Về miền Tây thăm những “ông già Nam Bộ”
Cũng như đất trời, bao năm tháng cứ tiếp nối đi qua, mà mỗi ngày đến cũng đều là ngày mới! Ở một góc khuất nào đó trong bộn bề cuộc sống, chợt lắng lòng với những “ông già Nam Bộ”…
“Nhớ câu kiến nghĩa bất vi”
Theo Đường tỉnh 26, từ TP Bến Tre đi Ba Tri chừng 35km. Nắng vàng chói chang, nắng như lửa đốt. Dẫu vậy, đường “lên mộ” cụ Nguyễn Đình Chiểu- cách nói rất thân thiết của người dân Ba Tri, luôn có cảm giác mát lành khi băng qua những cánh đồng lúa xanh, những vườn dừa như bất tận.
“Thần tượng” trong lòng dân
Thật ngẫu nhiên, tưởng như có một sợi dây liên kết vô hình nào đấy, khiến chúng tôi gặp cụ Phan Minh Trí- đầu tóc bạc phơ, lưng còng, cười móm mém. Đã 90 tuổi, từ TP Hồ Chí Minh có dịp về xứ sở “ba đảo dừa xanh” Bến Tre, cụ nhất định phải tới thăm mộ nhà thơ “Lục Vân Tiên” Nguyễn Đình Chiểu ở xã An Đức, huyện Ba Tri.
Ở đây, không ai mà không biết đường “lên mộ”- cách nói rất thân thiết của người dân. Cảnh vật, lối đi như ru lòng du khách trở về với ngày xưa. Nhà thờ cũ trước đây được xây dựng vào năm 1972 nhỏ, gọn nhưng trang trọng. Đến nay vẫn còn trong khuôn viên Khu di tích với nhiều cây cao bóng cả.
Trong nhà thờ, ngoài tượng và bài vị thờ cụ Đồ Chiểu, còn có treo chân dung các vị anh hùng dân tộc như Trương Định, Thủ Khoa Huân, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực, Phan Tòng,... và trích đoạn những tác phẩm văn học nổi tiếng của cụ Đồ. Nhà thờ nhỏ khi xưa, nay được dùng làm văn phòng Hội Đông y, như một cách tưởng nhớ nhà thơ yêu nước, vừa dạy học, vừa bốc thuốc cứu người. Cụ Trí ngắm nhìn ngôi nhà thờ rất lâu, rồi quay qua bảo: “Tui cũng làm thầy thuốc Đông y, thiệt là ngưỡng mộ cụ Đồ Chiểu”.
Mặc dù sinh ra ở Huế, đậu tú tài ở Gia Định năm 1843, nhưng 21 năm cùng sống, cùng yêu, cùng ghét- nên Ba Tri xem cụ Đồ Chiểu như là người của quê hương xứ sở. Có lẽ danh xưng “ông già Ba Tri” cũng bắt nguồn từ đó. Dường như không người dân Nam Bộ nào không biết ngâm nga vài câu Lục Vân Tiên “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng…”
Sức sống của những vần thơ Đồ Chiểu bởi chất thơ cũng là cốt cách người Nam Bộ- những người đi khai phá, bất khuất trước hiểm nguy và quyền lực, nghĩa khí “giữa đường thấy việc bất bằng chẳng tha” và không màng danh lợi “làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Người Nam Bộ đã tìm thấy hình ảnh và “thần tượng” của mình bằng bản chất trượng phu, hào phóng, trọng nhân nghĩa của Hớn Minh, Tử Trực, ông Quán, ông Ngư, ông Tiều. Thể hiện đúng khát vọng vươn lên đạo làm người của cư dân vùng đất mới.
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm…”
Đến với khu mộ cụ Đồ Chiểu, chúng tôi như được sống lại cùng không gian, thời gian mà nhân vật Lục Vân Tiên trượng nghĩa “Trai thời trung hiếu làm đầu…” và tính cách khí khái, thanh cao của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
Hẳn nhiều người chưa quên, khi Pháp đánh chiếm Gia Định năm 1859, cảm nhận sự hy sinh anh dũng của những nông dân chân đất, Nguyễn Đình Chiểu viết bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc vô cùng thống thiết. Và lần đầu tiên, người nông dân- chiến sĩ đã hiện lên rõ nét trong văn học. Những người chỉ “cui cút làm ăn- toan lo nghèo khó” mà “việc cuốc việc cày việc bừa việc cấy tay vốn quen làm; tập khiên tập súng tập mác tập cờ mắt chưa từng ngó”. Nhưng sẵn sàng “mến nghĩa làm quân chiêu mộ” để chống Pháp.
Và cụ Đồ Chiểu cũng tinh anh, bất khuất từ thơ văn tới đời thật. Đó là khi viên Chánh tham biện tỉnh Bến Tre Michel Ponchon ba lần đến nhà ông để khéo léo dụ dỗ, ông đều chối từ. Lần đầu, Ponchon đi với thông ngôn Lê Quang Hiển, ông giả điếc không nghe. Lần sau Nguyễn Đình Chiểu giả đau không tiếp. Khi Ponchon đề nghị trả đất đai ở Tân Khánh cho ông, Nguyễn Đình Chiểu đã trả lời: “Nước chung đã mất, đất riêng còn có sao được?”
Để giờ đây, trang trọng trong khu di tích, đôi câu thơ đối “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” vẫn lưu truyền hậu thế. Với người Nam Bộ, Lục Vân Tiên đã bước ra cuộc sống- trở thành biểu tượng đẹp đẽ đại diện cho con người hào hiệp, trượng nghĩa, thủy chung. Tại TP Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp đã đề nghị lập “Giải thưởng Lục Vân Tiên” để tưởng thưởng cho các anh hùng nghĩa hiệp “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha” sẵn sàng xả thân bắt cướp, bênh vực người yếu, thế cô.
Giữa rợp mát màu xanh, tiếng cô hướng dẫn viên thủ thỉ, cụ Phan Minh Trí gật gù: “Thiệt là có phước, tui luôn coi cụ cũng là ông tổ nghề thuốc của tui”.
Từ Khu di tích mộ cụ Đồ Chiểu, ông cụ Trí đã cùng chúng tôi ngồi ôtô qua Phú Lễ, rồi xuống xe ôm đi Bảo Thạnh để được thắp nén hương tưởng nhớ Đại khoa Tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ- cụ Phan Thanh Giản (1796- 1867). Năm 2008, Cục Di sản văn hóa đã có công văn nêu rõ, các nhà sử học đánh giá cao công lao của cụ Phan Thanh Giản trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa. Cụ nổi tiếng thanh liêm, đạo đức.
Cách đó 3km là khu mộ Sùng đức Võ Trường Toản (?- 1792). Cụ là người học rộng tài cao, thông đạt kim cổ. Nhiều học trò của ông nổi tiếng như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định (lúc bấy giờ được gọi là Gia Định tam gia thi),… Khi 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ rơi vào tay giặc Pháp, học trò đã tổ chức di dời hài cốt cụ về làng Bảo Thạnh, Vĩnh Long (nay là Ba Tri, Bến Tre), lúc bấy giờ còn là đất tự do. Văn bia dựng tại mộ do Phan Thanh Giản soạn thảo.
- Theo PHƯƠNG NAM - TRẦN PHƯỚC (Vĩnh Long Online)
0 nhận xét: