Đến Hội An chơi hội bài chòi
Cảnh tượng nơi đây thật lạ, có ca sĩ, nhạc sĩ, có diễn viên, có sân khấu hẳn hoi, nhưng khán giả thì chẳng hề ngồi không thưởng thức như thường thấy.
Trên sân khấu, lũ trẻ tha hồ chạy nhảy, chơi đùa. Đám đông xung quanh không chỉ lắng nghe từng câu hát, mà chốc chốc lại thấy reo lên với những chiếc thẻ gỗ trên tay để rồi hớn hở đón nhận những chiếc cờ vàng từ tay các "anh thị vệ" của đoàn diễn. Những cụ già thì dường như lại như chỉ biết đến lời ca và ngồi gõ nhịp phách say sưa cùng tiếng trống.
Phố cổ Hội An nhỏ lắm và cũng yên tĩnh lắm. Vọng đến tai hầu như chỉ thấy có tiếng cười, tiếng nói của những người khách du lịch. Vậy mà bỗng dưng đêm nay, nơi cuối con phố lại bỗng rộn ràng những âm thanh của lời ca, tiếng trống hòa trong giai điệu lả lướt của chiếc đàn nhị.
Dường như toàn bộ cư dân của khu phố cổ đang tập trung tại sân chơi cũng nho nhỏ và ngập đầy sắc màu vàng xuộm hắt ra từ những chiếc đèn "măng - xông hiện đại" này. Tách một em gái nhỏ ra khỏi dòng chảy sôi động của cuộc vui, chúng tôi được biết, đây là đêm hội bài chòi thường được tổ chức vào tối thứ bảy hàng tuần tại khu phố cổ Hội An.
Một sân chơi đầy lý thú
Đêm hội bài chòi hiện nay đã trở thành một sân chơi quen thuộc của người dân Hội An. Cứ vào tối các ngày thứ bảy, mọi người lại tụ tập về khoảng sân giữa phố Hội và sông Hoài (hay còn gọi là sông Bạch Đằng) để được có những giờ phút thư giãn một cách đầy hứng khởi cho kỳ nghỉ cuối tuần.
Chính sân chơi này đã đem lại chút không khí sôi nổi giúp khu phố cổ thêm phần sinh động mà vẫn không hề làm mất đi vẻ đẹp yên bình rất đặc trưng của Hội An. Vì rằng, đêm hội bài chòi vừa mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống hiện đại, vừa chứa đựng vẻ dịu dàng, duyên dáng của một nét văn hoá truyền thống đầy ý nghĩa.
Không ai biết chính xác hội bài chòi xuất hiện vào thời điểm nào. Tuy nhiên, từ khoảng 300 - 400 năm trước đây, loại hình vui chơi này đã được tổ chức thường xuyên ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế vào những dịp lễ hội ngày xuân. Sau đó, bởi nhiều lý do nên hội bài chòi không còn phổ biến được như trước, thậm chí là đứng trước nguy cơ "thất truyền".
Cho đến khi khu phố cổ Hội An được tổ chức UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Trung tâm Văn hoá Thể thao Hội An đã quyết định khôi phục lại sân chơi văn hoá này tại đây, vừa để bảo tồn, vừa để quảng bá một nét văn hoá đặc sắc của dân tộc tới khách du lịch cả trong và ngoài nước.
Có thể hiểu một cách nôm na rằng hội bài chòi là sân chơi của những ván cờ. Mỗi ván gồm có 30 quân cờ với 30 tên gọi khác nhau chia thành 10 loại thẻ gỗ (3 quân cờ là một thẻ) và người chơi sẽ được chọn mua các loại thẻ đó.
Sau khi "nhà cái" phát hết thẻ cho mọi người, ván cờ sẽ được bắt đầu bằng việc rút thăm que tre có ghi tên một quân cờ. Lúc này, anh "hiệu" (người hô) sẽ dẫn dắt cuộc chơi bằng những câu hát có liên quan đến tên quân cờ ghi trên chiếc thăm đó, lần lượt cho đến khi ba thẻ tre được rút liên tiếp có tên gọi trùng với các tên quân cờ ghi trên cùng một thẻ gỗ.
Đây là một số câu “thai”:
Một hai họ nói rằng không
Dấu chân ai đứng bờ sông hai người?
(Con bài Tứ cẳng)
Ta bưng một đĩa mắm lầm
Vừa đi vừa hát té ầm xuống sông.
(Con bài Ông Ầm)
Ngồi kề vực thẳm anh câu
Xẩy chân tụt xuống vực sâu cái ầm.
(Con bài Ông Ầm)
Lòng thương chị bán thịt heo
Hai vai gánh nặng còn đèo móc câu.
(Con Móc câu)
Đi đâu ôm cháp đi hoài
Cử nhân không thấy tú tài cũng không.
(Con Học trò)
Tay bưng đĩa muối bát rau
Anh chấm em chấm cho mau kẻo hết dần.
(Con Nhà nghèo)
Ai đi ngoài ngõ ào ào
Nghe như ông tượng đạp vào, ông vô.
(Con Tứ tượng)
Câu hô bài có tiếng đệm và lời giải như:
Hượi mà hưới hượi
Một hai bận nói rằng không
Dấu chân ai đứng bờ sông hai người?
Hai người thì có bốn chân
Đó là tứ cẳng bớ nàng, bớ anh!
Khi tham gia, nếu thấy tên quân cờ của mình được nhắc đến trong câu hát, người chơi sẽ phải hô lên và trình thẻ gỗ để được phát một lá cờ vàng, tương đương với một phần thưởng nhỏ. Nếu người chơi có được chiếc thẻ gỗ ghi tên 3 quân cờ được nêu tên liên tục, người đó sẽ đoạt được phần thưởng lớn nhất của cuộc chơi và ván cờ kết thúc.
Nhiều người có thể cho rằng hình thức vui chơi này có vẻ dễ dàng và đơn giản, dựa vào sự may rủi là chính, chẳng khác chơi... xổ số lô tô. Nhưng thực ra, ý nghĩa và cách thức chơi hội bài chòi không hẳn vậy. Và thực tế, đây là một hoạt động văn hoá đáng được tôn trọng và giữ gìn.
Điều gửi gắm sau những cuộc vui
Thuở ban đầu, luật chơi hội bài chòi khá nghiêm khắc. Tên quân cờ sẽ không được nhắc đến trực tiếp trong mỗi câu hát mà người nghe sẽ phải tự suy đoán lấy.
Ví dụ, nếu tên quân cờ là chữ "nghèo", người hô sẽ hát một số câu có nội dung nói về chữ nghèo, người nghe tự suy luận ra và giơ thẻ của mình lên để nhận cờ vàng. Người nào không đoán được sẽ mất cơ hội được nhận phần thưởng.
Tuy nhiên, nhiều người hiện giờ chưa theo được luật chơi này, bởi vậy, nhiều khi người hô đã sử dụng các câu hát gọi trực tiếp tên quân cờ để người chơi dễ theo dõi. Dù đã có đôi chút biến đổi song hội bài chòi vẫn giữ được đặc thù riêng của mình: là một loại hình sinh hoạt văn hoá lý thú và bổ ích.
Có thể khẳng định như vậy là bởi nội dung các câu hát sử dụng trong hội bài chòi đều mang ý nghĩa nhân văn và có tính giáo dục cao (nét khác biệt căn bản để có thể phân biệt hội bài chòi với các trò... cờ bạc khác).
Các câu hát được sử dụng ở đây thường nói về tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi tình phụ mẫu, tình phu thê, đề cao những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của con người, phê phán những tệ nạn xã hội, những tập tục lỗi thời, lạc hậu.
Vì vậy, hình thức vui chơi này không chỉ có ý nghĩa giải trí đơn thuần. Đồng thời, còn có thể coi hội bài chòi chính là một sân khấu trình diễn của làn điệu dân ca đặc trưng khu Nam (Nam Trung Bộ).
Phần thưởng dành cho người thắng cuộc trong hội bài chòi thực ra không lớn và không mang giá trị vật chất. Thông thường, cuối mỗi cuộc vui, người thắng cuộc sẽ được nhận một chiếc đèn lồng, "đặc sản" của Hội An. Song, điều quan trọng nhất đối với người chơi hiện nay không phải ở những món quà ấy mà ở chỗ họ đã có được một sân chơi văn hóa sôi nổi và đặc biệt lôi cuốn.
- Theo mạng Cinet, TCSH, internet
0 nhận xét: