"Làng xanh" bên chân núi Mây Tàu
Vì lẽ ở đây, màu xanh của các loại cây ăn quả đặc sản đã từng bước biến vùng đất vốn khô cằn, sỏi đá ngày nào trở thành vùng đất quanh năm tỏa ngát hương thơm của hoa xoài, hoa nhãn...
Trên đường đưa chúng tôi đi tham quan "làng xanh", anh Lê Hữu Dũng, nhân viên công an xã đã khoe: "Ở Xuân Hòa duy nhất chỉ có tổ dân cư số 18 là bà con chuyên canh cây ăn quả đặc sản. Có thể xem đây là bước đột phá mới về đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế nông nghiệp của xã nhà. Tuy nhiên, để lập được ngôi làng xanh như bây giờ, bà con cũng phải trải qua quá trình cam go lắm...!".
Giữa trưa hè nắng gắt của vùng đất giáp ranh với cực nam Trung bộ, vậy mà đứng ở "làng xanh", chúng tôi vẫn có cảm giác mát mẻ, dễ chịu. Tại căn nhà của anh Ngô Văn Cho, tổ trưởng tổ dân cư 18 nằm sâu bên trong "làng xanh" ẩn khuất dưới những vườn nhãn, vườn xoài sum suê, tươi tốt, chúng tôi tình cờ gặp anh Phạm Văn Sểnh, tổ phó an ninh tổ 18 cũng đang có mặt ở đó.
Nghe khách hỏi thăm về "làng xanh" của mình, anh Cho và anh Sểnh vui vẻ cho biết, "làng xanh" bắt đầu hình thành từ năm 1998, khi một số bà con ở miền Tây trên đường mưu sinh đã tìm đến đất Xuân Hòa định cư. Vốn liếng trong tay không có nhiều nên bà con phải vào sâu gần chân núi Mây Tàu khai hoang phục hóa và sang nhượng lại đất của cư dân địa phương để sản xuất.
Nhớ lại cái thuở ban đầu lập nghiệp trên vùng đất mới, anh Cho lắc đầu: "Trần thân lắm mấy chú ơi! Hồi đó đất ở đây toàn là gò mối với gốc cây. Sang nhượng lại một mẫu hết 9 triệu đồng nhưng phải tốn thêm gần chừng ấy nữa để cải tạo đất thì mới có thể sản xuất được". Đất đã có trong tay; nhưng vấn đề còn lại của bà con là phải tính toán trồng cây gì để phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vốn khắc nghiệt, thiếu nước trầm trọng.
Cần nói thêm là trước đó, ở Xuân Hòa, cây trồng chủ lực của bà con địa phương là cây mì, cây mía. Tuy nhiên, cây mía cũng không mấy thành công, chỉ có cây mì là chịu được. Nhưng đối với tập quán sản xuất của những người dân miệt vườn vùng Tây Nam bộ thì việc trồng cây mì, bà con không có nhiều kinh nghiệm, hơn nữa cây mì giá cả cũng bấp bênh, lên xuống thất thường nên bà con không mặn mòi lắm.
Vậy, tại sao không đưa các loại cây ăn quả vốn là thế mạnh của nông dân miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long trồng trên đất Xuân Hòa? Trong đó có một số loại cây như nhãn, xoài là loài cây chịu hạn, chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt? Tính toán như vậy nên ông Nguyễn Văn Thắng, cư dân trong tổ, vốn là dân Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, đã xung phong đi đầu xuống giống cây nhãn tiêu da bò và giống xoài ghép bưởi (trái có mùi bưởi khi chín). Từ khi xuống giống đến nay, mấy trăm cây nhãn, cây xoài của ông Thắng đã cho kết quả rất khả quan.
Trải qua nhiều mùa khô hạn khắc nghiệt nhưng cây vẫn chống chọi được và đâm cành, nẩy lộc, đơm hoa, kết trái. Trước sự đột phá thành công của ông Thắng, nhiều bà con trong tổ đã mạnh dạn vay vốn đầu tư lập vườn xoài, vườn nhãn, từng bước phủ xanh một vùng đất vốn khô cằn chỉ có loài cây buông, cây cọ mới tồn tại. Theo thống kê chưa đầy đủ của tổ trưởng Ngô Văn Cho, trong số 34 hộ của "làng xanh", với chừng 200 nhân khẩu (đều là dân miền Tây) thì đã có 100% hộ lập vườn, trồng nhãn, trồng xoài (tổng diện tích hơn 64 hécta). Hộ nhiều nhất trồng 4-5 hécta, ít cũng 0,5 - 1 hécta.
Vụ thu hoạch đầu tiên năm 2000 - 2001, bình quân mỗi hécta nhãn cho 5 tấn trái, con số này đã tăng dần lên theo tuổi của cây trong những năm sau. Riêng anh Cho sắp tới, chỉ với vài sào năm thứ 5 thôi cũng có thu nhập mười mấy triệu đồng. Đối với cây xoài cũng vậy, vụ thu hoạch trong năm 2006, có hộ như ông Nguyễn Văn Quang đã thu hoạch 4 hécta nhãn với sản lượng đạt 16-20 tấn, thu về ngót nghét cả trăm triệu đồng. Hoặc như hộ ông Nguyễn Hoàng Sung thu trái từ 105 gốc xoài được 30 triệu đồng v.v...
Trong cuộc chạy đua để giảm đói nghèo thì hiệu quả kinh tế từ việc lập vườn trồng cây ăn quả bên chân núi Mây Tàu của bà con tổ dân cư số 18, ấp 2, xã Xuân Hòa là việc làm đáng trân trọng. Cũng theo tổ trưởng Ngô Văn Cho, để cho kinh tế của "làng xanh" và bà con trong khu vực phát triển bền vững, bà con tự làm giàu ngay trên mảnh đất của mình. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở đây là cần phải có sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước về nguồn nước tưới. Vì, có nước thì phát triển cây gì cũng được.
Thông thường ở Xuân Hòa, cứ sau Tết Nguyên đán là nguồn nước tưới đã cạn kiệt, các con suối ở đây đều trơ đáy. Do vậy, hy vọng cũng là cứu cánh của bà con là mong Nhà nước quan tâm đầu tư cho vùng đất này, hệ thống kênh mương thủy lợi dẫn nước từ con Suối Điệp ở vùng chuyên canh mía xã Xuân Hưng về Xuân Hòa. Có nước, "làng xanh" sẽ thêm xanh hơn.
- Theo Đức Việt (web Dongnai)
0 nhận xét: