Đến Trường Sa Lớn
Thị trấn giữa trùng khơi
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, tầu HQ 936 đưa chúng tôi qua các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Cô Lin, Sinh Tồn, Trường Sa Đông, Đá Tây, sau đó đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa, Điện Biên, Vĩnh Phúc, quân chủng Hải Quân đã cập bến đảo Trường Sa Lớn. Trường Sa Lớn cách Cam Ranh khoảng 450km, cách Vũng Tàu hơn 500km đường biển, đảo có hình dáng gần giống một tam giác vuông, diện tích khoảng 0,2km2, là đảo lớn thứ tư của quần đảo Trường Sa. Hiện đảo Trường Sa Lớn là nơi đặt trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Trường Sa, trên cơ sở đảo Trường Sa Lớn và các đảo, đá, bãi phụ cận như đảo An Bang, bãi Thuyền Chài, ...
Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa – Trưởng đoàn công tác cho biết, chuyến công tác lần này là tiếp tục khảo sát cụ thể tình hình cuộc sống của quân và dân trên đảo. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp mang tầm vĩ mô để cho huyện đảo Trường Sa phát triển bền vững.
Một điều rất đáng ghi nhận là đến thăm lần này, đoàn đã được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của thị xã Trường Sa Lớn, đời sống của quân và dân được cải thiện rõ rệt. Trên đảo có Trung tâm cứu hộ, cứu nạn, Trạm khí tượng, trạm y tế, lớp học mẫu giáo lớn và các lớp cấp tiểu học...
Thị trấn nhìn từ xa đã tỏ rõ dáng hình của một đô thị nhỏ với Nhà khách Thủ đô – quà tặng của nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng quân và dân trên đảo - duyên dáng khoe mình ngay lối dẫn từ cầu tàu đi lên. Chưa kể một chòi đá cao 5,5m ở mũi phía nam, một đường băng và một cảng cá. Vành đá ngầm bao quanh đảo nổi trên mặt nước khi triều xuống. Trên đảo còn có giếng nước lợ sử dụng được, là nguồn nước quan trọng thứ 2 sau nước mưa.
Theo thượng tá Đinh Văn Hải - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, cùng với đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, đây là nơi thuận lợi cho tàu đánh cá của ngư dân vào neo đậu, tránh bão. Năm 2011 và quý I/2012 đã tạo điều kiện cho 185 lượt tàu đánh cá của ngư dân ra khai thác hải sản, đồng thời hỗ trợ nước ngọt, khám, điều trị và cấp thuốc cho 243 trường hợp (ngư dân 177, nhân dân 66) và nhiều thuốc chữa bệnh cũng như vật dụng sinh hoạt khác.
Vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió
Thượng tá Đinh Văn Hải cũng cho biết, đảo ở xa đất liền, môi trường khí hậu khắc nghiệt. Cuối năm 2011 mưa to gió lớn, áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 1 đến sớm trái với quy luật nên có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Mặc dù vậy, quân và dân trên đảo đã chủ động khắc phục khó khăn, nhiều hộ gia đình đã tích cực tăng gia, chăn nuôi, đánh bắt hải sản.
Cụ thể, đã trồng được 21.920kg rau xanh (bình quân 92kg/ng/năm). Tổng sản phẩm thu hoạch là 414.364.500 đồng, đưa vào cải thiện 331.491.600 đồng, bình quân đạt 1.649.212 đồng/người/năm. Ngoài ra trên đảo còn trồng nhiều cây xanh, cây ăn quả, đã chiết được 486 cây, trồng mới 714 cây xanh các loại, làm cho đảo “trắng” trước đây giờ xanh mát.
Đến thăm lớp học chừng 20m2, 1 cô giáo với 7 học sinh đủ các cấp học từ mẫu giáo lớn đến lớp 5 (chỉ thiếu lớp 4). Giảng toán cho lớp 3 xong quay sang kiểm tra bài làm văn của lớp 5, lại vội chỉnh nét chữ cho bé lớp mẫu giáo lớn - hình ảnh không mấy xa lạ ở các lớp ghép từng phổ biến một thời ở các vùng sâu, vùng xa, nay đã không còn thấy nhiều, nhưng đó lại là những hình ảnh vô cùng quen thuộc, nếu không muốn nói là đặc trưng của các lớp học nơi đảo xa này.
Thị trấn đảo Trường Sa Lớn chúng tôi đến hôm nay cũng tương tự thế, hơn ở chỗ đây là đảo duy nhất có giáo viên chuyên trách cho các lớp học chứ không chỉ toàn cán bộ xã kiêm nhiệm nhiệm vụ dạy học như bên Sinh Tồn hay Song Tử Tây... Việc chăm sóc sức khỏe quân và dân trên đảo cũng được chú trọng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, sắp sinh nhưng bị thai ngang rất nguy hiểm, đảo phải điện ra bờ điều máy bay trực thăng vào, đưa thêm bác sĩ, rồi tiếp máu cùng những thiết bị y tế; 2 mẹ con được cứu kịp thời, nay cháu Nguyễn Ngọc Trường Xuân vừa mừng sinh nhật tròn 1 tuổi trước hôm chúng tôi đến ít ngày. Điều đáng nói hơn, không chỉ là công dân bé nhất của đảo thời điểm này, bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân còn là công dân đầu tiên, cũng là duy nhất, được sinh ra trên đảo Trường Sa Lớn.
Thể theo nguyện vọng của quân và dân trên quần đảo, cũng như của các vị chư tăng, đợt công tác này có 5 nhà sư ra trụ trì gồm 2 vị ở chùa Song Tử Tây, 2 vị ở đảo Sinh Tồn. Chúng tôi đã được nghe Đại Đức Thích Ngộ Thành gõ tiếng chuông đầu tiên tại chùa Trường Sa Lớn.
Cũng tại chùa, đặc biệt có tượng Phật ngọc Thích ca Mâu ni do Liên đoàn Phật giáo Thế giới tặng Thủ tướng Chính phủ tại chùa Vàng Shwedagon (Myanmar), nay Thủ tướng tặng cho chùa Trường Sa Lớn. Đại đức Thích Trí Thành đã cầu nguyện cho quốc thái dân an, vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển, cầu cho hương hồn các anh hùng liệt sĩ, những người đã ngã xuống vì sự nghiệp xác lập và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc được siêu thoát, nhân dân an lạc, cán bộ chiến sĩ trên đảo vạn sự cát tường như ý.
Thấu hiểu và chia sẻ những vất vả của quân và dân trên huyện Trường Sa, phong trào “Hướng về Trường Sa thân yêu” được cả nước nói chung, cũng như Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói riêng đã quan tâm, đến nay hầu hết các đảo đã được xem truyền hình, các điểm đảo đều có máy vi tính, máy lọc nước, thư từ báo chí...
Với tình cảm với Trường Sa - vùng biển thiêng liêng của tổ quốc, chính quyền, đoàn thể cũng như các doanh nghiệp trong đoàn đã mang nhiều phần quà rất thiết thực tặng cho quân và dân trên đảo Song Tử Tây.
Cụ thể, Bộ tư lệnh Hải quân, văn phòng UBND, các ban ngành, doanh nghiệp... của tỉnh Khánh Hòa tặng 19 thùng hàng gồm các trang thiết bị trường học, các nhu yếu phẩm thiết yếu... Điện lực Vĩnh Phúc tặng 205 triệu đồng của cán bộ công nhân viên toàn công ty phát động ủng hộ 1 ngày lương. Ngoài ra tỉnh còn tặng tượng Bác Hồ bằng đồng, tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, 5 bộ máy vi tính, 2 tủ lạnh, bóng đèn tiết kiệm điện...
Đặc biệt hộp phần đất Vĩnh Phúc mang cùng cây trồng tặng huyện đảo Trường Sa rất có ý nghĩa. Đất lấy tại khu đất có “cây di sản Việt Nam” ở miếu Ghè, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc - nơi thờ 2 vị Thánh Cô có công đánh giặc giữ nước. Tỉnh Vĩnh Phúc còn mang 2 cây đại, 1 cây bồ đề, 1 cây trúc tặng chùa Trường Sa Lớn.
Ông Ngô Hà Thái - Phó Tổng Giám đốc TTXVN, đã thay mặt tập thể cán bộ, phóng viên TTXVN tặng 1 tủ sách để xây dựng thư viện trên đảo với gần 3.000 đầu sách, 1.000 cuốn tạp chí, máy tính truy cập Internet... đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân huyện đảo, phần nào bớt đi những khó khăn cho các chiến sĩ, nhân dân Trường Sa để vượt lên bám biển, giữ cho bằng được chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Khai thác các nguồn lợi từ biển
Đến thăm và làm việc với huyện đảo Trường Sa Lớn, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa thay mặt lãnh đạo tỉnh đề nghị và kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đối với tinh thần Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa, hãy nghiên cứu đóng góp kinh phí hoặc trực tiếp triển khai để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế trên đảo, trước mắt là đầu tư 3 tàu đánh bắt thủy sản 33 CV và 3 khu chăn nuôi, tập trung tại 3 xã đảo là Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa Lớn để cải thiện bữa ăn cho bộ đội, nhân dân trên đảo, cũng như cải tạo cảnh quan môi trường trên các đảo.
Chuẩn đô đốc - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho biết, cùng với Quân chủng Hải quân còn có các cấp, các ngành, các tỉnh thành, các doanh nghiệp, với hành động thiết thực và hiệu quả góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu cũng như đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần để quân dân huyện đảo Trường Sa ấm lòng, yên tâm hơn và vững tin vào đất liền, yêu mến gắn bó với biển đảo.
Quân và dân huyện đảo Trường Sa vượt qua mọi khó khăn, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, xây dựng huyện đảo ngày càng giàu mạnh. Chuẩn đô đốc cũng cảm ơn những người dân đã sẵn sàng rời đất liền, chọn đảo là nhà của mình, bên cạnh đó cũng ghi nhận sự cố gắng rèn luyện của các chiến sĩ trên đảo xa.
Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo, đoàn công tác đã có nhiều cảm xúc và tình cảm khác nhau, nhưng tựu trung là ngạc nhiên, khâm phục, chia sẻ và tin tưởng vào QĐNDVN, vào Hải quân trong việc nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc, thực hiện thành công chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2020.
Ông Trần Sơn Hải cũng cho rằng, trong Chương trình mục tiêu quốc gia việc giúp đỡ và tạo mọi điều kiện cho các xã, thị trấn huyện đảo thì chăm lo đến đời sống cán bộ, nhân dân trên đảo được đặt lên hàng đầu. Đồng thời việc hỗ trợ, giúp đỡ cho ngư dân của các địa phương đến đánh bắt hải sản tại vùng biển, vùng đảo cũng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, góp phần xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.
Trường Sa là tiền đồn Tổ quốc, nhưng để tiền đồn được vững mạnh như ngày nay, đã có sự góp sức quan trọng của các anh các chị, những người con của Trường Sa. Tiến ra biển, làm chủ biển và khai thác các nguồn lợi từ biển đang là một cơ hội, đồng thời cũng là một thách thức lớn đối với cả dân tộc ta.
- Theo Đỗ Anh Thư - Laodong
khâm phục những người dân sống ở đây vì biển đảo
Trả lờiXóanorth vietnam motorbike tours Loop Bike Tours