Chinh phục suối Vàng, thác Tình Yêu

Lên Tây Bắc, đến với Sa Pa là chuyến đi hấp dẫn. Bạn hãy tham gia tour du khảo chinh phục suối Vàng, thác Tình Yêu thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 4 km về hướng Tây Nam.

Đây cũng là nơi xuất phát của hành trình leo núi chinh phục đỉnh Phan-xi-păng.

Mua vé 30.000 đồng/người, du khách vào cổng, đi một đỗi sẽ gặp một bảng chỉ đường phía tay phải đi xuống thác Tình Yêu, nếu rẽ trái là đường lên đỉnh Phan-xi-păng.

Con đường mòn xuống suối Vàng, thác Tình Yêu có hàng ngàn bậc đá đưa du khách đi qua khu rừng thâm u với thảm thực vật đa dạng, bạn sẽ gặp rất nhiều loài cây lạ như: dẻ bạc lá, bồ đề cánh, chè Thummi...

Trúc có khá nhiều, mọc từng cụm xanh um trên những triền núi. Chim rừng thỉnh thoảng hót lên lảnh lót, du dương rồi đột nhiên im bặt, bí ẩn. Tiếng ve ong ong ngân vang, rền rỉ trong những cơn gió xào xạc thổi qua đại ngàn hoang dã.

Xuống hết triền dốc núi, du khách sẽ đến một thung lũng hẹp, dài. Giữa thung lũng là con suối chảy, nước suối có màu vàng óng ánh do nền suối là đá gan gà vàng sẫm phản chiếu ánh nắng mặt trời. Người ta đặt tên con suối này là suối Vàng.
Dọc con suối, du khách sẽ gặp nhiều loài hoa rừng như: đổ quyên, ban trắng, mua tím, anh thảo, lan, cúc dại... Cảnh vật hoang sơ, rất lãng mạn.

Dừng chân thư giãn bên suối Vàng đôi phút, du khách tiếp tục cuộc hành trình đến thác Tình Yêu. Đường đi bắt đầu lên dốc men theo sườn núi, du khách sẽ thấy choáng ngợp trước cảnh hùng vĩ của thiên nhiên. Có nhiều gốc cây to, rễ như những con rắn khổng lồ bò ngang chắn mặt đường. Càng lên cao càng nghe rõ tiếng thác dội ầm ì.

Cuối cùng du khách dừng lại trước một vách núi cao ngất. Từ trên cao non trăm mét, một dòng nước trắng xoá khổng lồ đổ xuống ầm ầm, những hạt nước tung ra từ ngọn thác biến thành màn sương mỏng che khuất rừng cây hai bên thác. Thác đổ xuống tạo ra dưới chân  một hồ tắm thiên nhiên tuyệt đẹp.

Đối diện với thác chừng 10 m là một cây cầu dây văng bắc qua thung lũng, du khách có thể đứng đó ngắm nhìn phong cảnh, chụp ảnh lưu niệm. Du khách cũng có thể đến sát chân thác tắm, vui chơi, đùa giỡn và đi dọc suối Vàng nhặt những viên đá, sỏi nhỏ có màu vàng rất đặc trưng.

Về mùa khô, hồ dưới chân thác và dòng suối cạn nước nên không nguy hiểm. Mùa mưa bão, thác và các dòng suối ở Tây Bắc trở nên hung dữ, chảy xiết, cuốn trôi và làm sạt lở nhiều đất đá, cây cối trên đường đi…

Truyền thuyết dân gian kể lại rằng: xưa, các nàng tiên trên trời say mê trước cảnh vật hùng vĩ xinh tươi, hoa thơm cỏ lạ của dòng thác trắng xoá hay xuống nơi đây để tắm... Một hôm, nàng tiên thứ bảy nhìn thấy bên dòng suối có một chàng tiều phu đang nấu cơm, chàng vừa nấu cơm vừa lấy cây sáo trúc ra thổi.

Tiếng sáo của chàng nghe vời vợi, véo von đã làm mê mẩn nàng tiên nữ, khiến cô quên mất đường về. Đêm ấy, bên ánh lửa bập bùng sưởi ấm, bên dòng thác kỳ vĩ, hoang sơ, chàng tiều phu đã thổi cho nàng tiên thứ bảy nghe những bản tình khúc mê hồn.        

Chàng trai ấy tên là Ô Qui Hồ, con trai của Thần núi Ai Lao, vì mê loài trúc nơi đây đã làm những cây sáo kỳ diệu mà quên phận sự phải tu luyện để nối nghiệp cha. Giận con nên thần núi đã hoá phép biến chàng thành người thường và thả xuống đỉnh núi này để trồng trúc.

Ngày nào cũng thế, Ô Qui Hồ và tiên nữ hẹn nhau bên dòng thác, cho đến một hôm, nàng tiên thứ bảy bị cha mẹ phát hiện và không cho nàng theo các chị xuống thác tắm nữa.

Nàng nhớ người yêu nên chiều nào cũng ra cổng trời nhìn xuống thác và nghe tiếng sáo nhưng không thấy chàng đâu. Nàng u buồn, chết rũ, biến thành một loài chim màu vàng bay quanh đỉnh núi và cất tiếng kêu Ô Qui Hồ, Ô Qui Hồ thê thiết, đau thương. Người đời sau cám cảnh đặt cho thác ấy tên là thác Tình Yêu. Ngày nay, con đường đèo hiểm trở từ Sa Pa đi Lai Châu chạy ngang qua Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn, có tên là đèo Ô Qui Hồ.

Suối Vàng, thác Tình Yêu với cung đường chinh phục lên đồi, xuống núi lắm gian nan, vất vả nhưng cũng đầy hứng khởi, tự hào. Địa chỉ này nay là điểm đến cho những du khách thích khám phá, mạo hiểm cùng với những ai có tình yêu thiên nhiên lãng mạn...

- Theo Đặng Hoàng Thám (Báo Cà Mau), ảnh internet.