Liên Trì dục nguyệt: Thắng cảnh xứ Quảng
Ao sen làng Liên Trì nằm giữa cánh đồng lúa Liên Chiểu, tục gọi là xứ đồng Bàu Sen, mênh mông, thoáng đãng. Những đêm trăng sáng, mặt nguyệt lơ lửng lưng trời, tao nhân mặc khách có thú sơn thủy tiêu dao thường dùng thuyền nhỏ đưa nhau ngoạn cảnh. Lá thuyền thanh mảnh nhẹ nhàng lướt đi trong hương sen dìu dịu. Gò Ngựa, cồn An Châu thấp thoáng trong sương. Hồn du tử lâng lâng, tứ thơ vụt hiện, thêm chén rượu tương phùng, lữ khách thấy bóng trăng dầm bóng nước, trong vắt lung linh, như thể chị Hằng xuống tắm ao sen, lả lơi phong tình, trêu ngươi trần thế.
< Liên Trì dục nguyệt.
Có người dịch thoát cụm từ “Liên Trì dục nguyệt” thành “Trăng giỡn ao sen”, dẫu không chính xác lắm về từ ngữ, nhưng trong bối cảnh nên thơ, sơn thủy giao tình lại thấy nhiều phần ý vị.
Các tác giả bộ Quảng Ngãi tỉnh chí viết (1933): “Liên Trì dục nguyệt là chỉ ao sen làng Liên Chiểu, huyện Đức Phổ, ban đêm mặt trăng dọi rất đẹp”.
Còn sách Đại Nam nhất thống chí (Quyển VIII: tỉnh Quảng Ngãi; mục Núi Sông), cho biết: “Hồ sen, ở cách huyện Mộ Đức 39 dặm về phía nam, có hồ rộng vài ba mẫu, thuộc địa phận xã Liên Chiểu, hình tròn như mặt trăng, sen mọc xanh tốt, trước kia dân xã hàng năm phải nộp hạt sen, gần đây sen ít dần. Nước hồ chảy ra đồng ruộng thôn Hoa Chiểu rồi chảy về phía nam 6 dặm, đổ vào sông Trà Câu. Tập Mười cảnh Quảng Ngãi của Nguyễn Cư Trinh có một đề là Liên Trì dục nguyệt tức là hồ này”.
Từ Liên Trì, ngước nhìn về phía tây, không xa lắm là núi Xương Rồng (Long Cốt sơn), nghiêng về nam, vượt qua sông Trà Câu là núi Giàng Thượng, chếch về phía bắc là núi Chóp Vung (núi Nghĩa). Dưới chân núi Chóp Vung có một dòng sông nhỏ, chảy men theo chân đồi, đồng ruộng rồi lượn về đông, qua cầu Giác. Mùa mưa, nước từ gò Ngựa, Nam Lân, Bắc Lân, An Châu và những cánh đồng chung quanh tràn về ao sen Liên Chiểu rồi đổ vào dòng sông nầy.
Sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi cho biết núi Long Cốt còn có tên Tiên Nữ sơn, trên núi có 12 tòa tháp, gọi là tháp Tiên Nữ. Phải chăng đó là các tòa tháp của người Chăm và đã chịu chung số phận điêu tàn với vương quốc từng một thời văn minh huy hoàng? Năm 2011, người ta ngẫu nhiên đào được ở núi Xương Rồng một pho tượng lạ bằng đất nung, chẳng biết có liên hệ gì đến “12 tòa tháp” mà Ức Trai đề cập?
< Núi Giàng Thượng, nhìn từ ao sen Liên Chiểu.
Tương truyền, ngày trước trên núi Xương Rồng rừng cây rậm rạp, nhiều thú hoang sinh sống. Những đêm trăng thanh, bóng núi đổ dài tận đáy hồ tạo thành bức tranh lung linh huyền ảo, trăng lồng bóng sen, sen lồng bóng núi.
Ao Liên Trì trước mặt, núi Xương Rồng sau lưng. Hương sen thơm ngát, dáng núi uy nghi, rõ là một vùng linh địa. Phải chăng vì vậy mà miền quê này đã sinh ra nhiều kẻ sỹ giàu tiết tháo, tiêu biểu là các ông: Nguyễn Đăng Ngoạn (cử nhân 1870), Nguyễn Mân (cử nhân 1897), Nguyễn Phan (cử nhân 1900), Lê Chi (cử nhân 1900)...
Cử nhân Nguyễn Mân ra làm quan, giữ chức Tri huyện (nên thường được gọi là Huyện Mai, Huyện Sầm), sau từ quan, về quê một thời gian lại tham gia phong trào khất thuế – cự sưu năm 1908 và bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo. Ông có câu đối tặng đình làng Thanh Bình còn truyền tụng đến giờ:
< Núi Chóp Nón.
Liên thủy đình tiền: văn minh nhuận,
Long sơn bối hậu: võ công cao.
Tạm dịch:
Liên Trì phía trước: văn minh ắp
Long Cốt sau lưng: võ công đầy
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn có hai nơi khác có hồ sen đẹp: một ở xã Bồ Đề, tổng Trung, huyện Mộ Hoa, nay là thôn Bồ Đề, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức; một ở xã Ba La, tổng Trung, huyện Chương Nghĩa, nay là thôn Ba La, xã Nghĩa Dõng, huyện Tư Nghĩa.
Ao sen ở Bồ Đề rộng chừng vài mẫu, gắn liền với nhiều giai thoại về tả quân Lê Văn Duyệt, người có tổ quán ở làng Bồ Đề. Nhà biên khảo Phạm Trung Việt, trong cuốn Non nước xứ Quảng có chép: “...Tương truyền khi Tả quân còn sống thì ở đây năm nào ao sen cũng tốt, hương ngào ngạt tỏa xa hàng mấy dặm. Đến khi Tả quân mất thì sen lụn tàn gần hết. Sau đấy, năm nào sen nở hoa thì làng Bồ Đề có người thi đậu”.
Ao sen làng Ba La nổi tiếng nước trong sen tốt, nằm giữa cách đồng Ba La Thượng, hình bán nguyệt, có phần nhích hơn về diện tích so với ao sen Bồ Đề, nhưng không bằng ao sen Liên Trì.
Mấy năm gần đây, ao sen Liên Trì bỗng trở nên xanh tốt sau mấy mươi năm hoang phế, phủ đầy cỏ voi, cỏ lác. Lại một điềm lành chăng?
- Theo Lê Hồng Khánh (báo Du lịch), internet
0 nhận xét: