Nhớ lắm phố núi La Hai
< Đường vào thị trấn La Hai bên cây cầu sắt.
La Hai xưa là vùng tự do của cuộc kháng chiến chín năm lịch sử, là nơi để người lính áo vải si ta, sau những chặng đường hành quân trải bao hiểm nguy, gian lao, vất vả trở về bên các má, các chị, các em. Rồi người lính Cụ Hồ lại đi tiếp chặng đường đánh đuổi giặc cứu dân.
La Hai xưa với dưa Lỗ Sấu đỏ hồng, dòn tan, ngọt lịm mát lòng người chiến sĩ, trái bắp sữa đầu mùa no dạ người lính xa quê. Kẹo đậu phụng “nẫu” nấu dẻo thơm. Nồi sắn hầm ấm áp bụng đêm mưa gió. Và ai đã đến đây, dầu chỉ một lần, khi xa rồi sẽ nhớ vô cùng. Nhớ miếng dưa hấu “nẫu” trao, bắp soi Bầu má nấu, nhớ hương kẹo xứ đường, nhớ nồi sắn hầm đêm ấy hay nhớ tình người và nụ cười của em gái La Hai?
La Hai có dòng Kỳ Lộ chảy từ chân núi La Hiên hùng vĩ, qua bao làng mạc, sông về xuôi vẫn mang cái tên gợi nhớ thượng nguồn - Kỳ Lộ.
< Cầu sắt La Hai.
Ở đầu nguồn, lòng sông Kỳ Lộ sâu và hẹp, hai bờ là những vách núi dựng đứng. Xuôi về hạ lưu, bờ là bãi cát phẳng phiu, nước quanh năm trong xanh, nhìn thấu đáy. Bởi vậy nên có câu ca dao:
Sông Kỳ Lộ vừa sâu vừa hẹp
Nước Kỳ Lộ vừa mát vừa trong
Thuyền anh bơi ngược dòng sông
Nhìn em cho thỏa tấm lòng nhớ thương
< Chợ La Hai.
Vậy nhưng La Hai nằm ở vùng trũng, gần như năm nào nơi đây cũng bị nước lụt bao vây. Nói đến mùa mưa ở phố núi, trong ký ức tôi và bao người dân nơi đây in đậm trận lũ lịch sử năm 2009. Trận lũ lụt lịch sử ấy làm người dân quê La Hai khốn đốn. Song, ở đó cũng đầy ắp tình người.
Ai đó bảo gái La Hai xưa có mái tóc dài, hàng mi đen cong trên đôi mắt đẹp, có nụ cười tươi như hoa buổi sáng…
Gái La Hai xưa cũng hay lam, hay làm, cũng hai sương một nắng để mùa về gánh lúa vàng kĩu kịt. Và nếu giặc tới, em cũng biết cầm súng giữ làng. Dân gian có câu: “Nhất gái La Hai – nhì trai Phường Lụa”. Em gái La Hai một lần đã gặp, khi đi xa rồi thì cứ luyến lưu.
La Hai quê hương! Nhiều người đã đến, đã nhớ và đã yêu, đã xem La Hai là một phần máu thịt của mình. Gái La Hai còn có giọng ca trời phú, đã làm bao mặc khách khi ghé thăm đều muốn “Ở lại đây mà nghe tiếng hát…” để rồi…“quên đường về”.
Nghệ sĩ nhân dân Đàm Liên là một minh chứng cho giai nhân phố núi với tài sắc vẹn toàn. Có lẽ vậy mà tướng Đoàn Khuê khi đến đây hoạt động cách mạng đã chọn gái La Hai làm người bạn đời tri kỷ.
La Hai nay đã có phố, có phường; xóm xóm thôn thôn màu ngói đỏ như khoe cùng màu xanh đất trời, màu xanh của lúa. Hàng tre làng vẫn duyên dáng soi bóng. Dòng sông xanh vẫn lững lờ trôi.
Phố núi hôm nay: Ánh điện sáng lung linh trong sương. Vẫn bóng má, bóng em trên đồng. Gặp em gái La Hai, vẫn nụ cười tươi, hai má ửng hồng. Vẫn những con người một nắng hai sương điểm tô cuộc sống…
- Tổng hợp từ báo Phú Yên, ảnh internet
0 nhận xét: