Sài Gòn: Đệ nhất ăn hàng
Quả thật, hiếm có nơi nào, thức ăn đường phố lại đa dạng, đa phong cách, đa mùi vị... và bất cứ ai, bất cứ giờ nào - cả ngày lẫn đêm cũng có thể thưởng thức thú ăn vặt như ở đất Sài thành.
Chỉ cần đi dạo một vòng bên ngoài chợ Bến Thành, những người sành ăn nhất cũng đã thỏa lòng, no dạ với cơ man nào là gánh hàng rong dung dị nhưng thuộc loại nhất dạ đế vương. Một anh bạn thổ địa rành rẽ đất Sài thành hùng hồn tuyên bố: “Chưa ăn bún riêu lề đường chợ Bến Thành thì coi như chưa biết chợ Bến Thành”.
Hỏi quán bún tên gì thì anh ta bảo “chả biết”, người bán tên gì anh ta cũng “chả biết” nhưng cứ ra tới chợ Bến Thành hỏi gánh bún riêu không bảng hiệu, cứ phải ngồi xâm xấp dưới đường mà ăn thì ai cũng biết.
Này là miếng huyết dai dai, miếng đậu hũ beo béo, miếng riêu dậy mùi tôm khô, thêm tí ớt bằm cay cay và tí mắm tôm nức mũi như bao chỗ khác nhưng có lẽ ở gánh bún vệ đường này, từng loại “nhạc cụ” riêng rẽ đó được kết hợp với nhau thành một bản hòa tấu du dương, đệm thêm một ít me thanh tao và đĩa rau muống chẻ tươi rói khiến người ta phải nhớ mãi chợ Bến Thành.
Cũng không thể nào không kể đến gánh cháo lòng bán không xa nồi bún riêu sôi ùng ục là bao. Những hạt gạo nở hoa giữa tô cháo nâu tím khiến các cô văn phòng mặc váy, các quý bà sang trọng chỉ chơi hàng hiệu, các đại gia láng mướt phải dừng xe hơi mà thụp xuống xì xụp tô cháo tưởng chừng dung tục nhất hành tinh này.
Và không ai có thể thống kê đất Sài thành có bao nhiêu món ăn vặt “gây nghiện”: hầu như con đường nào cũng có mặt những cuốn bò bía bé tẹo với lát lạp xưởng mỏng tang và vài con tép khô nhỏ xíu ăn chẳng biết bổ béo vô đâu nhưng thiên hạ ăn mãi mà vẫn cứ mê; cứ chạy xe một đoạn giữa phố là cái mũi bạn lại bị tra tấn bởi thứ mùi thơm ngào ngạt không lẫn vào đâu được của món cút chiên bơ; hay những chiếc xe đẩy bán từng bịch bánh tráng trộn đủ thứ gia vị…
Rồi những gánh súp cua nóng hổi thoang thoảng mùi ngò; những đĩa gỏi đu đủ giòn giòn lúc nào cũng cặp kè với vài cọng quế thơm dịu dàng; này là chén phá lấu sần sật mà có thêm ổ bánh mì nóng giòn quệt vào chén nước lèo beo béo thì đã đủ đưa người ta lên mây; này là cái trứng vịt lộn tầm thường nhìn đâu cũng thấy làm đã cơn ghiền của bác taxi chạy đêm vội đi khách lúc bụng kêu dạ réo, này là ổ bánh mì kẹp thịt mà lâu ngày không ăn sẽ phải nhớ, này là con mực nướng thơm phức ngon tuyệt cú mèo giữa trời mưa lâm thâm, này là rừng chè đá đủ chủng loại khiến các tín đồ ăn hàng chỉ còn biết thốt lên “quá đã” giữa trưa hè nắng gắt…
Tây ăn hàng ta
Đi vào khu ăn uống nằm trong nhà lồng chợ Bến Thành, hầu như lúc nào cũng gặp cảnh mấy ông Tây mũi lõ vét sạch tô phở thơm phức, nhồm nhoàm miếng chả giò giòn tan hay gật gù trước ly chè 3 màu thoang thoảng hương nước dừa… Nhắc tới chè, không thể bỏ qua quán Bé Chè lúc nào cũng đông nghịt khách, mỗi người chỉ một cái ghế đẩu là đủ. Chè ở đây, món nào cũng có vị dịu dàng, thanh cảnh, không đánh mạnh vào vị giác như nhiều quán chè nổi tiếng khác (chẳng hạn chè 75 ở Trần Huy Liệu): chỉ vừa đủ ngọt để không ngán, vừa đủ béo để không ngậy, vừa đủ thơm để phải gọi thêm ly nữa… Bà chủ tên Bé (tên ở nhà) đọc vanh vách: người Nhật thích ăn bánh flan và chè 3 màu, khác với người châu Á nói chung thích chè nóng và bánh chuối, khách Mỹ thích chè đá…
Gần đó, 2 người đàn ông trung niên đến từ Pháp - một ông đi thăm vợ sống ở Việt Nam, năm nào cũng có 2, 3 tháng phiêu du khắp đất Sài thành, người kia là một người bạn của ông này “bị dụ” đến thành phố không ngủ để du lịch - trò chuyện rôm rả bên lon bia 333 và đĩa chả giò đầy ắp. Ông thăm vợ bảo thường xuyên ăn thức ăn đường phố ở Việt Nam vì chúng rất “OK” mà giá lại siêu rẻ. Gần đó, một anh chàng tên Jonny Juarbe đến từ New York và cô bạn Alicia Silver người Jamaica vét sạch 2 đĩa phở xào bốc khói giá 40.000 đồng/đĩa.
Đó là 2 tay “ăn chuyên” thức ăn đường phố ngay ở quê nhà của họ hay những nơi họ đến du lịch, bởi theo lời Juarbe, thức ăn đường phố là một trong những thứ thú vị nhất để anh khám phá những vùng đất mới. Trong khi đó, 2 ông mũi lõ khác tuổi chừng 50 thì cứ hớt hơ hớt hải dọc ngang khu ăn uống, luôn miệng “xin lỗi vì đang rất bận, không thể trả lời phỏng vấn”. Hóa ra họ đang cố tìm cho ra cái món bánh cuốn không thể nào quên (chỉ quên quán chứ không quên món!) mà cách đây 5 năm, 1 trong 2 người này đã thử qua…
Trót mê phải chịu…
Lần đầu háo hức đến với quán bánh đúc nóng trên đường Phan Đăng Lưu cách đây tới mấy chục năm, Lưu ra về với vẻ mặt hậm hực, thề với lòng sẽ không bao giờ quay lại. Quán xá gì đâu mà “thượng đế” vô, người bán mặt cứ lạnh như tiền, giương mắt ra mà nhìn khách chật vật giành giật cái ghế đẩu thấp lè tè, khách phải gào khản cổ mấy lần mà chỉ toàn nhận được mấy cái liếc xéo, khách có bực bội đá ghế ra về sau 15 phút chờ mãi không thấy bánh thì cũng chẳng ai quan tâm…
Đến gần 40 năm sau, khi gánh bánh đúc đã nhảy vô nhà, đẻ thêm mấy món ốc len xào dừa, bánh ít trần, bánh cam… bán cùng, chủ quán vẫn trung thành tuyệt đối với bí quyết gắn liền với sự nổi tiếng của mình: không cần khách, chỉ bổ sung thêm một điều khoản mới: quán có thêm chủ bán nước mía, ốc len thì khách tự khản cổ gọi từng chủ mà tính tiền! Vậy mà đến nay, cô Lưu nay đã tóc lấm tấm hoa râm vẫn cứ thỉnh thoảng tấp vào quán bánh đúc liếc xéo, bởi bực riết cũng… thành quen và vì chưa tìm được quán bánh đúc nào ngon hơn!
Quả thực, rất nhiều người phải đồng ý rằng món bánh đúc nóng hôi hổi ở đây thật độc đáo với mùi vị thân quen của gạo hòa quyện nhuần nhuyễn với một ít thịt bằm thơm thơm, nấm mèo sần sật, nước mắm chua ngọt hấp dẫn… dù cái giá 15.000 đồng cho một chén bánh đúc chẳng bình dân tí nào!
Nga, một tín đồ ăn vặt khác vẫn cứ quả quyết cách phục vụ ở quán bánh đúc Phan Đăng Lưu vẫn ở hàng khá theo tiêu chí của những seri quán có chủ là… thượng đế, bởi theo Nga, dù phục vụ kém nhưng ít ra khách còn được yên ắng mà ăn, mà tám với nhau chứ ở những nơi như quán bánh canh Cầu Sắt (trước ở hè phố Nguyễn Văn Giai, nay đã lên đời trong một ngôi nhà bé xíu tại đường Nguyễn Phi Khanh gần đó), 4 chị em bán hàng, người chị cả đầu đã bạc trắng, vẫn cứ la nhau om sòm trước đám đông thực khách chen nhau mà gọi, giẫm lên nhau mà ăn.
Bao nhiêu năm rồi, cảnh tượng nơi đây vẫn không hề thay đổi, vẫn cái gia đình có đến 3 chị em độc thân hoảng loạn với nồi bánh canh, vẫn cái cảnh thực khách chờ chực đợi đến đúng 3 giờ quán mở cửa là ào vô, tranh nhau gọi trước bởi quán chỉ bán mỗi ngày 1 tiếng, ai đến sau thì chỉ còn… giấy lau miệng. Hỏi bà chủ sao không bán thêm thì được câu trả lời sức 4 người chỉ nấu được một nồi cỡ đấy, khách liệu đến sớm mà ăn, hỏi sao không kê bàn cho khách dễ ăn, bà chủ đáp gọn lỏn: quen rồi!
Theo lời một trong 4 chị em thì cái nhà này là của ông cậu, buổi sáng bán hủ tiếu mì, có bàn hẳn hoi, buổi chiều để trống nên cho họ bán, có điều mấy cái bàn được dẹp đi hết, khách phải giành nhau mỗi người 2 cái ghế đẩu, một để ngồi và một để làm bàn theo đúng phong cách bánh canh cầu sắt mấy chục năm nay!
Ăn vặt công nghệ cao
Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và thời gian để chờ chực ăn vặt. Với dân văn phòng, chỉ một cú a lô hoặc nhấp chuột là không thiếu thứ gì được phục vụ tận nơi, từ ly sinh tố mát lạnh, bịch xoài me cóc ổi, một ổ bánh mì đến tay vẫn giòn tan, thậm chí đến gỏi cuốn và ốc xào cũng vi vu tận chốn công sở… Trái với mô típ “đuổi khách” kể trên, rất nhiều hàng quán ăn vặt thời nay tạo sự thuận tiện tối đa cho khách hàng, cả chị bán nước mía nơi góc phố hay bà bán cà phê lề đường cũng có “cạc vi sít” in 2, 3 số điện thoại hẳn hoi để các thượng đế chỉ cần nhắn tin một cú là vài phút sau có ly nước mát lạnh.
Còn các nơi ăn vặt có hàng quán hẳn hoi như bánh mì Ta, bò bía Cách Mạng Tháng Tám, bún thịt nướng Bà Tám… thì khỏi phải nói, giao hàng rất chuyên nghiệp. Cũng không thiếu những “cửa hàng ảo” chỉ phục vụ từ xa như Trà Chiều, nơi cung cấp mấy chục loại thức uống khác nhau…
Thế nên cứ tầm 3, 4 giờ chiều là văn phòng vốn im ắng của một công ty nước ngoài đặt ở tòa nhà văn phòng sang trọng nhất quận 1 lại xôn xao, náo nhiệt hẳn lên… Đó là lúc bàn về thực đơn ăn vặt, khi thì bánh mì, khi chè chuối nướng, khi gỏi cuốn, khi pizza, có khi cả ốc hương rang muối ớt… Thường thì chỉ chừng 15 phút sau, đồ ăn thức uống đã tới nơi, không khí xôm tụ cả lên, mọi người vừa ăn vừa tám đủ chuyện trên đời, khác hẳn với cái cảnh ai làm việc nấy suốt cả ngày. Hiền, người được phong chức “trưởng ban ẩm thực” ở công ty đó thao thao bất tuyệt rằng ăn vặt cực lợi, vừa giúp đổ đầy năng lượng cho những giờ làm việc cuối, vừa là vũ khí xả stress hiệu quả, vừa thắt chặt tình đoàn kết đồng nghiệp…
Khi hỏi ăn vặt trong giờ làm, sếp có khó chịu không, Hiền tủm tỉm: “Thì cũng phải có chiến thuật chứ, đầu tiên thì chỉ mời sếp thanh kẹo cao su, mấy cái bánh ngọt, rồi lấn tới ly cà phê tỉnh ngủ đầu giờ chiều, ổ bánh mì lúc 3 giờ rồi mới tới phiên chè, cháo…”. Còn bây giờ, sếp của Hiền thường xuyên trở thành nhà tài trợ chính cho các phi vụ ăn hàng có khi lên tới bạc triệu/lần này.
Lạ lùng... ăn nhẹ
Có lẽ vùng đất phương Nam hiền hòa trù phú đã thu hút rất nhiều người con từ khắp nơi trong cả nước đổ về đây, họ mang theo cả nét văn hóa ẩm thực của quê hương mình mà làm phong phú thêm đặc trưng văn hóa ẩm thực của đất Sài thành.
Thường thì những món ăn ở vỉa hè khá rẻ, nhưng vẫn có những nơi mà khi tìm tới bạn phải thốt lên một câu “mắc bà cố”, tất nhiên ăn vào cảm thấy “rất đáng đồng tiền bát gạo”. Như bánh cuốn bán ở khu phố 4, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Bánh ở đây vừa mềm, vừa dai, sử dụng loại bột tự làm và pha trộn theo công thức bí truyền từ xưa truyền lại khác hẳn loại bánh cuốn làm từ bột pha sẵn. Chả ăn kèm cũng ngon không kém. Một đĩa bánh cuốn thập cẩm như thế có giá từ 40.000-50.000 đồng.
Nhiều người cũng phải đi vòng vèo qua nhiều hẻm nhỏ, kiểu “ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng” tới đường Tôn Thất Thuyết (Q.4) để nếm thử một tô bún mắm đúng kiểu Sài Gòn. Dù bán trong hẻm nhỏ nhưng không phải tới lúc nào cũng được phục vụ ngay, khách đông, nhiều khi phải đợi rất lâu. Và giá cho một tô bún mắm bé xíu 45.000 đồng cũng không hề rẻ, nhưng nhìn khách sành ăn gắp từng cọng bún hết sức nâng niu và húp xì xụp tô nước dùng cho đến lúc cạn thì thấy cũng bõ công.
Cứ 5 phút một cái bánh hàu chiên vàng ươm, giòn rụm được vớt ra đĩa mang tới cho khách thưởng thức - chỉ cần ngồi xem cách người ta làm cũng đủ mãn nhãn và hấp dẫn những tín đồ mê ăn vặt. Bí quyết của món bánh này có lẽ nằm ở cách chiên bánh sao cho vừa giòn mà không cứng, để được như thế người đầu bếp phải dùng hết sức mạnh và sự khéo léo của cổ tay hắt từng muỗng bột nhỏ sao cho bột bắn ra thành từng giọt vào chảo dầu đang nóng tạo thành lớp màng mỏng dưới chảo.
Tay phải hắt bột, tay trái đập trứng, cho hàu và hành lá cùng một ít gia vị vào trong và khuấy đều rồi trút vào chảo. Các động tác được kết hợp nhịp nhàng và thoăn thoắt bởi nếu trật một nhịp thì nhiều khi bánh chưa chín hoặc lớp bột chiên rất mỏng trong chảo có thể cháy trước khi bánh kịp hoàn thành. Một miếng bánh nhỏ mà phải dụng nhiều “công phu” như vậy nên giá 50.000 đồng/đĩa cũng còn quá rẻ.
Fusion kiểu đường phố
Fusion là xu hướng pha trộn các trường phái món ăn Á - Âu một cách táo bạo để tạo ra nhiều món mới; không chỉ ở các khách sạn 5 sao, nhà hàng lớn, mà phong cách ẩm thực gây nhiều tranh cãi này đang dần phổ biến ở trên đường phố mà nhiều người không nhận ra.
Nhiều người nhầm tưởng món bánh tráng nướng được bán nhiều tại góc các công viên Thống Nhất, tòa nhà Parkson, Trường Nguyễn Thái Học… là pizza, nhưng đó là pizza kiểu Việt Nam.
Bánh cũng có rau xanh là hành lá thái nhỏ, một ít thịt băm, trứng cút, tôm khô, một chút bơ làm món ăn thơm bùi và béo, đem nướng giòn trên một cái lò than hồng, nướng xong ăn ngay giống “bánh tươi” phục vụ tại nhà hàng. Cái khéo léo của người bán hàng là trong 45 giây vừa đủ cho một cái bánh tráng mỏng lên bếp than nướng và làm chín luôn lớp trứng cút tráng mỏng phía trên và hành thái nhỏ phía trên cùng, cầm cái bánh nóng hổi trên tay chỉ mong sao bánh không quá nóng để ăn ngấu nghiến cho đã thèm.
Hơi khó đoán nguồn gốc của món bánh sầu riêng chiên trên đường Hà Tôn Quyền mà nhiều người như chị Lan (Q.3), chị Thanh (Q.1)... đang lũ lượt xếp theo số thứ tự, nhiều người phải gọi điện thoại để đặt trước thì mới được cầm trên tay chiếc bánh nóng hổi để vừa vớt lên với vẻ mặt háo hức. Bánh vừa giống với món chuối chiên truyền thống nhờ lớp áo bột chiên ở bên ngoài, vừa giống món chả giò nhưng có lớp nhân là sầu riêng nên khó biết là món ăn của vùng đất nào.
Cũng giống những viên kẹo hồ lô ngào đường nhưng món hồ lô chiên bán tại hồ Con Rùa nhìn giống như món cá viên chiên, nhưng khi ăn vào có cảm giác của vị lạp xưởng nướng và lại mang hơi hướng của món thịt viên... Một hộp 12.000 đồng gồm 4 viên hồ lô ăn kèm tương ớt, khách vừa ăn vừa... đoán thử món ăn này làm theo công thức của nước nào.
Đủ đắt tiền để nhớ, đủ lạ miệng để người ăn phải thèm, đủ độc đáo để người ăn phải bỏ công chờ đợi… những món ăn trên đường phố đang làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của người Sài thành, đủ để thêm vào Citytour phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Xuống phố ăn đêm
Dân sành ăn có thuật ngữ "tiểu dạ" để chỉ thói quen ăn đêm rất thú vị tại Sài Gòn. "Tiểu dạ" có nghĩa là ăn nhẹ, lót dạ vào ban đêm.
Nói tới ăn khuya, có lẽ món ăn dễ chịu nhất là cháo. Từ 22 giờ trở đi, hai quán ăn đình đám nhất trên đường Nguyễn Trãi gần ngã sáu Phù Đổng là Tân Hải Vân và Dìn Ký "bài binh bố trận" với các dãy bàn san sát nhau phủ kín vỉa hè. Dưới lòng đường là xe hơi hạng sang của các thực khách là giới thượng lưu và nghệ sĩ, diễn viên vừa từ các tụ điểm giải trí như phòng trà, quán bar, sân khấu ca nhạc… ra.
Món ăn hút khách nhất ở đây là má chân gà chiên nước mắm và các loại cháo. Má chân gà là phần thịt nhiều nhất ở bên trong chân gà, được đầu bếp lọc ra, ướp với nước mắm và tiêu ớt rồi chiên giòn lên. Khách đến thường dùng chung món này với chén cháo nghi ngút khói, giúp phần nào làm ấm bao tử trong tiết trời se lạnh và dễ ngủ. Cháo ở đây thì đầy đủ các hương vị như cháo tôm, cháo sò điệp, cháo thập cẩm, cháo thịt heo bắc thảo, cháo bò, cháo cật heo, cháo thịt gà xé… Ngoài ra, khách cũng có thể chọn thêm các món ăn khác trong thực đơn như cơm chiên, lẩu, mì… tùy khẩu vị. Giá mỗi món ăn ở đây từ 30.000 đồng.
Muốn thưởng thức cháo với giá bình dân thì xin mời đến khu ẩm thực đường Nguyễn Thượng Hiền (Q.3). Tại đây chủ yếu là bán cháo trắng lá dứa, mùi lá dứa thơm bay ngào ngạt và các màu sắc bắt mắt của nguyên liệu ăn kèm như màu vàng cánh gián của cá bống kho tiêu, màu vàng tươi của cá cơm sấy mè, ruốc thịt heo, màu đỏ trắng của hột vịt muối, màu đỏ nâu của hột vịt bắc thảo, màu đỏ bóng của tôm rim, ba khía ngào hoặc các loại dưa mắm, cải bá xấu xào tôm khô... khiến khách đi ngang qua khó lòng không tấp vào. Giá trung bình 12.000 đồng/phần tùy theo nguyên liệu ăn kèm.
Khách ăn khuya có kinh nghiệm chắc hẳn không thể bỏ qua khu Hải Triều ở quận 1. Khu ẩm thực này đã có trên dưới 10 năm và khá sầm uất, thường được gọi là khu Cấm Chỉ do chuyên bán món ăn Bắc như khu ẩm thực Cấm Chỉ tại Hà Nội. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, diện tích dành cho ẩm thực đã bị thu hẹp nhường chỗ cho tòa nhà tài chính Bitexco. Hiện giờ, chỉ còn món phở Hà Nội, miến gà bò là còn phục vụ, tất nhiên, khách quen vẫn ngồi kín bàn dù bên ngoài đã 3 giờ sáng, tây ta đủ cả.
Các khu chợ cũng nổi tiếng với các thực đơn ăn khuya, đầu tiên phải kể đến chợ Tân Định (Q.1) với món cháo gà và cơm tấm. Những miếng sườn cốt lết vàng sậm được nướng trên than hồng hương bay ngào ngạt, những bộ lòng gà cuộn khéo cạnh chùm trứng non đặt trong tô cháo hành thơm lừng đầy hấp dẫn.
Chợ Phú Nhuận (đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận) thì chuyên phục vụ các món ăn chơi như bột chiên, gỏi bò, cuốn, bò bía… Chợ Lớn và khu đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5) thì đặc biệt hơn với các món như pín tiềm, gà ác tiềm… là lựa chọn lý tưởng cho những thương gia người Đài Loan, Trung Quốc, Singapore cùng người đẹp đến "tẩm bổ". Ngoài ra, tại đây, bạn cũng có thể chọn những món ăn mang đặc trưng hương vị Trung Hoa như xôi cadé, súp bong bong cá, mì hoành thánh…
Nếu muốn ăn hủ tiếu, khách thường tìm đến tiệm Nhân Quán nằm trên đường Nguyễn Thượng Hiền (Q.3) và Nguyễn Trãi (Q.1), dù đã quá nửa đêm nhưng khách ở đây vẫn tấp nập và có cả trẻ em. Xe máy và xe hơi đậu kín cả con đường, bàn inox kê san sát nhau từ trong quán tràn ra vỉa hè và lòng đường. Cũng là các thành phần quen thuộc như tôm, thịt, mì, giá hẹ nhưng cách chế biến nước dùng độc đáo khiến tô hủ tiếu trở nên đậm đà đến khó quên, khác hẳn với hương vị tại các nơi khác. Có hủ tiếu nước và khô, nếu ăn hủ tiếu khô bạn được tặng thêm chén nước dùng để húp riêng.
Sau cháo, ốc là thực đơn không thể thiếu khi ăn đêm. Từ 23 giờ đến 4 giờ sáng, quán ốc Bé Hai trên đường Nguyễn Thượng Hiền luôn tưng bừng rộn rã bởi các bạn trẻ tụ tập. Phải nói rằng, Sài Gòn là nơi có thực đơn ốc phong phú nhất. Những ốc len xào dừa, sò huyết nướng mỡ hành, ốc hương nướng muối ớt, ốc dừa xào bơ, ốc mỡ xào tỏi, nghêu hấp Thái… không thể trộn lẫn với món ăn các vùng miền khác.
Mỗi loại ốc có một cách chế biến riêng giúp tôn hương vị đặc trưng. Như món ốc dừa phải xào bơ mới ngon, những con ốc nhỏ xíu sống bám vào thân cây dừa nước nên có vị béo của dừa, trộn lẫn với bơ và gia vị càng làm cho ốc thêm béo và bùi, khách thường gọi thêm ổ bánh mì để chấm với phần nước ốc còn sót lại trên đĩa. Ốc hương vốn đã ngọt và giàu chất dinh dưỡng nên có thể nướng mọi hoặc hấp để chấm với muối tiêu chanh là đủ ngon hoặc trộn với muối mặn để phục vụ các thực khách nữ thích vị cay. Ngoài ra, khách có thể gọi thêm hột vịt lộn xào me, xào nước mắm, trứng cút lộn, càng ghẹ xào sa tế…
Quán “dã chiến”
Từ 18 giờ, các tiệm vàng bạc đá quý và thời trang dọc hai con đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh (hai cổng bên hông chợ Bến Thành) đã phải nhường chỗ cho các quán ẩm thực đêm lên đèn. Người bán dựng lên những chiếc quán "dã chiến" với một lượng thực phẩm nhất định đủ để bán trong một đêm. Hầu hết các tiệm ăn ở đây thường chỉ bán một món hoặc bán theo "chủ đề" như bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc (chỉ bán đặc sản Tây Ninh là bánh canh và bánh tráng Trảng Bàng), ẩm thực đồng quê (chuyên bán các món đồng quê như cá lóc nướng, cá rô kho tộ, tôm hấp nước dừa, ốc các loại…).
Chỉ cần dạo một vòng các tiệm ở đây thì bạn có thể thưởng thức gần đủ các món ẩm thực mang đậm phong cách Việt Nam như hủ tiếu, bún bò, cơm chiên, bánh hỏi, gỏi cuốn… Khách đến đây đa số là ăn tối hoặc ăn nhẹ trước khi dạo phố, rất đông người nước ngoài. Phục vụ thường mặc đồng phục và chăm sóc khách rất ân cần.
Thực đơn được chụp hình phóng to lên tấm bảng lớn hoặc in với nhiều màu sắc bắt mắt, kèm chú thích tiếng Anh. Anh David Tân (Việt kiều Úc) nhận xét: "Khẩu vị ở đây thì không đặc sắc lắm nhưng được cái tiện vì ở ngay trung tâm quận 1, hơn nữa tôi thích không khí đông vui vì được ôn lại hương vị quê nhà, là thứ mà ở nước ngoài không có".
Món chè Thái trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10) thì luôn tấp nập khách từ 19 - 22 giờ, đối tượng đến đây chủ yếu là sinh viên, các bạn trẻ hoặc gia đình trẻ. Có câu "buôn có bạn, bán có phường" nên ban đầu chỉ có quán 390, giờ đã hình thành khu ẩm thực với món chè Thái là chủ đạo. Mùi hương chủ đạo là sầu riêng, thêm chút kem và sữa, điểm vài lát trái cây thái sợi, trộn với một ít đá bào là bạn đã có một ly chè Thái thơm lừng, xua tan cảm giác ngái ngủ.
- Diadiemanuong tổng hợp, ảnh internet
0 nhận xét: