P cuối - Như tìm lại tuổi thơ

(Tiếp theo và hết) - Sáng tôi dậy sớm, thuê xe đạp và lên đường. Thong thả đạp xe, nhưng tôi chưa có chủ định sẽ đi đâu vì mới lần đầu đến Siem Reap.
Khi nhìn thấy tấm bảng chỉ dẫn trên đường, tôi chợt nghĩ: “Mình không vào tham quan Angkor, nhưng cũng nên tìm đường đến khu vực đó cho biết”. Nghĩ vậy tôi đạp xe về hướng Angkor.

< Cảnh trí thiên nhiên hữu tình đưa tôi lạc vào Angkor mà không hay biết.

Phong cảnh hai bên đường rất đẹp, tôi chạy khoảng 6 km thì nhận ra mình đã đến khu vực xung quanh đền. Thật ra, tôi đã đi qua một trạm kiểm soát nhưng chắc nhìn tôi giống người Khmer nên không thấy ai kiểm tra vé.

Lạc vào Angkor

< Không có bản đồ, du khách vẫn có thể tự tìm đường đến Angkor nhờ bảng chỉ dẫn được gắn khắp nơi.

Nhìn xa xa, đền đài Angkor mọc lên giữa một vùng sông nước bao quanh. Người ra vào cổng tấp nập, tôi chỉ đứng ngoài chụp hình. Sau này tôi mới biết, để vào được chỗ tôi đứng, du khách cũng phải mua vé rồi. Chụp hình xong tôi chạy vòng vòng dạo chơi. Xa khu đền một chút có những xóm Khmer nghèo, trẻ em cũng khá nhiều, nhìn rất tội nghiệp. Tôi liền sinh lòng thương cảm, nghĩ đến tuổi thơ của mình.

Ghé vào một quán nhỏ, tôi mua hết số kẹo mút còn lại của quán, rồi đạp xe chạy vòng vòng, thấy nhà nào nghèo có mấy em bé đang ngồi ở ngoài sân chơi là tôi ngoắc lại cho kẹo. Các em bé Khmer rất dễ thương, hễ tôi cho kẹo là chắp hai bàn tay lại cám ơn, chứ không xin thêm hoặc giành giật nhau. Điều đó càng làm tôi thương quý các em hơn. Nhiều em ở trần, chỉ mặc mỗi chiếc quần cộc thôi; nghĩ mà tội, lần sau đi đến nơi này nữa, có lẽ tôi nên chuẩn bị một ít quần áo cũ còn tốt cho những em bé nhà nghèo. Tôi còn gặp cả một gia đình em bé không nhà không cửa đang đốt lửa sưởi ấm trên đường, bé gái gầy còm này không mặc áo, chiếc quần thì tả tơi, cha mẹ em cũng không khá gì hơn.

< Đạp xe lòng vòng, tôi lọt vào khu vực du khách phải có vé nhưng mãi sau tôi mới biết vì thấy còn xa khu đền đài của Angkor.

Tôi định móc tiền ra cho, nhưng nhớ lại là không nên cho tiền, vì như thế người ta sẽ coi ăn xin là một nghề hái ra tiền và không chịu lao động. Nghĩ thế tôi lại thôi. Xung quanh chỗ đó lại không có bán hàng quán, nếu có chắc tôi sẽ ghé vào mua đồ ăn cho em bé này, vì tôi nghĩ em chưa có gì để ăn sáng (có thể chưa bao giờ biết ăn sáng là gì!). Bỗng dưng, tôi cảm giác gắn bó với đất nước này, như vừa tìm lại được tuổi thơ của mình.

Dọc đường tôi mua cơm lam, là loại cơm nếp nấu trong ống tre ấy. Tôi dừng lại ở một khu rừng thưa định ăn. Có hai em bé đang nhặt củi, tôi chỉ còn đúng một viên kẹo thôi, tôi ngoắc nhóc nhỏ lại cho kẹo. Hai chị em này đi dọc khu rừng lượm củi rồi chặt thành từng bó, có một chiếc xe đạp dựng ở đó, tôi đoán chúng sẽ dùng xe đạp chở củi về. Có một con khỉ chạy đến gần chỗ đứa em, nhóc nhỏ mếu máo, cô chị chạy lại dùng cây xua bọn khỉ đi. Bất chợt con khỉ chạy lại phía tôi, rồi thêm hai, ba con khỉ khác ở đâu kéo nhau tới khiến hai cô bé và tôi cũng hoảng sợ. Một cô lao công đứng gần đó xua bọn khỉ lên cây rồi chỉ tay vào ống cơm lam của tôi, cô ấy nói là bọn khỉ định giành ăn với tôi.

< Những kiến trúc của Angkor Wat có thể nhìn thấy ở vòng ngoài.

Tôi đi về, nhưng không theo đường cũ mà muốn đi một đường khác để khám phá cái mới (với tôi). Đi qua một trạm soát vé nhưng không ai hỏi tôi. Đoạn đường này hơi vắng vẻ nên tôi thấy sợ và quay đầu xe đạp ngược trở lại. Một người chạy xe máy chở một bà lão chạy phía sau, chắc tưởng tôi là người Khmer, lên tiếng hỏi tôi "Angkor wat ở đâu?". Tôi liền chỉ: “Phlu chiết, bos sadam” (đi thẳng, quẹo phải). Họ liền ngớ ra khi biết tôi là người nước ngoài, bà già ngồi trên xe còn cám ơn tôi nữa. Ái dà, vậy là tôi còn chỉ đường cho dân Khmer đi Angkor wat nữa đấy nhé!

Quay lại chỗ trạm soát vé hồi nãy, lần này họ yêu cầu tôi dừng lại và xuất trình vé. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao, bảo vệ giải thích là xung quanh trong đó là khu vực đền đài rồi, phải mua vé. Lúc này đây tôi mới biết là hồi sáng tôi lọt vào khu vực đền mà không mất tiền. Bây giờ không được vào trở lại bên trong sao tôi về được, hồi sáng tôi đi đường đó mà. Tôi liền láu cá nói rằng tôi không có ý định vô coi đền, tôi bị lạc đường chỉ muốn tìm đường về thôi, hồi sáng tôi đi dạo và bị lạc theo đường trong kia, bây giờ tôi chỉ biết về đường cũ.

< Cổng vào Angkor.

Họ bảo nếu không mua vé tôi phải quay ngược trở ra, sẽ có đường về khách sạn. Tôi bảo tôi không biết đường. Một xe tuk tuk gần đó bảo hắn sẽ đưa tôi về, hắn lấy rẻ thôi. Tôi từ chối, rồi hỏi thật kỹ đường đi và quay xe trở lại. Lúc này đường đã đỡ vắng hơn, chứ không như lúc nãy. Tới khu dân cư đông đúc, tôi tìm được con đường quen thuộc luôn mà không phải hỏi bất cứ ai. Về gặp một ngôi chùa đang có lễ hội, tôi ghé vào lạy. Hôm đó là mùng 5 tháng 5 âm lịch, tết Đoan ngọ năm Nhâm Thìn.

Về đến nhà nghỉ, tôi ngủ một giấc đến chiều mới dậy đi chợ, định mua một ít đường thốt nốt, đặc sản Campuchia. Tôi gần hết sạch tiền, nhẩm tính tiền khách sạn, vé xe, tiền ăn tối xong, tôi chỉ còn một ít. Biết vậy tôi đừng mua đồ lưu niệm bên Thái thì may ra giờ tôi còn tiền, nhưng tôi vẫn cố gắng tha 4 bịch đường về.

< Một tháp nhỏ, đi thông qua như cổng chào, nằm chơ vơ giữa khu cây cối rậm rạp.

Tôi kiếm chút đồ ăn rồi chạy vào ngôi chùa ở gần chợ, một ngôi chùa có khuôn viên rất đẹp. Một cậu nhóc học sinh 12, đang sống trong chùa nói chuyện với tôi, tiện thể tôi nhờ chụp hình. Cậu bé này sắp thi tốt nghiệp, có ước mơ sẽ đậu vào ngành du lịch tại một đại học ở Phnom Penh. Nó nói, muốn phát triển du lịch tại Siem Reap, giúp người nghèo Khmer có cuộc sống khá hơn. Cậu bé này sống trong chùa cùng với một số bạn học sinh khác, những người như vậy gọi là “pagoda boy” tức là sống trong chùa nhưng không phải đi tu. Nhà những em này thường nghèo, không có tiền thuê phòng trọ ăn học, một số chùa có điều kiện giúp các em miếng ăn, chỗ ở để tiếp tục việc học.

Tôi mua đồ về khách sạn ăn tối. Yeyen đã về, hỏi tôi đi dạo vui không, tôi kể lại chuyện "đột nhập" Angkor cho cô ấy nghe, cô ấy thích lắm. Yeyen bảo hôm nay cô ấy tốn mất khoảng 40 đô la. Tôi hỏi sao nhiều thế, Yeyen nói tiền vào Angkor là 20 đô rồi, xe tuk tuk 10 đô, trưa ăn cơm trong khu vực đền mất 5 đô, mua nước hết 3 đô nữa. Tôi nghe xong... mém xỉu!

< Một ngôi chùa ở gần chợ Siem Reap.

Mai tôi về rồi, Yeyen có vẻ rất lưu luyến. Chúng tôi tâm sự rất nhiều, Yeyen cũng đi vòng vòng châu Á được gần chục nước rồi, hộ chiếu của cô ấy dấu mộc tùm lum. Cô nàng cũng vừa chia tay bạn trai, khi anh này sang Pháp du học và bỏ cô lại Indonesia. Trước đây, đi bụi cô ấy thường đi chung với bạn trai, giờ chỉ còn lại một mình. Tôi hỏi cô ấy buồn không, Yeyen nói không sao. Nhưng có vẻ là cô ấy đang... rất... rất "có sao" đấy!

Chia tay Siem Reap - hẹn sẽ trở lại

Sáng sớm, phục vụ phòng gõ cửa đánh thức tôi dậy. Lát sau, ra sảnh đã thấy ba anh chàng người Nga đã có mặt, xe tuk tuk sẽ đưa bốn người chúng tôi ra bến xe, nơi Capitol sẽ đưa chúng tôi đi Phom Penh và nối chuyến về Việt Nam. Yeyen tiễn tôi và nói vài ngày nữa cô ấy sẽ đến TPHCM, hẹn sẽ gặp lại tôi. Ba anh người Nga cũng đi TPHCM, nhưng tôi cũng ít nói chuyện với họ.

Một bố Khmer lớn tuổi ngồi ở băng đối diện nói được tiếng Anh. Ông ấy là kỹ sư cơ khí làm việc ở Phom Penh, cuối tuần ông về thăm nhà ở Siem Reap. Bà vợ ngồi cạnh ông cũng biết nói chút chút. Trong lúc nói chuyện, tôi học thêm được một từ: Lãn (có nghĩa là đợi).

Đến nơi, tôi chạy thẳng đến văn phòng xe Capitol, bác tài chạy chuyến Phnom Penh - TPHCM đang đứng đó, tôi đưa hộ chiếu cho tài xế và lên xe đi luôn.

Bỗng dưng tôi thấy đói bụng, nhưng trong túi chỉ còn 500 riel (2.500 đồng) không thể mua được gì, đành cố nhịn đói tới cửa khẩu, xe sẽ dừng lại quán cho khách ăn bữa chiều mới làm thủ tục. Tôi còn 100 ngàn tiền Việt, hỏi bà bán bắp có xài tiền Việt không (vẫn đang bên cửa khẩu phía Campuchia). Bà bán bắp đáp, có. Hóa ra, bà ta là người Việt. Tôi mua hai trái bắp hết 10 ngàn và yêu cầu thối tiền Việt cho tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấm thía câu tục ngữ "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Tôi ăn một hơi hết sạch hai trái bắp và thấy mình tỉnh táo trở lại.

Dư âm - thay lời kết

Vừa tới cửa khẩu, điện thoại có sóng, mẹ tôi gọi, giọng mệt mỏi: “Con đi đâu cả tuần nay làm má lo lắng”. Lúc đi, tôi không cho mẹ biết, chỉ nói với thằng em tôi và dặn nó ém kỹ dùm, nếu mẹ tôi biết đời nào tôi đi ra được khỏi cửa! Nhưng đến khi tôi về nhà cho mẹ tôi coi hình, thì bà lại cười cười: “Má đi làm hộ chiếu, con dẫn má đi Thái một lần cho biết nhá, má không bị say xe đâu”. Trời, tôi có nghe nhầm không vậy?

< Yeyen cũng dậy sớm để chia tay tôi, hẹn sẽ gặp lại nhau tại TPHCM.

Thằng em út tôi: “Em đi Campuchia chỉ tốn có 700 ngàn thôi, chị xài tới 1 triệu rưỡi, mắc hơn em rồi”. Thằng nhóc nó tính chi phí được ngon lành vậy là do nó có bạn bên Campuchia, người ta sẵn sàng nuôi cơm nó cả tuần. Nó còn có một người bạn bên Trung Quốc, chỉ cần vài triệu tiền xe đi về, nó có thể vi vu qua đó chơi hàng tuần. Tôi đi bụi, đâu có quen ai, nhờ vả ai đâu mà chi phí rẻ được như nó.

Ba tôi thì phán: “Ba đi Campuchia chỉ cần 200 ngàn, tới cửa khẩu đóng mộc xong rồi quay về vì… sợ”. Còn "sếp" tôi úp mở: “Sao? Em đi một mình hả? Có cần anh cho người đi theo bảo vệ em không?”.
Bangkok, Phnom Penh, Siem Reap ơi! Tôi sẽ trở lại cùng với một người nữa. Một "đôi" đấy nhé!

Hết
P1 - Một tuần "tây tiến"
P2 - Ngày đầu trên đất Thái
P3 - Một ngày không vui
P4 - Du lịch... lang thang
P5 - Chuyến về hồi hộp
P6 - Những người bạn đường dễ mến
Phần cuối - Như tìm lại tuổi thơ

Vy Vân
- Theo Thesaigontimes.vn