Bánh chưng ngọt – vị Tết rất riêng
Bánh chưng nào cũng cần gạo nếp, đỗ xanh, lá dong, thịt mỡ. Tuy nhiên, bánh chưng ngọt không có dưa hành như câu đối Tết và cần thêm đường phên, thịt heo cũng cần nạc hơn.
Bánh chưng ngọt cầu kì hơn trong khâu gói khi đường phên phải là đường ngon, được cạo mỏng từ những tảng lớn, màu nâu sậm, vị ngọt đậm. Gói bánh chưng ngọt cần hoa hồi, chút vỏ quế, thế mới làm nên hương vị đặc biệt. Hoa hồi khô mua ở tiệm thuốc Bắc cùng vỏ quế được nghiền thành bột mịn rồi ướp với thịt, nước mắm, hạt tiêu. Đường phên gói đến đâu, cạo tới đó để tránh đường bị ướt.
Gói bánh chưng ngon, nhà tôi không bao giờ đem ngâm gạo hay luộc đỗ trước. Bánh cứ thế gói, luộc kỹ, miếng bánh ăn mềm mát. Một bát gạo, một bát đỗ, vài lát thịt, một lớp dày đường phên, phủ thêm gạo, đỗ, gói chặt lá dong, lạt ống giang, chiếc bánh chưng đem luộc đến gần 12 tiếng sẽ được độ ngon nhất. Người ta gọi đó là “rền” bánh.
Bánh chưng mặn, người làm bánh cố gắng sao cho chiếc bánh bóc ra xanh từ trong ra ngoài, bánh chưng ngọt đơn giản hơn. Bởi màu bánh đã là màu nâu cánh gián của đường phên. Nhìn màu vỏ bánh cũng có thể phân biệt vị bánh bên trong.
Thông thường bố tôi sẽ gói đa phần bánh mặn. Bánh ngọt chỉ gói vài cái ăn chơi, mời khách cho phong phú món ăn ngày Tết. Bánh chưng ngọt, đậm đà vị mặn của gạo nếp, thịt heo xóc muối, vẫn ngọt ngào, lạ miệng với vị ngọt của đường phên, mùi thơm đặc trưng của hoa hồi, vỏ quế. Bánh chưng ngọt để được ít ngày hơn bánh chưng mặn. Sau này, muốn để dành sau Tết, gia đình tôi phải cho vào tủ lạnh tránh mốc hỏng bánh.
Nhiều gia đình nay đã mất thói quen gói bánh chưng. Ai cũng chọn mua ngoài chợ cho tiện. Gia đình tôi khác, bao năm qua không bỏ tục lệ gói bánh ngày cận Tết. Bố tôi nói, gói bánh để con cháu trong nhà học được phong tục cha ông. Giây phút gói bánh cũng là lúc cả nhà ngồi xôm tụ. Sáng mồng 1, lấy chiếc dây lạt xắn một góc bánh chưng, nghe cái thơm thơm, deo dẻo của vị bánh năm mới, thấy đúng khoảnh khắc của một cái Tết rất Việt Nam!
- Theo Laodong, internet
0 nhận xét: