Miền Tây, một chuyến độc hành (P3)
Bẳng đi một thời gian khá lâu, mình lại nhận được lá thứ thứ 3 cũng là bài viết tiếp theo về chuyến đi độc đáo này.
< Tác giả bài viết về một chuyến độc hành.
Bài không kèm ảnh nhưng vẫn lôi cuống như ngày nào, nói về cách sống, sự chân chất giản dị nhưng phóng khoáng chân tình của người dân miền sông nước Cà Mau - Ở đây điển hình là tại nhà bác Hậu. Do không có hình ảnh mặc dù mình đã gởi mail xin (tác giả đang rất bận chuyện học) nên tất cả là ảnh minh họa, bạn thông cảm - Mời các bạn xem nhé.
Những dòng đầu, Em xin phép tản mạn- lạc đề một chút ^^
Lúc kể chuyến đi này với một số người bạn, em nhận được một số lời bình luận “đi miền tây mà bằng xe khách chắc không thú vị bằng xe máy đâu nhỉ”. Thú thật, quan điểm của em trước chuyến đi này cũng như vậy và dự tính ban đầu cũng là xe máy, nhưng vì không có nên chuyển qua xe đò. Từ lúc dự tính đến khi đi chưa đầy 3 ngày nên chẳng kịp suy nghĩ nhiều.
Sau này, em càng lúc càng thấm cái ích lợi khi đi xe đò (không dám tự xưng xe khách đâu a ạ ^^). Hình như, việc đi xe đò khiến em có động lực để tiếp xúc - nói chuyện nhiều hơn với người dân địa phương.
Một phần vì muốn tìm hiểu địa điểm sắp tới, sau này mới thấy được trò chuyện với những người dân nơi đây thật thú vị. Giúp em hiểu biết thêm về nét văn hóa rất miền tây về cách sống- quan điểm sống và cách ứng xử hòa nhã- nhiệt thành. Theo em, nếu đi những tỉnh gần Tp HCM như Bến Tre, Đồng Tháp nhất là khi có nhà chỗ trú chân cố định (nhà người thân- bạn,..) thì nên đi xe máy.
Còn những tỉnh xa như Cà Mau, Kiên Giang,… thì nên đi bằng đò. Cảm nhận cuộc sống thật gần, thú vị lắm ^^ đôi khi còn hơn cả những danh lam- thắng cảnh ấy. Không chỉ là trao dồi khả năng ứng xử, mà dường như lòng thêm rộng mở. Bản thân được trải niệm, cọ xát với cuộc sống thực tế đầy màu sắc...
Nhà bác Hậu
Ngôi nhà rất gần Cổng khu du lịch Đá Bạc. Khá khang trang và theo mô tip miền tây của miền tây, phía sau nhà gắn liền với dòng nước (sông nhỏ). Bữa tối tại nhà thật ngon miệng- có món cá hầm hèm rượu ăn với cần tây. Món này em chưa thử bao giờ - Vị rất lạ và ngon. Ăn xong, em lăm le đợi đi “lựa ghẹ” với bác gái. Buổi tối, đàn bà và trẻ con ở đây thường làm công việc này để tăng thêm thu nhâp. Bắt đầu tầm 9h và kết thúc tùy vào số lượng ghẹ bắt được hôm đó, những ngày ghẹ nhiều thì 2h sáng mới về.
Công việc cũng không nhọc lắm. Phân ghẹ lớn - tôm tích - ghẹ con - bỏ những con đã dập nát. Nhưng có điều phải nhanh tay. Lúc đợi thuyền không khí rất xôm tụ, tiếng nói cười rộn cả sân. Ghẹ tới thì ai cũng tập trung lo lựa - e cũng hòa vào không khí cần mẫn. Có điều trình độ non kém nên lựa ghẹ thì ít mà lựa gai thì nhiều.
Lựa có vài con mà tay nhức nhối cả vì bị khía ghẹ đâm . Thỉnh thoảng la hét lên sung sướng + ngạc nhiên khi bắt gặp những sinh vật lạ. Khiến mọi người phì cười. Tiếc là ban đầu thì lo nhiều chuyện ham chơi - lúc lựa ghẹ thì tay bẩn nên chẳng được tấm ảnh nào =.=.
Lúc 11h30, mọi người tan, ai về nhà nấy. Tuy đêm nay về hơi sớm nhưng với một đứa lội cả ngày ngoài trời như e thì… thì...^^ Lúc nằm trên giường em mới biết mình mệt đến thế nào. Ê ẩm đến nỗi ngủ khi nào chẳng hay.
Sáng hôm sau, gần 7h em mới lọ mọ ra khỏi giường. Lật đật vệ sinh cá nhân rồi xin phép ra Đá Bạc dạo thêm một chút, coi người ta câu cá. À, người dân địa phương ở đây vào Đá Bạc không tốn vé. Bác Hậu bảo “con cứ nói cháu bác, về đây chơi, hôm qua mua vé rồi lần này cho vô chắc được”. Thế nhưng chỉ qua được anh bảo vệ đầu tiên. Tới anh thứ 2 thì bị giữ lại. E đoán anh ta không cho vô chẳng phải lý do “camera kiểm soát nghiêm ngặt” mà vì muốn nói chuyện cho đỡ chán đây mà :->.
Vậy mà lại hay: 1. Được nghe kể về quá trình hình thành- hoạt động của Đá Bạc. 2. Gặp người dân đi thả lưới trong Đá Bạc đi ngang qua - đầy ắp cua và con cá ngác to oạch.
Đến tầm 9h, Bỗng thấy một số người đang ngồi mép đê loay hoay làm việc gì đó. Dĩ nhiên, e chạy tới đó giải tỏa cái sự tò mò ngay. Thì ra họ đang bắt hào sữa và “dòm xanh”- Không biết viết có đúng tên không nữa ^^. Em bắt chuyện và rất muốn xuống bắt cùng nhưng mà cô và mấy chú cảnh báo “ dưới này đá hào , xuống không dép là tét chân ngay”. Hix. Hôm qua e mới bị tét chân vì sượt phải đá hào xong nên chẳng dám ho he nữa.
Thế là ngồi trên bờ bla… bla… Một hồi có một chú cho mượn dép xuống bắt dòm xanh ^^. « Con này giống con dẹm quê con ghê chú ơi». Ngồi vừa bắt dòm vừa bắt chuyện vui cực. Những người ở đây rất thoải mái. Được nghe kể về đất Cà Mau, làm ăn mỗi mùa, … Một hồi rồi quên bén luôn càng trưa thì nước càng cao. Khi nhận ra thì đã ướt tới gần tới túi quần. May không thì hư cái máy ảnh để trong túi ^^.
Trời chực đứng bóng tầm 11h, mọi người ở đây mời em về nhà ăn cháo dòm và hào nướng ^^. E về nhà xin phép bác Hậu. Đã quá bữa, vậy mà bác vẫn đợi về cùng ăn cơm. Vừa cảm kích vừa ngại với bác. Thế là kế hoạch đi Kiên Giang chiều nay hoãn lại đến ngày mai.
Em quay lại chỗ chú Năm. Đến nhà chú phải đi qua con đập ngăn nước ngọt - mặn rồi Rẽ vào một con lạch nhỏ. Ngôi nhà nhìn chính diện thì trông có vẻ hơi nghiên ^^ và hoàn toàn bằng gỗ, lá dừa. Nội thất bên trong cũng vậy. Tuy trong có vẻ khó khăn, nhưng sinh hoạt mỗi ngày đều rất đầm ấm. Ở đây, đất tốt, tuy sát biển nhưng không bị nhiễm mặn. Có thể trồng trọt và chăn nuôi tốt.
Thả lưới hay đi câu chỉ là hoạt động lúc nhàn rỗi. Nhìn nơi này chẳng khác gì miền trung quê em. Đất ruộng rộng, cạnh nhà còn có ao cá, nuôi vịt. Quay lại với thực tại. Lúc đó e rửa “dòm”. Lúc bắt thì không sao, đến khi xối nước ngọt vào... vết cứa hở ra chằn chịt đau rát dễ sợ =.=. Được ăn bữa cơm canh chua , tráng miệng củ lang, ăn xế cháo dòm vs Hàu nướng. Thật tuyệt ^^.
Nhà chú Năm có 2 người con là bé Muội và một cậu bé em nhỏ học tiểu học. Cu nhỏ thì đi học, e bắt chuyện với bé Muội. Em 18 tuổi, dễ thương, đáng yêu. Có lẽ trong nhà, em là đứa con chăm chỉ và lễ phép. Mọi người sinh hoạt nói chuyện vui quá trời. Còn có thêm mấy bác chòm xóm góp giọng: “ít bữa phải siêng ra bắt dòm, biết đâu lại bắt được một cô như cô Vân nữa ha” ^^ .
Bé Muội với em cùng nhau nấu bữa trưa, mà thực ra là bé nâu, em ngồi kể chuyện trên trời dưới đất cho bé nghe ^^. Sau bữa trưa, xem chừng thân thiết hơn hẳn. Hai chị em cùng nhau đi ra chợ chơi. Có đi mới biết . Bình thường người ta đi đường nhựa, ở đây thì nhà nào cũng có ghe, đường nhựa thay bằng đường thủy. Đến lúc được lên bờ thì mới vỡ nhẽ - thà đi đường thủy sướng hơn.
Đường chưa được sửa sang, chỉ như lối mòn rộng chừng hơn nửa mét, đất cục lòn hòn đi xe đạp mà muốn lộn cổ ^^. Tới đường lớn ngỡ mừng. Cầu ở đây nhiều đếm mệt nghỉ. Mỗi lần lên cầu là mún đứt pê đan, cái cao thì toàn phải dắt bộ. Đất miền tây xem chừng cũng không bằng phẳng lắm ^^. Vậy mà ngày ngày bé Muội đạp xe đưa đón em trai đi học.
Muội nghỉ học năm lớp 8. Nhớ trường lớp, bạn bè và những thú vui của người học sinh. Nhưng cũng vì cảnh khó khăn, định kiến còn đó. Tự hỏi những ước mơ, tương lai của em sẽ đi về đâu. Nhìn lại mình, Cảm thấy bản thân đã nhận được quá nhiều so với em, vậy mà nhiều khi còn oán trách, so đo.
4h , cũng là lúc phải về rồi. Bé Muội nài ở lại chơi, “dắt chị đi bắt chuột làm món chuột đồng cho chị ăn thử ”.Quả thật rất hấp dẫn, nhưng có lẽ một ngày nào đó, khi có nhiều thời gian hơn, em sẽ quay lại nơi này. Tạm chia tay gia đình chú Năm nồng nhiệt, về lại nhà bác Hậu.
Em tíu tít kể những việc ngày hôm nay trải qua, rồi còn đưa ảnh chụp được cho cả nhà coi. Tối đó sinh hoạt rất vui vẻ. Đến tầm 8h, sực nhớ một việc rụng rời - Khuya này còn đi lựa ghẹ. Mệt thì cũng đến nỗi, nhưng cái tay sưng chù dù đau nhức thế này thì… thì… mọi người đi hết rồi chẳng nhẽ em ở nhà một mình, đi thì chẳng nhẽ chỉ nhúc nhích tay lấy lệ. hix hix.
Đến 9h hơn, cô hàng xóm chạy qua bảo “hôm nay không có ghẹ nhiều, khỏi đi”. Thiệt là em cũng may mắn lắm. Bác gái quay qua cười thân mật “con ở đây được thêm lâu nữa? 1-2 bữa nữa đi soi cua đá ngoài hòn, con ở lại chơi”. Trời ơi, lần này thì buồn hiu hắt rồi. Em tiếc mà mặt xị ra làm bác cười. “Sắp tới con trai bác cưới vợ, con nhớ về đây chơi nhé”. Tấm lòng bác mang cho e xiết bao ấm áp. Đêm đó, em ngủ rất ngon.
Một ngày đó, khi có nhiều thời gian hơn, em sẽ quay lại nơi này.
Huỳnh Thanh Vân
Miền Tây, một chuyến độc hành (P1)
Miền Tây, một chuyến độc hành (P2)
Miền Tây, một chuyến độc hành (P3)
cảm ơn tác giả bài viết
0 nhận xét: