Nam Trung bộ - hành trình xanh
Nam Trung bộ với chúng tôi là cung đường biển đẹp nhất ở VN, không chỉ bởi vẻ đẹp tự nhiên nơi “biển xanh, cát trắng, nắng tràn” mà là sự thuần khiết của những làng chài ở Hàm Tiến, Mũi Né, Vạn Ninh, Đại Lãnh...
1 - Này là ngọn hải đăng Kê Gà vững vàng bên sóng nước Hàm Thuận Nam. Những vườn thanh long chín đỏ như dòng nước mát lành làm dịu đi cơn nắng cháy. Mũi Né giờ đã là một “thủ đô resort”. Những đồi cát trắng, cát hồng tinh khiết, mềm mại trong sớm mai.
Muốn chụp ảnh đẹp phải chịu khó dậy lúc 5g sáng, khi khách du lịch chưa làm những gợn sóng cát vỡ vụn dưới gót chân. Các bạn tôi nghịch ngợm chở nhau chạy xe khắp Bàu Trắng, tiếng cười đùa sôi động một góc trời.
Chiều ghé thăm làng gốm Bàu Trúc, làng nghề được xem cổ nhất Đông Nam Á. Khách gần xa đến mua sản phẩm tấp nập. Những tác phẩm mang hồn Chăm theo thương lái tỏa đi khắp thế giới, nhưng cuộc sống nơi này vẫn lặng lẽ như ông lão ngồi trước hiên nhà đã được ghi hình trong máy ảnh.
2 Ghềnh Son (Tuy Phong, Bình Thuận) trong cái nắng hanh hao trở nên trầm lặng và yên ả đến nao người. Đây những thuyền cá sơn màu xanh đỏ nằm xếp bên nhau yên bình. Kia những thuyền gỗ nhỏ nhoi di chuyển trên ngư trường khiến ai cũng thấm thía cái vất vả nhọc nhằn của người dân vùng biển. Nhưng hơn hết, ở đấy có đám trẻ ngồi vắt vẻo trên mũi thuyền, thân thiện cười hết cỡ khi thấy du khách chụp hình.
Dưới chân đèo Cổ Mã là đường ra Đầm Môn. Con đường mới mở thênh thang với những đụn cát cao lớn hai bên đường, đám rau muống biển và cỏ dại bò lan khắp chốn. Đây cũng chính là con đường dẫn ra điểm cực đông đất liền của Tổ quốc. Ở bên ngoài sa mạc cát, những trảng cỏ, ghềnh đá kia sẽ là phần thưởng cho những người dũng cảm, ưa chinh phục.
Chúng tôi dừng ăn trưa tại một quán hải sản nằm ở cuối con đường. Chủ quán nói muốn ăn tôm hùm phải đi thuyền sang bên kia đầm nuôi tôm để chọn. Chế biến món tôm hùm đơn giản nhất là nướng trên than củi ăn kèm với muối tiêu chanh. Ai cũng hỉ hả với bữa trưa hải sản ngon, bổ, rẻ đến bất ngờ.
3 - Trở lại hải đăng mũi Đại Lãnh (Phú Yên) sau bốn năm, cảm xúc cũ ùa về sống động. Trong một đêm mưa bão, tôi đã nhờ ngọn đèn biển này mà tìm được đường đến Đại Lãnh. Đêm nằm võng trằn trọc bên ngoài hiên nhà tranh ọp ẹp trong tiếng gầm gào của biển đêm gió mùa, trong sự cưu mang của hai vợ chồng dân Bãi Môn mà nghe thật ấm lòng. Bây giờ đường lên hải đăng đã dễ dàng hơn, không còn thấy cảnh các chàng trai cõng các cô gái lội qua dòng suối chảy xuống từ khe núi. Nơi chúng tôi từng nhầm là cực đông của đất liền VN giờ đã gần đến mức tưởng giơ tay ra là có thể chạm vào.
Hôm ấy, chúng tôi về nghỉ đêm ở Chí Thạnh để sớm hôm sau ghé thăm ghềnh Đá Đĩa. Cuộc gặp gỡ đầy “duyên phận” của nham thạch và nước biển lạnh trong quá khứ đã tặng cho bờ biển An Ninh Đông một danh thắng kỳ vĩ, từ trên cao nhìn xuống trông như một tổ ong khổng lồ. Cách ghềnh đá không xa là một làng chài nhỏ, thuyền cá đậu rải rác quanh vịnh. Nhà nào cũng dùng đá cuội lót đường, làm hàng rào hay xây chuồng gia súc, trông rất độc đáo và ấn tượng.
4- Nhận được thư, bạn viết: “Tôi đã đi qua nắng cháy, đi qua cơn mưa, qua những đồi cát trắng ánh vàng dưới nắng. Tôi đã đi trên những con đường mới làm thênh thang nắng gió, qua những đầm tôm đầm cá, men theo bờ biển xanh ngút tầm mắt. Tôi đã đi qua những thị trấn thay da đổi thịt, qua những danh thắng nổi tiếng nay đã biến thành khu du lịch mà lòng không khỏi bâng khuâng. Tôi đã đi qua những làng chài xơ xác nhưng ở đó có những con người mộc mạc dễ mến. “Đặc sản” Nam Trung bộ với tôi ngoài nắng ra còn là sự chất phác của những người dân nơi này”.
Nam Trung bộ - chúng tôi đã đi qua một hành trình xanh trong bảy ngày như thế. Mỗi ngày một trải nghiệm, một khám phá, một ký ức cho riêng mình. Để rồi thốt lên với nhau rằng “nước mình đẹp thế này, sao cứ phải đi đâu xa”...
- Theo T.TRẦN - L.Y.MINH (TTO), internet
0 nhận xét: