Những phố ‘hàng’ tân thời đất Hà thành
Phố đồ nướng Mã Mây
Phố Mã Mây là điểm hẹn lý tưởng của các thực khách yêu thích các món nướng vỉa hè. Các quán đồ nướng ở đây thường tấp nập về đêm, đặc biệt là vào mùa đông.
Giá cả các quán nướng ở phố Mã Mây thường nhỉnh hơn so với những nơi khác từ 20.000đ cho đến 30.000đ/1đĩa. Mức giá thấp nhất mà các chủ cửa hàng gợi ý cho khách cho một bếp đủ 3-4 người ăn là 200.000đ.
Tuy giá cả không “mềm” như các nơi khác nhưng phố đồ nướng Mã Mây luôn chật cứng thực khách bởi các món nướng độc đáo như: râu mực nướng than hoa, lòng nướng Hàn Quốc… ít nơi ngon bằng.
Mùi thơm nức mũi của các vỉ đồ nướng có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với mỗi du khách khi đi ngang phố Mã Mây, nhất là vào những đêm trời lạnh.
Những phố trà chanh “chém gió”
< Trà chanh "chém gió" là một trào lưu của giới trẻ Hà thành, với những "thiên đường trà chanh" như phố Nhà Thờ, Đào Duy Từ, Ngã Tư Sở...
Một vài năm trở lại đây, trà chanh trở thành một trào lưu đồ uống của nhiều bạn trẻ đang học tập và sinh sống tại Hà Nội. Những con phố Nhà Thờ, Đào Duy Từ, Lý Quốc Sư, Cát Linh, Ngã Tư Sở được mệnh danh là những “thiên đường” trà chanh của giới trẻ Hà thành.
Các bạn trẻ thường tìm đến các quán trà chanh để “buôn chuyện” với bạn bè. Vì thế mà nhiều phố trà chanh còn được gọi là “phố chém gió”. Thói quen ngồi trà chanh “chém gió” được bắt đầu từ một quán nhỏ trên phố Đào Duy Từ, sau đó lan ra các con phố khác. Nhưng nổi tiếng nhất khi nói đến trà chanh vẫn là phố Nhà Thờ - Nhà Chung.
Khu Nhà Thờ có khoảng gần chục quán trà chanh. Các quán này phục vụ từ sáng cho tới đêm, đặc biệt rất đông khách từ 8h tối tới khuya. Có khi phải rất vất vả bạn mới tìm được cho mình một chỗ ngồi vào những giờ “cao điểm” buổi tối. Sở dĩ trà chanh Nhà Thờ thu hút được nhiều khách, đặc biệt là các bạn trẻ là do ở đây có vỉa hè rộng, tầm nhìn đẹp hướng ra Nhà thờ lớn Hà Nội.
Phố cây cảnh Hoàng Hoa Thám
Đường Hoàng Hoa Thám dài hơn 3.000m, được nhiều người Hà Nội gọi bằng cái tên “phố cây cảnh”. Các loại hoa, cây cảnh chủ yếu được bày bán trên đoạn đường Hoàng Hoa Thám từ ngã ba Văn Cao kéo dài đến chợ Bưởi.
“Phố cây cảnh” có từ khoảng 20 năm trước. Giới chơi cây cảnh thường tụ họp ở đây vào những ngày cuối tuần, để trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, tỉa cành, tạo dáng cây đẹp… Không chỉ riêng các bậc trung niên, cao niên, nhiều bạn trẻ cũng đến đây để tìm mua cho mình những chậu hoa xinh xắn như xương rồng, tóc tiên… với giá chỉ vài chục ngàn đồng.
Ở đây, các loại hoa, cây cảnh được bày bán rất phong phú, đa dạng, đủ loại: trạng nguyên, trà, đỗ quyên, trúc Nhật, phong lan… Cây cảnh được mang về từ các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định… và một số huyện ngoại thành Hà Nội. Ngoài ra, ở đây còn bán các loại chim cảnh, cá cảnh, các chậu để trồng cây cảnh và hạt giống cây.
Phố quà lưu niệm
Phố Tôn Thất Tùng được giới trẻ Hà Nội gọi bằng cái tên “phố quà lưu niệm”. Trong đó, con ngõ 1A luôn tấp nập, bất kể vào các ngày lễ tết hay ngày thường. Theo lời của người dân ở đây thì con phố này bắt đầu kinh doanh đồ lưu niệm từ khoảng 20 năm trước.
Khu vực bán đồ lưu niệm gồm rất nhiều cửa hàng nằm san sát và thông với nhau. Ở đây bày bán rất đa dạng các món đồ dành cho teen từ móc khóa, thú bông, đồng hồ, đồ trang sức… Tùy vào các món đồ mà giá cả cũng khác nhau, nhưng chỉ từ vài nghìn đồng bạn có thể tìm mua cho mình những món đồ xinh xắn và đặc biệt là rất “độc”, không thể tìm thấy ở nơi khác. Vào những ngày lễ như 8/3, 20/10, Giáng sinh… con phố này luôn chật cứng khách mua hàng, xem hàng.
Đồ lưu niệm ở đây chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, một số khác là sản xuất ở Việt Nam.
Những con phố “hàng tin”
Cùng với sự phát triển của tin học, những con phố chuyên bán các sản phẩm linh kiện máy tính đã ra đời ở Hà Nội.
Đầu tiên phải nhắc tới phố Lý Nam Đế. Con phố tin học này bắt đầu bán các sản phẩm dành riêng cho máy tính từ khoảng hơn 20 năm trước. Điều đặc biệt là Hội Tin học Việt Nam (VAIP) được thành lập và đặt văn phòng ngay chính trên phố Lý Nam Đế.
Trước khi trở thành phố tin học, phố Lý Nam Đế chủ yếu là các cửa hàng bán và sửa chữa đồ điện tử. Cùng với sự phát triển của kinh tế và công nghệ thông tin, con phố nhỏ này bắt đầu xuất hiện các cửa hàng bán thiết bị máy tính vào khoảng những năm 1995. Đến nay, phố Lý Nam Đế có rất nhiều cửa hàng bán linh kiện máy tính.
Ngoài phố Lý Nam Đế, Hà Nội còn có phố Lê Thanh Nghị chuyên kinh doanh các mặt hàng phục vụ ngành tin học.
Phố “hàng tin” này ra đời muộn hơn khoảng chục năm so với phố tin học Lý Nam Đế. Tuy “sinh sau đẻ muộn”, nhưng hiện nay trên phố Lê Thanh Nghị đã có đến hàng trăm cửa hàng chuyên bán thiết bị tin học, trong đó có rất nhiều cửa hàng được chuyển từ phố Lý Nam Đế đến.
Một điều thuận lợi để phố Lê Thanh Nghị có thể cạnh tranh với phố Lý Nam Đế trong việc kinh doanh mặt hàng tin học là phố Lê Thanh Nghị ở ngay gần các trường đại học lớn, đặc biệt về khoa học công nghệ như: đại học Bách khoa, đại học Xây dựng, đại học Kinh tế quốc dân…
Anh Quốc Hải (Tây Sơn - Hà Nội) chia sẻ thêm lý do anh chọn mua đồ trên phố Lê Thanh Nghị thay vì Lý Nam Đế là giao thông ở đây thuận tiện hơn. Phố Lý Nam Đế là đường một chiều nên việc đi lại cũng khá là rắc rối.
Cùng với khu phố cổ có lịch sử hàng ngàn năm, những con phố “hàng” mới là nét văn hóa đặc sắc và hiện đại, góp phần tạo nên sự hấp dẫn và sầm uất cho đất Hà thành.
Phố gà tần Tống Duy Tân
Văn hóa ẩm thực Hà Nội nổi tiếng trong và ngoài nước với rất nhiều món ăn ngon, độc đáo. Du khách khi đến Hà Nội thường tìm đến những con phố ẩm thực nổi tiếng để thưởng thức các món đặc sản ngon hiếm có.
Phố Tống Duy Tân là một địa điểm ẩm thực có tiếng của Hà thành. Đây là con phố dài khoảng 200m, nối từ đường Trần Phú đến đường Điện Biên Phủ. Sau Cách mạng Tháng Tám, phố có tên Bùi Bá Đình Kỳ, thời tạm chiếm mang tên Kỳ Đồng – gắn liền với món bánh cuốn Kỳ Đồng nổi tiếng. Năm 1946, phố có tên gọi chính thức là Tống Duy Tân như hiện nay.
Người Hà Nội gọi phố này là “phố gà tần”, bởi cả phố có hơn chục nhà hàng bán gà tần thuốc bắc. Một bát gà tần thuốc bắc có giá 50.000đ, bên cạnh đó còn có gà tần nấm hương, gà tần hạt sen, gà tần sâm… ngon, bổ mà giá cả lại vừa phải nên thu hút được rất nhiều thực khách lui tới. Món gà tần từng được nhắc tới như một món ăn ngon, lạ về hương vị và cách trình bày trên nhiều báo nước ngoài.
Ngoài gà tần, phố ẩm thực Tống Duy Tân còn bán nhiều món ngon đặc trưng của Hà Nội như bún thang, bánh cuốn, phở… Các món ăn ở đây có hương vị rất riêng, nơi khác không có được nên ai đã ăn một lần đều muốn quay lại.
Năm 2002, phố Tống Duy Tân được chọn làm phố ẩm thực Hà Nội. Thực khách có thể tới đây thưởng thức ẩm thực từ sáng cho đến tận đêm khuya.
- Theo Nguyễn Tuyền (Datviet)
0 nhận xét: