Lên bản Đá Còi
Bản nghèo nơi rừng sâu
Bản Đá Còi là một trong 14 bản vùng sâu, vùng xa của xã Ngân Thủy. Bản có tất cả 55 hộ dân, với 229 nhân khẩu, gồm hai vùng riêng biệt cách nhau gần 10 cây số đường rừng, trong đó, vùng Hang Còi (có 25 hộ) nằm biệt lập giữa đại ngàn Trường Sơn và Rào Đá (30 hộ) ở vùng ngoài cách tỉnh lộ 10 từ km 5 chừng 15 km.
Để được tận mắt chứng kiến đời sống sinh hoạt của bà con Vân Kiều ở khu vực Hang Còi, chúng tôi phải đi bộ mất hàng giờ đồng hồ băng rừng, lội suối. Ở đây mùa này con nước Rào Đá chảy xiết rất hung dữ nên chúng tôi phải nắm lấy tay nhau, dùng chân bám lấy những tảng đá tai mèo sắc nhọn mới qua được con suối.
Dọc đường đi, anh Hồ Văn Bốn, công an viên - người dẫn đường cho biết, từ bao đời nay, hàng chục hộ dân ở Hang Còi hàng ngày vẫn phải băng rừng, lội suối như thế này để ra trung tâm bản mỗi khi có công việc cần giải quyết. Đó là chưa kể đến chuyện phải đưa con ra trung tâm theo học. “Khó khăn nhất là về mùa mưa lũ, bà con ở Hang Còi chỉ biết nhìn theo dòng nước chảy xiết mà bất lực, hoặc những khi đau ốm cũng không có cách nào đi được, con em phải nghỉ học ở nhà. Hàng chục năm qua người dân vẫn sống trong điều kiện cách trở như thế”, anh Bốn than phiền.
Vào đến Hang Còi lúc đã nhá nhem tối. Vội uống ngụm nước suối, chúng tôi được Trưởng bản Hồ Minh Vừa dẫn đi tìm hiểu đời sống bà con Vân Kiều. “Hang Còi vẫn còn hoang sơ, khó khăn và thiếu thốn nhiều lắm cán bộ ơi!”. Trưởng bản Vừa vỗ vai tôi và liệt kê lên một điệp khúc về sự nghèo khó của bà con nơi đây.
Cũng giống như người dân ở Rào Đá, hàng chục hộ dân ở Hang Còi vẫn chưa có điện chiếu sáng và phải thắp đèn dầu để sinh hoạt suốt hàng chục năm qua. Không những thế, họ còn phải sống trong cảnh không có nước sạch sinh hoạt. Vì thế, hàng ngày người dân phải đi lấy nước từ khe suối về sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Khi ốm đau muốn đến trung tâm khám bệnh phải đi gần 20 km đường rừng. Con em trong bản đi học chỉ có cách duy nhất là “băng rừng” trọ học.
Đá Còi mong lắm ngày có ánh sáng điện!
Theo Trưởng bản Vừa cho biết, trước đây, muốn đến trung tâm bản chỉ có cách duy nhất là "cuốc bộ" theo tuyến đường độc đạo ven các khe suối. Bây giờ, khu vực Rào Đá, bản Đá Còi đã có chút thay đổi hơn nhờ được đầu tư nâng cấp con đường cấp phối biên hòa nối từ đường 10 tại km 5 vào trung tâm bản.
Hiện bản Đá Còi đã được chương trình 134 đầu tư công trình nước tự chảy, cung cấp nước cho hai phần ba số gia đình trong bản, số hộ còn lại đang được khảo sát để đưa nước về. Tuy nhiên, đời sống của bà con nơi đây vẫn còn rất nhiều khó khăn. Và cái khó khăn nhất là không có điện chiếu sáng nên người dân phải thắp đèn đầu để sinh hoạt và cho con em học bài.
< Không có điện nên bà con phải sinh hoạt dưới ngọn đèn dầu...
Trong sự khó khăn trăm bề ấy, Trưởng bản Vừa cười khà và từ hào rằng, ở Quảng Bình, Đá Còi được nhiều người biết đến lắm. Bởi, đây là bản đầu tiên ở vùng rẻo cao của tỉnh trồng được lúa nước. “Bản có gần 10 ha lúa, trồng hai vụ. Một số hộ dân làm 2 - 3 sào, hộ nhiều hơn thì có 4-5 sào ruộng lúa nước.
Tuy cây lúa năng suất không cao như ở đồng bằng nhưng về cơ bản, lương thực cho bà con được giải quyết tại chỗ, góp phần ổn định đời sống người dân. Ngoài ra, bà con Vân Kiều còn chăn nuôi gia súc gia cầm để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, điều mà bà con dân bản mong muốn bây giờ là được Nhà nước đầu tư điện chiếu sáng”, Trưởng bản Hồ Minh Vừa nói.
< ...và con em cũng phải chong đèn dầu để học bài.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Núi, Phó chủ tịch UBND xã Ngân Thủy cho biết, với đặc thù là xã miền núi nên điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện xã vẫn còn gần 80% hộ nghèo; về xây dựng cơ bản cũng đã được Nhà nước đầu tư theo các chương trình 134, 135 như vấn đề nhà ở, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho bà con; xây dựng điểm trường tiểu học tại khu vực Rào Đá (bản Đá Còi); bê tông hóa kênh mương ở bản Cửa Mẹc, đầu tư đường bê tông vào bản Cây Sung…
Tuy nhiên, để đưa bà con xã Ngân Thủy thoát khỏi nghèo đói thì vẫn đang rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của cấp trên.
< Cụ bà này đã ở cái tuổi "gần đất xa trời" nhưng chưa một lần nhìn thấy ánh sáng điện.
“Vừa rồi chúng tôi đã vận động 25 hộ dân sống ở Hang Còi di chuyển ra vùng trung tâm và xin đất xây dựng khu tái định cư cho người dân. Sắp tới sẽ đầu tư xây dựng nguồn điện năng lượng mặt trời cho bà con, còn 30 hộ ở khu vực Rào Đá vừa rồi các đơn vị đo đạc cũng đã tiến hành khảo sát để mang ánh sáng điện về cho bà con”, ông Hồ Văn Núi, Phó Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy.
- Theo Đăng Đức – Đặng Tài (báo DânTrí)
0 nhận xét: