Dòng sông bóng xế
Sông Hoài, đoạn cuối của dòng Thu Bồn ở Quảng Nam, ôm trong mình phố cổ Hội An, là dòng sông như vậy.
“Đi không chú, dạo quanh sông chụp ảnh đẹp lắm. 20.000 đồng thôi!” - giọng run run, bà Lái vừa mời khách, vừa lấy cái thau nhôm tát nước ra khỏi lòng thuyền. Vừa khuấy nhẹ tay chèo vừa nhai trầu bỏm bẻm, bà Lái chẳng cần nhìn dòng sông, không cần nhìn mũi thuyền mà thuyền vẫn lướt đi rất êm. Ở cái tuổi 74, hơn 40 năm chèo lái trên khúc sông này, bà Lái thuộc làu từng con nước.
“Cha mẹ sinh tôi ở cuối sông này, bãi Truồi gần biển Cửa Đại ấy! Rồi chiến tranh, loạn lạc, bệnh tật, ông bà chết sớm, anh em cũng chết, tôi chèo thuyền trên sông này từ trước giải phóng tới chừ” - bà Lái nói.
Thuyền ngược nước nhẹ nhàng chui qua cầu An Hội rồi tiến thẳng đến chùa Cầu. Ở đó, gần chục chiếc thuyền con với những người phụ nữ đội nón lá đang cắm thuyền chờ khách.
Hai du khách bước qua thuyền bà Quyền, rồi thuyền ngược nước chậm rãi về phía chùa Cầu. Bà Quyền trông già hơn bà Lái, nhưng dáng người còn nhanh nhẹn. Cười bằng hàm răng khuyết chỉ còn hai chiếc cuối cùng nơi khóe môi, bà Quyền nói tiếng Anh bằng giọng Quảng, vừa đưa hai ngón tay: “Hế lô! Cho hai đô!”. Bà Lái kể rằng cuộc đời của bà Quyền cũng kém may mắn như bao phụ nữ khác trôi dạt về khúc sông này. Không chồng, không con, côi cút trên chiếc thuyền tre từ tuổi đôi mươi.
Chúng tôi theo bà Lái về đến nhà, những người hàng xóm cũng kéo đến thăm. Chị Đặng Thị Hương kể rằng căn nhà nhỏ của bà Lái là nơi tá túc của nhiều người phụ nữ chèo thuyền nơi bến sông. “Mùa đông, mấy bà cắm thuyền rồi ghé vào đây chơi. Mùa hè căn nhà thấp lè tè này nóng quá, ba bốn bà rủ nhau ra thuyền cắm sào ở bến sông mà ngủ” - chị Hương kể. Có hôm nửa đêm gặp mưa, ba bốn bà ôm nhau bì bõm lội từ bến sông về nhà.
Vào mùa đông, khi con nước từ đầu nguồn Thu Bồn đổ về ngập các đường phố Hội An cũng là lúc mùa chèo thuyền của các bà đắt khách. “Tây nó thích dầm nước lắm.
Nước ngập đường Trần Phú, Bạch Đằng là hắn leo lên thuyền bảo mình chống chèo quanh quanh để chụp ảnh” - bà Lái nói. Cùng một phường, nhưng cuộc sống của các cư dân trên bờ và dưới nước cách biệt nhau. Nếu như những cư dân trên bờ của Hội An sở hữu những căn nhà cổ vô giá, có thu nhập bình quân mấy ngàn đôla Mỹ mỗi năm thì những người chèo thuyền có thân phận bèo bọt ngược lại... Tuy nhiên họ lại là một trong những “điểm nhấn” của phố Hội. Không có họ dòng sông trở nên hoang vắng. Rõ ràng mấy bà lão này đã là một phần linh hồn của dòng sông.
Không có những người lái đò tuổi bóng xế này, cũng như không có dòng sông, con đò, góc phố và những đôi quang gánh hàng rong trong các con phố đầy rêu thì Hội An không còn là Hội An nữa, và khi ấy du khách hẳn có lý do để từ bỏ lòng yêu thích đối với thành phố di sản này.
Hoa đăng trên sông Hoài
Vào những đêm rằm, những gì gọi là tinh túy nhất của Hội An được “khoe” với du khách. Lễ hội đêm rằm là sự sáng tạo của người dân phố cổ về phục hồi không gian xưa và tái hiện hoạt động của cư dân nơi này trong những năm đầu thế kỷ 20, khi nơi đây là một cảng thị sầm uất.
Nếu đèn lồng là ánh mắt dịu dàng, đằm thắm của đêm phố cổ thì hoa đăng sông Hoài thật sự là một lễ hội của ánh sáng. Với người Hội An, thả hoa đăng đã thật sự là một thú chơi nghệ thuật, là món quà tặng du khách khi đến tham quan phố cổ vào những ngày lễ hội.
Ngày bình thường, những người thợ thủ công cắt, gấp, dán giấy thành nhiều đóa hoa đa sắc để sẽ thắp sáng chúng trong lễ hội. Hoa đăng được chuyển lên thuyền, đợi lúc nước ròng thả xuống dòng sông. Chỉ cần thả ở đầu dòng nước, chúng sẽ tự khắc trôi đều trên khắp mặt sông.
Theo dòng nước, hoa đăng lúc kết thành từng chùm, từng vạt, lúc nối thành bè, khi tách rời, xé lẻ từng chiếc tạo thành dòng sông rực sáng dọc theo dãy phố. Vài thảm hoa đăng sau khi diễu hành trên sông thì dìu nhau vào gần bờ, hắt lên thứ ánh sáng dìu dịu đủ thấy rõ những gương mặt thích thú, hân hoan của du khách đang say sưa ngắm nhìn.
Dù ngồi trên những bậc thềm của phố cổ hay trong những quán xá bên kia sông Hoài, du khách đều hướng về dòng sông lung linh hoa đăng, thưởng thức những làn điệu dân ca xứ Quảng trên sân khấu nổi hay trên chiếc thuyền văn hóa.
Hoa đăng đêm lễ hội không chỉ mang đến một nét đẹp của Hội An cho du khách muôn phương mà còn là cách cư dân nơi đây gửi gắm những ước nguyện đến thế giới linh thiêng, cầu mong một cuộc sống luôn no ấm, bình yên và hạnh phúc.
- Theo Tấn Vũ (báo Tuổi Trẻ) và nhiều nguồn thông tin + ảnh khác trên internet
0 nhận xét: