Rủ nhau đi chợ nên duyên đèo bòng...
.
< Chợ Bưởi ngày xuân tràn ngập màu sắc của hoa...
Kẻ Bưởi xưa là vùng ven Hà Nội, gồm các làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ân, Trung Nha… Giống như nhiều chợ cổ Hà Nội (cận sông, tiện đường đi), chợ Bưởi nằm bên vị trí hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch, thuận lợi về mặt giao thương trên bến dưới thuyền.
< Chợ Bưởi ngày xưa.
Các bậc tiền bối kể lại rằng, xưa kia, bưởi vùng mạn ngược theo dòng chảy trôi về rất nhiều, người ta thấy vậy liền vớt lên bán, dần dần theo thói quen gọi vùng này là vùng Bưởi và chợ nằm trong khu vực này cũng gọi là chợ Bưởi.
Chợ Bưởi hình thành chính xác năm nào thì không ai rõ, ngay đến các vị cao niên vùng này cũng chỉ biết rằng, khi sinh ra thì chợ đã có từ lâu.
< 5h sáng những người tứ xứ mang hàng hoá đến đây chọn chỗ đẹp để dỡ hàng xuống chuẩn bị bán.
Một số tài liệu thì cho rằng, chợ Bưởi có thể hình thành từ đời Lý, nhưng cũng có những nhà nghiên cứu lại bảo chợ hình thành từ giữa thế kỷ 19. Và điều mọi người đều không thể phủ nhận, đây là một trong những chợ có tính lịch sử, văn hóa vào bậc nhất ở mảnh đất Thăng Long – Hà Nội này.
< Sắc hoa nở rực rỡ trong nắng sớm, mời gọi những du khách đầu tiên tới với chợ.
Đặc biệt, chợ Bưởi cùng với chợ Mơ là một trong số ít các chợ còn duy trì hình thức họp chợ phiên ở nội thành Hà Nội và cứ tới các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch, dân các khu vực lân cận lại kéo về chợ Bưởi trên đoạn đường Hoàng Hoa Thám từ ngã ba chợ Bưởi cho đến ngã ba Văn Cao bán cây, con giống, vật dụng nông nghiệp, sản vật làng nghề...
< Những bông hoa lấp ló chờ chủ nhân mới.
Chợ Bưởi cổ chỉ là những dãy lán bằng phên nứa tuyềnh toàng và chỉ có 1 – 2 dãy nhà gỗ mà người mua kẻ bán ở đây quen gọi là cầu chợ. Trước những năm 30 của thế kỷ trước, người Pháp cho xây dựng hai cầu chợ bằng bê tông kiên cố che mưa nắng.
< Rau và các hạt giống.
< Người ta đã xây một trung tâm thương mại rất hoành tráng nhưng vẫn bớt lại một góc chợ để giữ nếp xưa.
Mang tính chất chợ vùng ven, chợ Bưởi là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Kẻ Bưởi làm ra như dệt lĩnh Yên Thái, Bái Ân, giấy của làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã và dụng cụ sản xuất nông nghiệp của vùng Xuân La, Xuân Đỉnh.
< Giá cả ở chợ phiên bao giờ cũng rất hấp dẫn. Rất nhiều người dân thường chờ tới phiên để tới chợ sắm cho mình một vật nuôi ưng ý.
Cứ mỗi phiên chợ, người mua kẻ bán đến chợ Bưởi lại được sống trong không gian của một phiên chợ quê thuần chất. Người ta mang ra đây đủ thứ hàng hóa, chủ yếu là những mặt hàng nông sản, “cây nhà lá vườn” để mua bán, trao đổi với nhau.
< Khách tới chợ vẫn có thể cảm nhận được những nét bình dị còn sót lại của chợ phiên ngày nay. Ít thấy cảnh chèo kéo khách. Cô bán chó nhiệt tình hướng dẫn cách chọn chó hay ăn, biết cách trông nhà dù khách xem xong có thể mua hoặc không.
Một tháng có sáu phiên, nhưng ngày mồng 4 và ngày mồng 9 âm lịch là những ngày chợ Bưởi họp đông nhất. Cứ tầm 6 giờ sáng là người ta rục rịch mang hàng ra chợ bày.
< Phiên chợ sớm ồn ã và huyên náo. Tiếng kẻ bán, người mua, tiếng mèo kêu, chó sủa, gà cục tác và cả những chú gà trống oai vệ cất cao tiếng gáy trong nắng sớm, hòa quện cùng nhau tạo nên một âm thanh sống động giản dị giữa lòng thủ đô.
< Đám chó con nghịch ngợm dọa dẫm lũ mèo ở lồng bên.
Các hàng cây cảnh là nhiều nhất, rồi chó mèo, chim cảnh, cá cảnh… Cánh bán chậu trồng cây cảnh thì chiếm cho mình những đoạn vỉa hè to nhất, rộng nhất để bày hàng. Những chị hàng gia cầm với những chiếc sọt nan bầy đầy ngan, vịt, gà con vàng ươm luôn miệng mời khách.
< Đứa trẻ theo mẹ đến chợ phiên từ sáng sớm.
Anh lái chó tay giằng sợi xích buộc mấy chú chó phốc, chó đốm, miệng kêu ăng ẳng. Ai thích thì mua, không mua thì xem, với ai anh cũng vui vẻ tư vấn cho từng giống chó phải chăm thế này, phải nuôi thế kia, có hợp với nhà họ hay không. Cứ thế, chợ rộn rã, lao xao đến giữa trưa thì tan, người chơi chợ về nhà, còn cánh bán hàng thì đủng đỉnh dọn dẹp đến tối mịt.
Xung quanh khu vực chợ Bưởi, hoạt động sản xuất thủ công tương đối phát triển, chợ Bưởi theo đó cũng sôi động vào các phiên chợ, người mua bán tấp nập. Nơi này cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây con giống đến bán từ mớ rau thơm, bó cải giống đến chó mèo, lợn gà, thỏ, chim…
< Những "chủ nhân mới" xuất hiện.
< Những trung tâm thương mại, siêu thị, ki ốt mọc lên nhan nhản thì nhiều người Hà Nội vẫn chờ đợi đến phiên chợ như một thói quen không thể thiếu.
Dân vùng Tây Tựu, Cổ Nhuế, Xuân La, Xuân Đỉnh với mặt hàng rau giống, hạt giống, công cụ nông nghiệp; dân vùng Nhật Tân, Quảng An, Quảng Bá với các loại cây cảnh, hoa cảnh. Người Hà Nội cũ muốn mua bất cứ thứ gì mang tính dân dã, đến chợ Bưởi là sẽ tìm thấy.
Với nhiều người, họ chỉ chờ đến phiên để được đi chơi chợ, chẳng mua, chẳng bán thứ gì, chỉ là một thú vui lâu ngày thành quen không thể thiếu. Vậy nên, chợ Bưởi cũng trở thành nơi thăm thú của nhiều người rảnh rỗi, yêu chim thú, hoa cây cảnh ở khắp các nơi trong Hà Nội. Đặc biệt, những năm xa xưa, cứ đến ngày 29 Tết, chợ Bưởi còn có thêm một nếp là mổ trâu bò và dân các làng vùng Bưởi cùng nhau mua trâu bò rồi giết mổ tại chợ, chia nhau ăn Tết...
Ngày nay, chợ Bưởi đã xây dựng khang trang, hiện đại, thuộc sự quản lý của Tổng công ty Thương mại Hà Nội, nhưng riêng phiên chợ vẫn được duy trì bằng cách quy hoạch một khu vực riêng để người dân có cơ hội mua bán cây, con giống.
- Tổng hợp, ảnh Kienthuc
0 nhận xét: