Thác Đray K'nao ở Đắc Lắc
Từ giao điểm với quốc lộ 26A, rẽ trái theo con đường nhựa tương đối bằng phẳng đi thêm gần 3km nữa, thì sẽ thấy một cơ ngơi khá đẹp mắt: khu nhà tròn làm nhà hàng, chung quanh trồng hoa và cây cảnh, có nhiều loại cây rất lạ được chủ nhân mang từ dãy núi Chư Yang Sin về, soi bóng xuống bể nước nơi có đàn cá cảnh tung tăng bơi lội, đùa giỡn, làm tăng thêm vẻ trang nhã.
Sau khu nhà hàng là bãi để xe rộng, có mái che bằng tôn; chếch bên phải là một ngôi nhà sàn làm theo kiểu của người Ê Ðê dài khoảng 70 m; gần nhà sàn là khu nhà nghỉ...
Dray K’nao nằm trên dòng suối Ea Krăng, là hợp lưu của các con suối Ea Toong, Ea Tlư và Ea K’sumg. Thác đổ ra sông Krông Hding. Đầu nguồn của thác là đỉnh núi Cư Pă và dãy núi Cư Yang Sin hùng vĩ, gắn với nhiều huyền thoại.
Xuất phát từ thành phố Buôn Ma Thuột tới km 85, quốc lộ 26 sẽ có một con đường rẽ trái để đi vào thác. Ẩn mình dưới những tán cây rừng nguyên sinh, Dray K’nao trải dài gần 2km, hoang sơ, bí ẩn, thôi thúc, gọi mời.
Để xuống thưởng ngoạn được thác chúng ta phải đi xuống một hệ thống bậc tam cấp. Bậc tam cấp dốc, sâu, một bên là rừng thường xanh thăm thẳm với nhiều cây gỗ quý như: Muồng đen, Hương, Cà te…, một bên là vách đất dựng đứng rêu phong phủ kín nhiều lớp, huyền ảo, đậm chất thời gian.
Chính trong lúc đi xuống này chúng ta sẽ cảm nhận được cái hun hút, thăm thẳm của núi rừng đại ngàn, bầu không khí trong lành, mát dịu đưa chúng ta thoát khỏi những bụi bặm, ồn ao nơi phố thị, những lo toan, căng thẳng của cuộc sống hối hả cũng vì vậy dần tan đi, nhường chỗ cho sự thư thái, dễ chịu của cảm giác được hoà mình vào với thiên nhiên, đồng thời với đó là sự bí ẩn mong muốn được tìm hiểu, khám phá.
Không mạnh mẽ như Dray Sáp, Drai Kpơ, Dray K’nao mang trong mình một sắc thái riêng với dòng thác chảy dài hiền hoà, thơ mộng. Vượt qua những phiến đá to, tới vị trí trung tâm Dray K’nao bỗng dưng chia nhánh. Một nhánh là những đoạn địa hình đổ xuống thấp, nếu như theo thông lệ sẽ tạo thành những ngọn thác có nước đổ mạnh, bọt tung trắng xoá một góc trời nhưng nhờ những bãi đá ở phía trên đã góp phần phân tán dòng nước và cản bớt tốc độ dòng chảy làm dòng nước đổ xuống tuy cao nhưng không mạnh tạo thành những tấm lưới nước tuyệt đẹp.
Một nhánh là dòng nước len lỏi qua bãi đá lớn, nhấp nhô, trùng điệp nối sang bờ phía Đông thác. Tiếng nước chảy va đập vào đá tạo ra những âm thanh mạnh vang vọng trong không gian hun hút, mênh mang. Đây là đoạn rộng nhất của thác, vào mùa nước lớn, mặt nước ở đoạn này có thể rộng tới gần 200m. Điều này là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt cho Dray K’nao.
Tại Dray K’nao, đá là một yếu tố không thể thiếu. Không cứng như tính chất lý học của nó, nhiều tảng đá đã bị dòng nuớc chẻ đôi. Có những hòn đá xếp chồng lên nhau một cách ngẫu nhiên tạo thành những hình khối tinh tế, độc đáo. Lại có những tảng đá bị cây cổ thụ lâu năm với những bộ rễ chằng chịt phủ kín lên. Trải từ đời này sang đời khác, những cây cổ thụ giống như những người gác dòng ngày đêm cần mẫn, thầm lặng chứng kiến sự tồn tại của Dray K’nao qua những biến động thăng trầm của thời gian.
Dọc theo chiều dài của Thác chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều cây cổ thụ như thế. Sự tồn tại của chúng như một minh chứng hùng hồn cho sự tồn tại lâu đời, huyền thoại của Dray K’nao, tạo thành những nét chấm đậm tô thêm vẻ đẹp của Thác. Đến với Dray K’nao, ta không chỉ thưởng ngoạn sự thơ mộng của dòng nước mà còn được núp mình dưới những tán cây cổ thụ để cảm nhận thấy sự nhỏ bé của con người và tấm lòng bao dung của thiên nhiên kỳ vĩ. Tới lúc này, nước, đá, cây như hoà vào làm một trong bức tranh thuỷ mặc tuyệt tác, sinh động.
Góp phần làm phong phú cho cảnh quan và hệ sinh thái của Dray K’nao còn phải kể tới những đồi cỏ và đồi thông bên bờ phía Đông. Đồi thông ngày đêm gió thổi rì rào như để kể mãi những huyền thoại về Dray K’nao. Điều kiện tự nhiên của M'Đrăk thích hợp cho sự phát triển của đồng cỏ. Bên cạnh việc phục vụ cho chăn nuôi, cỏ còn làm dịu bớt cái nắng cao nguyên. Thả mình trên đồi cỏ, nhìn ngắm trời đất bao la sẽ là một cảm giác thú vị không dễ gặp khi chúng ta đến với Dray K’nao.
Cũng ở bờ phía Đông của Thác còn có những bức vách đá dựng đứng, cheo leo như để bảo vệ, gìn giữ lấy báu vật Dray K’nao. Ngoài ra, chúng ta sẽ thấy được hệ sinh thái rừng với nhiều cây gỗ to mọc trên vách đá như biểu hiện cho sự trường tồn, kiên cường của sức sống Tây Nguyên.
Sau những khúc gãy, về cuối thác địa hình lại trở nên bằng phẳng, hai dòng tụ lại làm một tạo nên một vùng nước khá rộng. Như đã làm xong nghĩa vụ tạo nên vẻ đẹp, sự dịu mát cho đời, Dray K’nao trở lại thâm trầm, tĩnh lặng, dòng chảy hẹp dần, trên đường xuôi ra sông lớn.
Chỉ với đoạn trung tâm của mình, Dray K’nao cũng có thể làm hài lòng những du khách khó tính nhất. Tuy nhiên với những du khách thích khám phá thì sự bí ẩn của Thác sẽ thôi thúc họ tìm kiếm nhiều hơn. Men theo dòng chảy từ sau đoạn hợp nhất du khách sẽ xuôi theo về phía cuối thác. Không có đường mòn, hay bậc tam cấp, chỉ có đá gập gềnh và gai rừng lấp lối, lúc này sự tập trung sẽ không phải là dòng chảy hay bãi đá mà là quang cảnh hoang sơ, gợi sự tò mò cho con người.
Nhưng sẽ càng thôi thúc khám phá hơn khi chúng ta đã tới được cuối thác mà chưa thấy được đoạn đầu của thác. Tạm thời ra khỏi cảm giác khám phá, du khách sẽ có thời gian để tham quan thác Dray K’nao. Đây là một quần thể nhiều công trình có chức năng khác nhau như: nhà hàng, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí, vườn hoa, vườn thú…hoang sơ, bí ẩn nhưng Dray K’nao vẫn có chỗ cho sự hiện diện của những công trình đương đại. Sự kết hợp, đan xen, tiếp nối này càng làm tôn thêm giá trị cho dòng thác này.
Ngược theo con đường trải nhựa, qua dãy nhà nghỉ sẽ có con đường mòn để chúng ta tái ngộ với Dray K’nao. Một bên là bờ cát, một bên là đồi cỏ, ở giữa là dòng nước êm đềm trôi xuôi sẽ làm nhiều người nhầm tưởng đây là đầu nguồn của Thác. Nhưng không phải, đó chỉ là con đường báo hiệu việc thám hiểm thác bằng đường mòn đã chấm dứt. Men theo dòng, ngược lên trên, qua đoạn nước lặng chúng ta sẽ lại nghe thấy tiếng thác đổ. Cảnh quan hoang sơ ít thấy dấu vết của con người.
Sau chặng đường đạp đá, bẻ cây, chúng ta sẽ thấy hiện ra rõ ràng trước mắt một ngã ba. Ngã ba này là sự hợp nhất của ba dòng suối khác nhau. Tới đây, cảm xúc của chúng ta sẽ thật khó diễn tả, cái cảm giác của một người thám hiểm đã khám phá ra địa điểm mình mong muốn. Cũng chỉ tới đây, cảm nhận về Dray K’nao mới trọn vẹn, lúc đầu là nô nức sum vầy, rồi khắc khoải chia đôi để rồi thanh thản hội tụ xuôi về sông mẹ thân yêu.
Thưởng ngoạn, thám hiểm xong du khách có thể thưởng thức rượu cần, cơm lam và những đặc sản Tây Nguyên ngay tại nhà hàng của khu du lịch sinh thái Dray K’nao. Du khách còn có thể đi tham quan điền dã tại các buôn làng người bản địa ở xung quanh thác. Tại đó chúng ta sẽ khám phá những phong tục, tập quán, những sinh hoạt văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc Tây Nguyên.
Có thể nói, cơ sở hạ tầng của Khu du lịch sinh thái Ðray K’nao đã đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách đến tham quan và muốn lưu lại. Phía đông là cánh rừng nguyên sinh trải dài, cây cối xanh tốt, chim chóc líu lo ca hát, nhảy múa..., dưới tán của cánh rừng ấy, tiếng nước đổ vọng về như một bản nhạc du dương quyến rũ du khách đến khám phá.
Theo con đường bê-tông hình bậc thang từ khu nhà hàng xuống thác, đi dưới tán cây rừng cao chót vót tỏa bóng mát rượi. Thác Ðray K’nao không lớn lắm nếu so với các thác khác trên dòng sông Sêrêpôk, nhưng cái riêng và khác là độ dài dòng thác. Từ đường bê-tông đưa khách đến lưng chừng thác là những khối đá đen khổng lồ chen nhau tạo nên dòng chảy nhiều bậc, mỗi một bậc tạo ra một vẻ đẹp khác nhau làm say đắm lòng người.
Thác Ðray K’nao là một thác đẹp, lại thuận lợi về giao thông, được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ, nhưng vẫn chưa thu hút được du khách; có lẽ do chưa được quảng bá rộng rãi. Không chỉ có thác, ta có thể ghé tham quan buôn Tai, xã Krông Jin để tìm hiểu những ngôi nhà truyền thống của người Ê Ðê đang được lưu giữ và bảo tồn khá phong phú ở đây.
Hiện nay, tại buôn Tai không chỉ có nhà dài truyền thống mà còn có những ngôi nhà dài hiện đại, mô phỏng nhà dài truyền thống của người Ê Ðê, nhưng được làm bằng xi-măng, cốt thép. Ðây có lẽ là hướng đi mới của người dân địa phương muốn bảo tồn nét văn hóa nhà dài mà lại bảo vệ được tài nguyên rừng đang dần cạn kiệt.
Rời buôn Tai, du khách tiếp tục đi thăm trang trại Trung Nguyên, tại đây mọi người được chiêm ngưỡng đồng cỏ thảo nguyên M’Ðrắc thu nhỏ, thăm đàn ngựa, tung tăng trên đồng cỏ, hoặc xem hươu sao, heo rừng nuôi thả bán tự nhiên...
Vậy bạn, những kẻ yêu phượt còn chần chờ gì nữa mà không khám phá một chuyến đến thác và những nơi phụ cận tuyệt đẹp này?
Nguồn Nhân Dân, Vhttdldaklak
0 nhận xét: