Hội làng Quang Lang và lễ hội ông Đùng bà Đà
Hiện nay, ngôi đền thờ bà Chúa Muối nằm trong cụm di tích miếu Ba Thôn-chùa Hưng Quốc. Theo sách xưa chép lại: bà có tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh, sinh năm Canh Thìn (1280) tại trang Quang Lang, huyện Thụy Vân, phủ Thái Bình (nay là xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Thái Bình) trong một gia đình làm nghề muối.
Từ thủa nhỏ, bà đã có tài mạo khác thường, chăm học sách vở, rất mực thông minh, càng lớn càng xinh đẹp, tính hạnh đoan trang, học rộng, biết nhiều. Thấy việc làm muối quá vất vả, học xong Nguyệt Ảnh thường ra đồng giúp bố mẹ, nhưng mỗi khi bà ra ruộng thì mây đen kéo đến che rợp cả một vùng trời. Những người bạn điền đều kêu ca cho rằng không có lợi, vì thế dân làng đã đóng cho bà một chiếc thuyền mang muối đi bán ở các vùng quê xa.
Một ngày, thuyền của Nguyệt Ảnh đến đậu ở bến sông gần kinh thành Thăng Long, gặp thuyền quan quân đi qua. Thấy có đám mây đẹp lạ, bay lởn vởn trên nóc thuyền buôn muối, quan quân lập tức chèo thuyền đến gần xem sao thì thấy trong thuyền có người con gái nhan sắc như hoa, tóc mây, mắt phượng, môi son, mình ngọc đoan trang, phong thái dịu dàng khác người thường nhiều vẻ liền lập tức tâu với vua Trần Anh Tông. Trông thấy Nguyệt Ảnh, lòng vua rất yêu mến liền truyền mở yến tiệc ăn mừng, sắm sửa lễ rước vào cung lập làm Cung phi thứ ba. ở trong cung, bà được vua Trần Anh Tông rất sùng ái, ít lâu sau thì mang thai. Nhưng thai nhi đã qua 9 tháng 10 ngày mà vẫn không sinh đẻ được, vua Trần liền cho rước bà về quê ngoại tại Quang Lang, hi vọng chút khí biển mát lành may ra cứu vớt được Cung phi và thai nhi.
Chúa về đến nhà, cha mẹ rất đỗi vui mừng nhưng không lâu sau bà bị bệnh nặng, thuốc uống không đỡ, cầu cúng không thấy hiệu. Thấy Chúa chiều nào cũng ngồi bên cửa sổ nhìn ra cánh đồng muối của làng, lũ trẻ mục đồng hò nhau lấy bồ cỏ làm người nộm vây quanh nhảy múa để Chúa vơi bớt nỗi buồn. Nhìn lũ trẻ nhảy múa rất vui, Chúa nhếch mép cười rồi qua đời, hôm ấy vào ngày 14 tháng Tư năm Mậu Tuất. Nhà vua hay tin rất luyến tiếc, xót thương đã sắc phong làm phúc Thần, người dân sở tại lập đền thờ Chúa để nhắc nhở con cháu đời sau tưởng nhớ công lao của bà.
Theo lời ông Lê Minh Tụ, bí thư chi bộ thôn Quang Lang Đoài, trưởng ban điều hành làng Quang Lang: từ bao đời nay, hàng năm cứ vào ngày 14 tháng Tư (âm lịch) người dân trong làng lại tổ chức lễ hội tại đền thờ Bà Chúa Muối hay còn gọi là lễ hội ông Đùng bà Đà. Dù bận mải bất kỳ công việc gì, ra khơi đánh bắt hải sản hay đi làm ăn xa, những người con quê hương vẫn thu xếp công việc trở về chăm lo việc làng. Lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: dâng hương, diễu hành rước Chúa, ăn cơm chay, văn nghệ, các trò chơi dân gian và không thể thiếu được lễ rước ông Đùng và phá Đùng.
Trước ngày hội làng, người dân Quang Lang chuẩn bị cho tục múa ông Đùng bà Đà khá công phu. Họ lấy nia vẽ mặt ông Đùng bà Đà, rồi làm thân ông bà bằng những rọ tre đan sơ sài theo kiểu mắt cáo, thân hình cao từ 1,2 đến 1,5m, đường kính phía dưới rộng đủ cho một người chui vào. Ngoài ra còn có một số hình nộm trẻ con, có trai có gái tượng trương cho con cái của ông Đùng bà Đà. Trên tai của bà Đùng và con gái được đeo hoa mò màu đỏ, dân làng Quang Lang vẫn gọi là hoa ông Đùng.
Sáng sớm ngày 14/4, các thôn trong làng mang hình nộm ông Đùng bà Đà vào đền thờ bà Chúa Muối để tiến hành các nghi thức lễ dâng hương nghiêm trang, thành kính, sau đó diễu hành rước Chúa. Đoàn rước gồm hàng nghìn người ăn mặc chỉnh tề, mang theo cờ Tổ quốc, tượng Bác Hồ, kiệu Thánh, kiệu Mẫu, có cả các đội múa Lân, múa Rồng, đội mõ, trống phách theo sau…. đi vòng quanh làng, kéo dài mấy cây số. Tại tất cả đầu ngõ, người dân đều bày lễ trên bàn cao để cúng vọng cầu Chúa phù hộ một năm làm ăn may mắn. Lễ rước ông Đùng và phá Đùng thường thường diễn ra vào xẩm tối ngày 14/4. Dân làng quây kín trước cửa đền để xem người lớn vào vai ông Đùng bà Đà, trẻ con đóng Đùng con cùng nhảy múa. Khi múa, các hình nộm lúc thì nghiêng ngả, hết quay sang phải rồi lại quay sang trái, cho ông bà có cơ hội bày tỏ tình cảm với nhau. Các vai ông Đùng bà Đà phải phối hợp sao cho có những lần giáp mặt, thân chập vào nhau. Người làng Quang Lang giải thích: đó là lúc ông bà "ăn nằm" với nhau.
Trong lúc múa, người ta xướng vang những câu ca tụng công đức của bà Chúa Muối như: " Lạy chúa! Muối của Chúa năm nay được mùa lắm! lạy Chúa, lạy Chúa!". Sau đó, đoàn múa rời sân đền đi một vòng quanh làng, các Đùng con quấn quýt xung quanh bố mẹ. Dân làng nhộn nhịp theo sau, vừa đi vừa hát múa. Khi đoàn rước Đùng quay trở lại sân đền cũng là lúc phá Đùng, dân làng vội vã xô nhau vào để lấy một nan tre trên thân hình nộm ông bà. Tất cả mọi người ở Quang Lang đều quan niệm: nếu ai may mắn lấy được nan tre đem về gối đầu giường thì các cháu nhỏ ngủ khỏi giật mình, không bị bệnh tật, cắm vào ruộng, vườn thì cho cây sai quả, mang lên trên thuyền đi ra khơi thì sẽ đánh bắt được nhiều tôm cá….
Thụy Hải cũng là nơi duy nhất trong cả nước có phủ và đền thờ bà Chúa Muối. Trải qua mấy trăm năm nay, lễ hội ông Đùng bà Đà vẫn giữ nguyên được bản sắc độc đáo vốn có của nó. Đến ngày lễ hội, những người làm muối trên khắp cả nước cũng tìm về đây cùng dâng hương tỏ lòng thành kính đối với bà Chúa Muối và hoà mình trong lễ hội của quê hương. Lễ hội này đồng thời là nơi gửi gắm bao ước vọng của dân làng muối về sự sinh sôi, nảy nở, nó đã được lựa chọn, giới thiệu trong cuốn Những nền văn minh thế giới do Bộ Văn hoá Thông tin xuất bản năm 1996. Hiện nay, tại chùa Hưng Quốc vẫn còn lưu giữ được một tấm bia ghi lại lịch sử xây dựng chùa, nơi thờ của bà Chúa Muối và một sắc phong của vua Khải Định phong thần cho bà vào năm 1924.
- Theo báo Tháibinh và nhiều nguồn khác
0 nhận xét: