Vân Phong Túc Vũ - Quảng Ngãi
Quả đúng như miêu tả của người xưa, hầu như quanh năm Vân Phong ngập trong sương núi mây trời, khi tán thì lãng đãng đó đây, khi tụ thì đùn lên thành gò lớp.
Đỉnh Cà Đam vươn lên cao vút giữa từng không, khi ánh nắng mặt trời xuyên qua sương sớm lại sáng lên rạng rỡ như thể núi rừng vừa qua một trận mưa đêm mùa hạ. Bóng mây, dáng núi, ánh trời quấn quýt lấy nhau trong thiên nhiên vừa chuyển động vừa hòa điệu, đẹp từng khắc, sáng từng màu.
Nhờ địa hình núi cao, vực sâu, lại thêm luật tục lâu đời gìn giữ rừng thiêng núi cấm của tộc người Cor nên đến nay khu vực Cà Đam vẫn còn giữ được sinh cảnh tự nhiên khá nguyên vẹn với những mảng rừng nguyên sinh, hệ động thực vật phong phú, nhiều loài quý hiếm, khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình hàng năm 21 – 23 độ.
Truyện cổ người Cor kể rằng: Có chàng trai mồ côi giỏi giang tên là Don may mắn lấy được vợ là nàng tiên Sóc xinh đẹp, nhưng lại có người anh xấu tính, nhiều lần cố tình hãm hại em để cướp vợ. Sợ bị liên lụy cho chồng, nàng tiên Sóc trốn về làng trời trên đỉnh núi Cà Đam. Ở đây nàng lại bị Thần mây ép làm vợ. Don lặn lội đi tìm vợ khắp núi cao, núi thấp, ngày nọ qua ngày kia mà chẳng thấy đâu. May nhờ bà tiên già tóc bạc đưa lên đỉnh núi dự lễ hội ăn trâu huê nhà trời, Don tìm thấy vợ. Vậy là chàng phải đánh nhau với người nhà trời để đưa nàng Sóc trở về hạ giới.
Quần nhau 3 ngày, 3 đêm thì chàng trai dũng cảm giết được Thần mây. Nhưng Don vẫn chưa thể đưa vợ về nhà. Trước khi chết Thần mây lại báo tin cho Thần gió nhờ trả thù. Thần gió vù vù lao đến làm cuốn tung lá khô, nghiêng ngã cây rừng, tấn công chàng Don từ bốn phía. Sức mạnh của Thần gió làm cho đá núi nhào đổ ầm ầm, cả một khoảng rừng chìm trong mờ mịt, tứ tán mây bay, cỏ cây tơi tả.
Thế nhưng chàng trai Cor đã bình tĩnh, khôn khéo dùng chiếc ná bắn mũi tên dài, giết chết Thần gió. Bầu trời trở lại bình yên, sương bạc quấn quýt núi lam, đỉnh Cà Đăm sáng lên trong nắng sớm.
Nàng tiên Sóc theo chàng Don trở về làng cũ dưới chân núi Cà Đam. Hai người cùng dân làng lấy cây rừng, dây mây dựng ngôi nhà sàn dài, đặt ống bương dắt con suối xa về bến nước nơi đầu ngỏ. Vợ chồng họ sống với nhau trọn đời hạnh phúc, sinh con đàn cháu đống, vui cả núi rừng. Bà con tin rằng, người Cor sống ở những làng nóc dưới chân núi Cà Đăm hiện nay là con cháu của chàng Don mồ côi và nàng tiên Sóc xinh đẹp.
Còn có một huyền thoại khác thời hiện đại, gắn với khu rừng Trút nằm trong phần đất thôn Xanh, xã Trà Trung, huyện Tây Trà, dưới chân núi Cà Đam. Ở đây, có 7 gia đình người Cor với hơn 30 nhân khẩu thay nhau canh giữ khu rừng nguyên sinh rộng hàng trăm hecta có vô vàn những cây gỗ quý (lim xanh, lim xẹt, dỗi, chò...) có tuổi tính bằng trăm năm.
Họ giữ rừng mà không hề biết đến chuyện được trợ giúp, trả công... Lý lẻ của bà con rất chi thuần phát: “Giữ rừng, giữ núi là để con thú có chỗ đi về, con chim có nơi làm tổ, con suối còn nước cho người”. Một câu nói ngỡ như đơn giản mà chứa đựng triết lý sâu thẳm: Rừng là nguồn sống của muôn vật, trong đó có loài người. Giữ rừng là giữ lấy cái nguồn sống ấy...
Hơn 30 con người sống trong những ngôi nhà tuềnh toàng, dựng bằng gỗ tạp, tre nứa, đời sống gặp vô vàn khó khăn nhưng vẫn ngày đêm chở che khu rừng Trút, lo lắng cho bóng cây, màu lá; nâng niu từng tiếng chim non, không huyền thoại thì hỏi là gì?
Năm 2006, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định quy hoạch chung Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Cà Đam - Hồ Nước Trong rộng đến 266 hecta, bao gồm cả khu vực quần sơn Cà Đam – Vân Phong và vùng đông nam hồ chứa nước Nước Trong. Chẳng biết đến ngày khu du lịch ấy hình thành 7 gia đình người Cor ở thôn Xanh có còn ở lại với núi rừng của ông cha hay phải di dời đi nơi khác? Khu rừng nguyên sinh dưới chân núi Cà Đam mà họ chăm nom, chung sống liệu có còn những cây dỗi, cây lim hàng chục người ôm không xuể?
Sẽ quý hóa biết chừng nào, nếu có một dự án tạo điều kiện để 30 con người sống thân thiện với thiên nhiên ấy có thể đủ no, đủ ấm mà yên tâm gìn giữ vạt rừng xanh thẳm dưới chân núi Vân Phong, nâng niu cho đời sau câu chuyện tình huyền thoại của chàng Don dũng cảm và nàng tiên Sóc đáng yêu.
Trong ký ức mù sương của mình, ông Phạm Thanh Biền, 85 tuổi, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong chiến tranh chống Mỹ vẫn còn nhớ như in về vùng núi quanh đỉnh Cà Đam-nơi đã cưu mang cả một cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử dân tộc.
Hình ảnh “mây trắng” trên ngọn núi này luôn được ông lưu giữ như một nỗi ám ảnh khôn nguôi: “Bất luận là mùa nào, mây trắng vẫn luôn hiện diện trên ngọn núi này. Nó ấm áp và gần gũi đến lạ thường. Gần gũi và nồng ấm như những người anh em Cor nơi này đã thủy chung son sắt với cách mạng cho đến hết cuộc chiến tranh”.
Vùng mây trắng cùng những người anh em Cor nơi miền rừng Cà Đam ấy không chỉ thành lực hút đối với những nhà lãnh đạo trong kháng chiến để chọn nơi này làm căn cứ địa cách mạng mà còn là điểm ngắm cho những nhà làm kinh tế hôm nay. Nếu xét về địa hình, Cà Đam không thua Bà Nà của Đà Nẵng về độ cao để có thể hình thành nơi đây một điểm du lịch hấp dẫn. Nhiệt độ ổn định ở mức 20 độ C, nhất là trong mùa nóng bức, Cà Đam sẽ là điểm đến lý tưởng cho những du khách không quen với cái nóng vốn là “đặc sản” của miền Trung.
Cà Đam không chỉ có ưu thế về độ cao mà địa hình của vùng núi này còn có nhiều thuận lợi khác. Từ Trà Bùi huyện Trà Bồng lên Trà Trung thuộc Tây Trà-nơi có thể hình thành khu du lịch- chừng mười cây số, song đường đi rất hiểm trở.
Tuy nhiên, qua khỏi đoạn hiểm trở này, một không gian thoáng đãng như bày như vẽ ra trước mắt với một địa hình khá bằng phẳng để có thể hình thành những nhà nghỉ dưỡng một cách thuận lợi nhất. Các ngọn đồi nơi đây như được thiên nhiên sắp đặt, núi nhiều tầng, từ thấp đến cao để có thể hình thành những “tour” cáp treo phục vụ cho những du khách thích mạo hiểm. Cà Đam lại không quá xa các trung tâm như thành phố Quảng Ngãi hoặc Dung Quất là bao. Chỉ ba mươi phút ôtô là du khách có thể “duỗi chân duỗi tay” tại nơi mình cần đến trong một không gian mát mẻ và yên tĩnh.
Đối với những ai muốn khám phá về phong tục tập quán của người dân bản địa thì vùng Cà Đam này vẫn đáp ứng một cách đầy đủ nhất. Chung quanh vùng núi này là người Cor “rin”. Không phải vì họ “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” như các nhà tuyên tuyền cổ súy lâu nay đâu mà cái chính là đường dẫn về Cà Đam hầu như không được đầu tư để làm. Các đây khoảng 6 năm, huyện Trà Bồng mở một tuyến đường lên Cà Đam từ Trà Bùi nhưng chỉ san ủi sơ sài, qua vài mùa mưa, đâu lại vào đó. Vì vậy, xã Trà Trung trở thành ốc đảo giữa rừng Cà Đam này nên người Cor nơi đây hầu như không có điều kiện để tiếp xúc với cái gọi là “thế giới văn minh” bên ngoài.
Nếu như người Cor ở các xã khác đều làm nhà trệt thì dân Cor ở Trà Trung vẫn còn giữ nguyên những nếp nhà sàn. Nam nữ thanh niên Cor nơi đây cũng không ăn diện quần bò, áo chim cò như những nơi khác mà họ vẫn còn giữ nguyên trang phục của dân tộc mình, nhất là trong các dịp lễ hội. Một không gian văn hóa thuần khiết như vậy sẽ là nơi thu hút khách du lịch nước ngoài nếu như được tổ chức một cách bài bản. Nếu mai này hình thành khu du lịch tại đây, việc đầu tiên là nên giữ nguyên hiện trạng những nếp nhà sàn đồng thời hướng dẫn đồng bào cùng tham gia vào làm du lịch như đồng bào ở một số nơi thuộc các tỉnh phía Bắc đã làm.
Đối với những ai muốn khám phá về lịch sử vùng rừng này thì Cà Đam vẫn còn nguyên một “kho sử sống” về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ông Phạm Thanh Biền có kể cho tôi nghe về cuộc vượt thoát của ông cùng những người đồng chí từ đồng bằng lên Cà Đam để lập căn cứ kháng chiến lâu dài vào những năm đầu chống Mỹ, chẳng khác nào như nghe chuyện trinh thám. Ông nói: “Chúng tôi phải chọn Cà Đam là vì nơi đây có thể cơ động bằng đường bộ về đồng bằng nhanh nhất.
Địa hình hiểm trở, rừng núi điệp trùng này đã trở thành thiên la địa võng đối với kẻ thù nên chúng không dám truy đuổi những người kháng chiến. Dân Cor nơi đây cực kỳ thủy chung với cách mạng. Họ có thể đốt cả ngôi nhà của mình để đánh lừa địch, tạo điều kiện cho chúng tôi thoát hiểm”. Chính dưới chân núi quanh năm mây phủ này, những người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Ngãi thời ấy đã bàn thảo và đề ra nhiều chủ trương để đánh những đòn phủ đầu vào chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Một nhà bảo tàng về cuộc chiến tranh cách mạng tại đây nếu như có khu du lịch sẽ là điều vô cùng cần thiết.
Cà Đam không chỉ có mây trắng mà vùng núi này còn là nơi trú ngụ của hàng chục loài động vật quý hiếm. Những cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi trong tỉnh Quảng Ngãi còn lại cũng đều tập trung quanh khu vực này. Một vài năm nữa, dưới chân núi Cà Đam sẽ xuất hiện một hồ chứa nước của công trình thủy lợi Nước Trong với hàng nghìn hecta sẽ là điểm du thuyền vô cùng hấp dẫn.
Có núi, có rừng, có sông hồ mây nước, nghĩa là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đều có, chỉ thiếu sự quyết tâm để biến nơi đây thành điểm du lịch mà thôi.
Tháng 5 này, tỉnh Quảng Ngãi vừa ký Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Cà Đam, huyện Trà Bồng.
Diện tích khu vực nghiên cứu quy hoạch là 1.266 ha, thuộc các xã Trà Tân và Trà Bùi huyện Trà Bồng, trong đó diện tích lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu trung tâm điều hành, tổ chức các dịch vụ du lịch khoảng 266 ha; diện tích quy hoạch rừng tạo vành đai cảnh quan cho khu du lịch khoảng 1.000 ha.
Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Cà Đam là khu du lịch nghỉ dưỡng, nghỉ mát, tham quan du lịch, vui chơi giải trí, thể thao gắn với cảnh quan núi, rừng và suối thác… được quy hoạch với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch của nhân dân địa phương và du khách.
Tên chữ của núi Cà Đam là Vân Phong, Cà Đam là tiếng gọi của người địa phương. Núi nằm ở phía Tây Nam của huyện Trà Bồng và phía Đông Nam của huyện Tây Trà. Núi Cà Đam có đỉnh cao nhất là 1413m, vị trí núi ở phía Tây Nam huyện Trà Bồng.
Đứng từ vùng đồng bằng nhìn lên phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Ngãi thấy hình núi cao vọt lên giữa lớp lớp núi. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 6 chép về tỉnh Quảng Ngãi, có viết: “hình núi cao vót lên giữa từng trời, có các núi bao quanh bốn phía trùng điệp, đứng xa trông thấy tươi sáng. Chóp núi dờn dợn mây bay, suốt ngày khí sắc như lúc trời mới sáng hay sau khi mưa tạnh”.
- Theo báo Quảng Ngãi, báo Bình Định, internet
0 nhận xét: