Theo dấu đoàn quân Tây Tiến 1
Vượt đèo trong đêm
Cô Hồng chủ quán cơm cảnh báo chúng tôi thời tiết hôm nay lên đèo dễ có sương mù. Y như rằng, vừa lên đèo được vài cây số thì sương phủ xuống, càng lúc càng dày đặc.
Việc vượt đèo trong đêm với dân phượt chuyên nghiệp thì không phải vấn đề to tát, nhưng trong đoàn hôm nay có 2 tay mơ mới đi phượt lần đầu. Đã có những trường hợp nhiều người đi phượt chuyến đầu tiên về rồi bỏ cuộc luôn. Nhưng sự lo lắng cho 2 “lính mới” chỉ là hão khi kết thúc chặng 1 tại Bản Lác - Mai Châu. Cả Tuấn và Huy - 2 tay phượt mới đều xuýt xoa: “Ôi! đổ đèo sướng quá, biết thế bọn em đi phượt từ sớm hơn”.
Bản Lác từ lâu đã là điểm dừng chân nổi tiếng trong giới phượt với dịch vụ nghỉ homestay. Khách đến thường nghỉ trong những nhà sàn dát bằng tre rộng, cao ráo và sạch sẽ, với kiến trúc cổ của người Thái. Người dân nơi đây trước kia sống bằng nghề trồng lúa và dệt thổ cẩm, nhưng bây giờ nguồn thu chính là dịch vụ du lịch.
Vật lộn trong bùn lầy
Sau một đêm nghỉ ngơi cho lại sức, hôm sau chúng tôi lên đường chạy vào Co Lương. Từ Mai Châu vào Mường Lát có 2 đường, một là chạy theo Tỉnh lộ 520 rộng rãi và đẹp. Còn lại từ Co Lương vào Trung Sơn, qua Mường Lý là đường tre nổi tiếng, đang được thi công mở rộng nên rất khó đi, ôtô không thể vào được.
Chúng tôi chọn cung đường này vì muốn được thấy những hàng tre xanh mướt trước khi chúng biến mất khi con đường được mở rộng.
Ngay đoạn đầu từ Co Lương rẽ vào Trung Sơn, các tay lái trong đoàn đã được thử sức với đoạn bùn lầy do xe tải chở vật liệu để lại. Càng đi sâu vào trong đường càng gập ghềnh, khúc khuỷu. Dây thần kinh của các xế căng ra như dây đàn vì chỉ sểnh một chút là “đo đường” ngay.
Chạy đoạn này tuy không có đèo cao, vực sâu nguy hiểm nhưng vùi mình trong vũng bùn thì cũng không có gì hay. Tuy đã cố hết sức giữ cho sạch nhưng lúc dừng lại nghỉ chân mới thấy ai cũng bê bết bùn.
Tiếp đó, là một con suối rộng và sâu. Hỏi người dân mới biết đây là một nhánh lớn của sông Mã, muốn qua thì chỉ có cách đi bè. Người lái bè mảng từ bên bờ sông chèo qua ra giá 50.000 đồng/xe qua suối, nhưng đoàn chúng tôi có nhiều chị em là tay mặc cả sừng sỏ nên chốt được cái giá chỉ bằng 1/3.
Thị trấn Mường Lát bình dị và tĩnh lặng, nhưng con người ở đây thì nhiệt tình đến tuyệt vời. Nghe nói có đoàn lên, anh Tuấn - Phó bí thư Huyện đoàn Mường Lát dù bị ốm vẫn ra UBND huyện để chờ. Cô chủ quán cơm thì đôn đáo dẫn chúng tôi ra chợ mua thức ăn dự trữ để đi tiếp.
Quãng đường từ Mường Lát lên Sài Khao chỉ tầm 30km trong đó, có một nửa đường đã trải nhựa, tưởng chừng chỉ loáng cái là đến nơi. Nhưng, sự thử thách khủng khiếp mới thực sự bắt đầu khi cơn mưa rào đổ ập xuống. Đường trải nhựa kết thúc, thay vào đó là con dốc đất sét trơn như mỡ.
Đoàn phân vân nên đi tiếp hay dừng lại, nhưng rồi chủ nghĩa phiêu lưu đã thắng thế. Khó thì mới hấp dẫn chứ dễ thì ở nhà đi nghỉ dưỡng cho được việc. Cả đoàn hò nhau đẩy từng xe. Dốc cao, đường trơn, đứng còn không vững chứ nói gì đến đẩy xe. Ấy thế mà cũng xong. Anh em hát vang bài ca “Hò kéo pháo”, ai cũng mệt thở phì phò.
Mặt trời đã xuống núi, giờ thì chả còn nhìn thấy dốc cao, vực sâu nữa. Cả đoàn cứ đi, không đi được thì đẩy. Lóp ngóp đến 23h, vẫn chưa thấy Sài Khao đâu. Mọi người cũng đuối sức cả rồi, cảm giác chỉ cần dựa lưng vào một cái gì đó là ngủ ngon lành được. Đã tưởng phải “màn trời chiếu đất” trong rừng, may quá có một căn nhà tranh ven đường, mọi người gõ cửa xin ngủ nhờ.
“Sài Khao sương lấp ...”
Sau hành trình băng rừng, leo núi, rốt cuộc thì Sài Khao cũng dần hiện ra với những căn nhà tranh vách gỗ. Sài Khao có khoảng 90 hộ với hơn 500 nhân khẩu người Mông gốc Sơn La.
Từng cụm người dân sống rải rác trên những đỉnh núi Pha Luông cao vời vợi. Bản được xem như là tâm điểm đói của huyện Mường Lát với “5 không”: Không điện, không nước sạch, không chợ, không đường nhựa và không thông tin liên lạc.
Điểm trường Sài Khao nằm ở trung tâm bản, chỉ là vài căn nhà xiêu vẹo ghép bằng ván gỗ, mùa đông gió lùa hun hút, còn khi trời mưa xuống thì dột lỗ chỗ. Cả trường chỉ có 3 thầy giáo phụ trách dạy 68 học sinh. Thiếu giáo viên, không có lớp học nên các em phải học ghép 2 lớp vào một phòng học, bên cạnh trường Tiểu học là trường Mầm non Sài Khao với 99 cháu và 1 giáo viên.
Dù nhà nghèo, đường đến trường đầy vất vả, gian nan thế nhưng trẻ em ở Sài Khao vẫn cố gắng đến trường mỗi buổi. Cách đây không lâu cũng có một đoàn - từ thiện lên đây tổ chức một đêm Tết Thiếu nhi đầy ý nghĩa với các cháu bé trên bản. Chúng tôi cũng theo bước họ lên đây tặng một ít quần áo, sách vở để các em có thêm niềm vui đến trường.
- Theo dấu đoàn quân Tây Tiến 1
- Theo dấu đoàn quân Tây Tiến 2
- Theo Trường Sơn (Banduong), internet
0 nhận xét: