Nguyên sơ thác Ba Tia
Từ thị trấn Thanh Sơn đi chừng 3 km là đến hạ nguồn thác Ba Tia. Tuy nhiên, để tới thác nước đẹp nhất, chúng tôi phải gửi xe ở nhà dân rồi tiếp tục hành trình đi bộ qua những khe đá chênh vênh hơn một giờ đồng hồ. Tại đây, du khách thoả sức khám phá thiên nhiên hoang sơ và tận hưởng không khí mát lành của dòng thác nước có màu vàng đặc trưng nằm ẩn mình sau những lớp cây rừng.
< Nguồn nước của thác từ trên núi đá đổ xuống...
Cùng đó là thử cảm giác chinh phục những ghềnh đá, thác nước cao vút nối tiếp nhau như những bậc thang. Phong cảnh nguyên sơ, không khí trong lành là lý do khiến nhiều người tìm đến đây du lịch. Xung quanh thác còn nhiều loài cây gỗ quý như: lim, sến, táu, de, dẻ, cùng nhiều loài động vật như: lợn rừng, hươu nai, sóc…
Anh Phạm Văn Phương, người dân bản địa cho biết: "Hiếm năm nào vào mùa khô thác Ba Tia lại nhiều nước như năm nay, bởi tháng trước mưa mấy ngày liền nên nước các con suối trong rừng chảy rất xiết".
< Một nhánh của thác Ba Tia.
Nhiệt độ tại đây quanh năm ôn hòa và dịu mát cộng thêm tiếng thác nước reo ầm ầm trong khu rừng nguyên sinh là lý do khiến nhiều bạn trẻ thích thú.
< Bãi đá đủ hình thù dưới suối.
Đến Ba Tia vào mùa hè, du khách được giải nhiệt bằng cách ngâm mình trong dòng nước suối mát lạnh chảy từ các vách đá trên cao dội lên cơ thể thật sảng khoái. Ngoài ra có thể cắm trại giữa rừng, tự tổ chức nướng cá suối, nướng thịt và thưởng thức một số món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Bàn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu cho biết: vào những ngày lễ, nghỉ cuối tuần, nhất là mùa hè, các bạn trẻ thường đến tham quan, thưởng ngoạn tại thác Ba Tia. Tuy nhiên, đó là những đoàn khách tự phát, nhà nước và địa phương hiện chưa tổ chức và quản lý đối với những khách này.
< Thác Ba Tia vẫn còn rất hoang sơ.
Hơn nữa đường giao thông vào khu thác Ba Tia đã xuống cấp, đi lại khó khăn. Mấy năm trước, một số doanh nghiệp du lịch đã về khảo sát nhưng đến nay địa phương chưa nhận được sự đầu tư nào cho phát triển du lịch.
Do vậy, để thác Ba Tia phát huy hết tiềm năng và giữ chân du khách lâu hơn, chính quyền sở tại và ngành chức năng cần có những giải pháp đầu tư về cơ sở vật chất, các dịch vụ ăn nghỉ, đi lại…
Có như vậy, trong tương lai nơi đây sẽ là khu du lịch phát triển mạnh bên sườn Tây Yên Tử.
- Theo báo Bắc Giang, vài ảnh của Nguyễn Thị Duyên.
0 nhận xét: