Gian nan xăng dầu ngược núi
Kỵ sỹ đường trường
Với mong muốn tìm hiểu thực tế việc vận chuyển xăng dầu lên vùng cao, chúng tôi đã theo xe tec của Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ Petrolimex Hà Tây (PTS Hà Tây) từ Hà Nội lên Sốp Cộp. Tất cả những chuyến hàng này đều bắt nguồn từ Kho xăng dầu Đỗ Xá thuộc Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình (Petrolimex Hà Sơn Bình).
Dù đã hình dung những chiếc xe téc chở xăng dầu qua những thước phim tư liệu cũng như nhìn thấy trên các tuyến đường giao thông nhưng chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi lọt thỏm trong cabin của chiếc xe hơn ba chục tấn. Cảm giác ban đầu, xe như những con “chiến mã” khổng lồ và mỗi lái xe phải điều khiển khéo léo như người kỵ sỹ.
< Từ sáng sớm nhận xăng dầu tại kho Đỗ Xá.
Từ mờ sáng, đoàn xe 3 chiếc nặng nề xuất phát từ kho Đỗ Xá đi lên Sơn La, tới Sốp Cộp, và điều bất ngờ nhất đến từ 3 “kỵ sỹ”. “Anh cả” Bùi Quốc Hùng, nhiều kinh nghiệm nhất mới qua tuổi 40, tuổi đang ở độ chín bên vô lăng. Còn lại, 2 lái xe chính trong đoàn cũng như 2 lái phụ đều ở độ tuổi 8X. Lái chính Phạm Huy Toàn, Nguyễn Văn Lâm đều còn rất trẻ nhưng đã có nhiều năm kinh nghiệm chạy tuyến đường này. Toàn cho biết, tuyến xe téc chạy lên Sốp Cộp vất vả, gian khó có nhiều đèo, đường quang co, gấp khúc, khả năng xảy ra tai nạn rất cao nếu tay lái không “cứng”. Vì thế hầu như trên cung đường này chỉ nhìn thấy xe téc chở xăng dầu có chữ P (xe của Petrolimex).
< Kiểm tra, niêm phong kẹp chì qua cổng kho.
Đèo Thung Khe nằm trên quốc lộ 6, thuộc huyện Mai Châu, Hòa Bình, cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, có lẽ là con đèo đầu tiên thử thách tay lái của dân xe téc ngược Sơn La. Sau Thung Khe lại đến đèo Chiềng Đông, Chiềng Pấc nổi tiếng với những đường cua quanh co, đường cứ ôm núi chạy dài, sương mù giăng kín.
Từ Hà Nội lên Sơn La, thời tiết mùa đông là nỗi lo nhiều nhất cho cánh tài xế. Sương mù dày đặc, khoảng cách nhìn chỉ vài mét, những chiếc xe téc cứ bám lấy nhau mà căn, dò đường. Một chút sơ sảy là bị trả giá bằng cả tính mạng. Bên cạnh đó, theo anh Phạm Huy Toàn, suơng mù rồi cũng tan, bởi xe vẫn chạy được, chứ không phải dừng lại do đá sạt lở. Trong một chuyến xe hồi đầu năm, do núi bị sạt lở, xe to không vượt qua được, anh Toàn đã phải nằm lại cùng xe cả tuần lễ.
< Núi cao, vực sâu (đoạn đèo Thung Khe, Mai Châu, Hòa Bình), ảnh là lái xe Bùi Quốc Hùng.
Qua tìm hiểu, phần lớn lái xe cung đường này là người ở Mộc Châu, Yên Châu (Sơn La) thạo địa hình đèo núi, hiểu được từng điểm, từng nơi, từng con người nơi chuyến xe đi qua. Họ chẳng mấy khi được ở nhà. Hầu hết thời gian gắn bó với xe. Ngay như anh Phạm Huy Toàn, dù vợ vừa mới sinh con được mấy tháng nhưng mỗi lần chạy xe lên Sốp Cộp, chỉ tranh thủ lúc bữa cơm nghỉ chân tại huyện Yên Châu mới chạy vội về thăm vợ con.
Còn những người như anh Bùi Quốc Hùng, có khi cả tuần, cả tháng mới gặp mặt vợ con được một lát. Những lần hiếm hoi về bên gia đình là cả đêm trằn trọc không ngủ vì đã quen ngủ trên cabin.
Đèo cao, suối sâu ta cùng vượt
< Dò đường và đo độ sâu trước khi xe qua suối Pú Khua.
Huyện Sốp Cộp được thành lập năm 2004, là xã thuộc vùng 3: một trong số hơn 60 huyện nghèo nhất nước. Tháng 11/2009, Chi nhánh Xăng dầu Sơn La khai trương cửa hàng tại huyện Sốp Cộp, những “kỵ sỹ” sau những chuyến đầu bỡ ngỡ đã dần quen với cung đường nơi đây. Sau đó, chuyến hàng xăng dầu của Petrolimex cứ đều đặn chuyển lên điểm cao gần 1.000m so với mặt nước biển.
Hành trình luôn thấm đẫm giọt mồ hôi của người tài xế. Từ ngã ba Mai Sơn- cửa ngõ phía nam thành phố Sơn La, ngược hướng tây bắc hơn 100 km đến thị trấn huyện Sông Mã đã vất vả nhưng chưa phải đã hết. Tiếp là 30 km đường đèo vòng vo, ngoằn ngoèo nữa mới đến được Sốp Cộp. Con đường này mới hoàn thành vài năm gần đây nên còn đỡ khó, chứ trước đó toàn "ổ trâu, ổ gà".
Điều này đã được anh Hùng dẫn chứng, khoảng hơn 4 năm trước, đường lên huyện Sốp Cộp là đường cấp phối sấp ngửa ổ trâu, ổ voi. Xe ô tô chỉ chạy được vào mùa khô, nhưng phải là xe U-oát dã chiến nhà binh, hoặc xe tải ba cầu. Mùa mưa thì chỉ có một cách duy nhất là đi bộ vì phải vượt ngầm qua 19 con suối. Sau đó, đoạn đường này đã có thêm phương tiện xe ôm, nhưng “ôm” một chiếc xe Win từ ngã ba xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã) lên Sốp Cộp mất đúng nửa tháng lương người tài xế. Đi lại vất vả nên trước khi có Cửa hàng Xăng dầu Petrolimex, không doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nào kinh doanh tại đây.
< Phụ xe Quảng Văn Bình dẫn đường cho xe tec của Phạm Huy Toàn (PTS Hà Tây) vượt suối.
Thực tế, trong chuyến đi lần này, những chiếc xe téc đã phải vượt qua những cung đường hết sức khó khăn. Hầu hết xe téc chở xăng dầu “đổ đèo” đều chạy với tốc độ vừa phải, thậm chí tốc độ chỉ hơn 10km/h. Quan trọng hơn cả, người tài xế tâm phải “tĩnh”, không nóng vội mới có thể xử lý tình huống. Bởi khi những con “chiến mã” dài hàng chục mét, nặng 40 - 50 tấn, uốn lượn trên những đường đèo nhỏ hẹp thì không biết điều gì xảy ra.
Đặc biệt, 3 con suối mà xe vượt qua là Pú Khua, Nậm Ca và Nậm Lạnh. Vắt qua suối là những chiếc cầu cỡ nhỏ, trong khi xe téc, bé cũng 30 tấn, băng qua suối là chuyện “thường ngày ở huyện”.
Vào mùa này, đập thủy điện xả nước nên suối dâng cao. Khi chúng tôi đến suối Pú Khua, nước ngập cả mét, lái phụ của xe téc phải nhảy xuống dò từng bước qua suối để dẫn đường cho xe. Nước ngập sâu nên lái xe phải tháo cả cánh quạt làm mát động cơ để xe vượt qua dòng nước chảy xối xả. Vì nếu quạt mà dính nước là coi như đi tong, xe sẽ không thể chạy tiếp.
< Vượt qua dòng thác lũ.
Vượt qua dòng thác lũ ấy, người kỵ sỹ trẻ nhất (anh Toàn) mới thở phào và dừng lại lắp quạt trả vào động cơ. “Lúc vượt, xe mà vấp phải hòn đá hộc, sẽ bị lộn nhào. Lúc đó, hậu quả khó lường”. Ấy vậy mà đến suối Nậm Ca, Nậm Lạnh xe vẫn phải tiếp tục vượt qua ngầm lần thứ hai, thứ ba. Dưới ngầm rải những đá hộc lổn nhổn nên xe rất đi.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng Đông Dậu- Phó Giám đốc Chi nhánh Sơn La, Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình- cho biết, nếu nước chảy xiết hơn chút nữa, xe téc chỉ có cách đứng bên này suối. Công ty sẽ chủ động chuyển từng thùng phuy 1,5 m3 sang bờ bên kia. Sau đó, thuê xe tải nhẹ vận chuyển qua cầu. Phương pháp vận chuyển này tuy tốn kém, nhưng do Petrolimex là đơn vị kinh doanh xăng dầu duy nhất trên địa bàn, nên không thể để nguồn cung xăng dầu đứt đoạn.
< Nụ cười sau khi vượt thác thành công của lái xe Phạm Huy Toàn.
Hiện nay, cửa hàng xăng dầu của Petrolimex tại huyện Sốp Cộp được biết đến như một “địa chỉ đỏ” trong kinh doanh. Những chuyến hàng đều đặn cùng sự nhiệt tình, chu đáo và chân thành của cán bộ, nhân viên đã dành được tình cảm yêu mến của bà con dân tộc.
Đổi thay nơi thượng nguồn sông Mã
Đỉnh Cang Kéo là nơi đầu nguồn khởi dòng để làm nên cái tên Sốp Cộp. Ba dòng Nậm Lạnh, Nậm Ca, Nậm Công uốn lượn vào lòng núi đồi rồi hợp lại và mang cái tên lục khục như đá dưới lòng suối bị nước xô va vào nhau- Sốp Cộp.
Sốp Cộp là nơi sinh sống của các dân tộc như Thái, Mông, Kinh, Lào, Khơ Mú, Lào... trong đó dân tộc Thái chiếm khoảng 66%... Cả tỉnh Sơn La có 250 km đường biên tiếp giáp với Lào thì Sốp Cộp đã có hơn 120 km đường biên. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp. Đây là “điểm nóng” ma túy từ Lào sang.
< Sau 1 ngày rưỡi, xe téc vượt 438 km đường đèo đến Sốp Cộp.
Đối với mặt hàng xăng dầu kinh doanh trên địa bàn, trước đây chủ yếu là các điểm bán lẻ tự phát. Xăng dầu được chứa trong can nhựa, khách có nhu cầu thì sang chiết. “Cao cấp” hơn thì cũng chỉ có bình bơm tay. Giá xăng dầu bao giờ cũng cao hơn giá thị trường từ 4.000- 5.000 đồng/lít. Sau đó có một cửa hàng xăng dầu quân đội nhưng kinh doanh lỗ mãi họ cũng rút lui.
Có lúc, do không đủ nguồn cung, xăng dầu khan hiếm dẫn đến việc “cháy hàng”. Khi đó, cả 8 xã của huyện Sốp Cộp lại rơi vào tình trạng thiếu xăng dầu. Các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu thiết yếu vì thế cũng tăng theo dẫn đến đời sống người dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn… Cũng từ đây, người dân thường có thói quen tích trữ xăng dầu trong nhà để dùng dần. Do không được trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy nên nguy cơ cháy nổ cao.
Khó khăn quá, UBND huyện Sốp Cộp năm lần bẩy lượt đề nghị Sở Công Thương kêu gọi đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu nhà nước cho huyện. Vì nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu cho miền núi, cuối cùng chỉ có Petrolimex "đặt chân" tới.
< Cửa hàng xăng dầu Petrolimex Sốp Cộp (thuộc Chi nhánh Xăng dầu Sơn La) phục vụ người dân.
Từ năm 2009, sự xuất hiện của Cửa hàng Xăng dầu Petrolimex Sốp Cộp đã đem lại những tín hiệu tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của một huyện nghèo. Có xăng dầu, bà con đã dần bỏ thói quen sử dụng sức kéo trâu, bò, chuyển sang máy nông nghiệp có hiệu quả. Phương tiện vận tải phục vụ sinh hoạt, kinh doanh được sử dụng nhiều hơn, giảm chi phí sản phẩm đầu ra, khuyến khích tiêu dùng… Nhờ phát triển kinh tế, Sốp Cộp đã dần mọc lên những ngôi nhà khang trang, thay thế cho những ngôi nhà tạm trước kia. Các hộ nghèo, theo như lời ông Phạm Văn Chung, hiện nay đã giảm khoảng 10% so với năm 2010.
Anh Tòng Văn Búng, xã Sốp Cộp- chủ cơ sở xay xát thóc gạo- cho biết, trước đây, mỗi khi hết dầu, tôi phải đi hàng giờ xuống huyện Sông Mã mua, chi phí đi lại rất tốn kém. Nay, được mua dầu gần hơn, giá Nhà nước, công xay xát cũng vì thế mà giảm. Gia đình chị Lò Bun Mây, xã Mường Và vừa mua chiếc xe máy mới để phục vụ việc làm nương rẫy, mua thức ăn gia súc. Với chị Mây, đi xe máy cách đây 3 năm dường như là điều xa xỉ. Bởi nếu có dành dụm được tiền mua xe thì chưa chắc có tiền đổ xăng do đắt và hiếm.
< Lái xe PTS Hà Tây (từ trái qua phải) Bùi Quốc Hùng, Phạm Huy Toàn và Nguyễn Văn Lâm hoàn thành nhiệm vụ và sẵn sàng cho một hành trình mới.
Nhìn chung, việc kinh doanh xăng dầu tại Sốp Cộp cũng như Sơn La nói riêng hầu như không có lãi, thậm chí là lỗ. Kinh doanh xăng dầu ở miền núi càng bán nhiều càng lỗ, vì tất cả chi phí định mức chỉ 600 đồng/lít xăng dầu, nhưng riêng cước vận tải ở Sơn La trung bình đã 850 đồng/lít. Trước khi có sự xuất hiện của Petrolimex tại Sốp Cộp, không doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nào “trụ” lại được ở đây bởi vận chuyển khó khăn, chi phí cao.
Thế nhưng, với vị trí của mình, Petrolimex không chỉ thực hiện nhiệm vụ kinh doanh thuần túy mà còn rất có ý thức trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của một doanh nghiệp nhà nước là đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho bà con dân tộc. Đó là lý do chính mà đến nay, thương hiệu Petrolimex đã trở nên thân thuộc với vùng cao.
- Trích báo Công Thương
0 nhận xét: