Xách ba lô lên đường

Những chuyến dã ngoại về vùng nông thôn các tỉnh là sở thích của không ít bạn trẻ đang là sinh viên tại TP.HCM.

“Thường thì mỗi tháng một lần, nhóm của mình lại rủ nhau đi phượt xa như vậy. Xem như là những chuyến du lịch, tìm đến những vùng quê để vui chơi, thư giãn” - Văn Sanh, sinh viên (SV) Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết.

Không chỉ riêng nhóm của Sanh, mà đây còn là sự lựa chọn của nhiều nhóm bạn vào mỗi dịp cuối tuần. Nơi đến của họ là những xã, huyện ở các tỉnh lân cận TP.HCM như: Đồng Nai, Long An, Tiền Giang...

Tại nhiều diễn đàn SV của các trường ĐH, CĐ, thường xuyên có những lời rủ rê: “Du lịch sông nước miền Tây vào cuối tuần này”, “Ai đăng ký cùng tham gia đi Long An”...

Bảo Trân, SV Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM, cho hay hai tuần một lần, cứ đến chiều thứ sáu là cả nhóm lại bước vào hành trình du lịch, chạy xe máy rong ruổi khắp nơi, từ những vùng quê ở Tiền Giang đến những vùng miền núi, xa xôi hẻo lánh ở Tây Ninh... Đến chiều chủ nhật thì quay về thành phố.

Với Minh Vương, cựu SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thì việc xách ba lô lên và đi cùng bạn bè vào những ngày cuối tuần, tìm đến những vùng, miền chưa từng đặt chân đến là thói quen của bạn hơn hai năm nay, kể từ khi còn là SV năm cuối.

“Khuyên các bạn trẻ, hãy tận dụng thời gian nghỉ cuối tuần để đi thật nhiều nơi, để được trải nghiệm về cuộc sống của người dân ở khắp nơi, để tích lũy nhiều kiến thức văn hóa của mỗi vùng miền. Đó là cơ hội để bạn trưởng thành hơn”, Vương chia sẻ.

Từ những chuyến du lịch về nông thôn như vậy đã để lại những kỷ niệm mà Vương không thể nào quên. “Đó là lần đến Long An, thấy bà con hai bên đường đang cứu lúa. Thế là nhóm thay đổi dự kiến ban đầu là về tận Tiền Giang, và quyết định dừng lại, cởi bỏ áo, xắn quần lên để cùng gặt với mọi người. Lần đầu tiên chúng mình làm đồng, mồ hôi vã như tắm, mệt nhoài do làm không quen, nhưng vui lắm, vì đã làm được điều có ích. Bà con bất ngờ vì sự nhiệt tình của tụi mình nên rủ ở lại, mời ăn uống, chuyện trò. Chuyến đi ấy đã để lại rất nhiều điều thú vị”, Vương nhớ lại.

Mỹ Linh, SV Trường ĐH Bách khoa, cho rằng cuộc sống ở Sài Gòn xô bồ, đông đúc, lại mệt mỏi với những ngày học tập căng thẳng. Vì thế vào dịp cuối tuần hãy đi du lịch, về những vùng nông thôn để tận hưởng không gian yên tĩnh, đầu óc nhẹ nhõm, tạo động lực cho tuần mới học hiệu quả hơn.

Không chỉ để du lịch, thư giãn, để được chụp ảnh đẹp với những cánh đồng lúa xanh ngát, những vùng đồi núi cao vợi, những vùng sông nước mênh mang. Hay đi để biết và nếm thử nhiều món ăn đặc sản khắp nơi... Nhiều nhóm bạn trẻ còn tổ chức từ thiện, góp tiền để mua quà dành tặng cho trẻ em, người dân nghèo ở những nơi đặt chân đến.

Sau những chuyến đi của mình, Văn Sanh chia sẻ kinh nghiệm, nên tìm về những vùng quê của các bạn trong lớp, để có “hướng dẫn viên” miễn phí, đỡ khó khăn trong việc tìm đường, tìm kiếm những địa chỉ du lịch nên đến, những quán ăn ngon, những cảnh đẹp để chụp hình, đồng thời có chỗ ở miễn phí.

Trọng Nguyên, SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chia sẻ hầu hết mọi người đều chọn phương tiện là xe máy để khi đến nơi có xe đi lại. Tuy nhiên, vì đi đến những tỉnh, những vùng miền hoàn toàn mới mẻ và xa lạ, có thể không quen đường, nên đi chậm và cẩn thận để không xảy ra tai nạn đáng tiếc. Theo Nguyên, nên đi theo nhóm đông người để tránh những tình huống bị uy hiếp hay cướp giật. Hành trang trên đường phải nhớ đem theo nước và đồ ăn sẵn để lót bụng khi dừng nghỉ…

- Theo Nguyễn Thanh Nam (Thanhnien), internet