Văn hóa người Xinh Mun
Người Xinh Mun còn sống ở phía đông tỉnh Điện Biên. Có 2 nhánh là Xinh Mun Dạ và Xinh Mun Nghẹt. Xinh Mun Dạ có giọng nói nhẹ hơn, họ sống ở vùng thấp. Còn Xinh Mun Nghẹt sống ở vùng cao hơn. Người ta phân biệt hai nhóm qua ngôn ngữ.
Người Xinh Mun sống ở nhà sàn, nhà có sàn trái và sàn phải. Điều lạ là bên trái hay phải là theo quy ước của mỗi gia đình, dường như người Xinh Mun không có quan niệm phân biệt rõ ràng thế nào là bên trái, bên phải. Hai cầu thang riêng biệt ở gần hai đầu hồi bắc lên hai sàn. Đàn ông ở một sàn. Sàn bên kia dành cho đàn bà, đồng thời là nơi đặt bếp nấu nướng. Khách vào nhà chỉ được đi vào phía sàn dành cho đàn ông.
Buổi sớm đàn bà thường thức dậy từ 4 giờ sáng để giã gạo, đàn ông thì mài dao và chuẩn bị cày cuốc để lên nương. Buổi chiều đàn ông đi săn, đàn bà thổi cơm, cả nhà đoàn tụ vào buổi tối.
Trong nhà người Xinh Mun nào cũng có rượu cần để mời khách, họ thường dùng rượu cần trong đám cưới, làm nhà mới. Khi uống rượu cần, người ta cử ra một người trực tiếp mời rượu, mời từ người lớn tuổi nhất trở xuống. Trong khi uống rượu cần bao giờ cũng có một chậu nước mó (nước suối) để bên cạnh. Rượu hết lại dùng sừng trâu để chế nước mó vào. Tốp cầm cần đầu tiên được đề ra quy ước của cả bữa rượu (uống một, hai hay ba sừng). Nếu uống vờ, khi chế thêm nước rượu sẽ tràn ra khỏi bình, người uống lượt đó sẽ bị phạt uống gấp đôi. Tục uống rượu cần này mang sắc thái riêng của người Xinh Mun, thể hiện tình đoàn kết gắn bó.
Bàn thờ tổ tiên được đặt ở phía cuối cùng trong sàn của đàn ông. Người Xinh Mun ăn tết giống người Kinh, mồng Một Tết có một mâm cơm mời ông bà tổ tiên, có gà, thịt chín (bất cứ thịt gì cũng được, nhưng phải được làm chín). Người Xinh Mun ăn chủ yếu là cơm nắm, cơm lam. Họ kiêng ăn loài thú là vật tổ của dòng họ. Ví như vật tổ của dòng họ này là chim thì dòng họ đó sẽ không được ăn chim, vật tổ của dòng họ kia là khỉ thì không được ăn thịt khỉ.
Lễ cưới của người Xinh Mun được tổ chức làm 2 đợt. Đợt một diễn ra tại nhà gái trong một ngày, sau đó chú rể đón dâu về, sau 3-4 ngày cô dâu về nhà mình. Đến khi nhà trai chuẩn bị đủ 150 kg lợn, 70 kg gạo và 4 chum rượu cần mang đến nhà gái thì mới được cưới đợt 2 và đón dâu về. Thời gian cưới đợt 2 cách đợt một từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu không cưới đợt hai cô dâu đã có thai và đẻ ra con gái thì bé gái đó không được về nhà nội mà chỉ khi đẻ được con trai mới được về nhà nội.
Đứa trẻ sinh ra được nằm cạnh mẹ bên bếp lửa 3 hôm sau đó mới dọn về phòng ngủ và làm lễ báo với tổ tiên. Sau 6 tháng hoặc một năm, đứa trẻ mới được người lớn làm lễ đặt tên. Lễ đặt tên thường mời thầy về làm, trên mâm lễ bắt buộc phải có một đôi gà hoặc một con gà và một con lợn. Thầy cúng được tùy ý đặt tên cho đứa trẻ.
Người Xinh Mun không làm giỗ cho người đã chết, không bốc mộ. Nhánh Xinh Mun Dạ chôn người chết ở nghĩa địa do Bản quy định, còn Xinh Mun Nghẹt thì chôn ở đâu cũng được.
Hội Mạ ma của người Xinh Mun
Người Xinh Mun thường tổ chức các lễ hội với nội dung và hình thức thể hiện không giống với lễ hội của các dân tộc khác. Trong đó, lễ hội có tên gọi là Mạ ma được cộng đồng quan tâm hơn cả. Lễ hội do thày mo chủ trì, cầu cúng xin cho con người sức khỏe, cộng đồng hòa thuận yên vui. Việc thực hiện lễ hội mang tính diễn xướng một thể loại văn nghệ dân gian mang nhiều nét văn hóa đặc sắc.
Trung tâm lễ hội Mạ ma là cây hoa (xặng bok) tượng trưng cho cây đời. Để chuẩn bị cho cho cây hoa "xặng bok" là cả một quá trình công phu. Người chuẩn bị là thầy mo và những "con nuôi" là người ốm do thầy chữa khỏi cùng với người dân trong bản. Một cây tre cao khoảng 3m được chọn làm "thân" cây, cành lá, hoa quả trên cây là những hình chim, chuồn sóc...
Ngoài ra còn có cá, xương cá, con ve... và các vật dụng người Xinh Mun sử dụng như ô dù, chống chỉ, trống gỗ, tàu voi, tàu ngựa, cày bừa...Dưới gốc cây hoa trồng cây chuối lộn ngược, rêu, củ măng, quả bầu nậm... Xung quanh "xặng bok" là những bàn thờ cùng các mâm cúng với nhiều loại thức ăn.
Chủ trì lễ hội là thày tào, một hay hai đôi nam nữ giúp việc thày tào gọi là "báo chạu, xao chua". Ban chủ trì còn có thêm 2 thầy mo và 2 người thổi sáo, đánh chiêng.
Bắt đầu lễ hội là thầy mo cầu cúng. Trong lúc cúng thì chiêng và sáo cũng hòa nhịp tạo âm thanh cho mọi người tham gia múa xòe và tăng bu xung quanh cây hoa "xặng bok".
Lễ hội Mạ ma cũng có nhiều trò chơi như đấu kiếm, khỉ ăn chuối, trâu đằm, thằng ngốc... đặc biệt là "túc căn" "lạc gưa", xòe họa" và "xòe tenh"... "Túc căn" và Lạc gưa" là những trò mang tính biểu tượng, "túc căn" là đấu kiếm: hai người rút hai cần rượu cần, vờ làm kiếm xông vào đấu với nhau giữa tiếng hò reo cổ vũ của mọi người cho đến khi kiếm gãy nát mới thôi. "Lạc gưa" là kéo thuyền, mọi người dùng dây mây, chia hai phe kéo nhau....
Vui nhất là "xòe họa", mọi người cầm mảnh vải dài nối tay nhau thành vòng tròn nhảy "xòe" quanh cây hoa. Vừa xòe họ vừa nhảy, xòe mạnh, nhảy cao được khuyến khích bằng những lời hô "họa, họa". Chỉ khi nào mọi người mệt lử, xòe họa mới dừng.
Còn "xòe tenh" là mùa âm dương, trò này là cuộc diễn giữa hai người khác giới, họ xòe cùng với "đạo cụ" riêng. Người đàn bà dùng bẹ chuối, người đàn ông là lõi cây chuối đã ra buồng dài khoảng gần 1m. Người đàn ông kẹp lõi chuối vào háng và nhảy, cố gắng dùng "của dương"; đâm vào người đàn bà trong khi người đàn bà giơ "của âm" ra đỡ đến khi nào "của âm" đập ra "của dương" cụn ngủn mới thôi.
Hội Mạ ma của người Xinh Mun thường diễn ra vào cuối xuân đầu hạ, là lễ hội chung của cộng đồng, các trò diễn vui nhộn, thể hiện ước vọng trời yên vật thịnh và tài diễn xướng văn nghệ dân gian của họ.
- Thổng hợp từ Cema, Baomoi... và nhiều nguồn khác
0 nhận xét: