Bãi Tiên ở cù lao Bờ Bãi

Chỉ khoảng 90 phút di chuyển trên tàu cao tốc và một chuyến tàu gỗ từ cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi), du khách đã đặt chân đến Bãi Tiên xinh đẹp với bãi biển cát trắng ngần, nằm giữa biển mênh mông.

< Một góc bãi Tiên.

Bãi Tiên nằm trên cù lao Bờ Bãi – một hòn đảo nhỏ thuộc huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Hàng trăm năm nay, đảo đã có người sinh sống.

Quy mô đảo nhỏ - chu vi chỉ vài cây số nên người ta còn gọi hòn đảo này là "cù lao". Dù vậy, nơi này lại thừa hưởng nhiều bãi biển xinh đẹp. Tuyệt vời nhất có lẽ là Bãi Tiên – nơi bờ cát trắng ôm lấy chân tường đá đen tuyền, tạo sự đối lập vô cùng hấp dẫn.

< Hang động trên đảo.

Người ta nói rằng toàn bộ cù lao Bờ Bãi được cấu tạo từ dòng chảy nham thạch của 5 miệng núi lửa hoạt động cách nay hàng triệu năm.
Dải đá ấy đen tuyền nằm dọc theo bờ biển. Lâu ngày, đá bị sóng bào mòn, một phần sụp xuống tạo nên những vách đá dựng đứng như bức tường thành nằm dọc theo bờ biển. Cát Bãi Tiên trắng ngần. Nước trong xanh như ngọc bích, ánh sáng mặt trời soi rọi tận đáy, tạo nét lung linh huyền ảo.

Bãi tắm này nằm xa khu dân cư. Chỉ vào dịp cuối tuần mới có du khách ra đây tắm biển, phơi nắng và thưởng thức hải sản. Ngày thường, biển Bãi Tiên vắng. Thỉnh thoảng, một vài thuyền câu vào bờ để tiếp nhiên liệu hay chuyển hải sản lên bờ hoặc những người dân đi hái rong phơi khô làm phân bón cho cây tỏi – một đặc sản gắn với vùng đất cát.

Bãi biển ở đây khá nhỏ nhưng vẫn dư chỗ cho du khách vẫy vùng trong làn nước trong xanh, bơi hàng giờ, úp mặt xuống nước để ngắm san hô và sinh vật biển mà không chán. San hô và rong biển ở khu vực này rất nhiều và tươi tốt. Chỉ cần mức nước sâu một vài tấc là dày đặc san hô, rong biển. Du khách không thể đặt chân lên bãi vì sẽ chạm vào không gian sống, gây ảnh hưởng đến sinh thái. Cách tốt nhất là mang kính và ngậm ống thở, mặc áo phao, nổi lềnh bềnh trên mặt nước và ngắm san hô.

Ở Bãi Tiên, san hô không đa dạng bằng các khu bảo tồn nhưng mật độ dày và khá phong phú. Chúng gần như không bị tác động từ sinh hoạt của con người. Đến đây, du khách cũng tự ý thức được việc bảo vệ môi trường và gìn giữ cảnh quan thiên nhiên. Mang kính bơi, du khách dễ dàng thưởng lãm không gian sinh vật biển lung linh như chốn thủy cung trong phim ảnh hay trong tưởng tượng của trẻ con khi đọc truyện cổ tích.

Những hốc đá hình thành từ dung nham núi lửa lâu ngày bị xâm thực tạo ra những hang động kỳ quái. Có những hàm ếch cao như mái nhà làm nơi che nắng, che mưa cho du khách. Có những hang sâu ngoằn ngoèo như đường hầm.

Cũng có những hang động thông từ bãi biển lên đỉnh cao 7-8 mét. Những hang động này tạo nên một không gian huyền bí, thách thức du khách khám phá và tưởng tượng. Khi tắm biển và ngắm san hô chán, khách lên bờ khám phá hang động hay đi dọc theo bãi biển, leo trèo trên những ghềnh đá để chinh phục bãi biển xinh đẹp này. Phải dùng từ "chinh phục" bởi muốn đi suốt chiều dài bãi biển, có lúc du khách phải băng ngang eo biển, có lúc phải leo lên cao gần 10 mét, có lúc phải nhảy từ tảng đá này sang tảng đá kia. Đi một cây số, mất không dưới một giờ đồng hồ.

< Xóm chài trên đảo.

Khi đã chán hang động, người ta lại quay xuống biển. Cứ thế, ở suốt cả ngày trên Bãi Tiên vẫn không chán. Nhiều người còn ở lại qua đêm bằng cách ngủ nhờ nhà dân hoặc giăng lều trên biển để tận hưởng cảm giác tuyệt vời trong thời gian lưu lại trên đảo.

Người dân đảo cuộc sống dù chưa phải là giàu có nhưng rất giàu tấm lòng. Hỏi xin ngủ nhờ, họ sẵn sàng nhường cái gối, cái mùng và tấm chiếu mời khách. Nước ngọt khá hiếm trong mùa này nhưng họ cũng sẵn sàng chia sẻ với khách. Khách có gởi lại chi phí thì thường chủ nhà cũng không nhận.

< Cầu tàu trên cù lao Bờ Bãi.

Hằng ngày, có hai chuyến tàu cao tốc trong buổi sáng xuất phát từ cảng Sa Kỳ ra đảo Lớn. Tại đây, du khách đi tàu gỗ sang cù lao Bờ Bãi. Để tiện cho việc di chuyển, khách có thể thuê tàu với giá khoảng 500.000 đồng/lượt cho đoàn 10-20 người. Tàu từ đảo Lớn sang cù lao này xuất phát lúc 8 giờ sáng và trở về lúc 2 giờ chiều.


Đảo tiên giữa biển

- Theo Ngọc Liên (báo Cần Thơ), ảnh internet