Rong chơi đầu năm

Những ngày nghỉ xả hơi đầu năm không ít người lúng túng trong việc tìm cho mình một điểm đến, bởi đi nhiều nên “nhìn quanh chẳng thấy nơi nào mới”.

< Đầm Vân Long cảnh đẹp như tranh vẽ.

Một số bạn trẻ thích phiêu lưu thì chọn điểm cực đông trên đất liền của Tổ quốc để đón năm mới, trong khi không ít người chọn một chỗ “cũ mèm” là Đà Lạt hay Nha Trang chỉ đơn giản để nghỉ ngơi, chiêm nghiệm thế sự…

Khám phá cái mới

“Từ lời kêu gọi của một nhóm bạn năm đứa ở Sài Gòn, giờ chúng tôi có gần mười người sẽ gặp nhau tại Mũi Đôi (Khánh Hòa), cực đông trên đất liền của Tổ quốc để đón mừng năm mới” - Phú hào hứng. Kỳ thực đã nảy sinh nhiều cuộc tranh cãi về điểm cực đông này bởi có nhiều người cho rằng nó nằm ở Đại Lãnh (thuộc Phú Yên). Giờ thì bằng những thiết bị công nghệ cao mọi người đều nhất trí cực đông ở Hòn Đôi, bán đảo Hòn Gốm. Tuy nhiên, đến đây mà không ghé tắm biển Đại Lãnh thì hơi tiếc vì bãi biển này quá đẹp.

Khám phá những địa chỉ du lịch mới luôn là niềm đam mê của nhiều bạn trẻ và những ngày nghỉ thường được tận dụng triệt để. Các bãi biển hoang sơ, nơi còn ít dấu chân lữ khách trên dải đất miền Trung từ Khánh Hòa ra tận Đà Nẵng được các bạn trẻ yêu thích  khám phá.


< Biển Tân Phụng, Bình Định còn rất hoang sơ.

Biển Tân Phụng ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định là một ví dụ. Người dân mến khách nơi đây sẽ tận tình hướng dẫn du khách tham quan Mũi Rồng - một thắng cảnh không thể bỏ qua khi đặt chân đến vùng đất này.

Đó là một ghềnh đá màu đỏ nhô ra biển chừng 20m, chính giữa ghềnh đá là một khoảng trống, có một hòn đá lớn nhô lên ngày đêm, nước biển xô vào rồi trào ra như miệng rồng phun nước.

Theo truyền thuyết, Mũi Rồng xưa kia nguyên là một khối, hình giống vi cá chép, dân địa phương còn gọi là “Đá vảy rồng”. Loại đá son này rất cứng. Khi mài với nước thì ra màu thắm đỏ, khi cầm không dính tay nên được truyền tụng loại son trời cho.

Ở Hà Nội các bạn trẻ gần đây cũng hay rủ nhau “phượt” về Ninh Bình, nơi có nhiều thắng cảnh kỳ thú. Cách Hà Nội 90km về phía nam theo quốc lộ 1, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, huyện Gia Viễn, Ninh Bình là một điểm tham quan kỳ thú vào dịp nghỉ lễ.

Đầm Vân Long rộng đến 3.500ha nằm trên địa bàn bảy xã của huyện Gia Viễn. Ở đây có một hệ thực vật vô cùng phong phú, đặc biệt là những loài cỏ, lau sậy sống dưới nước. Vân Long như tấm gương khổng lồ phản chiếu đất trời, núi non kỳ vĩ.

Có người mô tả Vân Long như một khu “vịnh không sóng” vì khi đi thuyền trên đầm, du khách sẽ thấy mặt nước phẳng như một tấm gương khổng lồ.

< Các bạn trẻ yêu thích khám phá tìm về điểm cực đông trên đất liền của Tổ quốc (bán đảo Hòn Gốm, Vạn Ninh, Khánh Hòa).

Bức tranh thủy mặc phản chiếu rõ nét từng chi tiết những khối núi đá vôi mang hình dáng đúng với tên gọi như núi Mèo Cào, núi Mâm Xôi, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Nghiên, núi Mồ Côi, núi Cô Tiên… Không chỉ thế, ở đây còn có hang Cá, một hang động xuyên qua lòng núi đá vôi với chiều dài 250m, chỗ rộng nhất chừng 25m, cao 3-8m, với những mỏm đá, nhũ đá đẹp không kém những hang động ở Quảng Bình.

Tìm “cái mới” ở nơi cũ

Đến Đà Lạt, Lâm Đồng, nhiều người e rằng sẽ khó tìm được điều gì mới ngoài chuyện được hưởng bầu không khí mát lạnh vào dịp này. “Thổ địa” ở đây khuyên chúng tôi nên ghé vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Thế là lên đường! Khác với cái lạnh tê người trong những ngày đầu năm mới ở trung tâm thành phố Đà Lạt, đường lên Bidoup dường như nóng và gay gắt hơn rất nhiều. Theo tỉnh lộ ĐT 723 ra khỏi thành phố Đà Lạt chừng 50km, chúng tôi đến cổng vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Phải chạy thêm 10km đường mòn đất đỏ bằng xe máy và vượt suối Đasar mới đến được trạm kiểm lâm, điểm tập trung mà mọi người hẹn nhau cùng vượt rừng.


< Đà Lạt vẫn là nơi được du khách ưu tiên chọn cho việc nghỉ dưỡng.

Mùa này, suối Đasar trong vắt và hiền hòa. Đây là dòng suối bắt nguồn từ sông Đa Nhim, chảy theo hướng nam sang thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương. Để qua suối người ta làm một chiếc bè. Bè được neo vào dây cáp đã cố định với những chiếc cọc vững chãi ở hai bên bờ. Người lái bè men theo sợi dây cáp đó tự kéo qua bờ bên kia để đến trạm kiểm lâm  K’long K’lanh. Người lái bè cho biết không thu phí qua suối, thay vào đó chỉ là cái bắt tay và những lời chúc may mắn. Ở đây chúng tôi chạm được cây pơmu cổ thụ với chu vi bằng chín người ôm có “tuổi đời” được cho là đến 1.305 năm và đã hiện diện trong sách đỏ từ 15 năm qua.

Tiếp đến là sự tụ hội của hơn 300 loài lan rừng như: thanh lan, hồng lan, vân hài, hoàng lan, tuyết ngọn, mắt trúc, bạch nhạn, lan sứa, lá gấm… Hiện nay vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đang đề xuất đưa du khách khám phá theo các tuyến: Đạ Sa - Liêng Ca; K’long K’lanh; K’long K’lanh - Hòn Giao; Đà Lạt - Cổng Trời; Đưng K’nớ - Sông K’rông Nô; Đa Nhim - Đưng Ja Riêng.


< Một vùng biển lạ tại Hòn Hồng thuộc Mũi Né.

Đến Phan Thiết, Bình Thuận lúc này ngoài ngoạn cảnh và tắm biển, du khách sẽ thấy thú vị hơn với nhiều sự kiện văn hóa được ngành du lịch tổ chức nhằm thu hút du khách. Tại khu di tích văn hóa tháp Chăm Po Sah Inư (TP Phan Thiết) sẽ liên tục diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ nhu cầu tham quan và thưởng lãm nghệ thuật. Khởi động từ tháng 11 đến hết tháng 12-2012 là triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề Phan Thiết xưa, giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của thành phố biển.

Triển lãm còn giới thiệu những bút tích, thơ ca của Hàn Mặc Tử, một thiên tài thơ ca mà một phần cuộc đời gắn với địa danh lầu Ông Hoàng - tháp Po Sah Inư. Vào đêm 28-12 tại khu di tích sẽ diễn ra đêm thơ - nhạc Hàn Mặc Tử. Từ ngày 29 đến 31-12 sẽ diễn ra các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm với các tiết mục kèn saranai, trống paranưng, trống ghinăng.
Còn quá nhiều điều để khám phá nơi đây, hẹn lần khác quay lại vậy.

- Theo Ng. Nam (DulichTuoitre), internet

ĐGD: Mình nghĩ, có lẽ đi cả đời vẫn chứa khám phá hết VN. Đừng cứ chăm chăm đến những địa danh đã có tiếng tăm với du khách trước nay mà hãy khám phá những nơi ít ai biết - bạn sẽ thấy rằng nơi nào trên đất nước ta cũng có cảnh đẹp cả, có điều ta chưa 'ngộ' ra thôi...