Ký ức ba miền đất "Tây" của Việt Nam
Tôi là người miền Trung, nên những chuyến đi tới miền Tây Bắc của Tổ quốc luôn khiến tôi hồi hộp và thích thú vô cùng.
Tôi là người miền biển. Ở quê tôi cũng có rừng núi nhưng núi rừng đó khác hẳn với những gì tôi mường tượng khi xem trong... các bộ phim trưởng Trung Quốc. Và tôi cứ nghĩ, chắc chỉ có sang nước bạn, mới có thể được chiêm ngưỡng cảnh núi non trùng trùng điệp điệp, những rừng trúc xanh ngút ngàn. Ruộng bậc thang như những nấc thang lên thiên đường. Vậy nhưng tôi đã lầm.
Lớn lên, có dịp, tôi được ra miền Bắc là có cuộc hành trình đầu tiên lên miền Tây Bắc của Tổ quốc. Quả thật, đường lên Tây Bắc đẹp đến độ quá kỳ vĩ: rất quanh co, trắc trở nhưng cũng đầy vẻ mênh mông đến mịn màng. Trong phút chốc, tôi ngây ngất tưởng như không còn nơi nào trên đất nước này đẹp hơn thế.
Tây Bắc không có những cánh đồng thẳng cánh cò bay, không có những dãy nhà cao tầng mà thay có núi và núi. Núi thẳng đứng! Núi trùng trùng! Núi điệp điệp.
Nếu núi ở Tây Nguyên với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn thì núi Tây Bắc có vẻ hơi khô cằn nhưng cực kỳ gây cảm xúc muốn làm thơ cho bất kỳ ai. Nếu ai làm nghề tạo "hòn non bộ" thì nên lên đây mà ngắm, mà nghĩ, mà vẽ, để rồi đem tạo hình núi Tây Bắc đi khắp mọi miền đất nước.
Núi cao cheo leo và toàn là đá. Nhưng tài tình sao, con người ở đây họ vẫn biết mưu sinh trên từng vách đá lởm chởm đó. Đến Lào Cai tôi đã mua cả thùng rượu san lùng về làm quà. Đây là một loại rượu dân gian rất ngon, có thể coi là đặc sản của vùng Tây Bắc.
Ngoài cửa khẩu Lào Cai, cả một lô rượu ngoại được bán với giá rẻ giật mình: 70.000 đồng một chai "sương mù", 85.000 đồng một chai "ông già chống gậy", 157.000 đồng một anh "Hen - nét - si" (rượu Hennessy), và 250.000 đã có một cậu "Ích - ô" (XO) dù cao, bầu hay dẹt. Đảm bảo uống mấy loại rượu này vào là... chết kín bưng cái "lỗ giải thoát" của con người luôn (i-dulich: Coi chừng đồ dỏm TQ).
Nhịp sống nơi cửa khẩu vùng biên Tây Bắc có chút gì đó hơi "hổ lốn". Có một cái gì đó rất riêng mà thực sự khó vẽ ra được.
Sự thích thú cũng không kém khi được "chui" vào lòng của thủy điện Hòa Bình - khu địa máng sông Đà. Tôi đã được tận mắt chứng kiến dòng sông Đà hùng vĩ, tận tay sờ vào "cục đá" có chứa bức thư trăm năm của một đồng chí lãnh đạo Trung ương và tận tai được nghe kể về những câu chuyện ly kỳ xung quanh quá trình xây dựng cái "bình điện" của Quốc gia này.
Đến đây, tôi phải mua chân gà nướng với giá gấp đôi chỉ vì mình là dân du lịch; được cuốc bộ dã cẳng vì thành phố thiếu vắng Taxi mà xe ôm tìm mãi không thấy; được nếm món ăn... tệ nhất trong đời là "bánh mì chấm cháo trắng"...
Có lẽ những gì ở trên chỉ là một phần nhỏ, vô cùng nhỏ nếu như đem so sánh với những nét đặc sắc của miền Tây Bắc xa xôi. Nhưng với tôi, tất cả là những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời. Vì vậy, đôi lúc tôi hào phóng, tự mỉm cười: sao mình may mắn vậy!
Tây Nguyên, vùng cao nguyên có men say
Tây Nguyên là vùng đất không mời gọi, nhưng người ta luôn muốn đến. Đến để biết thế nào là say mê với núi rừng, với café, với chất rock của con người nơi đây.
4 năm liền, từ năm 2006 đến năm 2009, năm nào tôi cũng vào Tây Nguyên. Nói Tây Nguyên đẹp thì chung chung quá. Nhưng nếu đặc tả một điều gì đó rất riêng, tôi gọi Tây Nguyên là vùng đất có men say mê hoặc.
Hiện tại, Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Tây Nguyên là vùng đất cao nguyên. “Đặc sản” thiên nhiên của vùng đất này có thể coi là các thác nước. Thác nước ở Tây Nguyên đẹp đến độ, nếu bạn muốn chụp ảnh thì cứ tự nhiên ra đó bấm máy, không cần lấy góc hay chỉnh gì chụp vẫn đẹp.
Thứ đến là đặc sản văn hóa vật thể kiến trúc đặc trưng. Nhà Rông là một kiểu nhà điển hình cho văn hóa các vùng Tây Nguyên. Nhà được xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu của chính núi rừng Tây Nguyên như cỏ tranh, tre, gỗ, lồ ô... và được xây cất trên một khoảng đất rộng, nằm ngay tại khu vực trung tâm của buôn. Nhà Rông của mỗi dân tộc đều có những nét riêng trong kiến trúc, tạo dáng, trang trí hoa văn. Nhìn chung nhà Rông là ngôi nhà to hơn nhiều so với nhà bình thường, mái nhọn xuôi dốc hình lưỡi búa vươn lên bầu trời với một dáng vẻ mạnh mẽ.
Lần đầu tiên đi Tây Nguyên, tôi đã ở lại Đà Lạt - Lâm Đồng tránh nắng đủ 3 tháng hè. Đà Lạt hiền và dịu dàng từ cảnh đến người.
Bước chân trên đất Đà Lạt và một số huyện lân cận như Đơn Dương, Lạc Dương, những trang trại hoa, chủ yếu là hoa lan bạt ngàn đẹp tuyệt. Nơi đây là vùng cao nguyên cao nhất của vùng Tây Nguyên nên khí hậu yêu chiều những loại hoa, quả cả vùng nhiệt đới và ôn đới. Đà Lạt mơ mộng cũng vì hoa.
Đến bất cứ vùng nào ở Tây Nguyên tôi cũng thích nhâm nhi café. Của đáng tội, đi đâu uống gì không biết, nhưng vào Tây Nguyên là mê café. Tôi ngồi quán café ít nhất 3 “cữ” một ngày: sáng, trưa, tối. Café ở đây không xô bồ như Sài Sòn, không ảm đạm và cao ngạo như Hà Nội mà làm người ta say với hương vị một cách đơn thuần. Nghĩa là dân hay khách ở Tây Nguyên đều yêu café chứ không phải yêu không khí quán xá café.
Đến đất Tây Nguyên bạn sẽ thấy bạt ngàn những đồi café. Những gốc café cứ um tùm, là là mặt đất. Đến mùa thu hoạch, những chùm café đỏ trĩu cành xen lẫn um tùm lá xanh thật đẹp.
Bạn cũng có thể xin ít quả tiêu ở đây mang về làm quà. Hạt tiêu nơi đây cay thơm kỳ lạ. Đó là kết tinh của nắng, gió Tây Nguyên.
Tây Nguyên rộng lớn và yên bình. Đây không phải vùng đất có sức mời gọi, nhưng đó là vùng đất rất nhiều người muốn dừng chân. Cái cách mà cả đàn ông, đàn bà ở đây nói đều sang sảng, có lúc nghe như là hát.
Ai đó đã từng đến Tây Nguyên sẽ công nhận một điều: đây là vùng đất có “chất” riêng. Mỗi vùng người ta lại say bởi một thứ. Mà kỳ lạ! Đất Tây Nguyên thường làm say lòng người bằng hương, bằng sắc: hương sắc của hoa, hương sắc café, hương hồ tiêu…
Miền Tây nước lớn
Bạn đã về miền Tây chưa? Nếu bạn có ý định khám phá mảnh đất này, bạn hãy chọn những miền quê thật xa xôi, nghèo khó nhé. Vì nếu ở thị trấn, hay trung tâm tỉnh lỵ bạn sẽ hối tiếc vì không thể thấy cái chất rất “sông nước” của đất và người miền Tây.
Lần đầu tiên tôi về miền sông nước là vào những ngày mưa dầm mưa dề, mưa xối xả, mưa đến bạc cả đầu. Mặc dù đã tưởng tượng trước, nhưng sự dày đặc của sông, của rạch nơi đây đã gây một ấn tượng mạnh cho tôi.
Tôi ở trong một gia đình“địa chủ” tương đối giàu có trong cái xóm nghèo xơ nghèo xác, nghèo như không thể còn nghèo hơn được nữa. Địa chủ ngày xưa bốc lột nông dân bằng thuế, bằng chính sức lao động; địa chủ ngày nay thì bốc lột qua một hình thức rất… dễ thương “cho vay phát triển kinh tế gia đình”. Với lãi suất “khiêm tốn”: 30%.
Trong gần 10 ngày ở tỉnh Long An, chúng tôi ngồi nhà hết 9 ngày. Vì đi đâu cũng thấy mưa và nước. Người ta ca vọng cổ: miền Tây gạo trắng nước trong là đây. Trong 9 ngày đó, ăn cơm chỉ độc 3 món: cá đồng, thịt heo (lợn) khô và chuột.
Về miền Tây tha hồ ăn cá, cá đồng nhiều khỏi nói. Thịt heo khô thì cả bao lớn treo nóc bếp, người ta để dành cho những mùa nước lũ. Chỉ có món chuột là mới lạ một chút. Những hôm đi bắt chuột, mấy anh em lõm bõm xách bao lên những nơi rìa nước, chuột lóc nhóc, bì bõm. Người cũng chẳng hơn. Chuột ở đây nhiều vô kể. Ngồi trong nhà, với chai rượu đế thơm nồng, với món chuột nướng cháy lèo xèo trên bếp chúng tôi phần nào cảm nhận cái thú vị của cuộc sống nơi đây. Chuột đồng miền Tây nhiều vô kể, món chuột đồng nướng là món đặc sản của miền Tây.
Mà người miền Tây thật lạ, nghèo đó, đói đó, mưa gió thất nghiệp đó nhưng họ vẫn lạc quan, vẫn khề khà bên ly rượu, vẫn thả hồn theo những bài vọng cổ thống thiết, dạt dào tình cảm.
Chính cái thú vị này đã lôi kéo tôi trở lại miền Tây những lần tiếp theo đó. Lần về Cần Thơ với những đêm ngồi đồng ở một quán vừa lai sàn nhảy vừa lai cà phê vườn. Cái quán đó tôi gọi là “sàn nhảy chân đất”. Lần đầu tiên thấy một sàn nhảy không có tường cách âm, mặt sàn chẳng khác nào một võ đài đấm bốc ở Âu Châu.
Lần về Trà Vinh thì thấm thía cái “đô nhậu” của con gái miền sông nước này. Cô gái da trắng như lòng trắng trứng gà, hai mắt lúng liếng như ruột ốc bươu, giọng nói thì thấm vào lòng người như nồi lẩu mắm mà lại nhậu đánh đổ cả những gã đàn ông xứ lạ. Vậy nên bổng thấy con gái miền Tây đẹp lạ kỳ...
Nhưng nhớ nhất là những kỷ niệm về Măng – thít, Vĩnh Long. Nhớ những đêm chạy xuồng máy đi xem đoàn“pê đê” tổ chức hát cho nhau nghe. Ở đây, dân pê đê cũng có những hoạt động rất sôi nổi. Họ hát cực hay, cực đi vào lòng người. Nhớ những ngày đi vớt bùn đắp bờ kênh lấm lem, đen nhẻm như dân Phi Châu…
Vậy đó, miền Tây trong tôi đầy ắp những kỷ niệm, thôn dã thôi nhưng thú vị lắm. Đã lâu rồi tôi không còn được nghe giọng nói ngọng ngiụ lẫn lộn giữa “r” và “g”, không còn được nghe những bài vọng cổ tự sự, trách móc vu vơ và than thân trách phận của người miền Tây nữa.
- Theo Maskonline, internet
0 nhận xét: