Ký sự đường 10 - Kỳ 2: Hang Đại tướng
Ông Nguyễn Thoan, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy cung cấp cho tôi một thông tin quý giá: "Ở bản Cây Sung có một hang động được cho là nơi trú ẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày Đại tướng đi khảo sát trên đường 10. Bây giờ một đôi vợ chồng trẻ Vân Kiều tự nguyện hàng ngày bảo vệ, chăm sóc di tích này". Hỏi Nguyễn Thoan đường đi, nước bước, tôi quyết định vào bản Cây Sung.
Trên hành trình hướng vô Nam trong những ngày khói lửa ngút trời, vị tướng tài ba- Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam có đặt chân đến đường 10 và lưu trú lại ở một hang núi hay không? Lần tìm trong lịch sử, tôi biết Đại tướng vào Quảng Bình trong khoảng thời gian 1971- 1972 để chuẩn bị cho chiến dịch Đường 9- Nam Lào. Và nếu đúng như vậy, Hang Đại tướng giữa lưng chừng núi đá vôi ở bản Cây Sung, xã Ngân Thủy đã vinh dự đón ông trong những ngày tháng đó.
Từ UBND xã Ngân Thủy, theo hướng dẫn của Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thoan, tôi cắt rừng theo một lối đi hẹp ngược lên phía tây chừng 5 km thì đến bản Cây Sung nằm giữa một thung lũng nhỏ trù phú. Trời đang nắng rát thế nhưng chạm thung lũng Cây Sung, không khí chợt nhiên dịu lại. Con đường nhỏ nối trung tâm xã đến bản Cây Sung sau đó xuyên tới bản Đá Còi, một bản xa xôi của xã Ngân Thủy, căn cứ theo dấu tích cũ là một nhánh xương cá trong hệ thống đường 10.
Hôm tôi lên Ngân Thủy, bắt gặp "cố nhân" từ bản Hang Còi ra, anh là Hồ Văn Sửu, đảng viên, cán bộ y tế thôn bản. Sửu tay bắt mặt mừng kể rằng: "Dân trong Đá Còi bây giờ cái bụng không đói dài ngày nữa rồi, nhưng 24 hộ dân lại thiếu đất sản xuất, thiếu điện, đường, trường, trạm. Do bản nằm xa xôi, biệt lập quá, biết Nhà nước quan tâm mà thiếu cái vốn đầu tư". Hỏi anh về hang Đại tướng, Hồ Văn Sửu cười rổn rảng: "Tìm đúng người rồi đó. Tao mỗi lần có việc ra xã, lúc nào cũng ghé vô nơi đó uống ngụm nước mát, ngọt lành từ trong hang chảy ra. Còn vợ chồng người giữ hang thân thiết với tao, bà con mà!".
Người Vân Kiều sinh sống dọc đường 10, giữa núi rừng Trường Sơn đều bà con của nhau cả. Sợi chỉ đỏ này xuyên suốt qua bao thế hệ để họ xích lại gần nhau hơn, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ. Hồ Văn Sửu tâm sự với tôi như vậy trên quảng đường đưa tôi đến nhà vợ chồng Hồ Ngọc Thìn, Hồ Thị Hương. Căn nhà ngói nhỏ mới xây xong nằm dựa lưng vào vách núi. Đứng trước khoảng sân nhỏ, Thìn chỉ tay vào đại ngàn ngát xanh bảo: "Trên đó... Hang Đại tướng nằm lưng chừng, đi tầm nửa quăng rạ là đến thôi!". Miệng nói, đôi chân thoăn thoắt bước, tôi và Sửu bám theo sau. Đi chừng gần 10 phút, băng qua một con suối nhỏ nước trong vắt, cửa hang rộng mở ra trước mặt chúng tôi.
< Trên bức tường đá phía đông của hang vẫn còn rõ dòng chữ: "1- 1972- đoi co".
Cửa hang rộng hình chữ V úp ngược, phía trên một mái đá nhô ra tựa mái che nắng che mưa. Nền hang rộng thoáng, bằng phẳng, diện tích chừng 10 mét vuông. Ba phía theo quan sát của chúng tôi đã có sự tác động của con người khi xuất hiện những dãy tường xây bằng đá tảng kiên cố cao hơn một mét. Mặt phía vách núi khoét sâu thành hang nhỏ, từ trong đó một dòng nước trong vắt chảy ra. Nước trong đến mức, mặt nước và lòng suối như thành một khối không tách rời. Trên mặt bức tường đá phía đông hang có một hàng chữ đắp nổi với nội dung: "1- 1972- đoi co". Hồ Văn Sửu nói rằng: "Nhiều lần đọc dòng chữ này rồi phân vân. Hang được đưa vào sử dụng tháng 1- 1972 là rõ rồi, nhưng hai chữ "đoi co" có nghĩa chi đây? Hỏi các cán bộ xã, ai cũng lắc đầu".
Tôi hỏi Hồ Ngọc Thìn: "Vì sao Thìn đinh ninh đây là hang Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ở?". Thìn lắc đầu: "Ơ, không biết mô, người già trong bản truyền miệng cho con cháu như thế, chứ lớp trẻ như mình sinh ra sau chiến tranh, làm răng hiểu được. Đồng bào Vân Kiều hai xã Ngân Thủy, Lâm Thủy, ai cũng tin như vậy, mình cũng tin như vậy".
< Những người phụ nữ Vân Kiều ở bản Cây Sung.
Kể từ ngày có gia đình, ra riêng về lập nghiệp tại vuông đất trước hang Đại tướng, vợ chồng Thìn chỉ một tâm niệm gìn giữ- để hang Đại tướng luôn sạch, đẹp... như tấm lòng người Vân Kiều trung trinh hằng mong. Rời Hang Đại tướng, Thìn ghé tai tôi: " Vợ mình là cháu Hồ Hiền đó nghe!". Ừ! biết... câu chuyện về ông cựu chủ tịch xã Ngân Thủy, người cất ảnh Bác Hồ trong ống nứa của một thời chiến tranh. Hồ Hiền chọn một ống nứa thật đẹp, giấu ảnh Bác vào đó, những lúc lễ trọng mới đem ra, để đồng bào đón Bác.
Buổi chiều, tại bản Cây Sung, tiễn tôi ngoài Hồ Văn Sửu, Hồ Ngọc Thìn, Hồ Thị Hương còn có thêm Hồ Ninh, Hồ Thị Kết mới lên rẫy về với từng bó củi tươm tất, cho những đứa trẻ an lành đến trường học chữ. Thìn trao cho tôi chai nước lấy từ hang Đại tướng với lời thủ thỉ: "Anh theo đường 10, nhớ dân bản Cây Sung".
Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ cuối
- Theo Ngô Thanh Long (web Quảng Bình), internet
0 nhận xét: