Phượt Mù Căng Chải

Từ TP.HCM, cả ba chúng tôi khoác ba lô Bắc tiến. Hành trang chỉ vài bộ quần áo gọn nhẹ, nhưng lại đầy đủ đồ nghề chụp ảnh với sự hào hứng chuẩn bị được khám phá Mù Căng Chải - một bức tranh đẹp của vùng Tây Bắc.

< Quang cảnh ghi được trên đường từ Hà Nội đi Nghĩa Lộ.

Tới Hà Nội, anh tài xế trẻ trung, phong trần đón chúng tôi với chiếc SUV bụi bặm, có khả năng vượt địa hình tuyệt vời. Bạn đồng hành với chúng tôi là chiếc điện thoại có cài VietMap, bản đồ chỉ đường.

Mù Cang Chải, đôi khi viết là Mù Căng Chải là một huyện của tỉnh Yên Bái. Phía bắc Mù Cang Chải giáp huyện Văn Bàn của tỉnh Lào Cai, phía nam giáp huyện Mường La của tỉnh Sơn La, phía tây giáp huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu, phía đông giáp huyện Văn Chấn cùng tỉnh. Huyện nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000 m so với mặt biển.

Huyện có 1 thị trấn là thị trấn Mù Cang Chải (huyện lị), và 13 xã: Kim Nọi, Hồ Bốn, Chế Tạo, Khao Mang, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Cao Phạ, Púng Luông, Nậm Khắt, Mồ Dề, Nậm Có, La Pán Tẩn và Lao Chải.

Châu Mụ Cang Chải (theo cách viết ngày xưa) được thành lập ngày 18/10/1955, thuộc Khu tự trị Thái Mèo, gồm 13 xã: Hô Bơn, Khau Mang, Lao Chai, Pu Mun, Mô Đê, Kim Noi, Chè Cu Nha, La Pan Tay, Gieo Su Phinh, Pung Luông (từ châu Than Uyên), Cao Pha (từ châu Văn Chấn), Nậm Khát, Hiêu Trai (từ châu Mường La).

< Thung lũng Tú Lệ, quê hương của đặc sản nếp Tú Lệ.

Các thửa ruộng bậc thang ở ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng là danh thắng quốc gia.

Trở về chuyến đi: Xuất phát từ Hà Nội, qua một loạt địa danh như Sơn Tây, Việt Trì, Phú Thọ rồi đến Nghĩa Lộ (điểm dừng chân đầu tiên của nhóm) với những rừng cam trĩu quả hai bên đường.

< Ruộng bậc thang Tú Lệ.

Trước khi chinh phục đèo Khau Phạ, câu ca “Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò” đã níu chân chúng tôi dừng lại lang thang ở thung lũng Tú Lệ (thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) - nằm giữa ba ngọn núi Khau Phạ, Khau Thán, Khau Song, nơi người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái hiền hoà.

Do đặc thù của khí hậu, nên một năm, người dân vùng cao chỉ trồng duy nhất một vụ lúa. Vào tháng 5-6, khi trời mưa xuống, họ dẫn nước cho ruộng, khi tất cả các thửa ruộng đã đầy nước cũng là thời gian bắt đầu cày ải, gieo mạ, cấy lúa. Tháng 9 -10 là thu hoạch.

< Đèo Khau Phạ, một trong những cung đường đèo quanh co trên đường đến Mù Căng Chải.

Những thửa ruộng  loang loáng nước, kết hợp với mây núi xanh cao vời vợi tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp không kém phần hấp dẫn so với những thửa ruộng bậc thang nổi tiếng khác. Đây cũng chính là thời điểm nhiều du khách háo hức khám phá ruộng bậc thang Tú Lệ.


< Đường lên cổng trời Khau Phạ.

Đèo Khau Phạ là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất nước ta. Trong tiếng dân tộc Thái, Khau Phạ có nghĩa là Sừng Trời (chiếc sừng núi nhô lên tận trời), có người còn gọi đây là Cổng Trời.

Khau Phạ là thử thách lớn đầu tiên mà anh em chúng tôi phải chinh phục. Núi tiếp núi, đèo tiếp đèo, nhiều phen tim chúng tôi như ngưng đập khi xe qua những khúc cua khuỷu tay nguy hiểm.

< Ruộng bậc thang Mù Căng Chải.

Có khi lặng người trước vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, rồi lại reo lên sung sướng như con trẻ khi cảm nhận được rõ nét sự thay đổi của độ cao.

Mù Căng Chải đón chúng tôi bằng những thửa ruộng bậc thang huyền ảo trong sương sớm, xanh thắm khi nắng lên và vàng rực dưới bóng chiều tà. Những thửa ruộng như tầng tầng nếp gấp của đất, đầy cảm xúc, sâu thẳm và suy tư...

6 giờ tối, chúng tôi đã đến điểm cuối của hành trình.
Mù Căng Chải một huyện nằm ở phía tây của tỉnh Yên Bái, cách thành phố Yên Bái 180 km theo quốc lộ 32. Đây là khu vực núi cao bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn, bao gồm nhiều dãy núi liên tiếp nhau chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.

Trong bữa cơm bụi buổi tối, trò chuyện với chị chủ quán niềm nở mời khách phương xa, biết anh em chúng tôi có ý định chụp những bức hình về ruộng bậc thang, chị khuyên mọi người hãy ghé thăm bản Nậm Khắt.

< Đường vào bản Nậm Khắt.

Và dù  lịch trình ban đầu không định đến địa điểm này, nhưng do lời giới thiệu quá nhiệt tình và đầy hấp dẫn của chị chủ quán, chúng tôi cùng quyết định 4 giờ sáng tìm đường ngược vào thung lũng Nậm Khắt.

Bình minh vùng cao thật đặc biệt. Bên này núi mặt trời đã mọc, rải xuống sườn núi những tia nắng chói chang; nhưng khi xe đi vòng qua núi để vào Nậm Khắt thì mặt trời mới bắt đầu ló dạng trên thung lũng này. Nậm Khắt trong sương sớm lung linh, huyền ảo, đẹp đến nao lòng.

< Trên thửa ruộng bậc thang, vẫn còn hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau.

Mù Căng Chải cuốn hút bởi những thửa ruộng bậc thang. Mù Căng Chải có 700 ha ruộng bậc thang, trong đó hơn 47% tập trung ở 3 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình. Năm 2007, ruộng bậc thang ở ba xã này đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia.

< Khi người lớn ra đồng thì lũ trẻ chơi tha thẩn trong bản, đứa lớn trông đứa nhỏ, chúng tụ tập thành nhóm chơi đùa.

Tháng Năm là thời điểm bắt đầu đổ nước vào ruộng để chuẩn bị cho một mùa lúa mới. Chúng liên tục được thay áo mới: màu xanh của mạ non, của lúa đến thì con gái.

Và khoảng cuối tháng Chín đến đầu tháng Mười, Mù Căng Chải khoác lên mình bộ áo rực rỡ nhất, vàng rực màu lúa chín. Đây chính là thời điểm đẹp nhất.

Nhóm chúng tôi đến vào đúng thời điểm bà con đang bắt đầu một vụ mùa mới. Tuy không được thấy những thửa ruộng bậc thang với màu xanh tươi mát của mạ non, lúa trổ đòng, hay màu lúa chín vàng rực rỡ; nhưng chính vì vậy mà chúng tôi lại có dịp chiêm ngưỡng một vẻ đẹp khác của ruộng bậc thang. Hoành tráng và kỳ bí như một công trình kiến trúc.

< Ruộng bậc thang như những tác phẩm điêu khắc trên đất.

Cởi bỏ lớp áo màu, chúng khoe vẻ tự nhiên, hoang sơ, mộc mạc vốn có của đất mẹ, càng nhìn ta lại càng cảm được nghệ thuật "điêu khắc trên đất" của người nông dân như ai đó đã từng ví von.

- Theo Chí Mỹ (iHay.Thanhnien), Wikipedia