Ký sự đường 10 - Kỳ 1: Con đường thủy chung

Hoàng Kim, Chủ tịch xã Lâm Thủy biết tôi đang làm ký sự theo dọc tuyến đường 10, bèn góp chuyện: "Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những câu chuyện hào hùng trên đường 10 vẫn được người Vân Kiều phía tây huyện Lệ Thủy ghi lòng tạc dạ và truyền lại cho con cháu. Đến hôm nay, đường 10 vẫn son sắt, thủy chung... giúp đồng bào gần lại hơn với miền xuôi trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo".

Trước khi đặt chân lên đường 10, con đường "sinh sau, đẻ muộn" thuộc hệ thống đường Trường Sơn trên đất Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ thì tôi cũng đã có một ít tư liệu lịch sử kể về nó. "Sinh sau, đẻ muộn", nhưng đường 10 lại trở thành con đường ác liệt, gian khổ... trước khi vượt tuyến vào Quảng Trị và trực chỉ vô chiến trường miền Nam.

Từ Km số 0 thuộc địa phận thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, đường 10 tách đường Hồ Chí Minh đâm lên phía tây hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, vượt muôn trùng núi non hiểm trở, suối sâu, đèo cao, dốc đứng để tới đường 9, phía tây Quảng Trị. Đường 10 có chiều dài 72 km, khởi công tháng 4- 1967, hoàn thành vào năm 1968. Để có được đường 10, Bộ Giao thông Vận tải và Trung ương Đoàn đã huy động hơn 6.000 thanh niên xung phong (TNXP) của các tỉnh phía bắc tham gia làm đường. Đã có 200 người hy sinh, 700 người khác mang thương tật vĩnh viễn cho đường 10 được thông suốt.

< Người Vân Kiều thủy chung trên đường 10.

Lịch sử đường 10 ghi lại rằng: Tốc độ thi công cứ một ngày là một cây số, một cây số lại có 4 người hy sinh. Đường xuyên dưới tán rừng Trường Sơn, làm đến đâu, ngụy trang đến đó, yếu tố bí mật bảo đảm tuyệt đối. Tuy được giấu kín nhưng kẻ địch vẫn nghi ngờ, những phương tiện do thám của chúng ghi nhận dường như hai bờ bắc- nam vĩ tuyến 17 đang có điều gì đó chuyển động lấn sâu vào Quảng Trị. Cho đến giữa tháng 4- 1968, Mỹ và chế độ VNCH phát hiện ra đường 10. Từ đây, tất cả các phương tiện chiến tranh hiện đại như: bom phá, bom bi, rốc két, pháo hạm, bom nổ chậm, thám báo, biệt kích... đều tập trung phong tỏa đường 10.

Lúc này, đường 10 không còn là con đường kín, càng tiến sâu vào Nam cường độ bắn phá càng ác liệt. Lực lượng TNXP bám đường phần lớn là phụ nữ, tuổi đời mười tám đôi mươi. Rừng thiêng nước độc, tiến thêm một ki- lô- mét, dốc thêm cao, nước thêm độc. Có trung đội chị em bị đau bụng hàng loạt không rõ lý do. Trong những ngày mưa Trường Sơn kéo dài, các chị chỉ duy nhất một bộ áo quần dầm mưa bám đường, lâu ngày cơ thể sinh ra lở loét, thuốc đỏ là thứ thuốc duy nhất các chị có để chữa bệnh cho mình và đồng đội.

Ông Nguyễn Văn Đệ, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn khóa III, nguyên Trưởng ban TNXP thời kỳ chống Mỹ, nhân dịp cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn (19- 5- 1959- 19- 5- 2009) nhớ lại: "Cuộc chiến tại đường 10 vô cùng ác liệt, ngoài mưa bom, bão đạn thì khẩu phần ăn mỗi người giảm dần, từ 24kg gạo/tháng xuống còn 10kg, 5kg và cuối cùng thì hết gạo, phải dùng rau rừng cầm hơi. Lãnh đạo Cục công trình I- Bộ Giao thông- Vận tải huy động tất cả xăng dầu sót lại đổ đầy 5 chiếc xe tải mở đường máu về hậu cứ xin gạo, lương thực tiếp tế. Xe chất đầy gạo trở lại đường 10, mọi người nín thở chờ đợi. Khi đoàn xe tới ngầm Âm Phủ, máy bay địch phát hiện cắt bom, chiến sỹ lái xe hy sinh, lương thực bị cháy hoàn toàn".


< Di tích lịch sử cấp quốc gia Tăng Ký.

Tôi còn nhớ, những năm học đại học tại Hà Nội, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đến Trường chúng tôi đọc thơ và nói chuyện về những tác phẩm thơ của chị, trong đó có bài thơ "Khoảng trời và hố bom". Nay đi trên đường 10, hồi ức xưa của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ lại trở về, rưng rức: "Vào thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ đang khốc liệt, mình có chuyến thực tế trên đường 10, mình được sống hai ngày với một tiểu đội TNXP gồm 7 cô gái trong đó chị tiểu đội trưởng tuổi đời già hơn, gương mặt khắc khổ.

Mình bắt chuyện: "Sao chị chưa giải ngũ?". Chị kể: "Chị vào TNXP khi mới mười tám, cách đây ba năm lúc 24 tuổi, đơn vị cho ra quân về quê. Khoác ba lô lên vai chị vui sướng lắm, cắt rừng, lội suối ra bắc. Quê chị ở Thanh Hóa, cách cầu Hàm Rồng chẳng bao xa. Sau 20 ngày thì về đến nhà. Nhưng trời ơi! Làng chị, hố bom chồng lên hố bom. Mảnh đất có căn nhà nhỏ thân yêu của chị nay còn lại là một hố bom sâu hoắm. Người làng ôm lấy chị khóc thương: ông bà, cha mẹ, các anh chị em của con, chừ nằm dưới đó, chết hết rồi. Gia đình, người thân không còn, nén đau thương, chị trở lại đơn vị".

"Năm 1972, Mỹ hạn chế ném bom miền Bắc, mình có dịp vào với đường 10, tiểu đội TNXP xưa, bây giờ họ đã tiến sâu vào phía trong. Những tháng ngày ác liệt vừa qua, tiểu đội ai còn, ai mất? Có bao nhiêu chiến sĩ hy sinh trên những tuyến đường ra trận. Chuyện kể về họ thật mà như huyền thoại. Đêm đêm, khi máy bay Mỹ quần đảo, ném bom hòng triệt phá con đường vào Nam, những người lính cảm tử, tự mình thắp lên từng ngọn đuốc đánh lạc hướng máy bay địch, kéo luồng bom đạn về phía mình, cho con đường an toàn. Thân xác họ hòa vào đất mẹ Trường Sơn dưới đáy hố bom. Bài thơ "Khoảng trời và hố bom" viết ra từ sự thật bi tráng này":

"Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp
lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng quân thù. Hứng lấy
luồng bom...


< Chị La Thị Tám, tiểu đội trưởng TNXP làm nhiệm vụ tại Ngã ba Đồng Lộc. Trong 7 tháng chị đánh dấu được 1.039 quả bom chưa nổ, chỉ dẫn cho người và xe qua tọa độ lửa này an toàn.

Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một  nấm mộ nắng ngời bao sắc đá
Tình yêu thương bồi đắp cao lên...

Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Đất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau.

Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời nằm yên trong đất
Đêm đêm, tâm hồn em toả sáng
Những vì sao ngời chói lung linh
Có phải thịt da em mềm mại trắng trong
Đã hoá thành những làn mây trắng ?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Đi qua khoảng trời em - Vầng dương
thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em
trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường  dài .
Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em

Gương mặt em bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương  mặt em riêng..."


< Nơi giao nhau giữa đường 10 và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.

Đất nước thống nhất, đường 10 cũng như đường 16 phía tây hai huyện  Lệ Thủy và Quảng Ninh chìm vào sự lãng quên, nhiều đoạn tuyến cây cối phủ tràn lối, chỉ có bước chân trung trinh, chung thủy ngày ngày đồng bào Vân Kiều lên nương, lên rẫy. Năm 2007, đường 10 khởi công, cái bụng người Vân Kiều vui, hạnh phúc lắm khi Nhà nước không quên đồng bào, không quên tấm lòng thủy chung, sắt son của người Vân Kiều dọc đường 10 trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ.

Bây giờ đường 10 được cán nhựa rộng thoáng, không như ngày xưa đứt gãy, sụt lún, hoang sơ, đá sỏi, heo hút, chênh vênh bên vực thẳm, bên núi cao. Già Hồ Thông, 72 tuổi, nguyên Bí thư chi bộ bản Km25, xã Ngân Thủy tâm sự thiệt bụng: "Già sống trọn gần cuộc đời, vẫn thủy chung với đường 10. Người Vân Kiều còn nghèo, nhưng có con đường thông suốt về xuôi, già tin mai này đồng bào chắc chắn sẽ thoát nghèo".

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ cuối

- Theo Ngô Thanh Long (web Quảng Bình), internet