Kẻ trốn chạy sự ồn ào thành thị

(Autocarvietnam) - NTV77 năm nào cũng đi ít nhất một lần tour bụi, đi cho thỏa cơn đam mê rong ruổi bụi đường. Đôi khi mơ ước của tôi chỉ là vậy, đơn giản, nhẹ nhàng... 

< Lũng Cú.

Ngồi trên thảo nguyên bát ngát, dưới ánh nắng cháy rực, nhìn ngắm đàn bò đang gặm cỏ. Chỉ có Mộc Châu mới có những hình ảnh đấy, cũng có thể là Ninh Thuận hay Bình Thuận. Cái mơ ước nhỏ nhoi nhưng xa vời! Đã 5 năm trôi qua từ cái thời lang thang 28 ngày cùng trời cuối đất, vạ vật ngủ gật trên đường về Mộc Châu sau một đêm hàn huyên chút men với một anh chàng người Thái mới quen biết từ chiều hôm trước đó.


< Chợ phiên Bắc Hà.

Lan man về những ký ức, chỉ mới tuần rồi thôi, tôi lại thấy cảnh ráng chiều trên đồng cỏ cùng với đàn trâu nhẩn nha, với những người Tày, Nùng đang nghỉ ngơi sau buổi đồng áng, một vài cậu bé lưng trần tắm cho chú trâu ngâm mình dưới dòng suối cạn. Tất cả cảnh sắc thật yên bình và tuyệt đẹp.

Cái lộ trình lang thang Lào Cai - Hoàng Su Phì - Phó Bảng không làm cho tôi nao núng, mà chỉ muốn nhanh chóng thu xếp công việc hiện tại cho sớm để mà thực hiện chuyến đi vắt vẻo qua các cửa khẩu phía bắc.

Cứ mỗi 6 tháng là tôi lại nghĩ mình phải đi, phải thoát ra khỏi cái thành phố đầy ắp bụi và tiếng ồn này. Đi đâu và đi bằng gì đối với tôi không là vấn đề, vì những dự định đã được lên kế hoạch trước vài năm, cứ thế là đi thôi. Tuy nhiên, chiếc xe Honda CD125 già cỗi của tôi đã lê lết quá nhiều trong năm qua, nó sứt mẻ và rệu rã, mà với những chuyến đi thế này, xe phải được chuẩn bị khá kỹ, mọi hỏng hóc trên đường cần được loại bỏ. Trong lúc này, tôi hầu như không có thời gian chăm nó và có lẽ phải để nó lại Sài Gòn.

< Chợ trâu Bắc Hà.

Nhưng rồi câu chuyện về một người bạn già bị tai nạn trên đường lang thang tour khiến tôi phải suy nghĩ lại. Sức lực lang thang đến cùng trời cuối đất không có là bao, sức lực đủ để lang thang cùng chiếc CD thật ra ngắn lắm. Rồi sẽ có ngày mình già đi, không còn đủ sức để điều khiển chiếc xe nữa, lúc đó có lẽ sẽ thật tiếc nuối. Quyết định xoay chuyển, xe được gửi trước lên tàu đi thẳng từ Tp. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, trung chuyển lên Lào Cai nằm đó chờ.

Lào Cai mưa dầm

Lào Cai đón tôi với cơn mưa cứ rả rích mãi, trời ẩm ướt se lạnh, bụng đói cồn cào. Dạo quanh một vòng phố, mắt láo liên y như con nghiện xem có hàng bánh cuốn nóng nào ở gần đây không? Nhớ lại năm ngoái, tôi ăn món đấy suốt cả chuyến đi cũng tại miền này, có lẽ số trời đã định, bánh cuốn Lào Cai như một cái duyên cứ thỉnh thoảng nó lại lờn vờn trong đầu thúc giục những chuyến đi trong tôi. Vừa ngồi thưởng thức, vừa quan sát cô hàng bánh mải mê múc bột đổ cho kịp lên miệng cái nồi bốc hơi nước nghi ngút.

< Dừng chân qua thị trấn Bắc Hà.

Đường lên Bắc Hà mưa rơi lạnh lẽo, lúa xanh vàng mờ khuất sau mây mù, những dốc cùng đèo quanh co uốn lượn, gió mưa táp mặt dễ chùng tay lái. Cái cảm giác ấy có khi nào quên được, vừa về lại phố, chân lại muốn đi nữa, chỉ tiếc trời cứ mưa mãi nên không chụp lại được hình nào tại đoạn đường này. Bắc Hà có chợ trâu, chuyến đi này đúng vào chủ nhật, nên tôi được chứng kiến phiên chợ họp rất đông vui.

Tính tôi rất hay kiếm đồ ăn lạ, nhưng phía Bắc, nhất là khu vực miền núi, đồ ăn vặt cực hiếm, cả chợ có mấy chục gian hàng đồ ăn nhưng chỉ bán độc một món phở heo. Thật ra nói vậy cũng quá đáng, cũng có thắng cố và một loại bánh gì đó giống bánh rán miền xuôi. Thắng cố thì chả dám thử rồi, còn cái bánh vàng rộm giống bánh rán thì lại quên khuấy đi mất. Định bụng  chụp hình chảo thắng cố, đi dạo loanh quanh chụp thêm vài tấm nữa rồi quay lại mua ăn thử, thế mà quên, tiếc!

< Chảo thắng cố.

Năm nay hàng bánh cuốn Lào Cai quen thuộc, tuy không được nên thơ như hàng bánh trong chợ Sapa, không có khói mờ cũng như những bờ tường ám khói, nhưng bánh thì vẫn mỏng nhẹ, vẫn ăn kèm với rau thơm, thịt nướng cùng bát nước chấm pha vừa miệng.

Họp chợ miền núi cứ như ta đi siêu thị chủ nhật vậy. Đi chợ, ăn uống, mua sắm. Người thì mua con trâu, con bò, kẻ mua con chó, con gà, không mua gì thì cũng phải làm ít trái cây hay cây chổi quét nhà. Đàn ông thì chỉ cần bình rượu, kẻ mua người bán tấp nập. Chợ Bắc Hà khá to, phía dưới bán đồ lặt vặt trái cây, hàng quán ăn uống, phía sau và trên cao là nơi bán trâu bò heo gà, cả chó nữa. Các cô bé dân tộc ngồi vắt vẻo ăn hàng chờ mẹ mua bán xong.


< Chổi làm từ cây dổi.

Chổi vùng Bắc Hà nhìn khá hay. Nó được bện từ cây dổi trông chắc chắn lắm, thấy ai cũng mua một cây, cầm trên tay hay cho vào gùi. Chợ phiên vùng cao thật nhộn nhịp và đầy màu sắc. Người ta đi chợ cực kỳ thoải mái, có khi cả gia đình, họ hàng cùng rủ nhau xuống chợ, cứ như đó là một cách thư giãn cuối tuần vậy.

Chuyện ăn uống tại vùng cao là cả một vấn đề, ở đâu cũng chỉ cơm phở. Ngày xưa đi Tây Bắc sao thích thế, dừng chân là có quán, vào là có cá suối ăn ngay, cái món cá suối ăn hay lắm, thơm ngon đáo để. Vậy mà đã 5 năm rồi, tôi không được ăn, lần này đi Hoàng Su Phì cũng vậy, loanh quanh chỉ có cơm với phở, nhìn biển hiệu đã phát ngán. Cả ngày phi như ngựa ngoài đường, tối về chỉ thèm được bữa cơm tươm tất làm tí rượu gạo - “thế là nhất”!


< Phó Bảng nhìn từ xa.

Mà năm nay trời đất cũng không thuận, cứ ra đường là trời mưa, trời thâm xì, đất nhão nhoẹt, hình chụp lúa cứ xin xỉn màu. Điều thích nhất khi đi từ Bắc Hà lên Hà Giang là được băng qua rất nhiều ngọn đèo quanh co lớn nhỏ khác nhau, cứ như tất cả đèo ở Việt Nam đều tập trung hết về vùng này vậy.
Năm nay mưa nhiều, đường trơn kinh khủng, đi nhanh hay chậm gì cũng té trượt, xe cứ trôi ào ào xuống. Cả chuyến đi rất cẩn thận nhưng cũng té một lần, số mình không biết sao toàn bị té những lúc đi chậm.

Có lẽ nói về chợ phiên thì góc hình nào cũng đẹp, tôi rất muốn chộp được hình ảnh một người dân tộc say mèm nằm bên đường sau khi đã uống những bát rượu thơm nồng nhưng không được, có lẽ hẳn còn sớm quá. Cái thú vui uống rượu trong các chợ phiên của người dân tộc là: “Say cho thời gian ngắn lại, cho đường về bản bớt ngoằn ngoèo, cho cái rét trốn sâu vào núi, cho môi em đậm men lúa mới”.

Thị trấn nhỏ bé

< Thị trấn Hoàng Su Phì.

Vinh Quang (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) là một thị trấn khá nhỏ, lèo tèo dăm ba khách sạn, hàng quán cũng không nhiều lắm. Đặt chân đến nơi vừa lúc nhá nhem tối, chỉ đủ thời gian kiếm khách sạn rồi đi ăn. Khách sạn tôi ở có khá nhiều đồ dùng bằng gỗ, tuy nhiên đa phần đều bị mối ăn. Nằm trong phòng mối ăn mấy cánh cửa nghe rào rào, sợ lắm! Sợ cái giường mình đang ngủ có thể sập lúc nào không biết.

Quán thịt chó ngay ngã ba gần cái cầu giữa thị trấn ăn dở quá, thịt khô khốc! Có lẽ vì thời tiết mưa lạnh. Phố xá tuy không đẹp nhưng có con suối chạy giữa phố. Buổi sáng, được ngồi nhâm nhi ly cà phê giữa khung cảnh phía trên núi có mây mù lững lờ bay, phía dưới lại có suối chảy rì rào, cộng thêm một chút se lạnh của khí trời thật không còn gì bằng. Cái thị trấn huyện lỵ Hoàng Su Phì nó thế đấy.

Buổi sáng ngủ dậy, trời mưa rả rích, lười ơi là lười, lang thang ăn tí bánh cuốn (lại bánh cuốn), chụp hình, rồi về chuẩn bị đồ. Lần nào đi cũng là sự trốn chạy cuộc sống xô bồ, trốn chạy tâm hồn. Đi lặng lẽ giữa núi rừng, để cho cơn mưa gột rửa tâm hồn.

Đứng giữa dốc Bắc Sum lên Quản Bạ, nơi mà một năm trước tôi đã từng ngất ngây trước vẻ hùng vĩ của nó, bây giờ nhìn lại thấy cũng bình thường. Có lẽ chỉ còn cách đi sâu vào núi, nơi những con người đang sống, cần cù nơi nương rẫy, ở nơi đó, núi rừng là nhà, đèo cao trở thành con dốc nhỏ.

Phó Bảng yên tĩnh

Bỏ lại sau lưng sự kỳ vĩ của Tam Sơn (Quản Bạ - Hà Giang), tôi chui vào Phó Bảng đi kiếm cái khác biệt của cuộc sống. Đây là nơi bắt đầu xuất hiện sự thiếu thốn ở vùng biên. Muốn ăn cơm phải gõ cửa, phải ngồi chờ chủ nhà đi nấu món ăn, mất thời gian nhưng cho cảm giác ấm cúng đến kỳ lạ.


< Thị trấn Phó Bảng.

Phó Bảng, thị trấn ngủ quên, thị trấn nhỏ yên tĩnh một cách lạ lùng. Buổi sáng thức giấc người nhẹ nhõm, khí hậu trong lành, tôi định ra ngoài phải thư thả đi dạo, nhưng nhìn mưa phùn đang rơi, cái lười lại trỗi dậy. Với lý do chạy loanh quanh cho dễ chịu, tôi lại lôi con CD già ra hành hạ. Cả cái thị trấn này chỉ có hai hàng ăn sáng, vẫn là cơm phở và bánh cuốn.

Buổi sáng trời mưa se se lạnh, lưng dựa ghế kêu ly cà phê, vừa uống vừa nhìn, vừa chụp ảnh, thật là sung sướng. Nhìn quanh, có rất nhiều ngôi nhà trình tường của người dân tộc Hán bằng đất được nện rất dày, giúp chống chọi với cái giá rét của phương Bắc, phía trong tường có lõi tre, trong nhà lại căng những miếng vải làm trần. Trên tường đối diện cửa ra vào có dán những câu chữ Hán, nội dung dường như nói về chủ nhà là ai đó.

< Sủng Là.

Lang thang một lúc, tôi bất ngờ khám phá ra một cái xóm người Mông nằm gần cái thị trấn nhỏ bé đầy người Hán này. Cái xóm không nhỏ cũng không lớn, nhưng nó lại có đầy đủ những gì mà trong trí tưởng tượng của tôi từng nghĩ về. Xóm có đường đất uốn lượn, có cái ao giữa xóm để mọi người có thể giặt giũ, bên hông mỗi nhà có chuồng nuôi bò, trẻ con tung tăng cười đùa, một nét đẹp bình dị.

Sủng Là, một địa danh quen thuộc trên đường đi từ Phó Bảng sang thị trấn Đồng Văn, ở đó có những cánh đồng hoa tam giác mạch, tôi đã từng đi qua nhưng không phát hiện ra điều bí ẩn đó.

Năm ngoái, tôi đã bỏ qua Lũng Cú để đi về Mèo Vạc, ngắm nhìn Mã Pí Lèng với dòng sông Nho Quế. Năm nay Lũng Cú là điểm tôi chọn để đi, thật nực cười là tôi đã không đủ sức để leo lên nó, cũng như chụp hình cột cờ Lũng Cú. Đường vào Lũng Cú lúc nào cũng đẹp, quanh co uốn lượn, núi trùng điệp. Sông Nho Quế vẫn chảy như bao năm, Mã Pí Lèng vẫn vậy. Năm ngoái tôi đứng đây, ngất ngây, cái cảm giác ấy bây giờ không có được, nhưng vẫn âm ỉ, vẫn hùng vĩ, vẫn ám ảnh tôi nhiều.

Tôi yêu đất nước, điều này nếu nói bình thường nghe có vẻ nực cười. Nhưng với tôi, cái đất nước trải qua vô vàn các cuộc chiến tranh này mang trong mình những bí ẩn lạ lùng. Ở đó có những rặng núi trùng điệp mây che phủ. Nhưng dưới những tầng mây ấy, có rất nhiều điều bất ngờ luôn chào đón.
…. và tôi sẽ lại đi nữa.
Xem thêm >

Theo Quốc Huy - Autocarvietnam.vn