Một lần đến Điện Biên

Những ô ruộng xanh ngắt màu lúa non thấp thoáng ngoài cửa sổ máy bay, rồi được đặt chân xuống sân bay trong thung lũng Mường Thanh lọt thỏm giữa núi rừng Tây Bắc, du khách thực sự thấy hào hứng và không khỏi xúc động.

< Cánh đồng Mường Thanh lớn nhất vùng Tây Bắc.

Chuyến bay sớm từ TP. Hồ Chí Minh đi Hà Nội hạ cánh trong sương mù. Thời tiết xấu làm chuyến bay tiếp đi Điện Biên trễ thêm vài giờ, không ngăn nổi sự háo hức của nhóm bạn phương Nam lần đầu đến với địa danh lịch sử. Hà Nội - Điện Biên gần 500km đường bộ, xe chạy 10 - 12 tiếng, cả đoàn chọn cách bay lên Điện Biên để khi về sẽ đi xe ngắm cảnh.

< Từ tượng đài chiến thắng trên đồi D1 nhìn xuống trung tâm TP. Điện Biên Phủ ngày nay.

Đi trong phố Điện Biên Phủ không thấy được cánh đồng Mường Thanh lớn nhất vùng Tây Bắc, nhưng chỉ cần đi thêm vài cây số đã thấy trải rộng hai bên đường màu lúa non tuyệt đẹp, như đang ở giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cánh đồng, lũy tre ven những thôn làng nhỏ, trên nền núi lam chàm Tây Bắc nhấp nhô lưng trời.

< Tượng chiến sĩ Điện Biên - Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1.

Đợt kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2004 ), đường xá nhà cửa di tích được tu bổ hoàn thiện, Điện Biên Phủ là thành phố nhỏ, ít dân nhất nước, nằm dọc bên sân bay, giữa những đồi thấp ven hai bờ sông Nậm Rốm.

Không khác biệt gì nhiều so với các phố thị ven quốc lộ các nơi, nhưng ở đây có nhiều điểm lưu trú, khách sạn khá đẹp, như khách sạn bốn sao Mường Thanh. Du khách ngoại quốc phần lớn là các cặp vợ chồng người Pháp đứng tuổi, đi theo đoàn đông vui. Điện Biên Phủ là dấu ấn một thời in đậm trong lịch sử nước Pháp, nay là điểm du lịch thấp thoáng bóng hình trận chiến ác liệt năm xưa.

< Di tích miệng hố bộc phá trên đỉnh đồi A1.

Điện Biên Phủ vẫn luôn là một Bảo tàng mở sống động và thuận tiện cho du khách, vì hầu hết các di tích đều tập trung trong lòng thành phố, đi lại chỉ chừng vài km. Trên các ngọn đồi từng là các cứ điểm nổi tiếng: đồi A1, Him Lam, Độc Lập, hầm chỉ huy của quân Pháp, hệ thống hầm hào, ụ súng… đều được phục dựng công phu, chi tiết, có bảng ghi nhớ trang trọng, dịch vụ đón tiếp, hướng dẫn chu đáo.

< Hầm chỉ huy của tướng De Castrie.

Từ trung tâm thành phố, chuyến tham quan xa nhất là đến khu di tích Chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhìn trên bản đồ đường chim bay chỉ chừng hơn chục cây số, nhưng từ khu trung tâm phải đi về phía Bắc theo quốc lộ 279 khoảng 15km, qua sườn dốc có đài kỷ niệm một đoạn đường kéo pháo rất hoành tráng.

< Hoa ban ở Mường Phăng.

Bắt đầu rẽ vào đường nhỏ, vòng vèo men theo sườn núi, quanh hồ lớn Pá Khoang dự trữ nước ngọt cho cả vùng, cảnh trí đẹp mắt, gần 20km nữa mới tới Mường Phăng. Con đường mòn kè đá len lỏi trong rừng dẫn du khách đi thăm từng lán phục chế chỗ ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, mỗi lán có cửa hầm tránh bom đào sâu trong lòng núi, nối nhau thành hệ thống.

< Lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Dưới bóng đại ngàn thoáng đãng và yên tĩnh, tất cả vẫn như còn nguyên vẹn không khí sở chỉ huy trận Điện Biên gần 60 năm trước.

Ẩm thực Điện Biên thật độc đáo. Quán phở ngoài phố buổi sáng đông nghịt, trên bàn thực khách cùng với tô phở có món hoa chuối xắt nhỏ ăn kèm. Mấy bản cận kề TP.Điện Biên Phủ đều có dịch vụ tiếp khách nhà sàn. Đến Bản Mển, trên nhà sàn bày mấy dãy bàn dài, khách ngồi các đôn ghế thấp, bà chủ là người Thái Đen địu cháu sau lưng thoăn thoắt đi lại tiếp rượu sâu chít, một loại rượu đặc sản Điện Biên cho du khách.

Hấp dẫn nhất là các món thịt, cá suối nướng ăn với xôi trắng và xôi nhuộm tím thơm dẻo, canh măng, ngồng cải luộc. Đặc biệt có măng đắng luộc, bóc nõn chấm loại nước chấm riêng, ăn ngon miệng và giải rượu. Dân tộc Thái sống hiền hòa, hiếu khách và có tài múa hát.

< "Tiệc" nhà sàn bản Mển -TP Điện Biên Phủ.

Ăn tiệc nhà sàn xong, chủ khách cùng kéo xuống sân xem bà con trong bản biểu diễn văn nghệ, và đêm vui nào cũng kết thúc bằng màn múa xòe đoàn kết.

Từ Điện Biên trở về, xe chạy giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ. Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa, suối sâu đèo cao* , bản nhỏ cheo leo triền núi, Mường Ảng, Tuần Giáo, đèo Pha Đin…những địa danh như còn âm vang mãi bước chân bộ đội Cụ Hồ trong bài ca chiến thắng Điện Biên hùng tráng năm nào.

- Theo Nguyễn Việt Bắc (báo Phụ Nữ)