Đặc sản Tây Nguyên lạ miệng khó quên
1. Thịt nai Đăk - Lăk
Thịt nai giờ trở thành món đặc sản chủ yếu của vùng rừng núi Tây Nguyên, đặc biệt là ở Đắk Lắk vì vùng Tây Bắc giờ rất khó kiếm được. Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non. Thịt bò 7 món đã gây thèm muốn, có nơi trở thành đặc sản, nhưng 7 món nai vượt xa một cách bất ngờ, cho nên càng không thể so sánh với bò, cho dù là bê cũng không đọ nổi với thịt nai.
Các nhà hàng đặc sản thịt nai tươi ở Buôn Ma Thuột - TP trung tâm của tỉnh Đắk Lắk đã đưa thịt nai vào hầu hết thực đơn bữa thường, bữa tiệc... bằng các món nai nướng, nai xào làn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử và sau cùng là nai khô hợp lại đủ 7 món như thịt bò. Nhưng nai nướng, nai nhúng giấm và nai khô lại là những món tiêu biểu nhất.
Thịt nai nướng thái mỏng ướp mỡ nước và gia vị rồi cắt mấy lát gừng nướng riêng để ăn nóng cùng lúc rất hợp. Nai nướng không cần nước chấm, cũng không cần muối tiêu, miếng thịt nai nướng chín ngọt, mềm cộng với vị gừng nóng kích thích người ăn đến mê say mặc dù chẳng cần dùng đến rượu.
Nai nhúng giấm như một bản nhạc đã chuyển gam bởi lẽ đã thấm đậm đà một hương vị không giống miếng nai nướng béo ngậy. Nai nhúng cũng phải thái mỏng nhưng lại ướp với sả nước mắm ngon, ngũ vị hương và tỏi. Khi ăn phải dùng lẩu đặt giữa bàn, nước dùng có pha giấm đun sôi sục, cạnh lẩu là một khay to đựng đủ loại rau: sa lát, cà chua, hành tây thái khoanh, chuối xanh thái lát.
Nai khô có thể là đầu bảng trong các món nai. Nai khô không béo ngậy như nai nướng vì cách thức và nguyên liệu tẩm ướp khác nhau nên miếng nai khô ngọt lịm. Thịt nai thái ngang thớ, miếng dài chừng 5cm ướp kỹ bằng xì dầu, sả, muối, đường, ớt mè trắng và ngũ vị hương. Sau khi ướp trong vòng 80 phút lấy từng miếng nướng trên than hoa, nướng xong dùng sống dao dần cho miếng thịt mềm mại rồi ăn mà không cần chấm với bất cứ thứ gì.
2. Gỏi lá
Nếu một lần đến phố núi nằm ở cực bắc Tây nguyên (Kontum), mời bạn cùng cư dân vùng sơn cước thưởng thức món gỏi lá đặc sản Tây Nguyên. Gỏi lá được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau, nhiều loại rất quen thuộc nhưng cũng có những loại phải tìm kiếm từ rừng Tây Nguyên mới có.
Xếp một "rừng" lá, vị chủ nhà bắt đầu giới thiệu cho du khách từng loại lá khác nhau như lá lộc vừng, sâm đất, hồng ngọc, mơ, cải cay, ổi, đinh lăng, sung, lá lốt, trâm, mã đề, diếp cá, chó đẻ răng cưa, quế, húng, thuyền đất…, mỗi loại có một tác dụng chữa bệnh khác nhau. Lấy các loại lá này cuốn thành hình phễu để gắp vào đó các loại thức ăn. Các món ăn kèm với lá như thịt heo ba chỉ, tôm rang, da heo thái mỏng trộn cùng bột gạo nếp rang.
Nước chấm được làm từ bỗng rượu, được khử qua dầu ăn, lẫn cùng trứng vịt thành loại nước chấm sền sệt. Tiêu để nguyên cả hạt, muối hạt, ớt cay xanh, hành là những gia vị không thể thiếu. Kẹp đủ các loại lá, bỏ vào đó thịt, tôm, da heo, gia vị rồi ăn cùng một lúc, nhai càng kỹ càng dễ nhận ra nhiều hương vị vừa có vị chan chát, vừa ngòn ngọt, chua chua và vừa bùi béo ngậy của thịt, tôm.
Sau mỗi lần ăn, làm thêm một ngụm rượu được ngâm lâu ngày từ rễ cây đinh lăng. Cuối cùng là một nồi cháo cá lóc, nóng hổi để ăn lót bụng là tuyệt nhất. Theo nhiều người dân phố núi, ăn gỏi lá nhiều rất tốt, bởi hầu hết đều là những lá cây thuốc nam có tác dụng chữa bệnh. Người mắc các chứng bệnh về tim mạch, đường tiêu hóa… ăn vào có thể chữa bệnh.
3. Cơm lam
Cơm lam được coi là món ăn của núi của rừng bởi chắt lọc trong đó vị ngọt của dòng suối mát trong và hương thơm của tre nứa xanh ngút đầu non. Bắt đầu từ những chuyến đi dài ngày của người đàn ông với ống gạo mang theo, dao quắm và đánh lửa cùng ống nứa sẵn trong rừng nhưng theo bước chân những người khách du lịch, cơm lam đã trở thành món ăn đặc sản, làm say lòng du khách.
Để làm được cơm lam ngon đòi hỏi một sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đầu tiên phải chọn cây nứa ngô còn non, chặt lấy gióng lưng chừng nứa rồi phạt đi đầu mặt, dùng lá nút lại, chất củi xung quanh đốt cho sôi. Gạo nếp làm cơm lam phải chọn loại nếp trắng, dẻo, thơm, tốt nhất là "khảu tan" (nếp tan). Ngâm gạo, vo sạch, rắc ít muối trộn đều rồi cho vào ống lam, cùng với dòng nước suối trong vắt sẽ tạo nên một cơm lam hương vị đặc biệt của núi rừng, có thể làm say lòng bất cứ người thưởng thức nào.
Khi cơm chín, chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài ống cơm thật khéo léo cho đến khi bao bọc phần ruột cơm chỉ là một lớp nứa mỏng. Xắt mỗi ống ra thành năm hay bảy khúc. Khi ăn chỉ cần bóc bỏ lớp nứa bên ngoài, ăn cùng với thịt gà hay thịt lợn rừng nướng (được nướng trong ống tre). Tuy nhiên, cơm lam ngon nhất khi ăn với muối vừng.
4. Gà nướng Bản Đôn
Để có những con gà nướng ngon, hợp lòng du khách, người dân Bản Đôn phải rất công phu nuôi chọn gà và có cách làm món riêng. Trước hết, giống gà phải là gà thả vườn chính hiệu. Đất ở Bản Đôn rộng, vườn thưa, gà nuôi ở đây được thả rông tự do, thức ăn chính của chúng là cỏ non, côn trùng và lúa rẫy. Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn một kg mỗi con.
Sau khi làm xong, gà để nguyên con, có thể dần cho con gà bẹp lại rồi ướp muối ớt, nước sả và thêm ít mật ong rừng. Chú ý, sả được giã nhỏ rồi chỉ lọc lấy nước chứ không ướp cả củ, nước sả càng nhiều, thịt nướng càng thơm ngon. Con gà thường được kẹp vào thanh tre rồi quay đều trên lửa than. Bếp than to nên một lần có thể nướng quay nhiều con, cứ vài phút xoay trở một lần cho đến khi gà chín chuyển sang màu vàng, tươm mỡ bóng nhẫy. Thoạt nhìn cũng đủ cồn cào dạ dày.
Để ăn gà nướng ở Bản Đôn "đúng bài", thì phải chấm thịt gà với muối ớt hoặc muối sả. Dù loại muối nào cũng nhất thiết phải giã muối hạt với ớt rừng xanh. Loại ớt này mọc hoang ngoài vườn, ăn giòn thơm rất hấp dẫn.
5. Rau rừng
Bữa cơm miền cao nguyên Gia Lai bắt đầu bằng món rau xanh luộc. Những đọt lá xanh ngăn ngắt, cứng cáp, tươi non có vẻ khá quen, nhưng khi hỏi tên nó thì người địa phương cũng chỉ biết đáp gọn lỏn: "Rau rừng!".
Nhưng rau rừng là rau gì? Theo hình dáng thì loại này rất giống rau lủi, vốn là đặc sản chỉ có ở vùng rừng Trà My (Quảng Nam), nhưng xét về hương vị, rau rừng Gia Lai thiếu đi chất nhớt và cả vị thuốc, dù độ giòn ngọt thì tương tự. Có người lại cho rằng nó na ná rau tàu bay hay đọt dớn…
Theo lời người dân địa phương, rau rừng rộ ở Gia Lai chỉ khoảng chừng vài năm trở lại đây, trước đây là nó món "chống đói" của bộ đội Trường Sơn.
Được trồng khá rộng rãi nên ở đâu cũng có, mùa nào cũng có, nhưng rau ngon nhất là ở đầu mùa mưa, khi cây nảy những đọt non xanh mướt, bóng lưỡng. Nó gắn liền với chất rừng núi của vùng Gia Lai nên người phương xa ghé Gia Lai, muốn tìm thứ gì đó mới lạ cho bữa ăn thì được giới thiệu ngay.
Chất rừng ở loại rau này không nằm ở sự ngon ngọt mà ở vị mát, dù ban đầu cứ tưởng nó chẳng có mùi vị gì. Rau rừng còn ngon ở độ giòn, dù có nấu quá lửa thì vẫn không bị nát. Cách chế biến ngon nhất là luộc hoặc xào tỏi, chấm với mắm cua (làm từ cua đồng giã nát, lọc xác vắt lấy nước rồi phơi nắng) màu nâu đất ánh sắc vàng gạch, mặn mòi.
Khẳng định như thế vì món rau này từng được mang ra "thí nghiệm" với tất cả các loại nước chấm, kể cả muối tiêu chanh, nhưng không có loại nào vượt qua được mắm cua. Người Gia Lai xa quê lên cơn nghiền rau rừng vẫn phải nhờ người quen để gửi vài bó rau theo đường hàng không để ăn cho đỡ thèm.
Rau rừng đã có mặt cả trong các siêu thị ở Pleiku, được bán với giá khoảng hơn 30.000 đồng/kg. Riêng mắm cua thì không dễ kiếm, lại khó mang theo nên được thay bằng nước mắm kho quẹt kiểu Nam bộ, tuy không đúng chất rừng nhưng cũng chấp nhận được.
6. Cá lăng
Cá lăng, một đặc sản mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người Tây Nguyên, là loài cá nước ngọt, thuộc bộ cá da trơn, có nhiều trên sông Sêrêpốk. Cá có vị ngọt, béo, thơm ngon nên đã có mặt trong thực đơn của các quán ăn, nhà hàng, khách sạn và được nhiều thực khách ưa chuộng. Cá lăng dùng để làm chả, cá lăng om chuối, cá lăng hấp, cá lăng xào tỏi hay cá lăng nấu cháo, món nào cũng thơm cũng ngon.
Cá lăng nướng là món ngon với những hương vị béo, thơm, ngọt, đậm đà. Cá lăng làm sạch, để ráo, loại bỏ da và xương, cắt miếng vừa ăn rồi ướp với nước mắm, mì chính, mẻ, nước cốt riềng, nghệ khoảng mười phút cho cá thấm gia vị. Trước khi nướng cá trên than hồng, cần phết một lớp dầu phộng lên từng miếng cá. Người đầu bếp phải khéo léo lật trở vỉ nướng nhằm tránh làm cá cháy.
Khi những miếng cá lăng chảy mỡ kêu xèo xèo và từng miếng cá chuyển sang màu nâu cánh gián, dậy lên hương thơm quyến rũ của thịt cá và mẻ là khâu nướng cá đã hoàn thành. Món cá lăng nướng có thể ăn kèm với bún. Nhưng cá lăng nướng cuốn bánh tráng với các loại rau: khế, chuối chát, dứa, húng, quế, là món ngon rất lạ miệng. Những hương vị béo, ngọt, thơm của cá quyện với vị dai của bánh tráng, tươi non của các loại rau cùng vị đậm đà của nước mắm chanh, tỏi, ớt khiến những ai lần đầu thưởng thức món ngon này sẽ nhớ mãi không quên.
Lẩu cá lăng nấu canh chua là một món ngon giải nhiệt, bổ dưỡng, được nhiều người lựa chọn trong mùa hè. Nguyên liệu chính để nấu lẩu gồm: cá lăng, măng chua, nghệ tươi giã nhỏ, cà chua chín băm nhuyễn. Cá lăng làm sạch, cắt lát vừa ăn rồi trụng qua nước sôi cho thịt cá săn chắc. Phi thơm dầu phộng với hành băm rồi cho nghệ tươi và cà chua vào xào lấy nước màu, tiếp tục cho cá lăng và măng chua vào, nêm gia vị gồm bột nêm, mì chính, nước mắm, để lửa nhỏ cho cá thấm gia vị.
Cuối cùng, cho nước hầm xương vào nồi lẩu, đun sôi lẩu rồi tắt bếp. Để món ăn thêm nhiều hương vị cần cho thêm một ít tiêu bột, ớt tươi cắt lát và một ít rau thơm như hành lá, ngò rí. Lẩu cá lăng nấu canh chua dùng kèm với bún hay ăn như một món canh chua thông thường vừa thơm ngon lại rất ngọt nước, thích hợp dùng trong những ngày hè nắng nóng.
- Theo Theo Ngôi Sao + internet
0 nhận xét: