Thần linh khiến những cây gậy biết bay?
Kỳ lạ những 'cây gậy biết bay' ở Hà Giang
Về bí ẩn của trò chơi giữ gậy, người Dao Đỏ ở Hồ Thầu (Hoàng Su Phì, Hà Giang) tin rằng đó là do thần linh tác động vào khiến cây gậy tự động nâng lên. Các thầy cúng thì úp mở rằng đó là do Sài tía (ma thầy cúng) nhập vào cây gậy.
Tôi hỏi ông Triệu Chòi Hín, hỏi Bí thư Triệu Sành Quấy, rồi Triệu Ngà Tá, cùng khá nhiều những người ở Hồ Thầu làm được trò chơi này, họ đều khẳng định: “Bí mật của trò chơi này chính là ở câu thần chú. Ai biết nó sẽ làm cây gậy bay lên được. Và phải biết cách đọc thần chú”.
Thực ra, cách “đọc thần chú” không có gì lạ. Các thầy mo, thầy tào, bà then, thầy cúng, dẫu ở các dân tộc khác nhau, nhưng đều đọc thầm trong miệng không lộ rõ tiếng, đọc liền một hơi dài, hai hàm răng và lưỡi không được chạm dính nhau.
Khi tôi hỏi về nội dung câu thần chú, ai cũng chỉ cười cười rất tươi và bảo “Quên mất rồi”. Ông Hín còn úp mở: “Anh không biết điều khiển, cứ đọc bừa, đồ đạc trong nhà bay hết đi đấy”. Mày mò tìm hỏi mãi, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được người tiết lộ về nội dung câu thần chú này, một trong những điều bí ẩn cốt lõi nhất của trò mà theo tiếng Dao là “Đam tờ chùi” này.
Nhưng một người có một thời gian dài nghiên cứu đam mê về văn hóa của cộng đồng người Dao Đỏ trên địa bàn Hà Giang, nắm bắt được khá nhiều các tư liệu thì khẳng định rằng: “Bản chất của việc khiến cây gậy tự nâng được lên mặt đất chắc chắn không phải nhờ câu thần chú”.
Đó là ông Trần Chí Nhân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao huyện Hoàng Su Phì. Ông Nhân cho biết: “Tôi và một vài thầy cúng người Dao từng vài lần đọc thần chú, thử nghiệm trò đẩy gậy mà không có kết quả.
Tôi cũng tự mình tham gia trò chơi với con mắt tỉnh táo, khoa học để khám phá các bí mật, thủ thuật, nhưng khi giữ cậy gậy, cảm giác như mình đang kéo cây tre ra giữa bụi tre, có luồng xung lực nào đó ghìm giữ lại rất mạnh.
Một lãnh đạo Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Giang cũng từng nhiều lần trực tiếp tham gia giữ gậy để nghiên cứu, tìm hiểu. Cảm giác của chúng tôi là trong không khí có cái gì âm âm, u u như cảm giác bị thôi miên, rất khó giải thích”.
Ông Trần Chí Nhân không ngần ngại đưa cho chúng tôi những câu thần chú, mà anh tìm hiểu được và chép lại khá cẩn thận. Câu thần chú đó có 5 câu gồm 40 chữ bằng tiếng Dao, nhưng ở đây chúng tôi xin chỉ chép 3 câu:
“Quan tài Stia pháo/ Quan pháo Stia phỉa/ Chấp quan, chấp cóng, chấp hó, chấp vùi…”. Nội dung toàn bộ câu thần chú tạm dịch là: “Hỡi các thần ma, hỡi tổ tiên! Nếu có linh thiêng thì khi trên ấn xuống dưới phải nâng lên. Trăm người đẩy không xuống, nghìn người nhấc không lên. Có làm được thì mới linh thiêng, ngày Tết mới vui”. Quả thực, với nội dung câu thần chú như trên, dù có đọc kiểu gì thì đọc, khó có thể nói rằng nó sẽ giúp những cây gậy bay lên với sức mạnh của “mười con trâu kéo” được.
Sau nhiều tìm tòi, mày mò với văn hóa của người Dao Đỏ, đặc biệt là trò chơi giữ gậy, ông Trần Chí Nhân cho rằng: “Giống như trò nhảy lửa, trò giữ gậy cũng cần đến sự hỗ trợ của thầy cúng.
Còn người tham gia có thể là bất cứ ai, kể cả những người thuộc dân tộc khác hoặc những người hiếu kỳ. Những kiêng kỵ như người phải sạch sẽ, không bốc trộm đồ ăn… chưa phải vấn đề bản chất. Tôi không tin rằng bí quyết của sự kỳ lạ nằm ở khả năng thôi miên của một số thầy cúng. Về mặt văn hóa, đây là một trường đoạn saman giáo của người Dao Đỏ”.
Tiến sĩ Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cũng từng tham gia vào lễ hội truyền thống của người Dao Đỏ, ghi hình, phỏng vấn, tìm hiểu khá kỹ càng về trò đẩy gậy.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Sơn cho biết: “Đành rằng trong các trường đoạn saman giáo của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là của người Dao, luôn có những bí ẩn không dễ gì giải thích bằng khoa học, nhưng những lí giải đó chưa khiến chúng tôi thỏa mãn”.
Những căn cứ khiến ông Hoàng Sơn hoài nghi là, không phải lúc nào thầy cúng cao tay và biết câu thần chú đó đều làm được. Người chủ trò vẫn phải hướng dẫn tư thế giữ gậy cho người chơi nắm giữ gậy theo đúng ý mình.
Điều quan trọng nhất là nếu không có sự chung tay của ít nhất hai người, thì cây gậy không tự nó “bay” lên được. Tại sao thần linh lại không để cây gậy tự nâng lên lơ lửng, mà cần có người vác giữ? Tôi cho rằng, nếu có sự tác động của con người, trong trạng thái tập trung cao độ, thì sự khéo léo, tiểu xảo của người chủ trò sẽ là yếu tố quyết định. Có nghĩa là có thể giải thích bằng kiến thức vật lí được.
Khi hai người cùng cúi gập người, thẳng tay và duỗi chân để giữ hai tay vào cây gậy theo sắp xếp của người dẫn trò, thì tay người này và vai người kia đã có sự kênh giữ nhau, so le với nhau.
Vai người này đang đè vào vai người kia, tay người kia đè tay người nọ, nên ai cũng có cảm giác nặng nề, bức bối. Khi chịu tác động là cái vỗ tay mạnh của thầy cúng vào đầu gậy, cây gậy sẽ bập vai, hoặc kênh tay người kia mà nâng lên mặt đất khoảng 20 cm theo cách choãi chân…
Khi cả nhóm người cùng lao vào giúp đỡ hai người chơi, thường là nhảy lên lưng, lên vai họ, mà không giải quyết được nút thắt là kết cấu tay - gậy. Khi một ai đó vỗ vào đầu trên của gậy, thì lập tức cây gậy rơi ngay”.
Tiến sĩ Hoàng Sơn kết luận: “Tôi không tin có sự thôi miên hay thần linh nào nâng cây gậy. Nhưng với một kết cấu vật lý hợp lý, cùng với sự khéo léo của người chủ trò, cây gậy sẽ có cảm giác rất nặng khi hai người đang kéo xuống, thực ra là đẩy ngang”.
Trò chơi đẩy gậy thực chất là ảo thuật hay huyền bí, vẫn chờ các nhà khoa học giải mã một cách triệt để. Nhưng trong ngày Tết rộn ràng, đẩy gậy vẫn là một trong những trò chơi được đông đảo người Dao Đỏ vùng Hoàng Su Phì ưa thích. Những tiếng cười vui vẻ giúp người dân thêm đoàn kết, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống hơn.
Kỳ lạ những 'cây gậy biết bay' ở Hà Giang
- Theo VTC News
0 nhận xét: