Nét riêng ở vùng biển Cù lao

Đi bằng xuồng cao tốc từ bãi biển Cửa Đại, Hội An chỉ khoảng 25 phút là tới Cù lao Chàm - một chuỗi đảo nhấp nhô bốn bề sóng vỗ cùng màu xanh che phủ bởi núi rừng là nơi sinh sống làm ăn của trên 3 ngàn cư dân đảo. Với cái nắng, cái gió, màu xanh ngút ngàn của núi rừng hòa cùng màu xanh biển cả, vẻ hoang sơ, huyền bí và sự thân thiện của quân và dân trên đảo đã khiến nơi đây trở thành một địa danh hút hồn bao du khách.

Đặt chân lên Cù lao Chàm, điều mà du khách được nghe, được thấy và tiếp xúc đầu tiên lại chưa phải là việc đi thăm cảnh quan đảo, thưởng ngoạn vẻ đẹp của rừng, của biển, mà là... thuộc nằm lòng việc “nói không với túi nilong”...

Với cư dân đảo, đó không chỉ là câu cửa miệng, mà trở thành phong cách sống, nét văn hóa sống, gần gũi với thiên nhiên, với khí rừng, khí biển và... xanh, sạch.

Thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Cù lao Chàm gồm một chuỗi 8 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Hòn Lao là nơi có nhiều dịch vụ và mật độ cư dân đông nhất.
Ở Cù lao Chàm, có lẽ vấn đề dịch vụ chỉ đến với cư dân kể từ khi nơi đây chính thức được công nhận là địa danh văn hóa lịch sử, khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia và là điểm tham quan hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Cuộc sống của cư dân đảo tuy vẫn còn dáng dấp của nét tự cung, tự cấp, trừ một số thực phẩm gọi là hiếm của đảo như rau sạch... và hàng hóa còn cần sự chuyển tới từ đất liền. Nhưng đi liền với phát triển dịch vụ, sinh sống làm ăn là vấn đề gìn giữ môi trường trong sạch mà mọi cư dân đảo đều rất tự giác tuân thủ, coi đó là sự bảo vệ cho chính cuộc sống ở ngay trên những hòn đảo này.

Hòn Lao có Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Hương. Bãi Làng là bãi chính chiếm phần lớn diện tích rừng nguyên sinh ở Cù lao Chàm với vịnh biển đẹp, những hang đá kề sát bờ cát trắng trải dài nhấp nhô như sóng lượn và là bến đỗ của phần lớn các tàu thuyền đón đưa du khách.

Tại đây hiện vẫn lưu giữ được nhiều di tích, đặc biệt có 3 giếng cổ là nguồn cung cấp nước cho ngư dân với niên đại khoảng trên 400 năm. Có lẽ bởi Cù lao Chàm với môi trường luôn xanh, sạch nên những giếng cổ này cho đến nay nguồn nước vẫn đủ cả 4 mùa luôn ngọt, trong và mát lạnh.

Tại những vách đá thẳng đứng ở Hòn Lao còn là nơi tập trung nhiều nhất các loài chim, đặc biệt là yến bay vào làm tổ. Bởi thế Cù lao Chàm xưa đã nổi tiếng với loài chim Yến, các “sản vật” thu được từ Yến.
Cù lao Chàm còn nổi tiếng với 135 loài san hô và các loại hải sản quý như tôm hùm, ốc hương, ngọc trai, đồi mồi, cua đá, ốc nón và ốc vú nàng…

Theo các nhà khoa học, sở dĩ Cù lao Chàm cho đến giờ vẫn là một trong những địa danh còn tập trung được nhiều chim Yến đến làm tổ, sinh trưởng tự nhiên bởi nét hoang sơ và khí hậu quanh năm mát mẻ của khí núi, khí biển và hệ động thực vật phong phú.

Cù lao Chàm có 1.549 ha rừng tự nhiên và 6.716 ha mặt nước, với hơn 500 loài thực vật, trong đó nhiều loại lâm sản quý như gõ, kiền kiền, dẻ, chua, mây; 228 loài cây làm thuốc, đặc biệt là 2 loài cây thuốc Nam quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam là cây Cỏ nhung và Trầm hương. Hệ động vật có 12 loài thú, 130 loài bò sát, 13 loài chim, trong đó có Khỉ đuôi dài và Chim yến.

Từ tháng 5.2009, trước vẻ đẹp hoang sơ và môi trường thân thiện, trong sạch, Cù Lao Chàm đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

- Theo Xuân Thắng (báo Dân Việt)