Ngang qua miền Tây

Một bữa nào đó, chợt thấy mình là người miền Tây, lại làm báo, mà rất ít hiểu biết về miền Tây, giống in như một người con cứ mãi rong chơi đâu đâu, lâu lắm không thèm về quê mẹ, hoặc nếu có cũng chỉ đáo qua. Vậy là cứ mỗi khi có dịp, tôi lại “kiếm cớ” một chuyến đi…

Muốn “đi bụi” miền Tây, bạn không cần gì nhiều đâu. Vài bộ đồ nhẹ nhàng, giờ có thẻ ATM thì tốt rồi nhưng vẫn phải dằn túi chút đỉnh, bởi cái máy này chỉ khi vui nó mới chịu nhả tiền ra thôi. Và thể nào cũng phải có người thân, bạn bè chí cốt, đủ để chia sẻ những hoàng hôn lặng lẽ hoặc vài tia nắng đầu ngày…
Miền Tây là xứ sở sông nước, nên có thể men theo sông mà đi miết là có thể tới bất cứ nơi đâu.

Nếu bắt đầu từ “cái rốn” là Vĩnh Long, cứ ngược sông Hậu sẽ đến nơi mà dòng Mekong bắt đầu có tên gọi Cửu Long và chia làm 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu tại Tân Châu. Chẳng hiểu sao, khi đứng ở ngã ba sông này, lòng chúng tôi cứ nôn nao, như thể “chạm” được vào quê hương.

Sông cái mênh mông là vựa cá cho Nam Bộ. Cá bông lau, cá ngát và con cá tra, ba sa từ biển Hồ theo mùa nước nổi về đây, đã làm nên làng bè lớn vào bậc nhất miền Tây. Từ đây, con khô cá tra phồng, khô sặt rằn, khô cá dứa thơm nức cả vùng. Chỉ ngó món mắm ruột làm từ ruột cá lóc hay món mắm thái, lạng từ nạc cá lóc cũng đủ hình dung ra vùng đầu nguồn cá bạc tôm vàng.

Đứng bên đây bờ Tân Châu, ngó qua bên kia đã là sông Tiền miệt Hồng Ngự (Đồng Tháp), nơi mà con cá tra giống nhân tạo đầu tiên được sinh ra, đã giúp người miền Tây hơn chục năm nay thêm nhiều triệu phú, tỷ phú, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu thủy sản nước ngọt. Và cũng trải lắm thăng trầm để học bài học “chợ nhà- chợ quốc tế” không thiếu đắng cay.

Như Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Hồng Ngự, Nguyễn Trạng Sư đăm chiêu nói với chúng tôi: “Bây giờ không còn ai làm nghề vớt cá giống, vì còn đâu mà vớt. Nhưng cũng không ít những “đại gia cá giống” mà tên tuổi đã vượt rất xa khỏi huyện lỵ nhỏ bé này”.

Men theo sông Tiền, đi qua những xóm làng trù phú. Với những tên cây tên trái mang bóng hình xứ sở, đậm vị quê hương, sầu riêng Sáu Ri hay vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc… Rồi xuôi dòng ra biển cả, để qua xứ dừa Đồng khởi- Bến Tre, nơi có diện tích dừa lớn nhất, nhiều giống dừa nhất cũng như nhiều sản phẩm chế biến từ dừa- không chỉ nhất của ĐBSCL mà còn nhất nước. Ngó cây dừa sai oằn trái và nhấp ngụm nước dừa xiêm, làm sao không nhớ mấy câu thơ “tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ, dừa ru tôi tiếng hát tuổi thơ…” mát rượi tận đáy lòng.

Đứng trên đập Ba Lai lộng gió- một trong chín cửa sông rồng đã được đầu tư cải tạo thủy lợi, để cảm nhận sự giàu có của vùng duyên hải miền Tây. Bên này đập là biển mặn đục ngầu, nhưng bên trong đã là nước ngọt phù sa. Đã có nhiều tranh cãi về chuyện làm thay đổi một vùng đất đặc thù cửa sông. Nhưng theo người dân nơi đây, đập đã giúp giữ ngọt ngăn mặn trong thời gian qua. Chắc sẽ càng có ích trước biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai.

Con nghêu Bến Tre giờ đây cũng đã hết phận long đong, nổi tiếng tầm “quốc tế”, ngư dân hét giá hàng vài chục ngàn đồng một ký. Cũng ở đây, cảnh tranh cướp nghêu đã gợi lên nhiều suy nghĩ lẫn băn khoăn...

Một chiều nào đó, “nghe tiếng đàn ai rao sáu câu…” tôi lại men theo dòng Hậu Giang về xứ Bạc Liêu, vùng đất của bản ca vọng cổ đầu tiên “Dạ cổ hoài lang” buồn man mác, để ra cửa biển Trần Đề ngóng vọng xa khơi. Làm quen với những người đầu sóng ngọn gió và nếm thử con cá dạ đỏ ngọt lừ, đang là “vua xuất khẩu” giá mỗi ký vài trăm ngàn đồng. Nếm thử hạt muối mặn lừ của mưa gió thị trường. Lắng lòng nghe câu chuyện đường sá khó đi, xăng dầu đắt đỏ, bão tố nguy nan… của ngư dân. Hiểu rằng, mỗi miếng ăn từ biển đẫm mồ hôi và nước mắt.

Đi qua những ruộng vườn, sông nước mà không gặp người miền Tây thì coi như… chưa tới đất này. Thật mà, tôi đã gặp những người miền Tây, mà qua thời gian, nhiều người tôi đã quên mặt, quên tên, nhưng tình người vẫn đậm đà trong hoài niệm. Đó là chén xôi nếp than với tôm thẻ kho mặn lúc nửa đêm- mà chị chủ nhà nuôi chúng tôi những ngày đi công tác đã đánh thức: “Nghe mấy em nói chưa biết ăn xôi nếp than. Chồng chị mới trút được mớ tôm tươi, chị nấu xôi, kho tôm liền. Dậy ăn đi cho biết”. Và chén xôi nửa đêm ấy- hẳn vợ chồng chị không hề biết rằng, đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, niềm tin tình người của tôi qua biết mấy quãng đường đời mà đôi khi rất thất vọng.

Đó là dì Sáu vừa nhai trầu, vừa chỉ căn nhà trống huơ hoác, không cửa nẻo trước sau: “Có hai bồ lúa lận mà, bây ở tới chừng nào cũng được. Làm hết công chuyện hả dìa trển” ở một miệt đồng xa mút của Giá Rai. Còn anh Bảy thì băng cánh đồng xa mỏi mắt trong chiều chạng vạng để kiếm một ống khói đèn- giữ ánh sáng đêm bằng hạt đậu cho chúng tôi… ngủ.

Đó là anh Việt, là chú Tám, chú Hai,… trải từ sông Tiền qua sông Hậu, từ cánh đồng đến đảo khơi, đã sẵn lòng giúp những “khách bụi đường xa” mà không hề mong một ngày đáp lại. Tôi thầm nghĩ, nếu ai chưa từng hiểu hoặc chưa từng biết tại sao Lục Vân Tiên có sức sống lâu bền đến vậy thì hãy vác ba lô lên lưng, làm một chuyến miền Tây.

Tính ra, mình cũng đã có hàng chục năm trời với những chuyến đi, nhưng là một người miền Tây và thêm chút nữa- một nhà báo, tôi thấy mình mới hiểu được một phần quá nhỏ, mới chỉ “ngang qua” mà lại nợ nần biết bao nghĩa tình, biết bao điều chưa nói hết, chưa viết được. Như trăn trở của kỹ sư Nguyễn Trạng Sư cũng là của người miền Tây: “Nếu Ủy ban quốc tế sông Mekong không làm quyết liệt để tạo sự thông thoáng cho sông, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ĐBSCL cả về sinh hoạt, đời sống và sản xuất của người dân”. Cho nên ước mơ- bạn đừng cười đấy nhé, là sẽ “xuyên qua miền Tây”.

Thật thích cảm giác khi thành phố nhỏ còn mơ ngủ, trong sương khuya lành lạnh, lặng lẽ chất ba lô lên xe rồi băng vào màn đêm mờ tối…

- Theo Phương Nam (Nguoilaodong), internet