Phượt thủ đi chơi bằng xuồng hơi

Với khát khao chinh phục đường thủy, một số phượt thủ chọn xuồng hơi để di chuyển. Xuồng hơi (hay xuồng cao su) có tên tiếng Anh là Inflatable Boat, ban đầu được sản xuất với mục đích cứu nạn cứu hộ trên biển.

< "Chân dung" xuồng hơi.

Sau đó, nhờ những ưu điểm gọn nhẹ dễ vận chuyển, rất an toàn và đặc biệt là có thể "hạ thủy" ở bất kỳ nơi nào từ sông đến biển, từ ao hồ đến kênh rạch nên xuồng hơi được dân đi câu tận dụng cho việc câu cá xa bờ. Vài năm trở lại đây, dân phượt cũng bắt đầu dùng xuồng hơi để chinh phục những cung đường biển ngắn.

< Xuồng hơi bon bon trên mặt nước.

Inflatable Boat có 3 loại chính: kayak bơm hơi (chèo bằng tay và không gắn động cơ được), xuồng bơm hơi roll up (có thể gắn động cơ) và xuồng bơm hơi racing (có thể gắn động cơ). Xuồng hơi racing có tốc độ nhanh hơn và chịu sóng tốt hơn xuồng roll up. Ngược lại, xuồng hơi racing lại có tải trọng thấp hơn. Hiện nay, hầu hết phượt thủ ở Việt Nam đều dùng loại xuồng bơm hơi roll up.
Dân phượt cực kỳ tin tưởng vào độ an toàn của xuồng hơi vì loại phương tiện này được cho là "không bao giờ chìm".

Xuồng được cấu tạo bởi 3-6 khoang khí độc lập, nếu chẳng may bị thủng 1 đến 2 khoang thì xuồng vẫn có thể hoạt động bình thường.

Giá xuồng hơi (loại có thể đi được trên biển) dao động từ 20 triệu đến trên 100 triệu, tùy thuộc vào kích thước, chất liệu (Hypalon đắt và bền hơn PVC), độ dày, độ an toàn của xuồng. Một số hãng sản xuất xuồng hơi được người chơi chuyên nghiệp sử dụng ở Việt Nam là Mariner, Zodiac, Zoom, Wavefun và SeaEagle. Giá động cơ thì dao động vào khoảng 60 triệu đến trên 120 triệu. Một số hãng sản xuất động cơ nổi tiếng có thể kể đến là Yamaha, Suzuki, Honda, Tohatsu, Mercury, Johnson, Mariner và Evinrude.

< Động cơ của xuồng hơi cũng giống như cano hay các loại xuồng gắn động cơ khác.

Như vậy, đầu tư cho môn chơi này tương đối tốn kém, vào khoảng trên dưới 100 triệu cho cả xuồng, động cơ và một số thiết bị dụng cụ cần thiết khác.

Vì khá tốn kém nên hiện nay, số lượng người chơi xuồng hơi ở Việt Nam còn ít, khoảng trên dưới 50 người, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Vũng Tàu và TP.HCM. Trong đó, nhóm TP.HCM là hoạt động thường xuyên và có đông thành viên nhất. Nhóm này có trang Facebook mang tên “Xuồng cao su vượt biển” với 32 thành viên.

< Sàn xuồng hơi được làm bằng những nguyên liệu nhẹ như nhôm hoặc gỗ. Người chơi chuyên nghiệp thường chọn loại sàn bằng nhôm vì sàn gỗ sẽ dễ bị mục và bung sau một thời gian dùng. Để cải thiện độ bền, một số nhà sản xuất còn dùng plastic bọc toàn bộ sàn.

Phạm Vũ (một thành viên kỳ cựu của nhóm) chia sẻ: “Nhóm thành lập đã gần 2 năm rồi, lúc đầu chỉ có mình và nhóm trưởng Tuấn Béo. Rồi trong những lần đi phượt, bạn bè rủ nhau và đông dần cho đến bây giờ. Thành viên chủ yếu là nam, nữ chỉ có khoảng 6 người. Trong nhóm nam thì có lẽ mình là người nhỏ nhất, người lớn nhất nhóm cũng 62 tuổi rồi.”

< Bơm hơi cho xuồng.

Được biết, mỗi tháng nhóm đều họp mặt và tổ chức những chuyến đi ngắn với những cung đường như sông Sài Gòn, hồ Trị An, Vũng Tàu, sông Thị Vải, Cần Giờ. Những cung đường lớn nhóm từng khám phá thì có Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang , Vũng Tàu, Phan Thiết, Phú Quốc, Mỹ Tho, Cần Thơ, Kiên Giang...

Mới đây, chuyến vượt biển đêm ra Côn Đảo bằng xuồng hơi do Phạm Vũ làm "thuyền trưởng" từng gây xôn xao cộng đồng mạng và giới phượt thủ.

< Gắn động cơ.

Theo những thành viên kỳ cựu của nhóm Phạm Vũ, tuy xuồng hơi là mô hình phượt khá mới và tạo sức hút vượt trội, nhưng khi tham gia thú chơi này, các tân binh cần tìm hiểu kỹ và trang bị kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình.

Mách nhỏ dành cho người bắt đầu chơi xuồng hơi:

1. Cách chọn xuồng hơi và động cơ: Xuồng hơi có nhiều size khác nhau. Để có thể lênh đênh trên biển, bạn phải chọn loại xuồng hơi có độ dày từ 0,9mm và dài khoảng 3,6m trở lên. Xuồng càng lớn thì càng chở được nhiều người và độ an toàn càng cao (khó bị sóng đánh lật hơn), nhưng xuồng lớn cũng phải đi với động cơ lớn.

< Hạ thủy.

2.  Đã có một số người chơi nhập khẩu và buôn bán xuồng hơi, bạn có thể mua xuồng hơi trực tiếp tại Việt Nam thay vì phải đặt mua qua các trang web nước ngoài như trước đây.

3. Nhiên liệu dùng cho động cơ là xăng pha nhớt, thông thường được pha theo tỉ lệ 40:1 (40 lít xăng – 1 lít nhớt).

4. Để lái xuồng hơi hợp pháp, bạn cần phải đăng ký thi lấy chứng chỉ lái phương tiện thủy nội địa hạn chế (loại chứng chỉ sử dụng cho phương tiện thủy có công suất máy từ 15HP trở xuống và chở dưới 12 người). Sau khi đã lấy chứng chỉ này thì bạn có thể tiếp tục nộp hồ sơ để lấy bằng thuyền trưởng hạn chế và bằng lái cano cao tốc.

< Sẳn sàng để đi.

5. Thủy triều và thời tiết: Khi dùng bất cứ phương tiện đường thủy nào bạn cũng phải cần một chút hiểu biết về thủy triều và thời tiết. Bạn có thể xem thông tin trên báo đài và một số trang web.

6. GPS là thiết bị không thể thiếu. Các bạn nên dùng thiết bị GPS chuyên dụng, không nên sử dụng điện thoại có hỗ trợ GPS vì nó không có được toàn bộ tính năng của thiết bị GPS cũng như bạn sẽ có thể gặp phải một số bất cập như đi vào khu vực không có sóng 3G, điện thoại hết pin, …

7. Dụng cụ sửa chữa: Cần mang theo một bộ dụng cụ sửa chữa xuồng hơi và học một số cách sửa chữa cơ bản. Chẳng ai có thể đảm bảo 100% là động cơ của bạn không hư hỏng giữa chuyến đi.

8. Trang bị đầy đủ áo phao cho tất cả những người ngồi trên xuồng và chuẩn bị một số thứ dùng trong trường hợp khẩn cấp như: pháo hiệu, dây cứu nạn…

- Theo Phạm Như Quỳnh (iHay.thanhnien)