Nên làm gì khi bị CSGT dừng xe?
< Khi CSGT dừng xe, chưa chắc bạn đã có lỗi.
Tùng - nhân viên văn phòng ở TP.Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm ứng xử khá thông minh của mình: "Cách xưng hô rất quan trọng - có thể giúp bạn giải thích thành công về những lỗi vi phạm.
Khi gặp CSGT tôi không gọi anh em mà xưng tui và đồng chí. Khi được CSGT thông báo là chạy lấn tuyến và yêu cầu cho xem bằng lái, bảo hiểm, giấy đăng ký xe; tôi đã nhanh chóng giải thích: Tôi không chạy lấn tuyến, không vi phạm nên không trình giấy tờ xe. Thế là được cho đi".
Một cách khá chuyên nghiệp, một thành viên mạng xã hội 5giay chia sẻ: "Anh em có thể trang bị 1 cây bút bi camera vắt vào túi đề phòng những trường hợp xấu sẽ quay phim lại. Xong rồi nói nhẹ với CSGT: Tôi đã ghi lại tất cả hành vi của đồng chí...".
Cách đây không lâu cộng đồng mạng xôn xao clip một người lái xe ô tô giải thích khá quyết liệt rằng mình không vi phạm luật. Khi bị vặn lại, Cảnh sát giao thông đã phải xin lỗi và cho người dân này đi. Điều này cho thấy người dân đã dần hiểu biết pháp luật hơn và bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình.
Điều 14 Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công an quy định cảnh sát giao thông chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Nói cách khác, chỉ phải xuất trình giấy tờ nếu CSGT đã chứng minh rõ ràng là người đi đường phạm lỗi gì đó cụ thể.
Ngoài ra còn một số trường hợp khác được dừng nhưng ít gặp hơn, chẳng hạn khi nhận được tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Khi CSGT chặn xe bạn vì lỗi vượt quá tốc độ tối đa, trong khi bạn chắc chắn rằng mình không hề vượt quá, bạn có quyền yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi thu được và cảnh sát có nghĩa vụ phải cho xem.
Nếu CSGT không đưa ra được bằng chứng chứng minh bạn vượt quá tốc độ cho phép thì không được phép lập biên bản và cũng không được phép kiểm tra giấy tờ bạn.
Theo Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, người bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền chứng minh mình không vi phạm.
Cụ thể, cá nhân có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm của mình. Người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho người vi phạm về thời gian và địa điểm tổ chức phiên giải trình trực tiếp trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người vi phạm.
- Theo Khánh Hải (Mốt & Cuộc sống)
0 nhận xét: