạy ngầm trong tường, các thiết bị điện như bóng đèn neon, actomat, quạt treo, tivi, đầu kỹ thuật số được trang bị đầy đủ. Dẫu vậy, gần một năm nay, kể từ khi được gia chủ mua về lắp đặt, những thiết bị này đều chưa một lần có dòng điện chạy qua.

Thiết bị điện duy nhất hoạt động trong ngôi nhà bề thế này là chiếc bóng đèn trắng 25W được thắp sáng nhờ điện chập chờn từ máy phát điện bằng sức nước lắp đặt tại suối Chùa. Vào những mùa nước ít thì nguồn sáng thay thế khi mặt trời đi ngủ ở bản Dao này là những ngọn đèn dầu bé bằng hạt đỗ.

Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Tài Quý - Phó Bí thư chi bộ thôn Đằng Long - chia sẻ: "Vì muộn có đường và chưa có điện nên Đằng Long vẫn là thôn nghèo với thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 7 triệu đồng/người/năm.

Kể từ khi có con đường kinh tế lên Thung Chừa và con đường nhựa ra trung tâm xã, người dân Đằng Long khá lên trông thấy, nhiều nhà làm kinh tế trang trại nên có của ăn của để. Gần đây, sau khi nghe thông tin sắp có điện lưới quốc gia về bản, nhiều người bắt đầu xây dựng nhà cửa khang trang, lắp đặt đường dây, thiết bị để đón điện về.

Chúng tôi đang rất hy vọng trong năm 2012 này, ước mơ có điện của người dân Đằng Long suốt 50 năm nay sẽ thành hiện thực để chất lượng cuộc sống được tăng cao".

Đón điện về bản

May mắn hơn người Dao ở Đằng Long, những người Mường ở thôn Nước Ruộng, xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình vừa qua đã đón Tết Nhâm Thìn trong niềm vui được đón điện lưới quốc gia vềbản. Không thể nào lột tả hết được sự hân hoan, vui sướng của người dân Nước Ruộng trong đêm văn nghệ chào mừng với ánh sáng lung linh, loa đài rộn rã.

Nhắc lại khoảnh khắc đáng nhớ đó, ông Bùi Văn Chu - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thượng - xúc động: "Vui lắm các nhà báo ạ! Trước Tết Nguyên đán 15 ngày thì điện về. Cả bản Nước Ruộng đã thịt trâu để ăn mừng cuộc sống mới. Ngày trước dùng điện nước chỉ chạy được cái bóng đèn trắng hoặc cái tivi đen trắng. Giờ có điện lưới quốc gia, nhà nào cũng mang tiền đi sắm tivi màu, điện thoại di động, quạt điện… Trong bản đã có 2 nhà mua máy xay xát để phục vụ nhu cầu của người dân".

Cách đây 10 năm, thôn Nước Ruộng chỉ có khoảng 40 hộ dân với 100% là người dân tộc Mường. Là vùng giáp ranh với thủ đô Hà Nội nhưng Nước Ruộng lại là nơi rất chậm có điện lưới và đường giao thông. Lý do là bởi để mắc hệ thống điện cho gần 90 hộ dân nơi cổng trời heo hút này thì Nhà nước phải đầu tư đến 6 tỷ đồng thì mới có thể biến ước mơ giản dị của họ thành hiện thực.

Đường giao thông cũng vậy. Chỉ vỏn vẹn có 5km từ trung tâm xã Nam Thượng vào đến bản Nước Ruộng mà có tới 5 con dốc là những vách núi dựng đứng trập trùng như tranh thủy mặc. Để hạ dốc làm đường cho ô tô, xe máy chạy được vào bản thì cũng cần đến một khoản kinh phí khổng lồ.

Dẫn chúng tôi vượt qua những con dốc trơn trượt còn đọng nước mưa để vào Nước Ruộng, anh Bùi Đức Hung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Thượng - than thở: "

May là cơn mưa này đã cách đây mấy ngày, mặt đường cũng se khô phần nào nên giờ các anh mới đi được xe máy vào bản. Chứ nếu trời vừa mưa xong thì chỉ còn cách đi bộ vào thôi. Mà có đi bộ thì cũng phải trượt chân ngã vài lần mới đúng là đường vào Nước Ruộng".

Cũng qua những lời kể của anh Hung thì chúng tôi hiểu rằng, để có được con đường rất xấu mà chúng tôi đang đi hôm nay thì người dân Nước Ruộng cũng đã lập nên một chiến tích phi thường, bạt dốc mở đường để giải phóng cho những đôi chân bao đời nay giẫm hằn trên đá. Chỉ khi phóng tầm mắt theo những khe đá hiểm trở len lỏi giữa đại ngàn xanh thẳm, tôi mới cảm nhận được phần nào những gian truân, vất vả mà những con người nơi đây đã phải đối mặt suốt nhiều thập kỷ qua.

- Theo Đỗ Anh Thư - Laodong